.

Người giữa mọi người

.
07:56, Chủ Nhật, 03/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Cùng tuổi băm, dở ông dở thằng như chúng tôi nhưng Long vẫn phất phơ như cây nêu giữa đồng. Đầu giờ buổi sáng, vào cơ quan, người thì xòe bàn tay tái nhợt ra, lắc đầu ngán ngẩm; vậy là hiểu, chàng vừa đánh tan chậu tả lót trước khi đi làm. Người thì vừa đi vừa thở, tất bật như bị ma đuổi, vào phòng làm việc chưa kịp cất mũ đã lôi từ trong cặp chiếc bánh mì bẹp dúm. Đúng năm giờ chiều, lính “quân khu” gia đình đã mắt trước mắt sau rồi biến nhanh, về cho kịp chăm con gà, tắm con heo giúp vợ. Có tay giở trò láu cá, chưa tới giờ nghỉ đã diễu qua các phòng làm việc, gặp người này hỏi vài câu, người kia trao đổi một chút rồi lẳng lặng dắt xe ra cổng sau; nếu thủ trưởng hỏi, tức khắc có người che chở: “Ủa, mới thấy ảnh nói chuyện đây mà!?” Lúc rỗi việc, bên ấm trà, bọn “tảo hôn” chúng tôi - như Long vẫn gọi - thường tranh nhau làm ông nội, ông ngoại rồi than vãn từ chuyện cải cách giáo dục gì mà cử nhân không bày được cho thằng bé lớp một  đến chuyện cám Con Cò lên giá ào ào mà trứng chim cút lại rẻ như cho. Những lúc như thế, Long cười khẩy: “Cứ hoang sớm vào, sáng mắt chưa?”
 
Thật ra, Long chẳng thích gì cảnh ngày ba bữa lêu nghêu xách bát xuống nhà ăn tập thể. Và đêm về, khi mọi người quây quần bên vợ con thì Long vẫn một mình, chống chếnh với mấy dãy nhà cơ quan vắng ngắt. Không chỉ phái đẹp, ngay con trai hình như cũng có thì. Đấy, cứ quá tuổi ba mươi là chuyện tình duyên của khối anh trượt dài như xe xuống đèo mất thắng. “Chuyển hệ chăng?”, hay “chán cơm thèm phở”, “Chắc chánh hiệu Yamaha (già mà ham) rồi!” Những mách bảo cảnh giác như thế của lý trí đã giữ nhịp thăng bằng cho trái tim nàng khi đối diện anh. Và anh nữa, những lời “có cánh”, những trò dí dỏm đáng yêu thời tuổi trẻ đã biến đâu mất. Nếu anh cố “giả nai”, lập tức đâm nhạt phèo, dở ẹc. Mà không thế, cũng có nghĩa anh biến thứ tình cảm muôn đời xưa cũ nhưng muôn năm mới mẻ trở nên khô cứng như sắt như rơm. Có phải thế không mà hạnh phúc của Long cứ chợt đến chợt đi như mưa mùa hạ.
 
