.

Để câu ca 'vọng mãi đất này'

.
14:14, Thứ Hai, 17/09/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Quảng Bình-mảnh đất “gánh hai đầu đất nước” luôn là nguồn cảm hứng, là đề tài bất tận của thi ca, nhạc, họa. Và có một Quảng Bình trong âm nhạc với những ca từ mộc mạc, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng được các thế hệ nhạc sĩ sáng tạo nên bằng chính tài năng nghệ thuật và tình yêu quê hương tha thiết.
 
Có thể nói rằng, những người sáng tác âm nhạc tỉnh nhà đã kế thừa tinh hoa của âm nhạc dân tộc để cho ra đời những ca khúc mang âm hưởng dân ca, tái hiện rõ nét đất và người Quảng Bình qua thời gian.
 
Những bài ca ghi dấu thời gian
 
Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, nhiều nhạc sĩ Quảng Bình đã cho ra đời hàng loạt ca khúc ghi dấu thời gian, trở thành những giai điệu tự hào của quê hương. Tiêu biểu là các nhạc sĩ: Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương, Dương Viết Chiến, những người được xem là cánh chim đầu đàn trong phong trào sáng tác âm nhạc tỉnh ta.
 
Tên tuổi của nhạc sĩ Quách Mộng Lân gắn liền với những tác phẩm nổi tiếng một thời như: 15 năm ta đi dưới cờ, Gửi anh một chút đào xuân, Gạo đến Trị Thiên, Đẹp sao năm gái quê ta, Chuyến phà đêm, Ánh đèn gọi cá, Cùng chung dòng máu Lạc Hồng, Dòng sông em yêu… và nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống mới, như: Quê ta có nắng mặt trời, Quảng Bình cất cánh, Quê ta in dấu chân Người, Đồng Hới và em... được phát hành rộng rãi trên sóng phát thanh và truyền hình Việt Nam.
 
Cố nhạc sĩ Trần Hoàn, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin đã gọi Quách Mộng Lân “là một trong những cỗ máy cung cấp cho toàn đoàn (văn công Quảng Bình) và cả miền Trung nhiều sáng tác cháy bỏng lòng yêu thương nhân dân, căm thù sâu sắc kẻ thù, thể hiện rõ ý chí hy sinh cho cuộc kháng chiến của nhân dân Quảng Bình…”.
         
Cùng với Quách Mộng Lân, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cũng là gương mặt tiêu biểu của Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh. Hàng loạt ca khúc của ông được xem là những bức họa quê hương bằng âm nhạc như: Tâm tình với sông Gianh, Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Nàng tiên Mỹ Cảnh, Phố biển tình anh, Chuyện tình Phong Nha...
 
Đặc biệt, tác phẩm "Tình ta biển bạc đồng xanh" lấy cảm hứng sáng tác từ chính mảnh đất, con người Quảng Bình đã trở thành ca khúc quen thuộc nhất của Hoàng Sông Hương với khán giả cả nước, là một trong những bài ca đi cùng năm tháng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam.
 
Cùng thế hệ “cây đa, cây đề” với nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân còn có nhạc sĩ Dương Viết Chiến. Một số tác phẩm của ông, như: Tình sông Nhật Lệ, Đồng Hới hoa hồng, Ngược chiều sơn cước… đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng yêu nhạc.
Với hàng trăm ca khúc viết về quê hương, các nhạc sĩ đã góp phần quan trọng trong việc phát huy, gìn giữ các giá trị truyền thống của âm nhạc Quảng Bình trong giai đoạn hiện nay và tiếp ngọn lửa đam mê sáng tạo, cống hiến cho các thế hệ sau.
 
Khơi dậy tình yêu quê hương
 
Quê hương trong các ca khúc viết về Quảng Bình là giọng nói “mô, tê, răng, rứa”, là con đò, là dòng Nhật Lệ hiền hòa, dòng Gianh xanh biếc, là biển bạc, rừng vàng, cây lúa, điệu hò và cả những danh lam thắng cảnh lung linh, kỳ vĩ cùng những tên đất, tên làng mộc mạc. 
<img alt=" " Địa="" phương="" ca="" "="" luôn="" là="" lựa="" chọn="" hàng="" đầu="" trong="" những="" chương="" trình="" văn="" nghệ="" chào="" mừng="" các="" sự="" kiện="" hóa,="" chính="" trị="" của="" địa="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201809/original/images629492_IMG_0494__1_.JPG" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201809/original/images629492_IMG_0494__1_.JPG" style="width: 734px; height: 400px;">
"Địa phương ca" luôn là lựa chọn hàng đầu trong những chương trình văn nghệ chào mừng các sự kiện văn hóa, chính trị của các địa phương
Tiếp bước thế hệ gạo cội, nhiều nghệ sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình qua các ca khúc hay như: Miên man Long Đại, Vũ điệu Phong Nha, Nơi tôi tìm về, Quảng Bình quê em, Khúc ru miền Trung… (Dương Nguyệt Ánh).
 
