Bố Trạch: Khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số

  • 08:44 | Thứ Tư, 30/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống trên địa bàn huyện Bố Trạch chủ yếu là người Bru-Vân kiều, Chứt và một số tộc người Sách, Khùa, Mường, Thái, Trì... Nhờ làm tốt công tác bảo tồn văn hóa truyền thống trong ĐBDTTS, đến nay, nhiều nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, mang đậm bản sắc của từng tộc người ở Bố Trạch đang được gìn giữ, phát huy và lưu truyền cho thế hệ mai sau.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Ninh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin, UBND huyện Bố Trạch cho biết, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống trong ĐBDTTS được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Nhờ đó, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang bản sắc của các dân tộc được bảo tồn nguyên vẹn và ngày càng phát huy giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào.
 
Huyện Bố Trạch có 30 xã, thị trấn, trong đó có 4 xã, thị trấn có ĐBDTTS gồm: Tân Trạch, Thượng Trạch, Sơn Trạch và thị trấn Nông trường Việt Trung. Toàn huyện có 807 hộ ĐBDTTS, với 3.618 khẩu, sinh sống ở 22 bản (Thượng Trạch 18 bản, Tân Trạch 2 bản, Sơn Trạch 1 bản và thị trấn Nông trường Việt Trung 1 bản), trong đó chủ yếu là người Bru-Vân kiều (695 hộ) và Chứt (72 hộ), còn lại là một số tộc người Sách, Khùa, Mường, Thái, Trì… 
Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch đến nay vẫn còn lưu giữ được giá trị nguyên sơ.
Lễ hội đập trống của người Ma Coong, xã Thượng Trạch đến nay vẫn còn lưu giữ được giá trị nguyên sơ.
Xác định văn hóa là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã tập trung đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tại các địa phương có ĐBDTTS sinh sống.
 
Để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác này, Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện Bố Trạch đã ban hành các chương trình hành động và đề án phát triển kinh tế-xã hội tại các xã có ĐBDTTS, trong đó, chú trọng các chính sách bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào trong cuộc sống hiện đại.
 
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã phối hợp với Phòng Dân tộc, các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn có ĐBDTTS tăng cường các hoạt động giáo dục, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của đồng bào về việc bảo vệ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng phát triển kinh tế-xã hội.
 
Nhờ vậy, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp mang bản sắc của các tộc người được bảo tồn nguyên vẹn và ngày càng phát huy giá trị trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào. Các bản làng của ĐBDTTS đã và đang bảo vệ, phát triển tốt các tập quán tốt đẹp như: tục thờ linh hồn người sống của đồng bào Vân Kiều, các nghi lễ độc đáo về cưới hỏi của đồng bào Ma Coong, A Rem và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong ăn, ở, mặc...
 
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con bên cạnh việc tiếp thu, áp dụng các kỹ thuật canh tác mới, đưa giống cây, con mới vào sản xuất cũng đồng thời thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát triển các kỹ thuật canh tác truyền thống và các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị tốt. Điển hình như kỹ thuật canh tác lúa non, các giống rau bản địa...
 
“Hiện nay, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cũng như các dịp lễ, Tết của người Ma Coong, Vân Kiều, A Rem..., trang phục chính của đồng bào vẫn là váy, khăn truyền thống. Đồng bào vẫn duy trì cuộc sống trong những ngôi nhà sàn cao ráo, thoáng mát. Huyện rất quan tâm, chú trọng công tác bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nên 118 ngôi nhà được Ủy ban MTTQVN tỉnh trao tặng cho đồng bào A Rem tại 2 xã Tân Trạch và Thượng Trạch đã được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống.”, ông Nguyễn Đức Ninh chia sẻ.
 
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với UBND xã Thượng Trạch tổ chức chu đáo lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong vào dịp rằm tháng giêng. Đây là lễ hội độc đáo, quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của đồng bào mà đến nay vẫn còn lưu giữ được giá trị nguyên sơ. Lễ hội đập trống là nghi thức tín ngưỡng trừ tà ma, ác thú, cầu sự bảo trợ của thần linh (giàng), cầu may, cầu sức mạnh, cầu vượt qua tai họa, cầu ấm no, dần dần gắn với ý nghĩa phồn thực (cầu sinh sôi nảy nở). Lễ hội đã thu hút hàng nghìn người Ma Coong các khu vực và đông đảo du khách trong, ngoài nước tham gia khám phá, tìm hiểu. Qua đó, đã bảo vệ, phát huy tốt các giá trị đặc sắc của lễ hội nói riêng và văn hóa dân tộc Ma Coong nói chung, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội tại các xã Tân Tạch, Thượng Trạch phát triển.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, đến nay, nhiều nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc của từng tộc người ở Bố Trạch vẫn được gìn giữ, phát huy.
Nhờ làm tốt công tác bảo tồn, đến nay, nhiều nét văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc của từng tộc người ở Bố Trạch vẫn được gìn giữ, phát huy.
Cuối tháng 8-2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ký quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội đập trống của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Đây là tin vui và sẽ là căn cứ quan trọng để địa phương tổ chức lễ hội một cách bài bản, quy mô hơn nhằm lưu giữ nét văn hóa bản địa của tộc người này; đồng thời, tạo ra sản phẩm du lịch khám phá đời sống và sinh hoạt văn hóa của các tộc người sinh sống trong Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho hay: “Huyện đã và đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành thử nghiệm tour du lịch khám phá, trải nghiệm văn hóa các dân tộc ít người, trong đó tập trung vào 2 xã Thượng Trạch, Tân Trạch. Không những bảo vệ tốt các giá trị văn hóa truyền thống, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, đồn Biên phòng, các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường công tác tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và đặc biệt đã xóa bỏ thành công hủ tục chôn con mới sinh theo mẹ do mẹ tử vong. Huyện đang chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác kiểm kê, sưu tầm, báo cáo các yếu tố văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số; tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi nội dung hương ước của các bản theo hướng chú trọng đến xây dựng nếp sống văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Từ đó, để xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong ĐBDTTS”.
 
Hiền Chi