.

Văn học nghệ thuật Quảng Bình-Dấu ấn ngày trở lại

.
09:49, Thứ Hai, 01/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Mùa hè năm 1989,  giữa bời bời gió nắng và mịt mù  bụi đỏ, văn nghệ sỹ Quảng Bình trở về tái thiết nền văn nghệ quê hương sau 13 năm gián đoạn. Câu thơ của cố thi sỹ Xuân Hoàng: “Ta lại về xây Đồng Hới quê ta, sẽ lại trồng hoa hồng trên lối cũ...”  được họ hồ hởi ngâm nga lại như một nguồn động viên lớn lao.
 
Băng qua ngổn ngang gian khó buổi ban đầu, văn nghệ sỹ Quảng Bình đã nhanh chóng hòa nhịp với không khí ngày trở về, hàng loạt tác phẩm VHNT mang hơi thở thời đại ra đời đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng lại quê hương.
 
30 năm,  VHNT Quảng Bình đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Từ 60 văn nghệ sỹ đầu tiên năm 1989, mà nòng cốt là nhà thơ Xuân Hoàng, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật, nhà thơ Văn Lợi, nhạc sỹ Quách Mộng Lân, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, nhà thơ Phan Văn Khuyến... đến nay Hội VHNT đã phát triển đội ngũ hội viên lên đến gần 260  người. 71 người trong số đó đã được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương. Cùng với  quá trình  tăng nhanh về số lượng tác giả là  sự vượt trội về tác phẩm.
 
Trong hàng ngàn tác phẩm VHNT được sáng tác kể từ ngày tỉnh nhà được tái lập lại,  có gần 400 tập sách ở các thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, lý luận-phê bình, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian được xuất bản;  gần 400 tác phẩm mỹ thuật  công bố tại các triển lãm mỹ thuật khu vực và toàn quốc; hơn 500 bức ảnh nghệ thuật ra mắt công chúng tại liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực, toàn quốc và quốc tế.

Trên lĩnh vực âm nhạc, sân khấu biểu diễn cũng gặt hái nhiều thành quả. Hàng ngàn ca khúc, hàng trăm vở kịch đã ra đời và đến với công chúng khắp nơi trên cả nước. 30 năm tái thiết quê hương cũng là thời gian kiến trúc Quảng Bình có những đóng góp quan trọng, nhiều  đồ án kiến trúc được ứng dụng vào thực tiễn đã làm thay đổi về căn bản bức tranh đô thị Đồng Hới nói riêng và Quảng Bình nói chung thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tượng đài mẹ Suốt của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến tại TP. Đồng Hới. Ảnh: Minh Quý
Tượng đài Mẹ Suốt của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến tại TP. Đồng Hới. Ảnh: Minh Quý

Để có được thành quả đó, yếu tố đầu tiên cần nói đến là lực lượng tác giả với quá trình xây dựng và kế thừa khá liên tục. Thế hệ các tác giả trưởng thành trong chiến tranh tự tin bứt phá  khỏi lối mòn sáng tạo cũ, vượt qua những rào cản tư tưởng cứng nhắc, thay đổi nhận thức về hiện thực cuộc sống.

Bằng kinh nghiệm, bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, họ đã sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao. Nổi bật  có các nhà văn:  Hoàng Bình Trọng,  Hữu Phương, Nguyễn Quang Vinh, Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Thế Tường;  các nhà thơ: Văn Lợi, Hoàng Vũ Thuật, Lý Hoài Xuân, Thái Hải, Đặng Thị Kim Liên...; các họa sỹ:  Văn Đắc, Lê Anh Tân, Quang Hiếu, Nguyễn Xuân Trường...;  các nghệ sỹ nhiếp ảnh:  Võ Xuân Bé, Hữu Ngụ, Văn Báu, Ngô Độc Lập...;  các nhạc sỹ: Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương, Dương Viết Chiến... và các kiến trúc sư Trần Đình Dinh, Hoàng Tròn, Đặng Đức Dục, Trần Đình Tự... 

Họ đã có nhiều tác phẩm để lại ấn tượng khá sâu sắc trong công chúng yêu nghệ thuật. Thế hệ 6X,  đội ngũ tác giả tuy không đông nhưng chắc tay. Nhiều tác giả trong số đó khẳng định được năng lực sáng tạo dồi dào và ổn định của mình như : Phan Đình Tiến, Đoàn Văn Thịnh ( mỹ thuật), Trần Hồng Hiếu, Nguyễn Thiên Sơn, Nguyễn Thế Nhân ( văn học), Thành Vương, Thành Huế, Đức Thành ( nhiếp ảnh), Trần Anh Tuấn ( âm nhạc). Sau thế hệ có tính gạch nối trên, VHNT Quảng Bình xuất hiện lớp tác giả thế hệ 7X, 8X  giàu khát vọng và năng lượng sáng tạo.
 
