.

Sân ga một người

.
10:19, Chủ Nhật, 12/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tiếp cận một số công trình nghiên cứu, luận văn đại học, luận án thạc sĩ, tiến sĩ về văn hóa truyền thống, lịch sử và các lĩnh vực xã hội nhân văn khác thời kỳ trung đại, cận đại Quảng Bình, tôi nhận thấy hầu hết các tác giả ít nhiều đều có viện dẫn kết quả nghiên cứu của một tên tuổi đáng kính đi trước, bên cạnh các tên tuổi khác và Quốc Sử quán triều Nguyễn: học giả người Pháp Lesopold Cadière.
 
Không những các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà Việt Nam học, Quảng Bình học, mà những người phục dựng, tái tạo các giá trị văn hóa, nghệ thuật vật thể, phi vật thể giai đoạn này cũng đều cần đến những nghiên cứu của Cadiere như những tư liệu đối chứng đáng tin cậy.
 
Đó là điều đương nhiên, bởi trước khối lượng tác phẩm đồ sộ và chất lượng về các lĩnh vực nghiên cứu đa dạng từ các công trình do ông để lại, ngày nay, nhiều học giả và cơ quan nghiên cứu uy tín ở Việt Nam đều thống nhất đánh giá Lesopold Cadière là một trong những nhà Việt Nam học đầu tiên và hàng đầu ở thời đại: “Có thể nói Cadiere là một trong những người đặt nền móng cho việc nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ này (…). Cuộc đời và sự nghiệp của Cadiere đáng cho tất cả những ai quan tâm đến môn Việt Nam học, dù là người Việt hay là người nước ngoài phải kính cẩn suy ngẫm”. 
Tượng bán thân nhà bác học Lesopold Cadière.
Tượng bán thân nhà bác học Lesopold Cadière.
Theo đó, cũng có thể dễ dàng xác định rằng, học giả Cadiere đồng thời cũng là nhà Quảng Bình học đầu tiên và hàng đầu, bởi ông đã khởi nghiệp nghiên cứu Việt Nam trên mảnh đất Quảng Bình, trong một thời gian dài và bằng nhiều tác phẩm có giá trị. Trước những thực tế này, có lúc tôi tự nghĩ, vùng đất Quảng Bình, nếu không có những công trình nghiên cứu đa dạng, sâu sắc và tỉ mỉ của Cadiere để lại, thì sẽ trống đi rất nhiều các giá trị văn hiến một thời sẽ không/chưa được nghiên cứu, ghi chép lại, theo đó sẽ dần mai một.
 
Mang theo sự kính trọng và biết ơn ông như mọi người, tôi tìm đến thăm mộ phần của nhà bác học Cadiere tại ngôi làng nhỏ Kim Long, xứ Huế. Mộ phần khiêm nhường của ông nằm lẫn giữa những ngôi mộ khác trong nghĩa trang nhỏ nhắn của Đại chủng viện Huế, và trên bia mộ chỉ ghi vỏn vẹn ba chữ Pháp viết tắt: R.I.P. (Requiescat in pace – Yên nghỉ trong an bình!). Sự yên nghỉ trong an bình, cộng với một sự nghiệp khoa học thầm lặng nhưng vô cùng giá trị lưu lại đời sau, dành cho Việt Nam, dành cho Quảng Bình thật phù hợp với tâm nguyện, với ý chí đã thành hiện thực, được trích khắc vào đế bức tượng bán thân của Cadiere, đặt cách ngôi mộ của ông không xa: “Học tiếng Việt không chỉ để nói giỏi như người Việt, mà còn phải tâm tư nghĩ suy như họ” và: “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này, cho tôi được ở lại và chết ở đây !”.
 
Lesopold Cadière sinh năm 1863 tại Pháp, đến Việt Nam năm 1892. Trong 86 năm cuộc đời mình, ông đã dành đến 63 năm sống, làm việc và nghiên cứu ở Việt nam, tự nhận mình là người Việt, nhận Việt Nam làm quê hương thứ hai và trút hơi thở cuối cùng ở xứ sở mà ông yêu mến này. Những tác phẩm và công trình khoa học để lại của Cadiere cũng sâu sắc và rộng lớn như cuộc đời ông.
 
