Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa với nghệ thuật chơi thơ

  • 11:19 | Chủ Nhật, 08/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chơi thơ là trò chơi trí tuệ và là thú vui tao nhã. Muốn chơi thơ người chơi phải hết sức thông thái, nhạy cảm và giàu liên tưởng.
 
Xưa nay, có nhiều cách chơi thơ nhưng phổ biến nhất là lối chơi thơ thuận nghịch độc. Hàn Mặc Tử lúc 16 tuổi đã có bài thơ “Cửa sổ đêm khuya”, có thể đọc ngược xuôi theo 6 cách: “Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương/Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương/Tha thiết liễu in hồ gợn sóng/Hững hờ mai thoảng gió đưa hương/Xa người nhớ cảnh tình lai láng/Vắng bạn thơ ngâm rượu bẽ bàng/Qua lại yến ngàn dâu ủ lá/Hòa đàn sẵn có dế bên tường”. Đọc ngược: "Tường bên dế có sẵn đàn hòa/Lá ủ dâu ngàn yến lại qua...". Bỏ hai chữ đầu mỗi câu sẽ có bài thơ ngũ ngôn, rồi lại đọc xuôi, đọc ngược (Nguyệt rọi cửa lồng gương/Buồn thêm nỗi vấn vương...). Rồi bỏ hai chữ cuối mỗi câu lại có bài thơ mới, đọc xuôi đọc ngược...
 
Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa có 6 bài thơ làm theo lối thuận nghịch độc như thế.
 Trang bìa tác phẩm
Trang bìa tác phẩm "Hoàng Hiếu Nghĩa-chơi thơ và tri âm" của thầy Hoàng Hiếu Nghĩa.
Chẳng hạn như bài “Cảnh xuân” có 6 cách đọc:
 
Ta mến sắc xuân, nắng nhuộm hồng
Sáo, đàn, kèn, trống gọi chiêng cồng
Ca bài đoàn kết vang phường phố
Khúc hát quân hành dậy núi sông
Trà ngọt ngập ly tình nghĩa nặng
Rượu ngon tràn cốc nghĩa tình nồng
Xa gần xướng họa thơ chào Tết
Hoa cúc, đào, mai thỏa ước mong.
 
1. Đọc trên xuống từ trái sang phải
 
2. Đọc dưới lên từ phải sang trái
 
3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu, đọc trên xuống từ trái sang phải
 
4. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu, đọc dưới lên từ phải sang trái
 
5. Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu rồi đọc xuôi
 
6. Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu rồi đọc ngược
 
Còn bài “Vui xuân” thì có đến 8 cách đọc:
 
Trầm hùng nhạc Tết đón xuân sang
Trống giục chiêng khua rộn xóm làng
Thân chị tặng hoa màu tím đỏ
Mến anh mừng quả sắc hồng vang
Thâm tình ước hẹn tình vàng đá
Nặng nghĩa giao hòa nghĩa sắt gang
Xuân đón Tết về thơ nở rộ
Tầm cao ý đẹp lời ngân vang.
 
1. Đọc trên xuống từ trái sang phải
 
2. Đọc dưới lên từ phải sang trái
 
3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu, đọc trên xuống từ trái sang phải
 
4. Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu, đọc dưới lên từ phải sang trái
 
5. Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu rồi đọc xuôi
 
6. Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu rồi đọc ngược
 
7. Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu, đọc xuôi
 
8. Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu, đọc ngược.
 
 
Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa đặc biệt có sở trường về lối chơi “khoán thủ”: lấy các âm tiết đứng đầu mỗi câu ghép lại thành một câu hoặc nhiều câu có nghĩa. Trước đây, người ta truyền nhau bức tranh “Ông già câu cá”, có đề 4 câu thơ:
 
CỤ già thong thả buông cần trúc
HỒ rộng mênh mông, mặt trời hồng
MUÔN vạn đài sen đua sắc thắm
TUỔI già vui thú với non sông
 
4 chữ đầu mối câu ghép lại thành: CỤ HỒ MUÔN TUỔI!
 
Thầy Hoàng Hiếu Nghĩa có hàng chục bài thơ làm theo lối “khoán thủ” như thế. Bài “Nguyện nối gót Người”, những âm đứng đầu hàng ghép lại thành câu khẩu hiệu: BÁC HỒ VĨ ĐẠI SỐNG MÃI TRONG SỰ NGHIỆP CỦA CHÚNG TA:
 
BÁC đang vỗ nhịp “Kết đoàn”
HỒ Gươm vang dậy khải hoàn khúc ca
VĨ đại thay! Bác chúng ta
ĐẠI nhân, đại dũng tài ba lẫy lừng
SỐNG vì nhân, nghĩa, hiếu trung
MÃI say lẽ sống - rực hồng niềm tin
TRONG gian lao, luyện chí bền
SỰ đời thôi thúc dệt nên sử vàng
NGHIỆP xưa: Đại Việt - Văn Lang
CỦA ông cha đó, Bác đang đắp bồi
CHÚNG con nguyện nối gót Người
TA xây Tổ quốc đẹp tươi mạnh giàu.
 