Nhớ lần đầu Long đưa bạn gái tới thăm, chúng tôi đều ngỡ ngàng. Hà, tên cô gái, trẻ và dễ thương quá. Lại là dân khách sạn, biết cách trang điểm, ăn mặc nên trông em càng lộng lẫy bên chàng Long cao to, lóng ngóng. Bằng cách nào mà anh chàng cùng gốc gác rơm rạ như chúng tôi lại cua được người đẹp là đầu bếp một khách sạn nổi tiếng? Thì ra họ quen nhau trong giờ học Anh ngữ buổi tối. Và bà mối, không ai khác chính là cô giáo, khi cô bố trí hai người thành đôi trong giờ hội thoại. Đã thế, họ tìm hiểu nhau, bắt đầu không phải bằng tiếng mình mà bằng thứ tiếng Tây đọc méo cả mồm kia. “Are you married?”-(em có chồng chưa?”; “ Do you have boy-friend?”- (em có bạn trai chưa?”; “ You Are very beautiful!”- ( em rất đẹp!)… Họ nửa học nửa tán như thế ngay trong lớp. Long lao vào học Anh ngữ, ngỡ như xuất ngoại tới nơi. Khi nào Long cũng kè kè cái cassette Walkman nhỏ xíu bên người, có phone cắm vào tai với dây nhợ lòng thòng. Không phải nghe nhạc đâu, chàng đang học tiếng Anh đấy, thi đua với nàng mà. Tình yêu làm người ta trẻ ra và nâng hồn người bay đến cao xanh, bất tận. Chiều chiều, cứ tắt nắng là Long đóng bộ vô, cưỡi xe lao theo tiếng gọi của trái tim. Không còn lùi xùi nữa, cậu ta trở nên bảnh trai một cách cố ý. Từ người chàng luôn thoảng mùi nước hoa mát dịu. Mấy bộ đồ “sida” với những cái quần dày như bao tải và những cái áo sặc màu “cải lương” được Long “di lí” về quê cho mấy đứa cháu; thay vào đó là những bộ cánh có số đo “chính chủ” được thửa từ những tiệm may nổi tiếng trong thành phố. Cả mái tóc sau khi tắm cứ xù ngược như rễ tre của Long giờ cũng luôn mướt rượt; nếu ruồi đậu vào, không chừng trượt chân té dập mỏ. Theo giới thạo tin về mỹ phẩm thì đó là kết quả của thứ keo mà các phát thanh viên truyền hình vẫn dùng. Có điều, chưa tới đầu tháng đã thấy Long lởn vởn ở phòng tài vụ xin ứng lương. Nhưng hình như với người đang yêu, “tình phí” ít hay nhiều đều là chuyện nhỏ.
 
Cả với chúng tôi, Hà cũng trở nên thân thiết. Khi gia đình ai có đám vui, Long đều làm đúng lời ghi trong thiếp “mời hai bạn…” Lúc đầu Hà còn khép nép, chỉ giúp bưng bê, bày dọn cỗ bàn. Sau, biết cô dâu tương lai của cơ quan là dân nấu nướng xịn nên nhiều người nhờ Hà đến trước cả buổi để đi chợ. Tất nhiên, sau đó cô em chỉ huy cả đám quân hậu cần trong bếp. Và những “nữ quản giáo” yêu quý của chúng tôi trở thành những tay chầu rìa, sai vặt, chỉ đáng đuổi mèo bóc hành. Nhìn cảnh ấy, chắc Long sướng lắm. Nếu có chuyện vui mà nở mũi thì mũi Long đã nổ tung từ ngày ấy. Nhưng cậu ta đâu hay, hạnh phúc đang phơi phới như cánh diều gặp gió của mình sắp bị cắt dây. Buồn sao, lưỡi cắt nghiệt ngã ấy đến từ phía gia đình Long bởi ba mẹ cậu không chấp nhận cô dâu không có cha, đúng hơn là không rõ danh tính của cha. Và điều kiện được đưa ra, hoặc là cha mẹ hoặc là người yêu, chỉ được chọn một. Đích thân sếp chúng tôi phải về quê Long “thuyết khách” nhưng cũng không chuyển được ý nghĩ ngàn lần xưa cũ của ông bà già. Long chán đời, đờ đẫn như gã dở hơi mất trí. Cậu ta lao vào rượu, những mong tìm quên một cách dại dột. Chẳng biết men đắng cay có hòa tan được nỗi đau đời của Long không nhưng hậu quả là có lần cậu té xe, suýt mất mạng. Hôm gặp Hà vào thăm người yêu trong bệnh viện, tôi thấy em buồn lắm, Không còn vẻ nhí nhảnh đáng yêu ngày nào, tôi cảm như có nước mắt thấm trong từng lời của Hà.
 