Theo thống kê của Đỗ Trinh Huệ, trong quãng thời gian sống ở Việt Nam, Cadiere đã nghiên cứu và để lại khoảng trên dưới 250 công trình khoa học về văn hóa, lịch sử Việt Nam. Đó là một di sản khoa học quý giá không hề nhỏ mà ông đã dành gần trọn cuộc đời tạo dựng cho xứ sở mà ông nguyện gắn bó. Từ thống kê này, chúng tôi nhận thấy Cadiere có đến 19 công trình, tác phẩm, bài viết nghiên cứu trực tiếp về vùng đất, con người tỉnh Quảng Bình, với rất nhiều các lĩnh vực, rất đa dạng:
 
+ Dân tộc học,  phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo: 3 tác phẩm
+ Văn hóa, văn minh, khảo cổ, nghệ thuật: 2 tác phẩm
+ Địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, lịch sử, ký sự: 8 tác phẩm
+ Ngôn ngữ, văn học, giáo dục: 1 tác phẩm
+ Thực vật, sinh vật học, môi trường: 3 tác phẩm
+ Các loại khác (diễn văn, thống kê, thương mại, thư tín, thời sự): 2 bài
 
Sau ba năm có mặt ở Việt Nam, Cadiere đã đặt chân đến Quảng Bình và ở lại đây suốt 7 năm liền (1895 – 1902). Mặc dù ông sống, làm việc chủ yếu tại hai địa bàn: vùng Tam Tòa (Đồng Hới) và xứ Cù Lạc (Phong Nha), nhưng những bước chân điền dã, nghiên cứu của ông không chỉ dừng lại ở đó, mà in dấu trên hầu khắp mọi địa danh lịch sử văn hóa Quảng Bình với sự khát khao khoa học vô bờ bến. Dựa vào những công trình nghiên cứu của Cadiere để lại, người đời sau thảy đều xác định ông là một trong những người đầu tiên người đặt nền tảng cho việc nghiên cứu nhiều lĩnh vực văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ học, dân tộc học, sinh vật học…ở Việt Nam và có thể khẳng định rằng, rất nhiều nội dung trong các lĩnh vực nghiên cứu đa dạng này đều được ông khởi sự ở Quảng Bình.
 
Một trong những nghiên cứu văn hóa, lịch sử đầu tay ở Việt Nam của Cadiere là công trình về tấm bia cổ ghi lại các các biến cố của cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn dựng bên lũy Thầy, khi ông được bổ nhiệm về giáo xứ Tam Tòa Đồng Hới (1895), nơi có nhiều di tích lịch sử để lại. Công trình sau đó được Viện Khoa học Pháp khen thưởng và ấn hành trên Tập san Trường Viễn đông Bác cổ. Và sau thành công đó, Cadiere tiếp tục say mê điền dã, nghiên cứu văn hóa, lịch sử trên hầu khắp vùng đất Quảng Bình cho đến khi ông rời đi nơi khác.
 
Vùng đất Quảng Bình, nơi ông thân thiết, gần gũi và tận tụy khảo cứu, ghi chép cũng đã giúp Cadiere tiếp cận với một hình thức ngôn ngữ/phương ngữ Việt sống động, ngoài dân gian khác rất xa tiếng Việt sách vở mà ông từng được học ở Pháp trước khi đến Việt Nam. Cũng chính ở vùng thượng du sông Gianh, ông đã nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa tiếng Việt cổ ở vùng này với tiếng Mường ở xứ Bắc kỳ mà ông đã từng biết. Theo đó, ở các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, ông thường sử dụng nhiều từ tiếng Việt phương ngữ vùng thượng du sông Gianh trong nguyên bản tiếng Pháp, và trong các sưu tầm văn học dân gian ông cũng giữ nguyên cách ký âm tiếng Việt như nó vốn có:
 
Mê bẹ mê mê!
Con đi dọi mạ
Cá đi dọi bầy
Chớ lạc bầy ai
Ăn ló ăn khoai!
Chặt trốc chặt tai
Tiêu hành nác mắm
Mê bẹ mê mê!
 
Đó thực sự là những chất liệu ban đầu góp phần quan trọng cho ông hoàn thành các công trình ngôn ngữ học để đời sau này: “ Ngữ âm tiếng An Nam: Thổ ngữ Bắc Trung bộ”. “Thổ ngữ Nam Trung bộ”…
 
