Biểu cảm đôi mắt tạo nên dấu ấn riêng cho vai diễn của nghệ sỹ Thế Anh

  • 07:30 | Thứ Hai, 30/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Nghệ sỹ nhân dân Thế Anh đã góp nhặt những hay, dở của cuộc đời, đắp đổi những ưu tư của nhân tình thế thái để đưa vào những vai diễn của mình.
Trung úy Phương trong
Trung úy Phương trong "Nổi gió" là một trong những vai diễn ấn tượng nhất của nghệ sỹ Thế Anh.
Suốt hơn tám thập kỷ nương mình giữa “cõi tạm,” nghệ sỹ nhân dân Thế Anh đã góp nhặt những hay, dở của cuộc đời, đắp đổi những ưu tư của nhân tình thế thái để đưa vào những vai diễn.
 
Ông là một trong những nghệ sỹ thuộc “thế hệ vàng” của điện ảnh cách mạng Việt Nam (cùng cố nghệ sỹ nhân dân Đoàn Dũng, nghệ sỹ nhân dân Trà Giang…). Đặc biệt, không chỉ thành danh trên màn ảnh, cố nghệ sỹ Thế Anh còn có những vai diễn xuất thần ở sân khấu kịch.
 
Thông tin người nghệ sỹ một đời tận hiến cho nghệ thuật qua đời (sáng 29/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh) khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp của ông nghẹn ngào.
 
VietnamPlus ghi lại chia sẻ của những đồng nghiệp, bạn diễn thân thiết của cố nghệ sỹ nhân dân Thế Anh.
 
Nghệ sỹ nhân dân Trà Giang: Thế Anh có một gia tài vai diễn đồ sộ
 
Dẫu biết sức khỏe của nghệ sỹ Thế Anh thời gian qua không tốt và không ai thoát được quy luật ‘sinh-lão-bệnh-tử’ của tạo hóa nhưng khi nghe tin người anh đáng kính ấy ra đi, lòng tôi vẫn thắt lại! Cảm giác bàng hoàng, trống trải bao trùm tâm trí khi những người thầy, người anh, người bạn thân thiết, cùng trải qua những năm tháng khó khăn cứ lần lượt ra đi…
 
Sau nhiều thập kỷ gắn mình với sàn diễn, trường quay, anh Thế Anh có một gia tài vai diễn đồ sộ: hàng chục vai diễn. Điều tôi trân quý nhất ở anh là sự say sưa, thái độ làm nghề nghiêm túc và khát vọng truyền lửa đam mê cho thế hệ sau. Anh không phân biệt vai chính, vai phụ mà luôn cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ khi nhận lời tham gia diễn xuất trong bất cứ một bộ phim, vở kịch nào.
 
Với nghệ sỹ Thế Anh, nghệ thuật là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Anh có một tình yêu bất tận với điện ảnh. Anh trân trọng từng vai diễn và luôn muốn được diễn. Tôi còn nhớ mãi, lúc sinh thời, anh từng nói: “Đối với tôi, gọi là ham thích hay yêu say thôi chưa đủ, có thể gọi là khát vọng. Tôi còn mong được thử sức thật nhiều vai diễn. Nếu kịch bản hay thì rất tốt và nếu chưa hay lắm thì cũng không sao. Tôi nhận hết, như tôi nhận phần sống của tôi…”
 
Mỗi khi nhận kịch bản, anh Thế Anh đều nghiền ngẫm rất kỹ để hiểu về nhân vật. Nhờ vậy, những vai diễn của anh không chỉ chân thực về cảm xúc mà còn rất có hồn, chiều sâu. Người xem không nhận thấy sự chênh lệch trong các vai diễn của anh ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, sự nghiệp. Đặc biệt, nghệ sỹ nhân dân Thế Anh không hề đóng khung mình theo một lối diễn xuất nào.
Nghệ sỹ Thế Anh từng vào vai chúa Trịnh Sâm trong
Nghệ sỹ Thế Anh từng vào vai chúa Trịnh Sâm trong "Đêm hội Long Trì."
Vốn xuất thân là một diễn viên kịch nhưng khi bước chân sang địa hạt điện ảnh, anh có sự thay đổi rất linh hoạt, uyển chuyển về cách diễn, nhất là trong cách biểu cảm đôi mắt.
 
Có lẽ, trong hàng loạt vai diễn ghi dấu ấn riêng của nghệ sỹ Thế Anh, tôi nhớ nhất là vai Trung úy Phương trong bộ phim “Nổi gió” (năm 1965). Đó là một nhân vật có nội tâm phức tạp. Dù là một sỹ quan rất được lòng cấp trên của quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng bản thân Trung úy Phương lại có người thân thuộc “phía bên kia.”
 
