.

Dấu ấn Quảng Bình trong thơ Lê Thị Mây

.
14:30, Thứ Sáu, 02/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhà thơ Lê Thị Mây quê gốc Quảng Trị nhưng sinh ra, lớn lên tại Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Tuổi thơ và một phần tuổi trẻ của bà gắn bó với Quảng Bình.
 
Bà từng là cán bộ Hội Văn nghệ Quảng Bình, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1982. Tính đến nay, bà đã xuất bản 8 tập thơ, 3 tập trường ca và 9 tập truyện ngắn, tiểu thuyết. Năm 2017, bà được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
 
Đọc thơ Lê Thị Mây, chúng ta thấy dấu ấn Quảng Bình hiện lên rất đậm nét. Nhiều bài, nhiều câu hết sức máu thịt. Trong bài viết này, tôi chỉ dừng lại ở những bài, những câu có địa danh Quảng Bình, để ghi nhận tình cảm của bà với Quảng Bình và giúp bạn đọc hiểu thêm về bà.
 
Nhớ về kỷ niệm tuổi thơ, Lê Thị Mây viết:
          Sờ vào túi áo vân vi
          Bỗng li ti cát li ti tỏa ngời
          Cát vàng rơi, cát vàng rơi
          Hạt theo hạt chảy mặt trời trên tay
(Cát làng tôi)
 
Vâng, có lẽ bắt đầu từ tình cảm "li ti" ấy mà trong bài Tiễn em trai nhập ngũ, nhà thơ khó quên được kỷ niệm chị em thật dễ thương:
 
Tiễn em trai nhỏ lên đường
Chiều ga Đồng Hới nắng nghiêng
…..
Buổi ấy qua sông Nhật Lệ
Chị vui theo sóng thầm thì
Dẫm chân níu đền áo mẹ
Em khóc đòi theo chị đi
Đổi thay bên bờ Nhật Lệ. Ảnh: Tiến Hành
Đổi thay bên bờ Nhật Lệ. Ảnh: Tiến Hành
Lê Thị Mây có rất nhiều bài thơ viết về Đồng Hới. Đó là Đồng Hới yên bình, nên thơ, trước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ:
 
Đóa hồng nhung vươn nốt nhạc
Nhật Lệ ngân dây đàn đất nước mênh mang
Tôi đã cất tiếng khóc khi ngậm vào vú mẹ
Bàn tay tí teo với được cánh hồng
(Hoa hồng Đồng Hới)
 
Đó là Đồng Hới dưới bom đạn ác liệt của giặc:
Cây dừa đứng bên sông Nhật Lệ
Chỉ còn xanh một trái trên cao
Bao trái khác bom thù bứt hết
Nhựa cây tuôn khói đắng nghẹn ngào
(Cây dừa)
 
Đọc thơ Lê Thị Mây, ta như sống lại những ngày đánh Mỹ:
Quân dừng Đồng Hới trưa nay
Bữa cơm ăn vội, cỏ may dính người
Cây đa bom chặt đâm chồi
Lá che chưa đủ nắng nôi Quảng Bình
(Dừng ở Đồng Hới)
 
Quảng Bình Quan thời bom pháo trong thơ Lê Thị Mây là thế này đây:
         Gió từ sông tràn Quảng Bình Quan
         Bức tường đổ mất dần dấu vết
         Máu chảy suốt chiều dài đất nước
         Một bến đò Mẹ Suốt triệu đàn con
(Gió từ sông Nhật Lệ)
 
Và cảnh Đồng Hới sau chiếu tranh:
          Thành cổ gạch vùi trong cỏ
          Tôi trở về Nhật Lệ sóng vỗ ướt hai chân
(Ký ức)
 
Hoặc:
          Đồng Hới trở mùa gió bấc trào cửa bể
          Đem mưa về cùng rét mướt mùa đông
          Xin phố xá hồi sinh lên da thịt
          Trong ngọn roi bão dữ đói giêng hai
(Đồng Hới trở mùa)
 
Phải chăng nhờ tình yêu mặn nồng, bỏng cháy với Đồng Hới mà nhà thơ khao khát ngày Đồng Hới đổi đời? Mượn hình ảnh người vẽ tranh Đồng Hới, Lê Thị Mây đã để tim mình ngân rung cùng ngòi bút họa sỹ:
          Anh đã đến với phố xưa Đồng Hới
          Gởi nhịp tim trong nét bút phố chiều
          Anh đã đến, ngày sum vầy yên ả
          Sống với ban mai Nhật Lệ sương mù
          …..
          Đồng Hới đấy, những bức tranh Đồng Hới
          Trái tim anh đập với phố vẹn nguyên
(Với người vẽ tranh Đồng Hới)
 
Luôn đỏ thắm thủy chung, nhà thơ không bao giờ quên mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn mình, cho mình những câu thơ để đời:
          Ôi Nhật Lệ xa mờ
          Sóng tràn như nước mắt
          Ta nhặt từng câu thơ
(Sông)
 
Tình cảm của nhà thơ Lê Thị Mây với Quảng Bình không chỉ sâu nặng với Đồng Hới! Những năm tháng là thanh niên xung phong lăn lộn, sống chết với các cung đường phía Tây Quảng Bình, bà đã lưu vào ký ức những hình ảnh đẹp về con người, tên núi, tên sông nổi tiếng. Ai đồng đội của bà ngày ấy, còn nhớ chăng:
 
          Đỉnh Ba Rền giọng hò xứ Thanh vang dội
          Xua muỗi rừng trái bồ kết xông hơi
          Tiếng hát át tiếng bom cõng đường băng đèo Mụ Giạ
(Lửa mùa hong áo)
 
