Dấu ấn văn hoá Chăm Pa ở Quảng Bình qua một số tác phẩm điêu khắc

  • 23:23 | Thứ Năm, 03/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mảnh đất Quảng Bình từng là nơi cư trú lâu đời của cư dân Chăm Pa gần 10 thế kỷ (từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ XI), di sản văn hóa của họ để lại khá phong phú với nhiều loại hình, đặc biệt là một khối lượng các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị.
 
Những năm đầu thế kỷ XX, các học giả người Pháp đã tiến hành điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ học, nghiên cứu các địa điểm như Đại Hữu, Mỹ Đức, Phong Lệ… để tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã đi sâu tìm hiểu các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa ở Quảng Bình đang trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, các bảo tàng trong và ngoài nước.
 
Các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa của Quảng Bình, hiện nay không những được lưu giữ ở Bảo tàng tỉnh mà còn có một số lượng không nhỏ tại Bảo tàng thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh và một số bảo tàng ở Cộng hòa Pháp.
 
Đặc biệt, tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa thành phố Đà Nẵng có pho tượng Bồ tát Tara được phát hiện năm 1918 tại thôn Đại Hữu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Tượng có kích thước 1,07m x 0,56m x 0,28m, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VII. Tượng được chế tác bằng đá sa thạch, trong tư thế đứng, hai cánh tay buông thỏng. Tóc của pho tượng được búi cao theo kiểu Jata – Mukuta thành hai tầng bởi hai vòng tóc tết ngang lại, mỗi bên buông xuống 3 lọn tóc xoắn. Phía trước trán, dưới đường chân tóc có hai múi tóc nhọn, hai bên mang tai có hai làn tóc thỏng xuống và hơi cong ra sau. Mái tóc phía trước được chải phồng lên.
 
Là tượng nữ Bồ tát Tara có mắt dài, tâm mắt khắc hình hạnh nhân hơi lệch, lông mày rậm và giao nhau, mũi ngắn, rộng và hơi cao, môi dày, tai có xâu lỗ, cổ to tạo thành ba ngấn; vú lớn căng tròn, núm vú nổi rõ. Quanh thân pho tượng quấn một chiếc sa rong có trang trí hoa văn cầu kỳ, tà trước bó thõng xuống. Chân của pho tượng nhỏ và được để trần trên mắt cá.
 Gian trưng bày hiện vật dấu tích văn hóa Chăm Pa ở Quảng Bình của Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Ảnh A.T
Gian trưng bày hiện vật dấu tích văn hóa Chăm Pa ở Quảng Bình của Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Ảnh A.T
Pho tượng thứ 2 cũng được tìm thấy ở Đại Hữu, Quảng Bình, đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng, là pho tượng Quan Thế âm bồ tát Lokelvara, tượng có khuôn mặt đẹp, trang nghiêm, tượng nam, với bộ ria mép dày che kín môi trên. Pho tượng cũng được làm bằng đá sa thạch mang phong cách Đồng Dương, có niên đại khoảng cuối thế kỷ thứ IX.
 
Tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh trưng bày một số pho tượng nhỏ được phát hiện tại di tích Đại Hữu, Quảng Ninh, Quảng Bình, đó là pho tượng Phật bằng đồng cao 44cm, được tạo tác trong tư thế đứng trên một tòa sen, khoác áo cà sa hai lớp mỏng. Trên đỉnh đầu tóc xoắn ốc búi thành 3 lớp . Đây là pho tượng cực kỳ đẹp có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IX - X.
 
Pho tượng thứ 2 là Quan Thế âm bồ tát cao 33cm, được làm bằng đồng, trong tư thế đứng trên tòa sen tròn, hai tay cầm chiếc tịnh bình và một cánh sen, pho tượng mang phong cách Đồng Dương, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX đầu thế kỷ thứ X.
 
Pho tượng thứ 3 cũng là tượng đồng, mạ vàng cao 12cm, không có bệ, bàn tay trái cầm chiếc bình, cánh tay phải bị gãy, thân khoác áo choàng.
 
