.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Khu Giao tế Quảng Bình

.
14:29, Thứ Hai, 19/11/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Di tích lịch sử Khu Giao tế Quảng Bình thuộc thôn Giao Tế, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới. Hơn 45 năm trước, đây là nơi đón tiếp, phục vụ trên 450 đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm, làm việc tại Quảng Bình.
 
Năm 1954, Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định thành lập Ban Giao tế Quảng Bình. Lúc đầu, trụ sở đóng tại thị xã Đồng Hới, với nhiệm vụ đưa đón các đoàn cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, bảo đảm điều kiện sinh hoạt, công tác cho các đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm, làm việc tại Quảng Bình.
 
Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Quảng Bình trong đó có thị xã Đồng Hới là trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt của địch. Để bảo toàn lực lượng, tiếp tục công tác, Ban Giao tế Quảng Bình được chuyển lên vùng phía Tây, đóng ở đồi Đức Ninh. Cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ngày càng mở rộng, Ban Giao tế Quảng Bình lại tiếp tục sơ tán, cơ quan chia thành nhiều nhóm nhỏ, đóng tại nhiều địa điểm, như: Cộn, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Bố Trạch... Thời gian này, để bảo đảm hoạt động, các nhóm công tác đã bám dân, cùng với dân lo việc đón tiếp khách.
 
Năm 1970, để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ mới, Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình quyết định triển khai xây dựng Khu Giao tế tại đồi Đức Ninh. Trong khi việc xây dựng chưa hoàn thành thì đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ hai. Một lần nữa, Giao Tế Quảng Bình phải sơ tán lên vùng Cộn. Trong điều kiện chiến tranh, phải sơ tán đi nhiều nơi, nhưng với tinh thần vượt lên khó khăn, tập thể cán bộ và nhân viên Giao tế Quảng Bình vẫn làm tròn nhiệm vụ, đạt kết quả cao nhất.
 
Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chỉ thị cho Quảng Bình gấp rút xây dựng Khu Giao tế để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Sau một thời gian khẩn trương xây dựng, đến đầu tháng 3-1973, Khu Giao tế Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động. Toàn bộ khuôn viên Khu Giao Tế rộng gần 5 ha, gồm có khu nhà nghỉ dành cho khách trong nước (khu nhà A), khu nhà nghỉ dành cho khách quốc tế (khu nhà B). Ngoài ra, còn có hội trường (địa điểm tổ chức lễ trình Quốc thư của Đại sứ các nước cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; tổ chức các buổi họp báo quốc tế...) và một số công trình phụ trợ khác. Tại đây, với tinh thần trách nhiệm của mình, cán bộ và nhân viên Khu Giao tế đã phục vụ chu đáo các đoàn khách đến thăm, làm việc ở Quảng Bình, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các vị khách.
 
Trong hơn 450 đoàn khách trong nước và quốc tế mà Khu Giao tế tiếp đón, có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, chính khách, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Cu Ba Phi-đen Cát-xtơ-rô, vợ chồng Quốc trưởng Campuchia Nôrôđôm Xihanuc; Chủ tịch nước CHDCND Lào Xuphanuvông... cùng nhiều phái đoàn quốc tế như: Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Cu Ba, Tiệp Khắc...
Di tích Khu Giao tế Quảng Bình được quan tâm bảo tồn, tu bổ, trở thành sản phẩm văn hóa du lịch phục vụ du khách đến tham quan.
Di tích Khu Giao tế Quảng Bình được quan tâm bảo tồn, tu bổ, trở thành sản phẩm văn hóa du lịch phục vụ du khách đến tham quan.

Với những sự kiện lịch sử tiêu biểu và có ý nghĩa quan trọng đó, Khu Giao tế Quảng Bình đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Quốc gia theo Quyết định số 3518/1998/QĐ-BVHTT ngày 4-12-1998.

Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của UBND tỉnh, di tích Khu Giao tế Quảng Bình được quản lý, bảo tồn, tu bổ, tôn tạo kịp thời, trở thành sản phẩm văn hóa du lịch phục vụ du khách đến tham quan, góp phần đáng kể trong việc giáo dục truyền thống cho nhân dân.
 
Từ năm 2010 đến nay, di tích Khu Giao tế Quảng Bình đã được đầu tư trùng tu, tôn tạo với nguồn kinh phí gần 3 tỉ đồng trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc ban đầu của di tích như: 2 dãy nhà nghỉ dành cho khách trong nước và quốc tế, hội trường... Đặc biệt, Khu Giao tế Quảng Bình vẫn bảo tồn nguyên trạng phòng làm việc cùng các vật dụng sinh hoạt như giường, tủ, bàn ghế... của Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô trong thời gian sang thăm và làm việc tại Quảng Bình. Bên cạnh đó, bằng sự nỗ lực của mình, tập thể cán bộ Ban quản lý Di tích Quảng Bình đã sưu tầm được hơn 35 bức ảnh tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích trưng bày tại phòng truyền thống của Khu Giao tế, giúp cho du khách hiểu thêm về di tích.
 
Thời gian tới, để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích hiệu quả hơn, thiết nghĩ, các ban, ngành liên quan cần nghiên cứu, triển khai thực hiện một số giải pháp, như: Bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, đặc biệt là cán bộ thuyết minh tại di tích nhằm phục vụ tốt khách tham quan; tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với hoạt động du lịch theo hướng bền vững. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm giữ gìn các yếu tố gốc cấu thành di tích, hạn chế tối đa sự thay thế, nhất là thay thế bằng các chất liệu và vật liệu mới.
 
Đồng thời, các ban, ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền về Luật Di sản, vai trò, giá trị của di tích nhằm nâng cao ý thức trách niệm trong cán bộ và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tiếp tục sưu tầm tư liệu (tranh ảnh, hiện vật...) liên quan đến các sự kiện lịch sử gắn liền với di tích, trưng bày tại phòng truyền thống nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tìm hiểu của du khách; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích nhằm thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu; phối hợp với các trường học trên địa bàn đưa học sinh, sinh viên đến tìm hiểu, nghiên cứu về di tích...
 
Minh Đức-Ngọc Ánh
                                (Ban quản lý Di tích Quảng Bình)
,