Khi Louis Malleret khẳng định rằng “Cadiere là người sáng lập thực sự ngành thiểu số học ở Việt Nam và trong lĩnh vực này, ông không bao giờ trở thành lỗi thời.”, có nghĩa là bao gồm trong đó cả thành quả những tìm hiểu, nghiên cứu của ông về các tộc người thiểu số có cuộc sống bí hiểm cư trú quanh vùng Cù Lạc, Phong Nha, thời những năm đầu ông đến Quảng Bình. Theo đó, trong nghiên cứu thế giới siêu nhiên ở khu vực này, khi đề cập đến khái niệm ma mọi, thứ mà cư dân xứ Cù Lạc, Phong Nha thường nhắc đến trong sợ hãi, Cadiere lại có cái nhìn bằng thái độ khoa học thật khách quan: “Ma mọi (…) nhát người và muốn làm hại người; nhưng theo những câu chuyện kể thì chúng đứng vể phe những người Thượng và những điều ác chúng làm nhằm buộc người Việt tôn trọng con người và của cải của những người bất hạnh được gọi là quân kẻ rú”.
Nguồn Son, nơi Cadiere hoạt động nghiên cứu 6 năm liền và để lại nhiều công trình giá trị.
Nguồn Son, nơi Cadiere hoạt động nghiên cứu 6 năm liền và để lại nhiều công trình giá trị.
Ở vùng Cù Lạc, Phong Nha, Cadiere ngoài ra còn có nhiều hoạt đông nghiên cứu khoa học khác: thám hiểm động Phong Nha, nghiên cứu thực vật, sinh vật học và môi trường… Cũng từ những nghiên cứu đa dạng đó, chính nơi đây, Cadiere được diện kiến Louis Finot, vị giám đốc đầu tiên của Trường Viễn đông Bác cổ và nhận được từ ngài giám đốc những lời khích lệ xác đáng, để sau đó bằng những nỗ lực khoa học không mệt mỏi của mình, ông vinh dự được cử làm hội viên Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (1918). Không những thế, với những chất liệu nghiên cứu ở Bình Trị Thiên, miền Trung, Việt Nam, Cadiere còn trở thành hội viên nòng cốt của nhiều hiệp hội khoa học xã hội, khoa học tự nhiên danh tiếng lúc bấy giờ.
 
Ở Quảng Bình thời kỳ này, dĩ nhiên Cadiere không phải là người Pháp, người nước ngoài duy nhất thám hiểm, khảo cứu văn hóa, lịch sử nơi đây. Tuy nhiên, với phong cách của một cộng tác viên và sau này là ủy viên thường trực Trường Viễn đông Bác cổ (E.F.E.O.), ông tôn trọng tôn chỉ nghiên cứu chủ yếu trên thực địa của ngôi trường danh tiếng này.
 
Theo đó, Cadiere không lệ thuộc quá nhiều vào sách vở, kinh viện, tầm chương trích cú, mà tích cực đi thực địa, thu lượm dữ liệu, chứng cứ, gặp gỡ nhân chứng tại chỗ để quan sát ghi chép, đối chiếu, so sánh dữ liệu, từ đó đưa ra những kết luận trên cơ sở vốn tiếng Việt, vốn chữ Hán rất thành thạo của ông, nên ông được coi là người nghiên cứu  sâu sát, tỉ mỉ và khoa học và đáng tin cậy nhất.
 
Bên cạnh thái độ khách quan khoa học khi nghiên cứu, Cadiere còn có một lợi thế khác vô cùng lớn là ông có thời gian sống lâu dài ở Quảng Bình, miền Trung, Việt Nam. Ông tha thiết được mọi người coi mình là người Việt Nam, thân thiết, gần gũi với từng làng quê, từng di tích, di chỉ… nơi ông đến, trực tiếp sống, trải nghiệm giữa cảnh quan, phong tục, tập quán, văn hóa Việt như một người Việt, nên các công trình được ông viết ra đều từ tâm huyết. Cảm tình ấy của Cadiere đối với Việt Nam “thấm tỏa trong toàn bộ công trình khoa học của ông, rất nhân bản, rất sâu đậm nồng ấm đối với dân tộc mà ông trọn đời cống hiến trong công tác mục vụ và nghiên cứu của mình”, như nhận xét của các nhà khoa học Pháp cùng thời với ông.
 
Năm 1918, Cadiere chuyển về làng Di Loan (phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) và tại đây, với những thành tựu nghiên cứu trước đó, ông được mời làm ủy viên thường trực Trường Viễn đông Bác cổ (E.F.E.O.), một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học, chủ yếu trên thực địa.
 
Ở đây, có một chi tiết khá thú vị về Cadiere mà nhiều người đã biết và được sách “Quảng Bình 900 năm nhìn lại” của Nguyễn Đức Cung dẫn lại: thời kỳ này, “xe lửa chạy suốt Sài Gòn ra Hà Nội theo thông lệ, chỉ dừng lại ở các ga lớn của các thành phố, tỉnh lỵ quan trọng (…), nhưng ở ngôi làng Di Loan được Toàn Quyền Đông Dương cho phép thiết lập một ga tạm nhỏ và xe lửa chạy suốt buộc phải dừng lại đó trong 5 phút để cho một nhà thông thái, một nhà văn hóa kiêm sử gia và cũng là nhà ngôn ngữ học, bước lên tàu để ra Hà Nội họp tại Trường Viễn đông Bác cổ hàng tháng: đó là linh mục Lesopold Michel Cadiere”. Đúng là một mình một sân ga.
 
