Độc đáo bảo tàng thôn Quảng Xá

  • 10:18 | Thứ Năm, 17/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã hơn một tháng qua, cứ đều đặn vào những ngày cuối tuần, bảo tàng thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) lại mở cửa cho con em trong thôn và các vùng lân cận đến xem những hiện vật rất sinh động, có giá trị về truyền thống đấu tranh, giữ gìn bản sắc văn hóa, lịch sử của quê hương. Ông Nguyễn Quang Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh khẳng định: "Đây là bảo tàng cấp thôn đầu tiên ở huyện Quảng Ninh được xây dựng và chính thức ra mắt vào ngày 2-9-2019...".
 
Nhiều hiện vật độc đáo
 
Dẫn chúng tôi đến xem các hiện vật ở bảo tàng thôn Quảng Xá, ông Nguyễn Đình Xờ, Bí thư Đảng bộ bộ phận Quảng Xá (trực thuộc Đảng ủy xã Tân Ninh) tự hào giới thiệu: "Để có được một bảo tàng cấp thôn như ngày hôm nay, Đảng bộ bộ phận Quảng Xá từng có một quá trình chuẩn bị, đưa vào nghị quyết để triển khai thực hiện kéo dài hơn chục năm ròng. Dù quy mô chưa lớn, nhưng thời điểm này, bảo tàng đã có 1 gian phòng với 2 tủ kính trưng bày trên 70 hiện vật rất có giá trị. Nét độc đáo của bảo tàng thôn Quảng Xá là mỗi một hiện vật nơi đây đều có sự gắn bó rất mật thiết với từng quá trình, giai đoạn, thời điểm lịch sử, giá trị văn hóa, con người... của địa phương".
Những vũ khí của quân và dân làng Quảng Xá dùng để chống lại quân giặc đang được lưu giữ tại bảo tàng thôn
Những vũ khí của quân và dân làng Quảng Xá dùng để chống lại quân giặc đang được lưu giữ tại bảo tàng thôn
Để minh chứng điều đó, ông Nguyễn Đình Xờ chỉ tay vào từng ngăn chứa hiện vật trong tủ kính được trưng bày ở bảo tàng, rồi giải thích cặn kẽ: "Ngăn này chúng tôi bố trí toàn những hiện vật liên quan tới thời điểm lịch sử trước năm 1945. Đây là 1 cái bát và 1 cái dĩa bằng chất liệu gốm cùng những đồng tiền cổ có xuất xứ từ thời nhà Lý, nhà Trần do cụ Nguyễn Ngọc Trai, một người dân ở làng Quảng Xá trao tặng. Còn đây là các tấm đá lát đường, khúc gỗ được chạm khắc và những tư liệu bản đồ của làng có từ thời phong kiến trước năm 1945. Ngăn thứ hai dùng để trưng bày những hiện vật từng gắn bó với giai đoạn tiền khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 và lúc cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chẳng hạn, đây là mã tấu, nỏ, khiên, súng kíp chống càn, mõ, vũ khí tự tạo... của dân quân tự vệ, du kích làng Quảng Xá dùng để chống lại giặc ngoại xâm, được thân nhân các liệt sỹ và người dân trong thôn trao tặng. Còn đây là "Hũ gạo tiết kiệm trong thời kỳ cả nước phát động chống giặc đói, diệt giặc dốt" và "Hũ gạo nuôi quân" do ông Theo, mệ Duy (người làng Quảng Xá) trao tặng lại cho bảo tàng thôn. Liên quan đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chính quyền thôn Quảng Xá cũng được người dân trong thôn trao tặng lại nhiều hiện vật rất có giá trị, từng gắn bó với những cựu chiến binh, liệt sỹ là con em của thôn, như: ba lô, đèn măng sông, áo quần quân đội, mũ cối, võ đạn...".
 
