.

Chung tay xây dựng cụm tượng đài Giao thông vận tải phía Nam cầu Gianh

.
08:24, Thứ Bảy, 01/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thực hiện tâm nguyện của cán bộ, cựu thanh niên xung phong (TNXP) ngành Giao thông vận tải (GTVT) và nhân dân tỉnh Quảng Bình, vấn đề xây dựng cụm tượng đài GTVT Nam cầu Gianh, huyện Bố Trạch đã được đặt ra.
 
Vì sao vị trí khu vực Nam bến phà Gianh lại có ý nghĩa quan trọng như vậy? Tìm hiểu lại lịch sử ngành GTVT càng thấy rõ điều này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, Quảng Bình có vị trí đặc biệt quan trọng, là địa bàn nằm ở tuyến đầu của hậu phương và là cầu nối chi viện cho chiến trường miền Nam nên trở thành trọng điểm đánh phá khốc liệt của đế quốc Mỹ.
 
Với trách nhiệm của mình, ngành GTVT và tỉnh Quảng Bình đã huy động lực lượng công nhân, TNXP, dân công hỏa tuyến để tổ chức và giữ vững mạng lưới giao thông luôn thông suốt trong mọi tình huống. Các tuyến đường, cây cầu nơi đây đều ghi dấu ấn oanh liệt của các lực lượng GTVT, công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến và nhân dân Quảng Bình về tinh thần hy sinh sức người sức của để bảo đảm cho mạch máu giao thông được thông suốt.
 
Trong số “địa chỉ đỏ” tại Quảng Bình, khu vực bến phà Gianh có vị trí đặc biệt quan trọng, mang ý nghĩa biểu tượng cao khi đây chính là cửa ngõ đường bộ đưa bộ đội, cán bộ, vũ khí, hàng hóa vào miền Nam và cũng là điểm khởi đầu của tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
 Phác thảo cụm tượng đài GTVT Nam cầu Gianh.
Phác thảo cụm tượng đài GTVT Nam cầu Gianh.
Đồng chí Phạm Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: “UBND tỉnh đã phê duyệt vị trí xây dựng tượng đài là phía Nam cầu Gianh, thuộc địa phận xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, diện tích khoảng 2,1 ha; tỷ lệ quy hoạch chi tiết xây là 1/500; đề cương dự án đầu tư với quy mô công trình cấp tỉnh, loại công trình là tượng đài ngoài trời (không thuộc công trình tín ngưỡng), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 69 tỷ đồng. Sau khi thành lập Hội đồng nghệ thuật thực hiện dự án với Chủ tịch Hội đồng là 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên (gồm các nhà điêu khắc lớn của Việt Nam, đại diện Công đoàn ngành GTVT Việt Nam, các đơn vị văn hóa nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình), Sở GTVT đã tổ chức cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo. Đến hết thời hạn dự thi, có 5 đơn vị tham gia với tổng cộng 10 mẫu phác thảo. Trong các ngày 11 và 12-12-2016, Hội đồng nghệ thuật đã tiến hành họp chấm chọn mẫu phác thảo. Kết quả, giải nhất thuộc về tác giả Nguyễn Chi Lăng, Công ty TNHH Tu bổ di tích và xây dựng mỹ thuật Trung ương.
 
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng nghệ thuật, tác giả của mẫu phác thảo đạt giải nhất đã tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện phương án và đã có phác thảo bước hai gửi Sở GTVT Quảng Bình xem xét để trình UBND tỉnh phê duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tượng đài. UBND tỉnh đã có công văn báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và xin ý kiến với mẫu phác thảo đạt giải nhất. Sau khi xem xét, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh đối với mẫu phác thảo để hoàn chỉnh, làm phương án phê duyệt, triển khai thực hiện đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
 
Trong quá trình phản biện, góp ý về tác phẩm đạt giải nhất, đa số các nhà điêu khắc đều nhận xét, bố cục tượng đài có xu hướng vươn cao và rộng mở chiếm lĩnh không gian ở tầm xa. Khối tượng đài và phù điêu được thiết kế bề thế, trang trọng, có hình khối chắc khỏe, khúc chiết, mang hơi thở của thời đại. Để công trình hài hòa với không gian xung quanh, tác giả dự kiến độ cao của tượng đài khoảng 36 m với chất liệu tổng hợp đá tự nhiên và kim loại thép không gỉ, đây là điểm nhấn thẩm mỹ trong không gian của khu vực. Công trình chuyển tải những thông điệp lịch sử sâu sắc, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn ” của dân tộc.
 
Trên cơ sở định hướng xây dựng các điểm du lịch văn hóa tâm linh, sau các công trình, như đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 Quyết thắng, nhà bia di tích lịch sử đồi Cha Quang (đồi 37), đền thờ liệt sỹ Trường Sơn-bến phà Long Đại thì cụm tượng đài GTVT Nam cầu Gianh sẽ là một công trình có ý nghĩa, nhằm tri ân những chiến công oanh liệt và sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ GTVT trên tuyến lửa Quảng Bình.
 
Đúng như phân tích của đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ): “Cụm tượng đài GTVT Nam cầu Gianh sẽ là nơi ôn lại những chiến công đã tô thắm trang sử truyền thống vẻ vang của ngành GTVT. Sau này, trên con đường từ Bắc vào Nam, cùng với các công trình, như Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp…, cụm tượng đài GTVT sẽ góp phần hình thành nên hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh, tạo thành điểm nhấn về du lịch của Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng”. 
 
Để công trình cụm tượng đài GTVT Nam cầu Gianh sớm được xây dựng, thiết nghĩ cần có sự chung tay của xã hội. Ngoài việc kêu gọi nguồn xã hội hóa từ ngành GTVT tỉnh Quảng Bình, nên chăng, cần có sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức công đoàn toàn ngành GTVT Việt Nam, như tinh thần Công văn số 577/CV-TU ngày 10-10-2018 của Tỉnh ủy Quảng Bình: “Tỉnh ủy Quảng Bình kính đề nghị Bộ GTVT, Công đoàn ngành GTVT Việt Nam quan tâm, hỗ trợ UBND tỉnh Quảng Bình kêu gọi các nguồn lực, đặc biệt là từ sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp lớn trong và ngoài ngành GTVT để đầu tư xây dựng cụm tượng đài Giao thông vận tải Nam cầu Gianh”.
                                                                                                    Phan Hòa
,