Họ được đào tạo bài bản và dám dấn thân, vừa được thừa hưởng những thành quả của thế hệ đi trước, vừa có điều kiện tiếp thu những hệ tư tưởng và kiến thức mới  nên  nhanh chóng khẳng định được chỗ đứng của mình. Đó là: Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Hương Duyên,  Hoàng Đăng Khoa, Hoàng Thụy Anh, Trần Thị Trác Diễm, Trần Thị Huê, Quách Sỹ Dũng, Thùy Linh, Nguyễn Lương Sáng, Bùi Hùng Cường, Lê Kiều Anh.
 
Đội ngũ tác giả trưởng thành nhanh chóng, chất lượng tác phẩm cũng được nâng cao. 30 năm qua, nhiều văn nghệ sỹ đã  được tôn vinh và nhận các giải thưởng cao quý. Nhạc sỹ Hoàng Sông Hương được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nhà nước với chùm 3 ca khúc “ Tình ta biển bạc đồng xanh”, “ Tiếng dạ, tiếng thương” và “ Phố biển tình anh”. Các nghệ sỹ: Thùy Linh, Thanh Nhân, Lê Kiều Anh được trao tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú. Gần 150  tác phẩm VHNT đoạt các giải thưởng  chuyên ngành từ cấp khu vực trở lên.
 
Tiêu biểu có tiểu thuyết “ Chân trời mùa hạ” của nhà văn Hữu Phương đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tác phẩm điêu khắc “ Trái tim của biển” của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến đoạt giải A triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ, ca khúc “Lời Người vọng mãi” của nhạc sỹ Hoàng Sông Hương đoạt giải B của Hội Nhạc sỹ Việt Nam...
 
Một trong những động lực mạnh mẽ khích lệ tinh thần lao động sáng tạo và cống hiến của văn nghệ sỹ tỉnh nhà trong 30 năm qua là Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. 
 
Đến nay, qua 5  lần trao giải  đã  có  48 tác phẩm đoạt  giải A,75 tác phẩm đoạt giải B, 84 tác phẩm đoạt giải C. Giải thưởng VHNT  Lưu Trọng Lư đã phản ánh chân thực bước tranh toàn cảnh của VHNT Quảng Bình trong 30 năm đổi mới. 
 
Với tinh thần văn học nghệ thuật phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, tác phẩm VHNT Quảng Bình thời gian qua đã cập nhật kịp thời các vấn đề thời sự của quê hương, đất nước, bám sát thực tiễn đời sống đương đại, biểu dương các gương người tốt, việc tốt, cổ vũ tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất kinh doanh và nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khác.
 
Bên cạnh mảng đề tài chiến tranh cách mạng với các tác phẩm nổi bật  như tiểu thuyết “ Chân trời mùa hạ” của nhà văn Hữu Phương, tiểu thuyết “ Cát trọc đầu” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh... viết về cuộc chiến đấu của quân và dân Quảng Bình trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị tinh thần của công chúng vừa phục vụ cho sự nghiệp tái thiết và xây dựng quê hương, VHNT Quảng Bình giai đoạn này  tập trung ghi nhận những đổi thay trong đời sống đương đại.
 
Một số tác phẩm đề cập đến các vấn đề nhạy cảm trong xã hội, thẳng thắn đấu tranh trực diện cái xấu, cái ác, phê phán những biểu hiện sai trái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc,  như tiểu thuyết “Súng nổ bến thiên đường” của nhà văn Hữu Phương.
 
Hình ảnh con người quê hương Quảng Bình đi vào thơ, nhạc, tranh, ảnh hết sức sinh động, chân thực và giàu tính nhân văn. Công chúng không thể quên các ca khúc “ Huyền thoại trăng Nhật Lệ” ( Hoàng Sông Hương- Lý Hoài Xuân), “ Tình sông Nhật Lệ” (Dương Viết Chiến), “Ánh đèn gọi cá” (Quách Mộng Lân). Hay các  tác phẩm ảnh nghệ thuật “Người anh hùng giữa đời thường” ( Ngô Độc Lập), Phút giải lao (Bùi Hùng Cường), “Tung cánh” (Hoàng An), “ Biển nở hoa” (Thành Vương), “Âm vang đại ngàn Trường Sơn” (Đức Thành).
 
Đặc biệt,  lần đầu tiên trong đời sống VHNT Việt Nam, một tiểu thuyết  viết về Hoàng Sa -Trường Sa ra đời trong sự đón nhận hồ hởi của độc giả cả nước, tiểu thuyết “Lời thề” của nhà văn Nguyễn Quang Vinh. Các tác phẩm mỹ thuật như : “Trái tim của biển” của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, tranh cổ động  với chủ đề “Bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” của các họa sỹ Quang Hiếu, Lê Anh Tân, Lê Thuận Long... cũng là những thông điệp mạnh mẽ của văn nghệ sỹ Quảng Bình đối với chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
 
30 năm trở về địa giới cũ, quê hương Quảng Bình đã đi những bước tiến dài trên mọi lĩnh vực. Trong thành quả chung đó không thể không có sự đồng hành của VHNT. Với tác phẩm của mình nhiều thế hệ văn nghệ sỹ  đã góp vào bức tranh Quảng Bình đương đại những sắc màu sôi động và âm thanh rộn rã, cổ vũ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới của quê hương. 
 
Trương Thu Hiền
,