.

Hình tượng con người trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

.
09:08, Chủ Nhật, 10/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Trước đây, tôi may mắn được tiếp xúc, tìm hiểu về thơ và cuộc đời của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Khi đó, nữ thi sỹ quê gốc Lệ Thủy, Quảng Bình vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn, chưa mắc chứng bệnh Alzheimer. Càng tìm hiểu sâu, tôi càng bị chinh phục bởi cốt cách, con người và hồn thơ của nữ thi sỹ trưởng thành từ phong trào chống Mỹ với trái tim đa cảm, giàu trắc ẩn, yêu thương ấy.
 
Suốt nửa thế kỷ miệt mài lao động nghệ thuật, kiến tạo cho đời những vần thơ mang hơi thở cuộc sống và dư vị tình đời, Mỹ Dạ đã làm sống dậy trong thơ hình ảnh con người-bức chân dung tự họa về cái tôi, về tâm hồn và trái tim nặng đầy tin yêu của mình.
 
Hình tượng con người trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là hình tượng đa chiều, được thể hiện trên nhiều bình diện độc đáo, dẫn bước người đọc đi vào thế giới của những cảm xúc chân thành, trong sáng, những tình cảm cao quý, thiêng liêng.
 
Đọc Hồn đầy hoa cúc dại và nhiều tập thơ khác của bà, ta bắt gặp cái tôi thi nhân trong mối giao cảm với không gian, thời gian và cuộc đời. Đó là cái tôi nhạy cảm, tinh tế, giàu trắc ẩn, yêu thương nhưng luôn đắm mình trong nỗi buồn, sự cô đơn tưởng chừng như vô tận.
Hai trong số nhiều tập thơ của nữ thi sỹ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Hai trong số nhiều tập thơ của nữ thi sỹ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Trong mối giao cảm với không gian, con người thơ Mỹ Dạ hiện lên với những phẩm chất đáng nâng niu, trân trọng. Người phụ nữ ấy đã vượt lên biết bao thăng trầm, chông gai để sống trọn đạo nghĩa làm người, mà trước hết là làm vợ, làm mẹ.
 
Đã có lúc, bà cất lên tiếng nói của lòng mình, gieo vào trong thơ một lời Tự bạch đầy chân thành, ám ảnh, để mong vơi bớt những nhọc nhằn, mong gặp được tiếng đồng vọng, sẻ chia: "Nghiêng vai đặt gánh qua cầu/Hạnh phúc thì mỏng, khổ đau thì dày/Lệch người biết gánh sao đây/Đường đi chưa hết, kiếp này chưa qua".
 
Trên hai đầu đòn gánh cuộc đời, "hạnh phúc thì mỏng, khổ đau thì dày" nên thi sỹ phải gồng mình đứng vững, để "nghiêng vai đặt gánh qua cầu". Ấy thế mà, niềm hạnh phúc vẫn chông chênh, mỏng manh, dễ vỡ tan trước những khổ đau đã dày theo năm tháng; để rồi, hiện lên giữa cuộc sống là một Mỹ Dạ với "nếp nhăn dần lộ rõ", "sợi bạc dần choán chỗ", với dáng hình nín lặng bươn chãi trước cuộc đời, trước số phận.
 
Chăm sóc, bầu bạn, sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống với chồng, Mỹ Dạ như một người mẹ, người chị dịu dàng, bao dung. Khó mà nói hết những ân tình sâu nặng của người vợ ấy dành cho chồng. Tận sâu đáy lòng, bà nén chặt nỗi đau, hóa tâm hồn thành vững chãi, Cho anh tựa vào em: "Bàn tay nâng em thành bảo mẫu/Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười/Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng/Giữa tháng ngày trĩu nặng/Em đứng thẳng người/Cho anh tựa vào em".
 
Đến đây thì hình ảnh người phụ nữ hiện lên đẹp lạ thường. Đẹp bởi tình yêu thương không nói hết thành lời, bởi đức hy sinh không gì so sánh. Nếu giữa đời thường, Mỹ Dạ "gập lưng lặng lẽ" thì trước chồng, bà luôn "đứng thẳng người cho anh tựa vào em".
 
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ là tiếng lòng của bà, người phụ nữ mang trái tim đa cảm, đầy thương tổn. Thơ bà để lại trong lòng độc giả những ấn tượng khó phai mờ, trong đó, dấu ấn về hình tượng con người luôn ôm ấp những ước vọng, những điều tốt đẹp, thiêng liêng đã thực sự "đóng đinh" cùng thời gian.
 
Đó là ước vọng về một không gian tuổi thơ luôn ngự trị, tràn đầy trong tim: "Bây giờ xa lắc chợ tuổi thơ/Mùi quả, mùi rau thơm đến giờ/Cá tôm còn nhảy long tong nước/Tôi còn bé nhỏ mỗi lần mơ" (Chợ tuổi thơ). Ước vọng của thi nhân còn neo đậu trong những vần thơ viết về tình mẫu tử.
 
Trong thơ Mỹ Dạ, nó trở thành một điểm tựa vững chắc để bà vượt qua bão đời. Yêu con, xa con, nhớ con, Mỹ Dạ luôn ước vọng được ở mãi bên con: "Con như sóng thích đổi thay/Mẹ như bờ cát tràn đầy lặng im" (Nghĩ về con như biển). Một sự so sánh độc đáo mà sâu sắc. Biển nào mà chẳng có sóng. Sóng nào mà chẳng vỗ vào bờ cát. Sóng và cát vì thế muôn đời gắn bó không rời như ước vọng bên con mãi của người mẹ. Đó chính là chỗ tinh tế của hồn thơ thi sỹ họ Lâm.
 