Chúng tôi góp ý cho Long, phận cháu con mình vẫn giữ nhưng chuyện của “thảo dân”, “thảo dân” cứ quyết; sau này, lựa lời xin ông bà hai từ “đại xá”. Và nữa, khi con cái đề huề rồi, cứ lù lù dắt chúng về quê; chúng nhào tới chào ông ôm cổ bà; lúc đó ai còn nỡ khép lòng ngoảnh mặt. Khó khăn ban đầu thì nhờ bạn bè; cùng lắm dẫn tới ủy ban, ký vào bản “giao kèo”; ra tiệm chụp vài pô hình rồi dẫn về cái phòng 12 mét vuông trong khu tập thể cơ quan. Cách giải ấy không làm Long bớt day dứt. Thế là giữa khe hẹp của bên tình bên hiếu, Long chọn lối mà hàng ngàn lứa đôi ngày xưa đã chọn- nghe lời cha mẹ. Hơn năm sau, tôi nhận được thiệp hồng của Hà. Nghe đâu, đó là cách để cô em quên đi mối tình đầu đẫm lệ. Cầm tờ vui mà lòng tôi man mác buồn, cảm thương chuyện đời éo le, phức tạp. 
Minh hoạ
Minh hoạ (Tiến Hành)
Sau đám cưới của Hà không lâu, Long lại có bạn gái, tên Phượng. Nhan sắc Phượng thường thường, người cao, hơi gầy nhưng bù lại có mái tóc dài, da trắng và xuất sắc hơn cả là nói chuyện rất có duyên. Cô giáo dạy văn ở trường trung học, phải thế chứ. Lần này, Long ít đưa người yêu đến thăm bạn bè nhưng tôi biết cô cậu vẫn có nhau trên từng cây số. Từ chuyện riêng của Long mà cơ quan chia thành hai phái; phái “già” như tôi những mong bạn sớm có bến đậu bình yên nên vun vào; nói đúng hơn là không can thiệp “việc nội bộ” của hai người. Ngược lại, mấy chàng lính măng tơ thì liên tục đưa ra những lời bình mà nếu Phượng nghe, chắc phải bể không biết bao nhiêu gương. Đại loại: “Anh Long đẹp như minh tinh màn bạc, điên khùng chi lại khiêng cái bà có họ gần với Thị Nở!?” “Anh này mắc hội chứng “mù màu” chắc?” “ Bí quá thì xuống tiệm may rinh một con ma-nơ-canh về ôm còn mát tay hơn!?” Có chú còn dõng dạc tuyên bố, với tất cả sự phung phí của cơ chế thoáng, cũng không thể phóng bút cho nàng điểm 5. Có bữa Phượng đến chơi, chú vệ binh đưa vào phòng khách chờ Long, vừa bước ra khỏi cửa, cậu đã lắc đầu nguầy nguậy. Chết, chuyện của hai người mà để mấy tay tán ào ào cứ như bàn chuyện cày cấy trong đại hội xã viên thì có mà nát như tương! Tôi gặp Long: “ Thế nào, trái tim nói gì rồi?” Long cười hiền: “Yêu”. “Sâu sắc chưa?”. “Rồi”. “Nhưng còn lăn tăn gì mà chưa dứt điểm?”. Long cà lăm: “Thấy mọi người…” Tôi dấn luôn: “Nói ra nói vô chứ gì? Mặc, tai gần miệng đó, họ nói họ nghe; chuyện mình mình làm, hơi đâu nghe mấy đứa vừa nứt mắt đó.” Lẽ thường, những lời vu vơ ngoài cuộc như thế chẳng là cái đinh gì đối với những người đang say nhau. Hơn thế, có nhiều đôi, càng ì xèo, càng ngăn cấm, cô cậu càng bất chấp, xoắn tít lấy nhau như trêu ngươi thiên hạ. Đúng thôi, người ngoài chỉ thấy cái “lộ thiên”, còn “bè trầm” sâu lắng, tức nửa khuất kia của vầng trăng tình yêu, hơn ai hết, chỉ hai người mới hiểu nhau. Vậy mà, chàng Long nặng đa mang nhưng mỏng dũng khí của chúng tôi cứ vơ vào và lấy đó làm điều. Cái gút mơ hồ được tụ lại từ những lời ì xèo không đâu, ngỡ chỉ thoáng qua như gió như mây đã thành vật cản, giữ lấy chân bạn tôi trên đường tìm hạnh phúc.
 