Nhà thơ được sống giữa tình đồng chí ấm áp như bếp lửa hồng:
          Than hồng đượm nâng niu tình đồng chí
          Nắng xuyên qua Cổng Trời ủ lại vừng dương
(Lửa mùa hong áo)
 
Trong lửa đạn, tình yêu đến với nhà thơ và các nữ thanh niên xung phong cũng chỉ là giấc mơ:
          Em gọi mớ anh nơi xa
          Ba Rền rừng rậm thác òa xuống thung
(Lửa mùa hong áo)
 
Chúng ta không thể quên ơn các chị một thời mặc áo lính chịu đựng bao gian khổ, ác liệt vì sự sống con đường thiêng liêng:
          Trập trùng áo lính nữ
          Tấm ngụy trang quàng ấm núi U Bò
(Lửa mùa hong áo)
 
Đọc câu thơ Vào Nam đến được phà Gianh/Cầm bằng được gặp tình anh với nàng của Lê Thị Mây, tôi bỗng nhớ câu thơ Tố Hữu: Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa đến đó thì chưa hiểu mình. Phà Gianh hay Trường Sơn Đông-Trường Sơn Tây đều gắn với Quảng Bình. Câu thơ của Lê Thị Mây đã đề cao vị thế mảnh đất Quảng Bình thời đó. Trong trường ca Lửa mùa hong áo, Lê Thị Mây còn có nhiều câu thơ ca ngợi những người con gái Quảng Bình dũng cảm, đảm đang.
 
Đây là chị Luống trong chiến đấu:
Máy bay địch ném bom tọa độ
Bến Lũy Thầy chị Luống hy sinh
Lồng ngực vỡ trái tim còn đập nhịp
 
Còn đây là phụ nữ làng Thuận Bài (Ba Đồn) trong lao động:
          Con gái làng Thuận chằm nón bài thơ
          Đong đếm tháng ngày che mưa che nắng
 
Cảm phục những người lính biên phòng ngày đêm canh giữ từng tấc đất Tổ quốc, quê hương, nhà thơ vinh danh họ là những bông hoa đỏ nơi biên cương:
         Sắc hoa đỏ
         Miên man
         …
         Mỗi cột mốc lặng lẽ uy nghi
         Từ ngàn xưa là vị thần công lý
         Dấu chân người lính Cha Lo
         Là hoa rải thảm
(Hoa đỏ ở Cha Lo)
 
Bằng cách nhìn, cách nghĩ của nhà thơ, trong Với Nguyễn Du về Đồng Hới, Lê Thị Mây lại bổ sung cho Đèo Ngang những câu thơ độc đáo:
          Cổng đèo mây trượt ngã
          Thơ người khắc đâu đây
          Hoa xưa hồn trong đá
          Mà trăng còn hây hây
(Cảm tác qua Đèo Ngang)
 
Hy vọng nhà thơ Lê Thị Mây sẽ có thêm những bài thơ hay về Quảng Bình!
Lý Hoài Xuân
,
  • Trả nợ đất

    (QBĐT) - Tự truyện của ông là tất thảy những lời gan ruột, thấm bao mồ hôi, nước mắt của những tháng ngày vất vả, đắng cay lẫn hạnh phúc, tự hào. Ông bảo, câu chuyện trong những trang viết ấy không chỉ là tiếng lòng, mà còn là lời tự sự để trả nợ đất, trả nợ dòng sông và những cánh đồng-những điều thiêng liêng đã mang đến cho ông bao thành công ngày hôm nay.

    31/10/2018
    .
  • Vĩnh biệt Kim Dung - 'Minh chủ võ lâm' của văn đàn Trung Quốc

    Ngày 30-10, truyền thông Trung Quốc đưa tin Kim Dung, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Trung Quốc với hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển, vừa qua đời ở tuổi 94. 
     
    31/10/2018
    .
  • Lễ hội Cầu ngư Quảng Bình được công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia

    (QBĐT)  - Ngày 30-10, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 4068-QĐ/BVHTTDL công bố danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. Lễ hội Cầu ngư ở Quảng Bình là 1 trong 8 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia.

    30/10/2018
    .
  • Bảo tồn văn nghệ dân gian, nỗi niềm người giữ 'ngọc' - Bài 2

    (QBĐT) - Quảng Bình là xứ sở của những câu dân ca mang đậm dấu ấn vùng, miền, nhưng trải qua thời gian, không ít loại hình văn nghệ dân gian của địa phương dần bị mai một. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong cuộc sống hiện đại đang trở thành nỗi trăn trở của những người làm công tác văn hóa và các nghệ nhân-người giữ "ngọc" ở các làng quê.
     
    29/10/2018
    .
  • Đồng Hới đoạt giải nhất hội thi tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình

    (QBĐT) - Ngày 27-10, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội thi tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Quảng Bình năm 2018.

    28/10/2018
    .
  • Bảo tồn văn nghệ dân gian, nỗi niềm người giữ 'ngọc'

    (QBĐT) - Quảng Bình được biết đến là vùng đất giàu về di sản văn hóa, trong đó có các loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc, điển hình như: ca trù Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch), hát đúm, ví, hò thuốc, hát ru (Minh Hóa), hò khoan Lệ Thủy… với những giai điệu thiết tha, đằm thắm làm mê đắm bao thế hệ.

    28/10/2018
    .
  • Hơn 300 nghệ nhân dự khai mạc liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018

    Tối 1-11, tại Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khai mạc Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018. 
     
    02/11/2018
    .
  • ''The Dark room'' đoạt giải phim dài xuất sắc nhất tại Liên hoan Hanif

    Tối 31-10, Lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (Haniff) lần thứ năm đã diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội với chủ đề ''Điện ảnh- hội nhập và phát triển bền vững."
     
    01/11/2018
    .