.

Ông già cao nguyên và những huyền thoại

.
08:55, Thứ Năm, 18/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông tự nhận mình là ông già cao nguyên nhưng cái chất quê nồng nhiệt của người con vùng đất gió Lào cát trắng đã thấm sâu vào tâm hồn ông. Vậy nên, đến giờ, nhà thơ Lê Bá Cảnh vẫn giữ trong mình vẹn nguyên tình yêu với quê hương, như cái chất giọng Quảng Bình vẫn ấm áp trong huyết quản dẫu đã nương náu nơi phố núi Đà Lạt (Lâm Đồng) trọn nửa thế kỷ.

1. Nhà thơ Lê Bá Cảnh tạo ấn tượng cho người đối diện bởi cái chất Tây Nguyên phảng phất trong nét mặt, trong mái tóc bạc trắng đượm chất sử thi. Ngôi nhà ông ở là một căn biệt thự thời Pháp hàng trăm năm tuổi, nằm nép mình dưới chân đồi cạnh hồ Than Thở bốn bề thông reo. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy không gian sống đã tạo nên trong tâm hồn ông sự lãng mạn cần có của một người làm thơ.

Ông được coi là nhà thơ của những huyền thoại bởi đơn giản phần lớn cuộc đời thơ của ông đều gắn với những trang viết đượm màu huyền thoại, như: Huyền thoại hồ Than Thở, Huyền thoại thác Hang Cọp, Huyền thoại thác Yang Bay, Huyền thoại thác Pren, Huyền thoại suối Hoa Lan và Huyền thoại Phong Nha. Đó là những tập thơ xuất bản và được người yêu thơ đón nhận nhiệt thành khi đã phác họa nên vẻ đẹp của những danh thắng, hang động hùng vĩ bằng thơ. Tư duy huyền thoại trở thành nét độc đáo trong phong cách nghệ thuật của Lê Bá Cảnh. Ông bảo, ông cũng chỉ là một con người bình thường, rung động trước những vẻ đẹp huyền ảo của tạo hóa, nhưng cách khám phá của ông khác biệt hơn khi được thể nghiệm bằng thơ.

Đã là huyền thoại nghĩa là hư cấu, là sáng tạo, vậy nhưng, để những tác phẩm của mình có sức sống cho đến hôm nay, người làm thơ ấy đã phải trăn trở, chắt lọc, kết nhụy, đơm hoa trong từng câu, từng chữ. Khi số đông những người làm thơ tại các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương vẫn phải loay hoay với việc xuất bản, phát hành đứa con tinh thần của mình, thì Lê Bá Cảnh lại vững vàng đi trên một con đường khác.

Những bạn thơ của ông đều khẳng định, Lê Bá Cảnh làm được việc mà không phải nhà thơ nào cũng có thể làm được, khi mỗi tập thơ ông in ra hàng nghìn cuốn nhưng đều tiêu thụ hết. Phần lớn những cuốn sách ấy được trưng bày và bán tại các khu du lịch. Và bạn đọc của ông là những khách du lịch có đam mê khám phá địa điểm du lịch bằng thơ.

“Tôi nghĩ, thời gian vẫn là thước đo cho những tác phẩm mà anh đã dành tất cả tâm huyết để khắc họa. Những bài thơ, những câu chuyện huyền thoại trong một chừng mực nào đó, du khách đã tìm thấy một phần mà họ cần tìm; người đọc phần nào cũng hiểu thêm những huyền thoại hôm nay để yêu hơn, quý hơn những ngọn thác, hồ, đập dấu yêu của Đà Lạt, Lâm Đồng và các vùng đất khác trên quê hương Việt Nam khi có dịp ghé qua”, nhà thơ Trần Ngọc Trác, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng nhận xét về ông.

 Nhà thơ Lê Bá Cảnh, bút danh Tùng Nguyên, sinh năm 1941, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Quê ông ở xã An Thủy (Lệ Thủy), hiện đang sinh sống tại phường 9, Đà Lạt (Lâm Đồng). Ông là đại tá Quân đội, từng công tác tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Ông đã xuất bản 12 tập thơ, trong đó có một số tập thơ nổi bật, như: Giọt mưa xứ lạnh, Huyền thoại thác Yang Bay, Huyền thoại hồ Than Thở...
Nhà thơ Lê Bá Cảnh và phóng viên Báo Quảng Bình tại nhà riêng, tháng 12-2017.

2. Đối với nhà thơ Lê Bá Cảnh, những thắng cảnh luôn mang đến cho ông nguồn cảm hứng mạnh mẽ, để từ đó có thể viết nên những tự sự, huyền thoại bằng thơ.

Với Phong Nha Kẻ Bàng – danh thắng của quê hương – càng mang đến cho tâm hồn thơ ấy một sự rung cảm mạnh mẽ. Sau khi xuất bản Huyền thoại hồ Than thở, Huyền thoại thác Hang Cọp, Lê Bá Cảnh tiếp tục cho ra đời Huyền thoại Phong Nha.

