.

Người 'níu giữ' làn điệu vè cổ ở làng biển Bảo Ninh

.
14:43, Chủ Nhật, 16/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở làng biển Bảo Ninh (Đồng Hới), từ lúc còn rất trẻ, những làn điệu hò, vè và lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của làng biển quê hương đã thấm sâu vào tận tâm can của bà Phạm Thị Kim Oánh.
 
Và hôm nay, như chuyến tàu đã gần về ga cuối, bà Oánh vẫn miệt mài chuyển tải giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đặc biệt là làn điệu vè cổ mà bà là một trong những người cuối cùng ở làng biển Bảo Ninh còn lưu giữ được. 
 
Tìm về điệu vè cổ
 
Trong căn nhà nhỏ của mình ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (Đồng Hới), bà Phạm Thị Kim Oánh đã hát và kể cho chúng tôi nghe về những làn điệu hò, vè cổ của quê hương. Ở cái tuổi 78, giọng của bà Oánh vẫn trong trẻo, mượt mà, lắng sâu trong từng câu chữ.
 
Sinh ra và lớn lên ở làng biển Bảo Ninh, vùng quê sản sinh, truyền khẩu những điệu hò, vè đặc sắc, sâu lắng, dễ đi vào lòng người, nên tình yêu nghệ thuật dân gian đã sớm thấm sâu vào tâm can của bà Oánh. Và như một lẽ tự nhiên, năm 19 tuổi bà được nhận vào Đoàn văn công tổng hợp Quảng Bình, mặc dù bà chưa từng được học hành qua một trường lớp nghệ thuật nào.
 
Tham gia đoàn văn công, bà Oánh hát được nhiều làn điệu dân ca, nhưng loại hình mà bà yêu thích và thể hiện thành công nhất vẫn là các làn điệu hò, vè của quê hương, đặc biệt là làn điệu vè cổ thì có lẽ khó tìm được người thứ hai hát hay như bà.
 
Theo lời bà Oánh, ngày xưa sau chuyến lao động đánh bắt trên biển, trong sinh hoạt văn hóa tinh thần, người dân Bảo Ninh lấy các làn điệu vè để kể cho nhau nghe những tích chuyện về biển, về các loài cá, tôm trên biển, về các nhân vật lịch sử, các nữ anh hùng…
 
Từ ngày còn bé, bà Oánh thường xuyên tham gia các buổi hát vè vào những đêm sinh hoạt cộng đồng như thế. Rồi cái làn điệu vè chân chất, sâu lắng, ngọt lành như chính con người miền biển ấy đã ngấm vào máu, khiến bà không sao dứt được. 
Bức ảnh kỷ niệm bà Oanh và các thành viên trong Đoàn văn công Tổng hợp Quảng Bình được chụp chung với Bác Hồ (bà Oanh đứng bên phải Bác Hồ).
Bức ảnh kỷ niệm bà Oanh và các thành viên trong Đoàn văn công Tổng hợp Quảng Bình được chụp chung với Bác Hồ (bà Oanh đứng bên phải Bác Hồ).
Từ năm 1973, vì hoàn cảnh gia đình, bà Oánh không tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp ở Đoàn văn công tổng hợp Quảng Bình nữa nhưng đến nay tình yêu với những làn điều vè cổ dường như chưa bao giờ tắt trong con người nhiệt huyết này.
 
“Hát vè là một loại hình nghệ thuật dân gian truyền miệng, chỉ được hát trong các buổi sinh hoạt cộng đồng mà không phải để đi biểu diễn. Vì thế, ở thời đại hiện nay, hát vè, đặc biệt là những làn điệu vè cổ cứ dần dần "thoát ly" khỏi đời sống của người dân và rất dễ bị lãng quên, thất truyền”, bà Oánh chia sẻ.
 
Lo làn điệu vè cổ sẽ bị thất truyền, sợ lớp trẻ sẽ không biết thế nào là hát vè, những năm qua, ngoài việc tích cực tham gia biểu diễn trong các ngày hội làng, lễ, tết và các hoạt động văn hóa do xã, thành phố tổ chức, bà Oánh quyết tâm sưu tầm, ghi chép lại các làn điệu vè cổ, biên soạn lại lời vè mới cho hoàn chỉnh, mượt mà hơn để thế hệ trẻ sau này sẽ có được những lời hát vè dễ nhớ, dễ học. Cùng với đó, bà tham gia tập luyện cho các hạt nhân văn nghệ trong thôn, xã để tham gia các hội diễn văn nghệ, từ đó góp phần bảo tồn làn điệu vè cổ này…
 
Nói về những đóng góp của bà Oánh với phong trào văn hóa ở cơ sở, bà Nguyễn Thị Quỳnh, cán bộ văn hóa xã Bảo Ninh (Đồng Hới) chia sẻ: "Trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng của xã Bảo Ninh nhiều năm qua đều có sự đóng góp tích cực, quan trọng của bà Oánh. Khi địa phương có phong trào, lễ hội gì mời tham dự thì bà rất nhiệt tình tham gia.
 