Ông Nguyễn Trung Lộc, Trưởng thôn Quảng Xá thông tin thêm: "Thời điểm này, do không gian trưng bày các hiện vật của bảo tàng thôn Quảng Xá khá chật hẹp nên chúng tôi chỉ trưng bày "hạn chế" được một số hiện vật. Thời gian tới, địa phương sẽ kiến nghị chính quyền cấp trên và tiếp tục kêu gọi con em trong làng đóng góp thêm kinh phí, hiện vật để đầu tư mở rộng không gian trưng bày. Có thể chúng tôi sẽ mở rộng trưng bày thêm những hiện vật liên quan đến quá trình lao động sản xuất, ngành nghề nông thôn...".
 
Tái hiện nhiều giai đoạn lịch sử hào hùng của làng
 
Lần theo những dòng tư liệu từ cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Tân Ninh giai đoạn 1930-2015" (xuất bản tháng 2-2018) để đối chiếu với các hiện vật có ở bảo tàng thôn Quảng Xá, chúng tôi nhận thấy mối liên hệ của các hiện vật với lịch sử ở địa phương là rất khăng khít, phù hợp, có tính thuyết phục cao.
 
Theo lãnh đạo thôn Quảng Xá thì hầu hết các hiện vật có được ở bảo tàng thôn chủ yếu là do con em địa phương hiến tặng, sưu tầm được. Đơn cử như, các tấm đá lát đường, khúc gỗ được chạm khắc và những tư liệu bản đồ của làng có từ thời phong kiến trước năm 1945... do cụ Dương Viết Thủ trao tặng trùng khớp với những dòng tư liệu cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Tân Ninh giai đoạn 1930-2015" (trang 25): "Trước năm 1955, kiến trúc đá liếp là đặc điểm chỉ có ở làng Quảng Xá, gồm đường đá, thềm đá, giếng xây đá, móng đá, tường xây đá... Con đường làng, đường xóm đều lát đá liếp cỡ 60cm x 60cm, dày 6-7cm... Ở phía bắc làng, cạnh chợ có chùa thờ Phật. Chùa được xây dựng trước thời vua Gia Long lên ngôi (1802)..."
 Sắp tới, chính quyền xã Tân Ninh có kế hoạch
 
Sau một ngày đêm điều tra qua bọn phản động ngóc đầu dậy, biết được lực lượng và vũ khí thô sơ của ta, ngày 3-4-1947, địch tăng cường thêm lực lượng tiến đánh Quảng Xá lần thứ hai... Trong một buổi chiều chúng lùng sục và tàn sát 80 người, trong đó có 41 chiến sỹ dân quân, tự vệ đã hy sinh...".
 
Bí thư Đảng ủy xã Tân Ninh Nguyễn Quang Tuyển cho biết: "Năm 2008, làng chiến đấu Quảng Xá vinh dự được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2008 tại Quyết định số 3355/QĐ-UBND ngày 18-12-2008. Đây cũng là thời điểm chính quyền thôn Quảng Xá thông qua nghị quyết xây dựng bảo tàng thôn Quảng Xá để đưa vào thực hiện và được sự chấp thuận của Đảng ủy xã Tân Ninh. Những hiện vật có ở bảo tàng này đã phần nào tái hiện được nhiều giai đoạn lịch sử rất hào hùng của làng như: trận đánh của quân và dân Quảng Xá năm 1947; quân và dân Quảng Xá cùng với chính quyền xã Tân Ninh chống thực dân Pháp đổ bộ, diệt địch trừ gian, chuẩn bị lực lượng tiến tới cao trào "Quảng Bình quật khởi", xây dựng làng chiến đấu; quân và dân Quảng Xá đẩy mạnh thi đua "Hai giỏi", góp công đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc... Sắp tới, chính quyền xã Tân Ninh có kế hoạch "nâng tầm" bảo tàng này lên quy mô cấp xã để góp phần vào việc nâng cao giá trị giáo dục truyền thống, văn óa, lịch sử cho con em địa phương."
                                                                                                                                Văn Minh