.

"Thành công chỉ đến với những ai luôn nỗ lực, cố gắng"

.
10:52, Thứ Năm, 12/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là suy nghĩ và là cũng là phương châm hành động của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc tỉnh ta. Tên ông gắn liền với những tình khúc có giai điệu ngọt ngào, sâu lắng mang âm hưởng dân ca và cũng vì lẽ đó, ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc gọi là người viết tình ca quê hương.

Những giai điệu tự hào

Nhìn vào những thành quả hoạt động nghệ thuật của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, có thể nhận thấy rằng, Hoàng Sông Hương sáng tác âm nhạc không chỉ bằng tài năng, sự đam mê mà bằng cả trái tim với tình yêu nồng nàn dành cho quê hương. Và chính vùng đất đầy nắng, gió Quảng Bình luôn là nguồn cảm hứng bất tận để ông say sưa thả hồn vào trong từng ca từ, giai điệu mượt mà, thấm đẫm chất dân ca.

Gần 50 năm lao động nghệ thuật, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau (Đoàn Văn công Quảng Bình, Đoàn Ca múa Bình Trị Thiên, Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Bình...), Hoàng Sông Hương luôn nỗ lực không ngừng để cống hiến cho sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật.

Ông tâm sự: "Tôi luôn cảm thấy mình còn mắc nợ quê hương, bởi trên dải  đất hình chữ S này đâu đâu cũng đẹp, cũng có rất nhiều điều để khám phá, ngợi ca. Nguồn cảm xúc về đất và người quê mình luôn cháy bỏng trong tôi, nhưng để không trùng lặp cảm xúc, giai điệu, người nghệ sĩ phải đi, phải trải nghiệm để cảm nhận từ trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Vì thế với tôi bây giờ, tuổi tác thực sự đã trở thành một rào cản. Thế nên, tôi chưa hài lòng với những thành quả của ngày hôm qua."

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương say sưa nghe lại những ca khúc của mình.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương say sưa nghe lại những ca khúc của mình.

“Âm nhạc là giọng nói của một vùng đất được ngân lên” là khái niệm về âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương. Gần trọn cả cuộc đời, ông dành hết tài năng, tâm huyết của mình để viết nên những khúc tình ca về nơi ông đã sinh ra và gắn bó. Quê hương trong sáng tác của ông là con đò, dòng sông, cây lúa, điệu hò, rừng xanh, biển biếc và cả tiếng “dạ”, tiếng “thưa” mộc mạc. Có thể nhận thấy một Quảng Bình khá trọn vẹn trong các sáng tác của ông.

Đó là vùng quê có những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông, như: Trần Xá quê mẹ yêu thương, Tình quê Hương Thủy, Kinh Châu tình mẹ, Hưng Trạch quê em, Một thoáng Đồng Lê, Mùa về trên sông Kiến Giang, Nhật Lệ sông thơ, Tâm tình với sông Gianh… Các ca khúc này đều mang giai điệu nhẹ nhàng như lời tự tình, gần gũi như những câu hò, lời ru của mẹ nên dễ đi vào lòng người.

Đây cũng chính là nét riêng ghi đậm dấu ấn của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Một số tác phẩm của Hoàng Sông Hương cũng xuất phát từ nguồn cảm hứng về quê hương Quảng Bình đã có được chỗ đứng vững chắc trong nền âm nhạc nước nhà, như các ca khúc "Tình ta biển bạc đồng xanh", “Tình ca rừng và biển”, “Tình người hương lúa”…

Đây là những sáng tác quen thuộc nhất của Hoàng Sông Hương với khán giả cả nước. Đặc biệt, “Tình ta biển bạc đồng xanh” được xếp trong" top" những bài ca đi cùng năm tháng của kho tàng âm nhạc Việt Nam. Trong ca khúc này, ta thấy thấp thoáng hình ảnh mảnh đất miền Trung thân thương qua từng câu hát với “hải âu vui sóng xô” , “cánh cò bay trên thảm lụa”, “cá bạc đầy khoang”, “lúa vàng trĩu bông”… hay những ngôn từ mộc mạc “chi, răng, chừ…”.

Những hình ảnh ấy, ngôn từ ấy như đưa người nghe đến với một mảnh đất xinh đẹp cùng những con người giản dị, dù cuộc sống khó khăn nhưng luôn lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống. Và Hoàng Sông Hương, một người con của quê hương miền Trung đã làm toát lên được cái hồn của vùng đất hiền lành, giản dị ấy.

Giai điệu, lời ca của ca khúc này mỗi khi vang lên làm cho người nghe như được thả hồn trong một không gian bình yên của làng quê Việt Nam xinh đẹp. Sự đối thoại mộc mạc nhưng rất tình tứ của đôi trai gái yêu nhau đan xen với mảng màu quê hương, đất nước đã tạo nên bức tranh quê sinh động, đầy sắc màu hội họa.