Đặc biệt, vào dịp Tuần lễ Văn hóa-Du lịch Đồng Hới, bà Oánh thường xuyên tham gia lễ hội chèo cạn múa bông với vai trò là người hát chính (hò cái). Nói cách khác, bà Oánh như là "linh hồn" của llễ hội chèo cạn múa bông vậy!"
 
Kỷ niệm một lần được biểu diễn cho Bác Hồ xem
 
Trò chuyện với chúng tôi, bà Oánh chia sẻ, trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, tuy rất ngắn nhưng bà có một vinh dự đáng tự hào mà không phải ai cũng có, đó là lần được gặp và biểu diễn văn nghệ cho Bác Hồ xem.
 
Ánh mắt vui tươi đến lạ, bà Oánh kể về cuộc gặp lịch sử ấy, cặn kẽ đến từng chi tiết. Đó là khoảng thời gian giữa tháng 4 năm 1966, theo điều động của Bộ Văn hóa, Đoàn văn công tổng hợp Quảng Bình vượt bom đạn ra công tác ở các tỉnh phía Bắc. Đoàn đã lưu diễn mấy đêm ở Hải Dương, Hải Phòng. Sau đó, đoàn trở về Hà Nội.
 
Theo kế hoạch, tối 1-5-1966, đoàn sẽ biểu diễn mừng ngày Quốc tế Lao động tại Hội trường câu lạc bộ Thống Nhất. Mọi tiết mục cũ và mới tập, chương trình đã sắp xếp hoàn tất.
 
Bỗng có lệnh tối đó, đoàn hoãn diễn ở đây để đi diễn nơi khác. "Nơi đâu?" "Cho ai xem?" Mọi người trong đoàn hỏi nhau nhưng không ai biết để có câu trả lời chính xác. 5 giờ chiều, hai chiếc xe ca đến đón đoàn đi, sau đó xe chạy vào Phủ Chủ tịch…
Hơn 50 năm qua, bà Oanh giữ gìn cẩn thận bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ như một báu vật.
Hơn 50 năm qua, bà Oanh giữ gìn cẩn thận bức ảnh được chụp chung với Bác Hồ như một báu vật.
“Giờ diễn sắp bắt đầu thì bất ngờ Bác Hồ nhẹ nhàng bước vào. Mọi người trong đoàn tưởng như mơ nhưng đang là thực vì Bác Hồ đang hiển hiện trước mắt. Vỡ òa niềm vui bất ngờ, tất thảy đều hô vang "Bác Hồ! Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm! Muôn năm!" và òa khóc, nước mắt giàn giụa. Bác nhẹ nhàng nói: "Thôi, các cháu khẩn trương lên. Các đại biểu đã đến đủ rồi đấy".
 
Rồi Bác hỏi: “Trong đoàn có cháu nào có chồng đi chiến trường B không?” Nghe Bác hỏi, tôi rưng rưng nước mắt rồi bước lên phía trước và cất tiếng: "Dạ thưa Bác, con có chồng đang đi B". Nghe vậy, Bác đã ân cần động viên tôi cố gắng công tác thật tốt để làm hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm đánh giặc”, bà Oánh kể lại.
 
Trong buổi biểu diễn đó, ngoài những tiết mục diễn chung với đoàn, bà Oánh có một tiết mục riêng, đó là trình bày bài vè “Mẹ Suốt”. Tiết mục kết thúc, Bác hỏi bà: “Cháu có biết bài này của ai sáng tác không?” “Dạ thưa Bác, của chú Tố Hữu ạ.” Nghe vậy, Bác Hồ đã quay sang nói với đồng chí Tố Hữu lên tặng hoa cho bà Oánh.
 
Buổi biểu diễn hôm đó thành công tốt đẹp và đã để lại bao nhiêu kỷ niệm cho toàn Đoàn văn công tổng hợp Quảng Bình. Cuối buổi biểu diễn, Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với toàn đoàn, bà Oánh vinh dự được xếp đứng cạnh Bác Hồ.
 
Hơn 50 năm đã trôi qua nhưng với bà Phạm Thị Kim Oánh lần được gặp Bác Hồ, được diễn cho Bác xem năm ấy là một kỷ niệm đáng nhớ và đáng tự hào nhất. Và bức ảnh bà cùng các thành viên trong đoàn được chụp chung với Bác Hồ được bà gìn giữ cận thận như một báu vật vô giá.
 
Phan Phương
,