Hay một số ca khúc của Ngọc Tân như: Quảng Bình hò hụi, hò khoan, Tượng đài màu xanh (phổ thơ Lê Khánh Hoà), Về Quảng Bình đi anh (phổ thơ Hoàng Hữu Thái), Quảng Ninh đất mẹ anh hùng... được phổ biến rộng rãi qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên trong, ngoài tỉnh.
 
Những năm gần đây, số lượng ca khúc dạng tỉnh ca, “huyện ca”, “xã ca” xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có không ít tác phẩm được sáng tác bởi những gương mặt mới đầy triển vọng, nổi bật là tác giả Nguyễn Minh Tám (Trung tâm Văn hóa -Thông tin-Thể thao huyện Tuyên Hóa) với các ca khúc như: Đồng Lê yêu thương, Một nửa huyện Tuyên, Đồng Hới khúc hát ân tình… Một số tác phẩm khác như: Tam Đa ta đó (Thanh Hoài), Hát mừng xã Thanh Hóa anh hùng (Đặng Minh Tiến), Về làng Hạ (Trương Tình Báo), Hàm Ninh đất mẹ anh hùng, Hàm Hòa ơi! (Nguyễn Văn Dưỡng)... thường được các địa phương sử dụng trong các dịp liên hoan văn nghệ quần chúng, các dịp lễ, tết…
 
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giới thiệu, quảng bá hình ảnh của một vùng đất nào đó, “địa phương ca” còn có khả năng kết nối, khơi dậy tình yêu quê hương trong lòng người yêu nhạc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và ca hát của một bộ phận công chúng nhất định. Đó là những bức họa khá đầy đủ về mỗi tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, mang giai điệu nhẹ nhàng như lời tự tình, gần gũi như những câu hò, lời ru của mẹ nên dễ đi vào lòng người và thường được hát, được diễn trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hay trong các sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương.
 
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để “địa phương ca” có vị thế, tầm vóc trong đời sống âm nhạc, được công chúng đón nhận và phổ biến rộng rãi. Đó là nỗi băn khoăn, trăn trở của những người sáng tác chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh. Và nói như tác giả Nguyễn Minh Tám thì mỗi lần viết lại luôn đặt ra câu hỏi rằng “tác phẩm tâm huyết của mình sẽ đọng lại những gì, sẽ đi về đâu”…  
 
Nói về vấn đề trên, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, người gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tác ca khúc cho các địa phương với những tác phẩm tiêu biểu như: Phố biển tình anh, Trần Xá quê mẹ yêu thương, Tình quê Hương Thủy, Kinh Châu tình mẹ, Hưng Trạch quê em, Một thoáng Đồng Lê, Mùa về trên sông Kiến Giang… cho hay: Dù có những ý kiến trái chiều về “tầm vóc” và “vị thế”, song hiện nay “địa phương ca” vẫn là một phần tất yếu của đời sống âm nhạc.
 
Mỗi vùng đất có một dáng vẻ riêng nên ca khúc được cất lên cũng có giọng điệu, sức hấp dẫn riêng. Và chỉ khi người nghệ sĩ đặt vào đó sự sáng tạo, tài năng nghệ thuật thì mới có thể đưa những hình ảnh, bản sắc, nét đặc trưng của vùng đất ấy thăng hoa, hòa điệu cùng âm nhạc...
 
Trên thực tế, có nhiều ca khúc viết về một địa phương nhưng lại được phổ biến rộng rãi và có sức sống với thời gian như: Quảng Bình quê ta ơi (cố nhạc sĩ Hoàng Vân), Đường Đồng Lê, Đường lên Quy Đạt (cố nhạc sĩ Trần Hoàn), Đưa em về Kiến Giang (Xuân Đồng), Phố biển tình anh (Hoàng Sông Hương)…
 
Song cũng có không ít ca khúc thuộc “địa phương ca” hầu như chỉ được lan truyền ở một xã, huyện nào đó. Vì vậy, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cho rằng, cần phải làm mới, phải thổi vào đó hơi thở cuộc sống hiện đại của mỗi làng quê thì “địa phương ca” mới có vị thế trong lòng công chúng.
 
