"Sứ giả" từ quá khứ

  • 15:36 | Chủ Nhật, 15/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từng là mảnh đất của những giao tranh lịch sử, giao thoa văn hóa, Quảng Bình mang trong lòng những vết dấu xưa cũ nhưng lại có giá trị vững bền đến hôm nay. Những hiện vật cổ phủ màu thời gian đang được lưu giữ ở bảo tàng hay đang tản mát trong dân gian là “sứ giả” của quá khứ, nhắc nhở thế hệ con cháu nhớ về ngày hôm qua, sống tốt cho hôm nay và phấn đấu cho ngày mai.
 
“Kho báu” trong dân gian
 
Trong tiến trình phát triển của lịch sử, Quảng Bình là vùng đất của vương quốc Chăm Pa hưng thịnh. Trải qua nhiều cuộc khảo cổ, hàng trăm mẫu cổ vật của người Chăm đã được tìm thấy, như: các dụng cụ sản xuất, đồ gốm và đặc biệt là các bức tượng, phù điêu. Bao thế hệ các nhà khảo cổ, những người nghiên cứu lịch sử, cán bộ bảo tàng ngày ngày vẫn lặng thầm đi đến các địa chỉ từng được coi là “thánh địa Chăm” của Quảng Bình để tìm tòi và sưu tầm hiện vật. 
 Các hiện vật của văn hóa Chăm được tìm thấy tại Quảng Bình.
Các hiện vật của văn hóa Chăm được tìm thấy tại Quảng Bình.
 
 
Trong số đó, pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng thạch cao được tìm thấy tại Mỹ Đức (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy) được coi là kiệt tác của nền điêu khắc Chăm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pari, Pháp).
 
Bức tượng bằng đồng Avalokitesvara Đại Hữu trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh được tìm thấy tại xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào cuối năm 2013 vừa qua.
 
Hiện nay, tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cũng đang lưu giữ và trưng bày rất nhiều các hiện vật cổ của vương quốc Chăm Pa để lại, góp phần quan trọng trong nghiên cứu, tìm hiểu về một nền văn hóa rực rỡ một thời.
 
Cuối năm 2018, Ấn tuần phủ Đô tướng quân được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là bảo vật đầu tiên và cũng là duy nhất đang được bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình. Trong số các ấn (triện) được kiểm kê, đăng ký và bảo quản tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cũng như tại các bảo tàng Trung ương và bảo tàng địa phương trên toàn quốc, chiếc ấn của quan Tuần phủ Đô tướng quân là hiện vật gốc, độc bản, quý hiếm và tiêu biểu cho các loại ấn dưới triều đại nhà Lê sơ. Đây là chiếc ấn duy nhất được tìm thấy của quan Tuần phủ Đô tướng quân của thời Lê sơ trên cả nước.
Súng thần công của tướng Tôn Thất Thuyết được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Súng thần công của tướng Tôn Thất Thuyết được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Theo anh Mai Thế Trung, Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, hiện đơn vị đang lưu giữ hơn 13.000 hiện vật, trong đó, một số hiện vật có giá trị lịch sử, thẩm mỹ và có thể làm hồ sơ để xét công nhận bảo vật quốc gia. Trong số này phải kể đến súng thần công của Tôn Thất Thuyết, mặt trống đồng Phù Lưu cùng một số hiện vật của văn hóa Chăm Pa. Mỗi chuyến điền dã về các vùng quê, các cán bộ bảo tàng lại tìm thấy thêm nhiều hiện vật cổ có giá trị.
 
Theo đánh giá của anh Trung, số lượng cổ vật hiện đang tản mát trong dân gian còn khá nhiều, chủ yếu đang được lưu giữ tại các gia đình, dòng họ hoặc các cá nhân chuyên sưu tầm đồ cổ. Mỗi hiện vật cổ được tìm thấy không hẳn là vô tri, mà tự thân nó đã mang trong mình nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, đòi hỏi người hậu thế phải nghiên cứu, tìm tòi.
 
Giữ cho thế hệ sau
 
Tháng 5-2019 vừa qua, sự kiện bảo vật quốc gia “Vườn Xuân Trung Nam Bắc” bị hư hỏng khi đang được lưu trữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đặt ra nhiều vấn đề trong công tác bảo tồn hiện vật cổ. Vấn đề đáng quan tâm là nên chăng cần ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ bảo vệ, bảo quản đặc biệt đối với các bảo vật quốc gia? Và với những hiện vật cổ đang được lưu giữ tại các hộ gia đình, dòng họ, cần có phương án gì để lưu giữ và giúp cho các di sản này phát huy giá trị?
 
Gia đình ông Hoàng Minh Tùng (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) hiện đang giữ một bản mật thư và ống bút bằng đá, được cho là di vật của tướng Tôn Thất Thuyết để lại. Kể từ khi được cha truyền lại, hơn 30 năm qua, với 11 lần làm nhà, ở 4 địa điểm khác nhau, thứ đầu tiên ông Tùng mang theo cùng lư hương tiên tổ chính là hai bảo vật quý giá ấy. Đằng sau những hiện vật phủ hàng trăm năm tuổi ẩn chứa những điều bí mật thú vị cần được giới chuyên môn nghiên cứu chuyên sâu. 
Ống bút bằng đá được lưu giữ tại gia đình ông Hoàng Minh Tùng (Hải Trạch, Bố Trạch).
Ống bút bằng đá được lưu giữ tại gia đình ông Hoàng Minh Tùng (Hải Trạch, Bố Trạch).
Theo chia sẻ của gia đình, ngoài hai cổ vật đó, gia đình đang giữ chiếc thau đồng từng được tướng Tôn Thất Thuyết sử dụng những năm còn ở triều đình Huế. Đây là vật dụng được tướng Hoàng Phúc-thân cận của tướng Tôn Thất Thuyết-mang về đến quê nhà Lý Hòa cùng một số quân tư trang vào đúng thời điểm tướng Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi ra Bắc.
 
Theo anh Mai Thế Trung, đó chỉ là một trong rất nhiều hiện vật cổ giá trị đang lưu lạc, tản mát trong dân gian. Nếu không có biện pháp bảo quản, cất giữ đúng quy trình, có chuyên môn, nguy cơ bị đánh cắp hoặc hư hỏng là điều không thể tránh khỏi. Nhiều cuộc điền dã cho thấy hiện có một số lượng không nhỏ các hiện vật cổ giá trị đang được các gia đình lưu giữ. Số ít đồng thuận tặng lại cho bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, số khác vẫn muốn giữ lại cho thế hệ con cháu đời sau. Trong khi đó, cái khó của công tác sưu tầm hiện vật cổ tại bảo tàng là nguồn kinh phí để sưu tầm, sang nhượng vẫn còn hạn hẹp.
 
Một hiện vật xưa cũ hay một thư tịch cổ, một bảo vật quốc gia sẽ chỉ là một hiện vật vô tri nếu chỉ được cất giữ mà không biết cách “đánh thức” giá trị bằng công tác nghiên cứu, tìm hiểu. Thời gian tới, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ làm hồ sơ để xét công nhận một số hiện vật cổ là bảo vật quốc gia. Điều đó mang đến hy vọng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của ông cha để lại, góp phần gìn giữ cho muôn đời sau.
 
Ngọc Minh