Chi tiết độc nhất vô nhị này cho thấy vai trò và tầm vóc khoa học của Cadiere trong việc nghiên cứu văn hóa, lịch sử dải đất miền Trung Việt Nam, trong đó có Quảng Bình. Và chi tiết này, đồng thời cũng khiến tôi cứ vân vi liên tưởng đến các câu tục ngữ Việt Nam mà ông rất quen thuộc Một mình một chợ /một mình một ngựa với nghĩa tốt đẹp nhất của nó để nhắc đến ông bằng tất cả sự nể trọng và kính phục: Cadiere là người độc nhất, thứ nhất, không thể thay thế trong sự nghiệp của mình, bởi những khảo cứu của ông về xứ sở này, ở không gian đó, vào thời điểm đó, và còn lưu danh hậu thế. Điều này góp phần lý giải tại sao các công trình nghiên cứu Việt Nam học nói chung của Léopold Cadière lại có giá trị lâu dài và hữu ích đến như vậy.
 
Ghi ơn những đóng góp khoa học của Léopold Cadière dành cho quê hương Quảng Bình, đồng thời để tạo sản phẩm tham khảo, nghiên cứu có giá trị, thiết nghĩ tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chức năng sưu tập, xuất bản toàn bộ các công trình, bài viết mà ông đã dày công nghiên về vùng đất, con người Quảng Bình. Và theo đức tính cần mẫn, khiêm nhường của Cadiere khi ông tự đánh giá các sản phẩm của mình: “Chúng tôi không có tham vọng viết sử, chúng tôi chỉ có lôi ra ánh sáng và thu thập cho thật nhiều tài liệu vững để dành cho các sử gia về sau” chúng ta cần tiếp tục lập kế hoạch, tổ chức sưu tầm, ghi chép, nghiên cứu các giá trị tinh thần truyền thống và cả các giá trị đương đại của quê hương, bởi những kết quả nghiên cứu, ghí chép, sưu tầm hôm nay, đến lượt mình, sẽ trở thành tư liệu vô cùng quý giá cho mai hậu.
Trần Hùng
Sách và tài liệu tham khảo:
- Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả L. Cadiere – Đỗ Trinh Huệ biên khảo, Nxb Thuận Hóa 2006.
- Quảng Bình 900 năm nhìn lại (tập 1),-  Nguyễn Đức Cung. Nxb Nhật Lệ, 2006 -  
-“Tín ngưỡng và ngạn ngữ dân gian vùng thung lũng nguồn Son tỉnh Quảng Bình”- Cadiere.
,
  • Mùa thu năm ấy

    (QBĐT) - Ngày Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập
    Nắng mùa thu vàng tỏa Ba Đình
    Muôn triệu tim chờ chung nhịp đập
    Ôi phút giờ Tổ quốc khai sinh!
     
    12/08/2018
    .
  • Tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc viết về Quảng Bình

    (QBĐT) - Chiều 10-8, Ban tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp để thông qua kế hoạch và thể lệ cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quảng Bình. 

    11/08/2018
    .
  • Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tập huấn nghiệp vụ cho hội viên

    (QBĐT) - Ngày 10 - 8, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho hội viên thuộc phân hội văn học về lĩnh vực văn học đương đại.

    11/08/2018
    .
  • Dịch giả của 'Hoàng tử bé' được trao Huân chương Hiệp sỹ Văn học Pháp

    Theo thông tin từ Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, vào ngày 16-8 tới đây, ngài Étienne Rolland Piègue - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam sẽ trao tặng Huân chương Hiệp sỹ Văn học và Nghệ thuật cho dịch giả Nguyễn Nhật Anh của Việt Nam.
     
    11/08/2018
    .
  • Tiếp nhận 18 cổ vật của Việt Nam hồi hương từ CHLB Đức

    Chiều 9-8, tại Hà Nội, ông Đoàn Xuân Hưng, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức đã ban giao cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia 18 cổ vật Việt Nam ở một số thời kỳ văn hóa khác nhau. 
     
    10/08/2018
    .
  • Khai trương hoạt động xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện

    (QBĐT) - Sáng 9-8, tại Làng trẻ em SOS Đồng Hới, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức lễ khai trương hoạt động xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện và đánh giá hoạt động phục vụ cơ sở giai đoạn 2016 - 2018.

    09/08/2018
    .
  • Những người lính chưa về

    (QBĐT) - Các anh đi ngày ấy chưa về
    Tuổi đôi mươi vẫn còn nguyên năm tháng
    Vẫn trên đầu ngôi sao cháy sáng
    Chiến trường xưa một thuở hào hùng
     
    09/08/2018
    .
  • Đêm hoa đăng

    (QBĐT) - Bến phà Quán Hàu rực rỡ hoa đăng
    Những vì sao lấp lánh trên sông
    Lung linh hồn những người chiến sĩ
    Hội ngộ về đây cùng với chúng tôi
     
    09/08/2018
    .