Nhân vật ấy qua diễn xuất của nghệ sỹ Thế Anh đã không còn vẻ “một chiều,” khiên cưỡng. Sự u uẩn của nội tâm trước những lựa chọn khốc liệt, nghiệt ngã được anh thể hiện xuất thần qua ánh mắt. Điều này góp phần quan trọng tạo nên dấu ấn khác biệt cho vai diễn của nghệ sỹ Thế Anh khi đó.
 
Nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Một con người tận tâm, nhiệt huyết
 
Nghệ sỹ nhân dân Thế Anh chuyển vào sinh sống và hoạt động nghệ thuật tại miền Nam từ năm 1975 nên tôi không có nhiều dự án hợp tác cùng ông. Tuy nhiên, tôi có may mắn rằng, ngay từ khi chạm ngõ điện ảnh (tham gia bộ phim “Em bé Hà Nội), tôi đã được đóng phim cùng ông - một con người tận tâm, nhiệt huyết.
 
Khi đó, tôi vào vai cô bé Ngọc Hà và nghệ sỹ Thế Anh đóng vai tiểu đoàn trưởng pháo binh (người đã giúp Ngọc Hà tìm lại gia đình). Trong các cảnh quay, chú thể hiện nụ cười hiền lành nhưng lại có ánh mắt phảng phất nỗi buồn. Chính nụ cười ấy đã giúp tôi yên tâm hơn khi diễn, ánh mắt ấy giúp tôi nhập tâm, hóa thân vào vai Ngọc Hà tốt hơn để thể hiện sự sợ hãi, lo lắng của cô bé bị mất mẹ, lạc em sau “cơn mưa” bom đạn của đế quốc Mỹ.
 
Sau này, tôi có nghe nghệ sỹ kể lại rằng, cảm xúc của ông khi tham gia “Em bé Hà Nội” là cảm xúc thật hoàn toàn. Bộ phim tái hiện cuộc sống ở Hà Nội trong những tháng ngày bi thương của cuối năm 1972.
Nghệ sỹ nhân dân Thế Anh và nghệ sỹ nhân dân Lan Hương trong phim
Nghệ sỹ nhân dân Thế Anh và nghệ sỹ nhân dân Lan Hương trong phim "Em bé Hà Nội."
Nghệ sỹ Thế Anh từng kể, vào thời điểm mà sau này đạo diễn Hải Ninh chọn làm bối cảnh cho “Em bé Hà Nội,” ông đã di dọc phố Khâm Thiên, chứng kiến khung cảnh nhà cửa đổ nát, người chết được đặt trong những manh chiếu rách, bắt gặp tiếng khóc than và cả những ánh mắt vô hồn vì bàng hoàng, đau đớn của người sống sót… Ông đã diễn “Em bé Hà Nội” bằng chính cảm xúc đau đớn trước cảnh tượng tang thương đó.
 
Dù là một tên tuổi lớn của điện ảnh Việt Nam nhưng ông luôn hòa đồng, gần gũi và sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, thế hệ sau bằng sự cởi mở, chân thành. Điều mà tôi nhớ nhất về ông là nụ cười hiền lành, tươi tắn.
 
Dẫu không có nhiều cơ hội diễn chung nhưng mỗi lần gặp mặt, nghệ sỹ Thế Anh đều ân cần hỏi thăm sức khỏe, gia đình, tình hình công việc. Mỗi lần gặp, tôi đều cảm nhận được ở ông và trong những câu chuyện của ông sự trẻ trung, tinh thần lạc quan và tình yêu cháy bỏng với phim ảnh. Có lần, ông bảo, kiếp sau, nếu được chọn, ông vẫn chọn làm diễn viên./.
Nghệ sỹ nhân dân Thế Anh (tên đầy đủ là Nguyễn Thế Anh) sinh năm 1938 tại Hà Nội. Tên tuổi của ông gắn liền với những bộ phim: “Nổi gió,” “Mối tình đầu,” “Đêm hội Long Trì,” “Điện Biên Phủ”…
 
Ông được trao tặng danh hiệu nghệ sỹ nhân dân năm 2001.
 
Năm 2014, nghệ sỹ nhân dân Thế Anh được trao tặng giải thưởng Thành tựu trọn đời vì sự phát triển của điện ảnh Việt Nam.
Theo An Ngọc (Vietnam+)