Ông kể, đó là năm 2006, sau cuộc chuyện trò thân tình với ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, khi đó đang là Giám đốc Trung tâm Du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng, đã gợi mở cho ông ý tưởng viết nên Huyền thoại Phong Nha. Một câu chuyện huyền thoại về tình yêu được kết tinh bằng thơ ra đời từ đó. Tròn 1.000 cuốn Huyền thoại Phong Nha được xuất bản và đến tay khách du lịch như một lời giới thiệu ý nghĩa về vẻ đẹp của chốn tiên cảnh Phong Nha.

Ông bảo, nếu tình yêu của các cặp uyên ương trong các tập thơ huyền thoại khác là tình yêu nam nữ ở cõi người, thì tình yêu của Phong Nha và Giáng Tiên trong Huyền thoại Phong Nha là tình yêu của một chàng trai phàm trần và một nàng tiên nơi thượng giới. Sau khi đánh tan loài thủy quái, Phong Nha bất ngờ gặp được và yêu Giáng Tiên. Trải qua biết bao thăng trầm, cuối cùng họ cũng đã được hưởng hạnh phúc lứa đôi. Và chính tình yêu ấy đã mang đế cho cõi trần quần thể hang động Phong Nha – Kẻ Bàng, đó là món quà của Ngọc Hoàng ban tặng cho con gái Giáng Tiên và chàng rể Phong Nha: “Món quà vô giá, nhiệm mầu/ Thủy Cung, Tiên giới ở đâu sánh bằng/ Phong Nha, tạo hóa quyền năng/ Đề nhất động, chốn vĩnh hằng trường sinh/ Diễm phúc thay, đất Quảng Bình/ Gươm thần, động thánh vẹn tình muôn xuân”.

Nhà thơ Lê Bá Cảnh, bút danh Tùng Nguyên, sinh năm 1941, là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Quê ông ở xã An Thủy (Lệ Thủy), hiện đang sinh sống tại phường 9, Đà Lạt (Lâm Đồng). Ông là đại tá Quân đội, từng công tác tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Ông đã xuất bản 12 tập thơ, trong đó có một số tập thơ nổi bật, như: Giọt mưa xứ lạnh, Huyền thoại thác Yang Bay, Huyền thoại hồ Than Thở...

Sự sáng tạo của ông là làm sống lại cả sự tích, truyền thuyết, chuyện kể đó bằng hình tượng văn học, bằng lối thơ kể chuyện hấp dẫn lôi cuốn người đọc, kích thích trí tưởng tượng. Bằng tất cả tình yêu và chất lãng mạn vốn sẵn, ông đã thổi hồn mình vào những sự tích xa xưa ấy, tạo nên một tác phẩm văn học đượm màu cổ thi và huyền thoại.

Cái thành công của Huyền thoại Phong Nha là ở chỗ sự phong phú, kỳ bí, huyền ảo thể hiện dưới ngòi bút của ông đã có sự hấp dẫn mạnh mẽ lôi cuốn người đọc đến và trải nghiệm nơi chốn hang động thần tiên này, như lời nhận xét của nhà thơ Phạm Vũ: “Chưa đến Phong Nha mà chỉ mới đọc xong truyện thơ của Lê Bá Cảnh đã hình dung ra hang động Phong Nha đẹp và huyền bí đến nhường nào”. Để rồi, cái “đẹp và huyền bí” ấy đã níu chân lữ khách đến và lưu lại chốn này. Đã từng có thời điểm, tập thơ Huyền thoại Phong Nha của Lê Bá Cảnh trở thành món quà lưu niệm cho những ai đặt chân đến Trung tâm du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng.

Từ sự thành công của Huyền thoại Phong Nha, Lê Bá Cảnh bắt tay viết tiếp Huyền thoại thác YangBay, Huyền thoại suối Hoa Lan, Huyền thoại thác Pren... Khởi sự cho những tác phẩm này có thể từ đơn đặt hàng của các đơn vị làm du lịch nhưng từng câu, từng chữ của ông vẫn là những chắt lọc từ sự trăn trở, từ cái tâm của người cầm bút. Ông bảo, dù đôi khi chỉ là những bài thơ vui nhưng không vì thế mà cẩu thả, bởi trân trọng cái tên của mình ký dưới mỗi bài thơ nghĩa là phải trân trọng từng câu từ mình viết ra.

3. Ở tuổi 77, dường như Lê Bá Cảnh vẫn thao thiết được viết và được sáng tác. Bên trong căn nhà đượm màu thời gian, ông vẫn miệt mài trên từng trang viết. Một ngày của nhà thơ gốc Quảng Bình ở xứ sở mù sương vẫn mải miết, bận rộn với một cuộc sống đầy thanh âm. Ngày ngày, ông cặm cụi bên mảnh vườn xanh mướt mắt, sống cuộc đời trong lành của một người nông dân bình dị. Để rồi đêm về, bên ánh đèn vàng leo lắt trong thư phòng nhỏ, bao nhiêu trăn trở, suy tư lại tràn ra trên từng trang viết. Con đường thơ của ông sẽ còn nối dài khi ông bảo, còn sức, ông còn muốn viết, “bởi quê hương mình còn bao thắng cảnh đẹp cần được điểm tô bằng thơ”.

Diệu Hương

,