Bài “Tổ quốc ta đẹp lắm”, những âm tiết đứng đầu hàng ghép lại thành câu ca dao nổi tiếng: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”:
 
THÁP Rùa trong dáng uy nghiêm,
MƯỜI phần rạng rỡ vẹn nguyên cả mười.
ĐẸP trang huyền thoại bao đời
NHẤT hô bá ứng nhớ thời trao gươm
BÔNG hoa Hồng Lạc gieo ươm
SEN Kim Liên toả hương thơm ngát trời
VIỆT Nam Tổ quốc ta ơi!
NAM phương một cõi sáng ngời nhân văn
ĐẸP nào bằng đẹp lòng dân
NHẤT tình chung thủy, nghĩa ân nặng lòng
CÓ bao dũng sỹ anh hùng
TÊN sông núi, rực chiến công huy hoàng
BÁC đang vỗ nhịp “Kết đoàn”
HỒ Gươm vang khúc khải hoàn đón xuân.
 
Bài “Bác ơi”, các âm tiết đứng đầu câu ghép lại thành 2 câu thơ của Tố Hữu: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/Ôm cả non sông, mọi kiếp người”:
 
BÁC đà về với tổ tiên,
ƠI hồn thơ hãy hát lên nỗi lòng.
TIM Người trải khắp núi sông
BÁC gieo nhân nghĩa nở hồng ngàn hoa,
MÊNH mang một dải sơn hà,
MÔNG mênh tình Bác cho ta lẽ đời.
THẾ gian này được mấy người,
ÔM vào lòng trọn bầu trời yêu thương.
CẢ khi băng vạn trùng dương
NON cao vực thẳm chẳng sờn chí trai
SÔNG sâu, bể rộng truông dài
MỌI gian nan vẫn dẻo dai gan bền
KIẾP này đã toại lời nguyền
NGƯỜI ơi! Xin hãy ngủ yên giấc nồng.
 
Có bài, thầy Hoàng Hiếu Nghĩa kết hợp lối chơi "khoán thủ" và lối chơi chữ. Đây là một lối chơi chơi thơ rất khó, không phải ai cũng làm được. Chẳng hạn như bài “Phụ nữ Việt Nam”, Các âm tiết đứng đầu câu ghép lại thành câu Bác Hồ tặng phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. “PHỤ mà chẳng kém CHÍNH đâu” là cách chơi chữ khá tài tình:
 
PHỤ mà chẳng kém CHÍNH đâu
NỮ nhi vẫn đứng tuyến đầu hiên ngang
VIỆT Nam - xứ sở huy hoàng
NAM hòa, Bắc hiếu vững vàng biên cương
ANH thư - Triệu Ẩu, Trưng Vương
HÙNG ca vang vọng bốn phương bao thời.
BẤT bình, xóa kiếp tôi đòi
KHUẤT mà để lại danh ngời núi sông
TRUNG kiên, trí, dũng anh hùng
HẬU phương, tiền tuyến gái cùng sánh vai.
ĐẢM việc nước, xây tương la
ĐANG vì đại nghĩa, chẳng ai vì mình.
 
Còn bài “Bác Hồ muôn năm”, phải là người thông thạo chữ Hán mới nhận biết lối chơi “khoán thủ” và lối chơi chữ hết sức độc đáo của thầy Hoàng Hiếu Nghĩa:
 
CỔ nhân giục bước lên đường
NGUYỆT treo đầu súng, thơ vương đầy trời
SĨ quan, chiến sĩ vâng lời
TÂM tư nguyện vọng suốt đời vì dân
NHẬT, Pháp thua. Mỹ thoát thân
NGUYỆT cầm thánh thót vang ngân khải hoàn
MUÔN thu Tổ quốc huy hoàng
NĂM châu cờ đỏ sao vàng tung bay.
 
Theo chữ Hán: "cổ" + "nguyệt" thành chữ "hồ", "sỹ" + "tâm" thành chữ "chí", "nhật" + "nguyệt" thành chữ "minh". Cột dọc thứ nhất là: HỒ CHÍ MINH MUÔN NĂM!
 
Chơi thơ là một thú vui độc đáo của những người làm thơ, nhưng không phải bất cứ người làm thơ nào cũng có thể chơi thơ được. Vừa dạy học, vừa làm thơ, sống chân thật, giản dị, thẳng thắn, cương trực nên thầy Hoàng Hiếu Nghĩa được người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò hết sức yêu mến và ngưỡng mộ. Cho đến nay, thầy đã nhận được hàng chục bài thơ từ mọi miền đất nước gửi về ca ngợi đức độ, tài năng của thầy, bày tỏ tình cảm sâu nặng đối với thầy. Nhà thơ Văn Lợi-nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Quảng Bình, có bài “Thơ tặng” viết theo lối “khoán thủ” đã phần nào khái quát được nhân cách của thầy:
 
ANH vẫn giữ cho mình phong thái
HOÀNG kim một thuở vẫn còn đây
HIẾU trung là lẽ cần vun đắp
NGHĨA khí văn nhân mãi tràn đầy.
 
Còn nhà thơ Đỗ Thành Đồng thì khái quát sự nghiệp, tài năng, tình nghĩa của thầy qua bài thất ngôn bát cú:
 
Toán học say mê sáng nghiệp thầy
Con đường văn học tỏa hương bay
Trang thơ, tiểu luận tung Nam, Bắc
Dịch thuật, tập Kiều gửi đó đây
Thi hữu, tri âm tình sâu nặng
Môn sinh, tri kỷ nghĩa cao dày
Vườn xanh, thuốc quý cho đời đẹp
Tám sáu xuân đời đẹp lắm thay!
            (Đẹp thay)
                                       Mai Văn Hoan