.

Tác phẩm Văn Lợi dưới con mắt người trẻ

.
08:37, Thứ Hai, 13/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nếu lấy mốc thời gian năm 1960, thời điểm bài thơ của tác giả Văn Lợi được Nhà xuất bản Văn học chọn đưa vào "Tuyển tập văn thơ dành cho thiếu nhi (1945-1960)", thì nay cũng đã tròn 58 năm để những cô bé, cậu bé say mê với ngụ ngôn, thơ văn Văn Lợi ngày nào bước sang chức ông, bà.
 
Đó cũng là khoảng thời gian sáng tạo, miệt mài không ngơi nghỉ của nhà thơ Văn Lợi. Nhân dịp ông vừa cho ra mắt "Văn Lợi tác phẩm tuyển chọn" để ghi dấu mốc thời gian đáng nhớ trên, hãy cùng một lần thử cảm nhận người trẻ ngày nay đọc tác phẩm Văn Lợi như thế nào qua tập sách này.
 
Có thể nói, việc có thể chọn lọc các tác phẩm nổi bật trong hơn 23 đầu sách đã xuất bản của ông, gồm nhiều thể loại văn học, nghiên cứu văn hóa và hàng trăm tác phẩm được in trên báo chí, để hoàn thành 2 tập của "Văn Lợi tác phẩm tuyển chọn" là một điều không hề dễ dàng. Đó chính là sự tâm huyết, đam mê và quyết tâm của nhà thơ đã bước sang tuổi thất thập, và đúng như ông đã tâm sự trong lời đề từ của tập sách:
 
"Bảy mươi lăm tuổi thấu trần ai
Như ánh nắng chiều dìu dịu phai
Như ngọn lá vàng chờ gió đón
Như thanh âm cuối bản Thiên thai!"…
 
Không ngạc nhiên khi phần đầu tiên và cũng là phần chiếm dung lượng lớn trong tuyển tập là các tác phẩm nổi bật về thơ của Văn Lợi, từ thơ trữ tình, thơ thiếu nhi, thơ ngụ ngôn cho đến thơ chính luận, triết luận, câu đối, thơ phổ nhạc. Trong đó, ấn tượng nhất với người trẻ chính là mảng thơ thiếu nhi, thơ ngụ ngôn. Đối với nhiều người trẻ 8X, 9X, ký ức của họ vẫn tràn ngập nhưng dòng thơ hồn nhiên, gần gũi, thân thuộc của "Tự giác", "Vào lớp 1", "Ai được kiện"… Thơ ngụ ngôn Văn Lợi chứa đựng những bài học dung dị, dễ hiểu, dễ thuộc thông qua các câu chuyện giản dị, sâu sắc của những nhân vật mà các em dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống thường ngày, như: kiến, gà, mèo, cá…, hay những nhân vật sống động trong thế giới động vật, như: hổ, cáo, voi, quạ, công…, những đồ vật thân quen trong sinh hoạt hàng ngày… Vì lẽ đó, dù đã qua hàng chục năm, các tác phẩm này vẫn có sức sống mãnh liệt, vẫn là những "giáo trình" dạy trẻ vô cùng hữu ích của các bậc phụ huynh, cũng như thầy cô giáo.
 
"Cả ngày lăn ra ngủ
Tối xách đèn rong chơi
Cứ tưởng mình sáng dạ
Nên không chịu học bài
 
Thế rồi kỳ thi đến
Đom đóm bị điểm hai
Chàng ta lủi đâu mất
Trước ánh hồng ban mai"
                       (Đom đóm)
 
Một mảng thơ khác của tác giả Văn Lợi cũng tạo được sự hứng thú và hấp dẫn với người trẻ, đó là thơ chính luận-triết luận. Nhiều vấn đề chính trị, thời sự gai góc, những sự kiện đáng nhớ… đã được nhà thơ đưa vào các tác phẩm một cách trọn vẹn, nhưng tinh tế, không to tát, không giáo điều và nhất là mang hơi thở của thời đại. Đối với bạn đọc trẻ, đây là những bài thơ mang đến sự sôi nổi, hào hùng của lịch sử và cả những chiêm nghiệm, suy tư của cuộc sống đương thời. Vì lẽ đó, những tác phẩm, như: "Chống tham nhũng-theo Đảng, ta cùng xung trận", "Phê và tự phê bình", "Kê khai tài sản", "Nghĩ về đảng viên", "Tôi xin biểu quyết"… có một sức sống lâu bền.
 
Văn Lợi là một trong những nhà thơ hiếm hoi vừa "thông thạo thơ", vừa "nhuần nhuyễn văn". Mảng truyện thiếu nhi, truyện ngụ ngôn của ông cũng tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc, đặc biệt là với người trẻ. Thế giới động vật hiện lên trong truyện ngụ ngôn Văn Lợi đầy sống động, hấp dẫn và ấn tượng, thông qua đó, những bài học, triết lý cuộc sống được tác giả gửi gắm nhẹ nhàng, nhưng sâu sắc, tinh tế.
 
Cái hay của Văn Lợi nằm ở cách sử dụng ngôn ngữ đời thường, gần gũi nhưng súc tích, ngắn gọn và vẫn đầy chất thơ, khiến bạn đọc nhớ mãi. Cùng với đó là lối kể chuyện thủ thỉ, tâm tình, ý nhị nhưng không kém phần gợi mở. Vì vậy, chỉ là những câu chuyện đời thường, nhưng qua ngôn ngữ, góc nhìn và cách kể của tác giả đã khiến thông điệp truyền tải được nâng tầm và vô cùng dễ nhớ, dễ hiểu.
 