Một điều dễ nhận thấy là nhiều người thường hay sử dụng chất liệu dân ca làm nền tảng để tạo nên giai điệu cho ca khúc, thậm chí đặt lời mới cho dân ca. Và chính điều đó vô tình tạo ra nét chung chung, thiếu sự đổi mới. Trong khi đó, âm nhạc phải mang hơi thở của cuộc sống hiện tại nên nhất thiết người nghệ sĩ không ngừng sáng tạo ra cái mới, mới về ca từ, giai điệu và hướng đến lực lượng công chúng nghe nhạc là các bạn trẻ.
 
Nói như thế không có nghĩa là không nên sử dụng chất dân ca trong “địa phương ca” nhưng phải biết chắt lọc, lựa chọn, làm mới. Hiện tại, rất ít ca khúc về xã, huyện có tiết tấu nhanh, vui nhộn nên thiếu sức hút đối với công chúng nghe nhạc, nhất là những người trẻ.
 
Bằng niềm đam mê nghệ thuật, 34 thành viên thuộc Phân hội Âm nhạc (Hội VHNT Quảng Bình) trong đó có 11 người là hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã cho ra đời nhiều tác phẩm thấm đẫm hương đất, tình người Quảng Bình. Họ không chỉ vẽ quê hương bằng những giai điệu đẹp mà bằng cả trái tim và tình yêu quê hương tha thiết.
 
Dẫu còn nhiều chông chênh trên con đường sáng tác, còn lắm trăn trở về chỗ đứng của “địa phương ca” song những người sáng tác âm nhạc trẻ đang tích cực học hỏi các thế hệ đi trước nhằm tiếp tục cho ra đời những tác phẩm có chất lượng “trên quê hương thắm nghĩa thắm tình” để “địa phương ca” thực sự neo lại trong lòng công chúng yêu nhạc và có sức lan tỏa theo thời gian.
                             
Nh.V
,
  • Kỷ niệm mùa hè năm ấy

    (QBĐT) - Năm 1988, cùng với nhiều bạn học sinh của thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ, lần đầu tiên chúng tôi được tham gia một trại hè đặc biệt. 

    17/09/2018
    .
  • Cô gái sinh năm 2000 đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2018

    Trong đêm chung kết diễn ra tối qua, ngày 17-9, Trần Tiểu Vy (SBD 138) đã chính thức trở thành tân Hoa hậu Việt Nam 2018 với vương miện danh giá và chiếc trượng 'truyền lực.'
     
    17/09/2018
    .
  • Miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng

    (QBĐT) - Miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng.
     
    17/09/2018
    .
  • Người 'níu giữ' làn điệu vè cổ ở làng biển Bảo Ninh

    (QBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở làng biển Bảo Ninh (Đồng Hới), từ lúc còn rất trẻ, những làn điệu hò, vè và lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của làng biển quê hương đã thấm sâu vào tận tâm can của bà Phạm Thị Kim Oánh. 

    16/09/2018
    .
  • Ngọn gió tuổi thơ

    (QBĐT) - Cánh buồm tuổi thơ chở gió
    Với bao ước vọng của mình
    Đêm rằm Trung Thu phá cỗ
    Em mời ngọn gió rung rinh…
     
    16/09/2018
    .
  • Công diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Mẹ Suốt'

    (QBĐT) - Tối 15-9, tại khu vực âu thuyền Nhật Lệ, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Quảng Bình đã phối hợp tổ chức công diễn chương trình nghệ thuật đặc biệt "Mẹ Suốt", nhân kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của nữ Anh hùng ngành Giao thông vận tải Nguyễn Thị Suốt (11-10-1968 - 11-10-2018).

    16/09/2018
    .
  • Nâng cao kỹ năng viết, biên tập tin, bài về chủ đề xây dựng Đảng

    (QBĐT) - Chiều 14-9, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh đã bế giảng lớp tập huấn báo chí viết về xây dựng Đảng, kỹ năng tác nghiệp báo chí trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

    15/09/2018
    .
  • Mùa thu và phố

    (QBĐT) - Sao vàng thế, những mùa thu qua phố
    Mắt em nâu chợt sáng một ánh nhìn
     
    15/09/2018
    .