Pho tượng thứ 4 làm bằng đá sa thạch, cao 65cm, pho tượng có tóc tết búi cao trên đỉnh đầu. Trên đỉnh đầu tượng được bố trí một tượng nhỏ A-di-đà trong tư thế tọa thiền. Đây là hiện tượng mà theo các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Pa gọi là Phật Lokeivara (Quan Thế âm bồ tát), luôn làm theo những lời chỉ dẫn của Phật A-di-đà, tóc búi cao là đặc trưng phổ biến của loại hình nhân chủng Malayo – Polinnesia. 
Các bức tượng điêu khắc thuộc nền văn hóa Chăm Pa (có niên đại từ thế kỷ X-XI) hiện đang trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Ảnh: A.T
Các bức tượng điêu khắc thuộc nền văn hóa Chăm Pa (có niên đại từ thế kỷ X-XI) hiện đang trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp tỉnh. Ảnh: A.T
Pho tượng thứ 5 được phát hiện ở Mỹ Đức, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, tượng được làm bằng đá sa thạch, cao 1,37m, dạng hình Quan thế âm bồ tát Lokeivara, là nam giới, tượng này được các nhà nghiên cứu khảo cổ học Chăm Pa đánh giá là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kiệt tác của văn hóa Chăm Pa. Pho tượng bị gãy hai tay, toàn thân khoác chiếc dhoti trang trí hoa văn, dài đến gót chân , tóc được búi theo kiểu Jata – Mukuta , trên đỉnh đầu có tượng Phật A-di-đà trong tư thế tọa thiền, gương mặt đẹp, trang nghiêm,với bộ ria mép dày kín một bên.
 
Pho tượng thứ 6 được phát hiện tại Mỹ Đức, Lệ Thủy, chế tác bằng đồng, có kích thước nhỏ, cao 14cm, trong tư thế tọa Ra ja Sa na trên tòa sen tròn, hai tay bắt vô úy ấn đặt trên đầu gối . Pho tượng búi tóc theo kiểu Jata –Mukuta. Ngoài ra, còn hai pho tượng đồng khác cũng được phát hiện tại Mỹ Đức, một tượng cao 13cm. Tượng còn lại cao 17cm, đều có cùng cách thể hiện hình tượng Lokeivara ngồi trên tòa sen trong tư thế tọa, bàn tay phải để ngữa đặt trên đầu gối, tóc búi theo kiểu Kirita – Mukura.
 
Tại Bảo tàng Quảng Bình còn lưu giữ một số tượng Chăm bằng đồng, đá; đặc biệt tiêu biểu là pho tượng nữ thần Siva có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ IX . Pho tượng chỉ còn lại đầu tượng được điêu khắc bằng đá sa thạch, búi tóc trên đỉnh đầu buộc ngang, đầu tóc tết dọc, tai to, thẳng, cân đối, hài hòa, đầu tượng cao 30cm, tóc búi cao 7cm, tai dài 13cm, phát hiện tại làng Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
 
Cư dân Chăm Pa tài hoa đứng chân trên đất Quảng Bình gần một ngàn năm đã để lại nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng đồng, đá có giá trị, từ những tác phẩm nghệ thuật này, chúng ta có thể cảm nhận được tâm tư, ước nguyện, khát vọng trong cuộc sống lao động, trong lễ giáo thiêng liêng của họ.
 
Đặc biệt, qua những tác phẩm điêu khắc này cho ta thấy được ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, khẳng định một nền văn hóa Chăm Pa ở Quảng Bình đạt tới đỉnh cao, để lại nhiều loại hình, nhiều tác phẩm nghệ thuật điêu khắc là những cổ vật, bảo vật Quốc gia có giá trị đang ở các bảo tàng trong nước cần được nghiên cứu, sưu tầm để cùng các cổ vật Chăm Pa khác, giới thiệu về một thời kỳ văn hóa Chăm Pa đậm nét, đặc sắc trong mối quan hệ đan xen, giao thoa văn hóa được kế thừa từ văn hóa Việt tạo nên bản sắc văn hóa Chăm Pa ở Quảng Bình rất sớm, cực kỳ độc đáo, đáng tự hào của tỉnh nhà trong hội nhậ,p giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế, phục vụ phát triển du lịch.
 
Tạ Đình Hà