Điểm đặc biệt là truyện ngụ ngôn của Văn Lợi thường ngắn, thậm chí rất ngắn, tạo nên phong cách tác giả độc đáo và luôn đòi hỏi bạn đọc phải đào sâu suy nghĩ, phải "thấm" từng câu, từng chữ để hiểu được vấn đề. Nhiều tác phẩm đã góp phần hình thành dấu ấn riêng của tác giả, như: "Quạ tập hót", "Diều hâu và gà mái đen", "Thỏ và rùa", "Sự tích Phong Nha"…
 
Đúng như tác giả chia sẻ, tuyển tập "Văn Lợi tác phẩm tuyển chọn" cũng chính là sự tri ân của nhà thơ đối với những người bạn luôn song hành và yêu thương mình. Một phần dung lượng của tuyển tập được ông dành cho các bài viết về chính con người, tác phẩm của ông. Họ chính là những người luôn theo sát sự nghiệp thơ văn của Văn Lợi, cho ông những lời khuyên và tình cảm chân thành nhất, đó cũng là động lực để ông không ngừng cố gắng trên con đường sáng tạo văn chương. Những bài viết này cũng đã góp phần mang lại những cách nhìn nhận khác nhau về tác phẩm của Văn Lợi trong dòng chảy nghệ thuật đương đại. Đó là tác giả Lý Hoài Xuân với "Văn Lợi lợi nhờ văn", là tác giả Ngô Minh với "Tình mẹ trong thơ Văn Lợi", là tác giả Lê Xuân Việt với "Ngụ ngôn Văn Lợi"…
 
Với nhà thơ Văn Lợi, được viết, được thỏa sức sáng tạo nghệ thuật là niềm vui không gì sánh được, vì lẽ đó, dù tuổi đã cao, đôi mắt đã yếu đi nhiều, ông vẫn say mê nghiệp văn chương, xem đó là lẽ sống đời mình. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến tuổi già dường như vẫn chưa có cơ hội "gõ cửa" tâm hồn người nghệ sĩ già Văn Lợi để mỗi khi gặp ông, người trẻ như chúng tôi như được tiếp thêm sức sống, thêm niềm tin yêu cuộc sống.
                                                                                                   
      Mai Nhân
,
  • ASIAD 2018: Trung tâm báo chí sẵn sàng đi vào hoạt động

    Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, dù gần 1 tuần nữa lễ khai mạc Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2018 mới chính thức diễn ra, song ngay từ thời điểm này đã có thể cảm nhận được sức nóng lan tỏa khắp nơi tại Indonesia. Một trong những địa điểm có sức nóng đặc biệt nhất và được rất nhiều người quan tâm, tìm đến chính là Trung tâm báo chí chính của ASIAD 2018.
     
    13/08/2018
    .
  • Sân ga một người

    (QBĐT) - Tiếp cận một số công trình nghiên cứu, luận văn đại học, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về văn hóa truyền thống, lịch sử và các lĩnh vực xã hội nhân văn khác thời kỳ trung đại, cận đại Quảng Bình, tôi nhận thấy hầu hết các tác giả ít nhiều đều có viện dẫn kết quả nghiên cứu của một tên tuổi đáng kính đi trước, bên cạnh các tên tuổi khác và Quốc Sử quán triều Nguyễn: học giả người Pháp Lesopold Cadière. 

    12/08/2018
    .
  • Mùa thu năm ấy

    (QBĐT) - Ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập
    Nắng mùa thu vàng tỏa Ba Đình
    Muôn triệu tim chờ chung nhịp đập
    Ôi phút giờ Tổ quốc khai sinh!
     
    12/08/2018
    .
  • Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tập huấn nghiệp vụ cho hội viên

    (QBĐT) - Ngày 10 - 8, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho hội viên thuộc phân hội văn học về lĩnh vực văn học đương đại.

    11/08/2018
    .
  • Dịch giả của 'Hoàng tử bé' được trao Huân chương Hiệp sỹ Văn học Pháp

    Theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, vào ngày 16-8 tới đây, ngài Étienne Rolland Piègue - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẽ trao tặng Huân chương Hiệp sỹ Văn học và Nghệ thuật cho dịch giả Nguyễn Nhật Anh của Việt Nam.
     
    11/08/2018
    .
  • Tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc viết về Quảng Bình

    (QBĐT) - Chiều 10-8, Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp để thông qua kế hoạch và thể lệ cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quảng Bình. 

    11/08/2018
    .
  • Tiếp nhận 18 cổ vật của Việt Nam hồi hương từ CHLB Đức

    Chiều 9-8, tại Hà Nội, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ban giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia 18 cổ vật Việt Nam ở một số thời kỳ văn hóa khác nhau. 
     
    10/08/2018
    .
  • Khai trương hoạt động xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện

    (QBĐT) - Sáng 9-8, tại Làng trẻ em SOS Đồng Hới, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ khai trương hoạt động xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện và đánh giá hoạt động phục vụ cơ sở giai đoạn 2016 - 2018.

    09/08/2018
    .