Không chỉ hóa thân vào người mẹ yêu con, cái tôi trữ tình trong thơ Mỹ Dạ còn đóng vai một người bà thương cháu nhất mực. Với người bà ấy, chỉ có một thiên đường duy nhất tồn tại trên thế gian này, ấy là "Cu Pông bé nhỏ"-"thiêng đường của riêng bà".
 
Đọc thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, ta không chỉ nhận ra hình tượng con người với những khát vọng, ước mơ mà còn bắt gặp hình tượng con người đắm mình trong nỗi buồn, sự cô đơn. Nỗi buồn, sự cô đơn ấy đã trở thành niềm ám ảnh trong thơ bà.
 
Nhiều khi, nó mang cả niềm chua xót, cay đắng, trở thành một vết thương thật khó xoa dịu: "Nhiều khi/Hát lên một giai điệu rồi khóc/Còn ai hiểu ta bằng ta/Còn ai yêu ta bằng ta" (Nhiều khi). Nhà thơ đã khai thác đến tận cùng mọi sắc thái, cung bậc của nỗi buồn trong thơ mình. Ở đó, cái chết được Mỹ Dạ nâng lên thành một biểu trưng: "Em chết trong nỗi buồn/Chết như từng giọt sương/Rơi không thành tiếng" (Tặng nỗi buồn riêng).
 
Sự cô đơn của thi nhân đã thấm trên từng câu chữ, chế ngự cảm xúc, thi hứng của bà. Đó là nỗi buồn, sự cô đơn của một cái tôi đã trải qua nhiều khổ đau, cái tôi luôn quẫy đạp khát vọng sống thực với chính mình dù cuộc đời có nhiễu nhương, thăng trầm đến đâu. Nhưng bởi phát tiết từ một tâm hồn giàu yêu thương nên nó không ngụp lặn trong thế giới bi quan mà bao giờ cũng trong sáng, đáng trân trọng.
 
Ngay từ những vần thơ đầu tiên của Lâm Thị Mỹ Dạ, người đọc đã phát hiện ra một hồn thơ tinh tế, nhẹ nhàng, giàu yêu thương như chính con người của nữ thi sỹ: "Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong/Đã hóa thành những làn mây trắng/Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/Đi qua khoảng trời em-vầng dương thao thức" (Khoảng trời, hố bom). Cho đến sau này, hồn thơ ấy vẫn nồng nàn, tha thiết. Thơ bà vì thế mang giọng điệu nhẹ nhàng mà da diết, lắng sâu và đậm chất nhân văn.
 
Một điều dễ nhận thấy là con người thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bao giờ cũng đan chéo nhiều cảm xúc. Cái bản ngã ấy luôn trăn trở, đau đáu trước cuộc đời để gom nhặt những mảnh suy tư, chiêm nghiệm, để phát sáng cho thơ những mạch nguồn triết lý sâu sắc: "Nhặt chi con ốc vàng/Sóng xô vào tận bãi/Những cái gì dễ dãi/Chẳng bao giờ bên lâu" (Biển).
 
Càng về sau, chất triết lý trong thơ bà càng trở nên sâu sắc hơn. Đó chính là cái tinh chất được thi sỹ chắt lọc từ cộc sống vốn không mấy bằng lặng, từ những kinh nghiệm gan ruột đã chín thành cảm xúc lại được diễn tả bằng những vần thơ giàu hình ảnh nên giọng thơ triết lý của Mỹ Dạ vẫn giữ được chất mượt mà, sâu lắng: "Đời người thoáng chốc tan vào gió/Hạnh phúc mong manh hương ổi bay" (Đêm Như Ngân). Giọng điệu triết lý mang hơi thở cuộc sống cứ thế đi suốt hành trình thơ Mỹ Dạ, tạo nên sức bền của một hồn thơ tài năng.
 
Chưng cất cho đời những vần thơ lắng đọng, Mỹ Dạ đã thực sự sống tận cùng với những yêu ghét, những trải nghiệm của bản thân, với niềm yêu say đi tìm cái đẹp cuộc đời. Con người thơ Mỹ Dạ nhạy cảm, tinh tế nhưng cũng không kém phần mãnh liệt, sâu sắc. Con người đó đã sống-sống hết mình, đã yêu-yêu hết lòng.
 
Mỹ Dạ không chỉ tâm niệm về một trái tim dịu dàng "Phụ nữ cần dịu dàng, tinh tế/Hơn cả phần sắc đẹp trời cho" (Hãy cho anh dịu dàng) mà còn khát vọng về một niềm kiêu hãnh "mãi tươi tốt mặc tình yêu thách đố", về một tâm hồn tràn đầy sự trẻ trung, trong trẻo.
 
Với cái tôi luôn khao khát hoàn thiện bản thân, thơ Mỹ Dạ đã làm cuộc "thách đố" ngoạn mục với thời gian để tồn tại bền chặt trong lòng bao thế hệ người đọc, để hướng khát vọng thi ca đến những chân trời tươi sáng, với "những giấc mơ phát sáng màu huyền thoại" (Lý luận văn học-Hà Minh Đức).
 
Tâm An
 
,