Nhà thơ Ngọc Khương với quê hương Quảng Bình

  • 08:35 | Thứ Sáu, 16/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi nghe tên Ngọc Khương đã từ lâu (năm 1971), khi lần đầu tiên bước chân tới Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch, Quảng Bình. Ngày đó, trước mỗi tiết học, bạn quản ca lại bắt cho cả lớp hát một bài. Bài hát đầu tiên trong ngày bao giờ cũng là “Trường ca Nam Quảng Trạch”. Bài hát do thầy Trần Văn Dũng kí âm theo giai điệu một bài hát ngoài Bắc, còn lời do Ngọc Khương và các anh chị học sinh khóa (1966-1968) phóng tác.
 
Ngọc Khương phải xa cha mẹ từ năm lên hai tuổi. Anh ở với bà nội, lớn lên đi học, đi dạy rồi làm thơ. Về hưu, anh vào đất phương Nam lập nên câu lạc bộ thơ-nhạc “Hương nguồn” và dựng nhiều nhà hàng tiệc cưới ở thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 7-2018, tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận Tân Bình, Ngọc Khương ra mắt ba tập thơ Cò bay giữa phố, Đất nước tôi và Lục bát đảo. Nhiều văn nghệ sỹ Quảng Bình đã vào dự.
 
Cò bay giữa phố là một tập thơ xuất viết về thiếu nhi. Trong 14 tập thơ đã trình làng thì Ngọc Khương dành 3 tập thơ viết cho thiếu nhi. Giữa chốn phồn hoa, bên cạnh những dãy nhà bê tông chọc trời khô cứng, anh thấy hình ảnh quê hương mình qua khoảnh ruộng còn sót lại đằng sau khu phố: “Sau lưng phố em/Có khoảnh ruộng vắng/Ngày ngày đàn cò/Tha hồ tắm nắng/Cò săn ếch nhái/Cò tìm ốc biêu/Cò nghiêng cánh trắng/Rựng cả trời chiều/Hóa ra giữa phố/Còn chút đồng quê/Đàn cò chấp chới/Cõng ca dao về” (Cò bay giữa phố).
 
Có thể nói, trong 40 bài thơ của tập thơ Cò bay giữa phố thì đây là bài hay nhất. Lời thơ nhẹ nhàng, giàu chất liên tưởng, mang tính phát hiện. Những hình ảnh sinh động, lấp lánh chất đồng quê, lung linh ngay giữa phố. Thơ anh thực sự đã đi vào lòng nhiều bạn đọc nhỏ tuổi bởi sự trong trẻo, tinh khôi. Vốn là người lớn lên bên bà nội bằng nghề làm nông, anh đã trở về với thế giới tuổi thơ, hòa vào thiên nhiên ở nông thôn, với trí tưởng tượng: “Tưới nước tưới nước/Em làm trời mưa/Trăng mang chiếc võng/Treo lên cây dừa”. (Bài ca tưới nước).
Các tập thơ của nhà thơ Ngọc Khương.
Các tập thơ của nhà thơ Ngọc Khương.
Lớn lên ở miền quê nghèo khó, anh rất hiểu và càng thêm yêu thương những con người đã từng chia ngọt sẻ bùi, cưu mang anh từ tấm bé. Khi đã có “của ăn của để”, anh muốn san sẻ với người nông dân vất vả ở quê mình đang vật lộn với thiên tai, lụt bão, miếng cơm, manh áo đời thường. Mùa xuân năm 2017, Ngọc Khương về quê nhà, anh không quên biếu quà cho bà con lối xóm vui xuân đón tết: “Ba chia quà tặng người nghèo/Để bà con tết hái nhiều niềm vui/Người thì vài ký thịt tươi/Người cặp bánh tét, người đôi chả giò/Có người ba biếu rượu nho/Có người hộp bánh, ba lo đủ phần” (Vui thay xuân về).
 
Quảng Bình là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ. Khi viết tập thơ Đất nước tôi, mở rộng đề tài ra đối với cả non sông đất nước, anh vẫn cứ thao thiết hướng về miền Trung yêu thương, về mảnh đất gió Lào cát trắng. Đứng trước mộ Đại tướng anh rưng rưng nhìn về phía biển khi: “Ngoài khơi/Tàu lạ/Gầm ghè/Biển Đông sấm dậy/Nghe Thọ Sơn/Gươm thần cựa quậy/Phía Trường Sa/Mây dựng lũy thành/Đèo Ngang/Cùi chỏ/Vạn cân/Bạt gió/Xoay mưa/Lật biển…” (Trước mộ Đại tướng).  
 
Hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người con Quảng Bình đã đi vào lòng dân như một vị thánh, anh dành rất nhiều tình cảm thiêng liêng, kính trọng. Nhân một trăm ngày mất của Đại tướng, anh đứng trước bãi biển Vũng Chùa, Đảo Yến đọc bài Chịu tang: “Bạc đầu/Sóng quặn/Trùng khơi/Cụ đi!/Sóng cũng như người/Chịu tang/Ơ kìa!/Núi đứng nghiêm trang/Đội vành mây trắng/Vắt ngang đỉnh chùa”.
 
Sau bao năm bươn chãi với đời, khi trở về quê hương, gặp lại tuổi thơ, gặp lại người yêu đầu đời, những kỷ niệm đẹp đẽ của một thời dạy học, anh đã viết bài Ta về tìm lại đượm màu hoài cổ, nhung nhớ, yêu thương: “Ta về nhặt chút tuổi thơ/Gặp bao đứa bé ngác ngơ bên đường/Ta về tìm lại người thương/Lặng im nấm mộ, khói hương thay lời/Ta về gom mảnh vàng rơi/Bóng trăng nguyệt thực cuối trời rưng rưng”.
 
Ngọc Khương rất thành công với thể thơ lục bát. Rất nhiều bài thơ anh ngắt nhịp giữa dòng, từ nhịp thơ 2/2 chuyển sang 2/4 hoặc 4/6 nhưng vẫn nằm trong thể thơ lục bát nhuần nhị rất ấn tượng. Năm 2016, về quê đi chợ Trường thưởng thức bánh xèo, bánh đa, bánh đúc, nhớ thời trai trẻ hai làng Hòa Ninh, Vĩnh Phước, đêm đêm hò hẹn bên con sông nhỏ Hòa Giang, anh viết: “Chợ Trường/Vui lắm/Ai ơi/Thuyền trăng/Hò hẹn/Đắm lời/Yêu nhau/Trưa hè/Trắng muốt hoa cau/Nghiêng nghiêng em gái gội đầu, hương đưa…” (Sông mơ).
 
Ra thăm Đèo Ngang, đứng trên Hoành Sơn quan nhìn xuống biển nhớ lại một thời đạn lửa, anh đã viết bài Hòn La: “Lên đèo trông xuống Hòn La/Nhớ thời đạn lửa/Làm ta rùng mình!/Bao nhiêu gạo nổi gạo chìm/Bấy nhiêu sinh mạng/Bom dìm đáy khơi!”. Thăm mộ Đại tướng, anh theo thuyền ra thăm đảo Yến. Anh như lạc vào giữa thiên đường một cõi trời mây sóng nước: “Yến chọn đảo làm quê hương/Đảo hoang bỗng hóa thiên đường gió say/Muôn ngàn cánh yến lượn bay/Đong đưa nôi sóng tháng ngày biển ru/Ai giăng chi vạt sương mù/Bâng khuâng…Đại tướng vén thu ngắm trời”.(Đảo Yến).
 
Quê hương Quảng Bình là cái nôi nuôi dưỡng Ngọc Khương khôn lớn, nơi một thời anh nhọc nhằn bươn chãi mưu sinh để nay được thả hồn theo ký ức, chưng cất thành thơ. Về quê, anh cùng Nguyễn Hương Duyên vẫn thường gửi bài cho tập san của câu lạc bộ Văn nghệ Quảng Minh. Hai người gốc cùng một xã Thị Lệ ngày xưa, cái thời “Nhất xã ngũ thôn”.
 
Một tin vui nữa làm nức lòng giới văn nghệ sỹ Quảng Bình, cuối năm 2018, nhà thơ Ngọc Khương và nhà văn Nguyễn Hương Duyên đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Có lẽ thành công của họ hôm nay cũng cất cánh bay lên từ chùm khế ngọt và tôi rất tin là như thế!
                                                                                            Hoàng Minh Đức