Chính vì thế mà từ khi ra đời đến nay, “Tình ta biển bạc đồng xanh” vẫn là bài hát  yêu thích  của nhiều người. Ông cũng là một trong số ít nhạc sĩ trong tỉnh có nhiều ca khúc được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc, qua sự thể hiện của các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và trong tỉnh, như : Anh Thơ, Trọng Tấn, Tân Nhàn, Tuấn Anh, Phương Thảo, nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền, nghệ sĩ ưu tú Việt Hoàn, nghệ sĩ ưu tú Thùy Linh, nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân...

Cháy mãi niềm đam mê

“Tôi luôn tâm niệm rằng, thành công chỉ đến với những ai luôn nỗ lực, cố gắng nhất là trong lĩnh vực hoạt động nghệ thuật. Muốn có mùa quả ngọt đòi hỏi sự sáng tạo bền bỉ và cả niềm đam mê cống hiến của người nghệ sĩ.”, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương tâm sự.

 Điều dễ nhận thấy là hầu hết sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đều có sức sống với thời gian, ngay cả những ca khúc được viết ra trong các thời điểm mang tính thời sự. Ông kể: "Tôi còn nhớ những ngày cả nước đau thương đưa tiễn người con ưu tú của của quê hương Quảng Bình - Đại tướng Võ Nguyên Giáp về yên nghỉ trên đất mẹ có rất nhiều ca khúc viết về Đại tướng ra đời.

Lúc ấy, tôi cũng khóc, cũng muốn chuyển tải cảm xúc của mình thành giai điệu song khi nghĩ đến sự vĩnh cửu của Đại tướng trong lòng mỗi người dân Việt thì tôi lại biến nước mắt thành niềm tự hào để viết nên ca khúc “Vị thánh của lòng dân”  phỏng theo bài thơ “Bất tử” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Đó là những tứ thơ mới lạ dễ đi vào lòng người: “Ngày xưa Thánh Gióng về trời, ngày nay Thánh Giáp về nơi cội nguồn”, “Vì nước vì dân Người thành bất tử, thành núi, thành sông, thành đồng, thành biển, thành tượng hình chữ S trấn biển Đông”.

Hay một số ca khúc khác như “Nhịp cầu chờ mong”, “Cầu vồng Nhật Lệ”… cũng được ông viết ra trong các thời điểm mang tính thời sự, song vì khéo léo gắn vào đó chữ “tình” đầy lãng mạn mà ca khúc đã thoát ra khỏi bối cảnh ra đời của nó để bất cứ lúc nào ngân lên vẫn còn nguyên sự tươi mới.

Trên 100 ca khúc được viết ra, chủ yếu là viết về đất và người Quảng Bình, được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đón nhận với ông đó là phần thưởng vô giá mà không phải người nghệ sĩ nào cũng có được.

Ngoài ra, ông còn có một gia tài giải thưởng gồm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật và nhiều huy chương vàng, bạc, bằng khen của các cấp, ngành, cùng nhiều phần thưởng của Hội Nhạc sỹ Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...

Năm 2017, ông là một trong số các nhạc sĩ của cả nước được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với các tác phẩm: “Phố biển tình anh”, “Tiếng dạ - tiếng thương”, “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Giọng hò quê hương”, “Thành Huế chúng mình thương” và “Lời Người vọng mãi”.

Hoàng Sông Hương cho rằng: “Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là một bông hoa đẹp mà đã là hoa thì phải có tên riêng, hương sắc riêng. Thế nên người nghệ sĩ muốn tạo ra dấu ấn trong sự nghiệp cần có sự trải nghiệm thực tế để thực tế thấm đẫm vào mình như hơi thở thì mới có thể tạo nên những ca khúc hay. Ca khúc có sống được hay không chính là nhờ vào công chúng. Họ là giám khảo, là người thẩm định chất lượng tác phẩm khách quan nhất...

Và khi hỏi ông về những dự định cho tương lai, ông nói vui rằng: Bây giờ tuổi đã cao, sắp chạm ngõ 80 rồi nên nhu cầu ăn hay chơi cũng ít lại. Điều đó đồng nghĩa với việc mình cần phải sống chậm lại để trải nghiệm và cho ra đời những ca khúc thực sự có chất lượng cao về cả nội dung và nghệ thuật để gửi niềm đam mê vào đó. Đã xác định hướng đi cho mình là làm cho giọng nói của quê mình ngân lên thành giai điệu thì phải làm giai điệu đó thực sự thấm đẫm hương đất, tình người từ những điệu hò chân chất của quê hương.

Nhật Văn



 

,