Mối tình thứ ba của Long, phần nào liên quan đến vợ chồng tôi. Chuyện bắt đầu từ khi Lan - em út vợ tôi thi rớt đại học. Hồi nhỏ Lan ốm đau dặt dẹo, tuổi 20 mới tốt nghiệp phổ thông trung học. Cái tin thiếu nửa điểm để vào đại học đã dập tắt niềm vui của Lan. Khi các bạn cùng lứa vui sướng chuẩn bị hành trang vào trường đại học thì Lan lặng lẽ gấp mấy bộ đồ bỏ vào túi xách, đón xe ra thành phố. Mặc lời dọa ế chồng của mẹ và nỗi băn khoăn của ba, Lan vẫn quyết không bỏ ước mơ vào đại học. Từ đó Lan là “ô sin”, thu vén việc nhà và trông cháu giúp anh chị. Chiều, khi vợ chồng tôi đi làm về, Lan ăn vội bát cơm rồi đạp xe tới trung tâm luyện thi đại học.
 
Từ ngày có dì út, Long năng đến nhà tôi. Mỗi lần Long đến, Lan pha trà rót nước mời khách rồi lẳng lặng lên gác học bài. Chẳng hiểu bằng kênh thông tin nào mà cô cậu vẫn hiểu tiếng lòng của nhau. Đầu tiên, Long đưa Lan đi mua sách vở, tài liệu học tập. Sau nữa, cậu là tài xế kiêm hướng dẫn viên du lịch cho cô gái quê lớ ngớ trước cảnh phố phường xanh, đỏ, tím, vàng. Có bữa tôi đi làm về, thấy Long cỡi trần, người nhễ nhại mồ hôi đang lúi húi sửa xe cho Lan. Những chiều rỗi việc, Long  thường trốn cơ quan ra bồng giúp thằng cu nhà tôi để “dì út học bài”. Thấy đôi trẻ quấn quít nhau, vợ chồng tôi thống nhất “quan điểm” giữ thái độ “trung lập”; có chăng nên chỉ vài đường cơ bản cho em gái mình. Là nói thế chứ tôi dư biết, chị em “người ta”, ngoài chuyện ngủ với chồng, có chuyện gì giấu nhau được.
 
Thế rồi, vợ tôi phát hiện, tình cảm cô cậu bỗng dưng chừng mực quá. Suy từ lời người xưa, tình yêu như mặt trăng, nếu không lớn lên thì chỉ gầy đi, tôi chắc hai người có chuyện không hay rồi. Nghe chị gái gặng hỏi, Lan chỉ cười cười. Bấy giờ, mỗi lần Long đến, Lan tiếp chuyện tự nhiên đến bất ngờ. Mỗi lần thế, tôi chỉ lên phòng học của Lan: “Hai đứa về chỗ cũ, chỗ này để tau tiếp khách.” Lan không nghe, ngồi lì nơi phòng khách, tay vẫn ôm thằng cháu. Vợ tôi lại bế con nhằm “giải phóng” cho dì nhưng Lan không chịu: “ Để em, chị cho heo ăn rồi tắm đi.” Hôm vợ tôi làm cơm tiễn Lan vào đại học, có Long dự. Suốt bữa, cậu chỉ nhấm nháp mấy miếng bánh tráng, uống và hút; mặt buồn như ăn cỗ đám ma. Lan giục: “Anh Long sao thế? Anh ăn đi!” Sao đầy đủ cả chủ ngữ vị ngữ thế kia! Đâu rồi những lời trống không-đặc trưng thường thấy ở những người thương nhau. Khi nàng cố tình không hiểu anh trước mọi người, cũng có nghĩa công khai “hết” với anh rồi đó - tôi cay đắng thay cho bạn.
 
Đúng lời hứa, ra Huế nhập học chưa được tuần, Lan viết thư về cho chị: “…Em và anh Long chắc không có duyên với nhau, chị a. Cha mẹ anh ấy muốn sớm có cháu bồng, trong khi em còn học. Vì thế, anh ấy có phần ngần ngại. Sao anh Long lại mãi sống theo ý người khác mà không dám sống thật theo ý mình, hả chị? Có lúc em cảm như anh ấy tan vào mọi người, không còn là chính mình nữa. Em không thích có người yêu mà khi em buồn, lập tức người đó cũng có lý do tương tự để buồn; khi em vui, chàng cũng có chuyện vui na ná góp vào…”
 
Chắc Long buồn lắm nếu nghe những lời này. Nhưng anh biết trách ai đây?
                 Nguyễn Trọng Hoạt

 

,