.

Hoài niệm về cha

.
16:28, Thứ Năm, 18/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Khi đất trời sắp bước sang xuân, trong bộn bề công việc, mỗi người chúng ta bắt đầu xao xuyến với bao kỷ niệm về những tháng năm tuổi thơ đẹp đẽ, yêu thương trong quá khứ. Với tôi, những hoài niệm về người cha kính yêu cứ ùa về, làm tôi thêm thổn thức, bồi hồi...

Từ dáng đi, tiếng nói, tiếng cười... Từ cách dạy chữ cho con, trước lúc ra đồng ông dùng than củi viết lên mảnh ván nào a-b-c.., nào 1-2-3... rồi dặn con trai hơn bốn tuổi cầm “bút” tre đồ theo. Cuối buổi làm đồng, việc đầu tiên là ông “kiểm tra bài cũ”. Ông xóa hết chữ và số trước đó rồi bảo “cậu học trò” viết lại y hệt. Ông từ tốn chỉ bày cách cầm bút, cầm phấn, nét xuống thì mạnh, nét lên thì đưa nhẹ... Nhờ phương pháp uốn nắn của ông, năm lên sáu tuổi xóm tôi có lớp “vở lòng”, hình thức giáo dục mẫu giáo nhưng chỉ học một năm là vào lớp một. Tôi trở thành học trò giỏi nhất của lớp, cứ thế sau này sức học của tôi vượt hẳn bạn bè. Đặc biệt nhất, cũng là điều làm tôi nhớ ghi sâu đậm nhất, đó là những lần thức đợi cha đi câu về, để được chén cá tươi rồi mới... đi ngủ.

Ngày ấy ở nông thôn, làm gì có chuyện gia đình tự sắm thuyền và lưới để đi đánh cá biển. Cha tôi muốn cho các con được lớn lên có một sức khỏe tốt, đầy đủ dinh dưỡng, nhất là chất “tươi” (cách nói của ông). Ngoài công việc đồng áng, ông mê nhất nghề đi câu. Có lẽ ngoài cái thú “nhất cá ăn câu-nhì trâu húc”, ông ham nghề này cốt để kiếm “chất tươi” cho các con thêm khỏe và chóng lớn. Có thể nói cha tôi là một tay “sát ngư” bằng chiếc cần câu. Tầm “trâu về chuồng” là ông “nhắp” cá tràu (nay gọi cá lóc), xâm xẩm tối ông lần ra tận bờ biển, lúc đứng gành này, khi qua mỏm nọ, ông nhẫn nại buông mồi và cuốn liền tay. Dù khuya khoắt bao nhiêu, kiểu gì ông cũng cố kiếm cho được nồi canh chua, lúc may mắn thì kho nấu.

Tôi nhớ như in chiếc giỏ đựng cá mà ở quê gọi là chiếc “oi”, còn các loại cá cha tôi câu được thường là cá mú, cá hồng, cá lác, nhiều hôm còn được cả cá vược, con cá vừa dài vừa to không thể cho vào giỏ, cha tôi phải luồn dây qua mang nó để quẩy về. Mẹ tôi lẹ làng ra đón chồng, thấy dáng điệu vội vàng của bà, anh em tôi cũng nhào ra “Bố về! Bố về!”. Mẹ tất tả đi làm cá để cho vào nồi canh chua đun sẵn, anh em chúng tôi thì vây quanh chiếc giỏ của cha, anh xách con này, em khều con kia lòng vui như tết. Nhiều hôm cha về quá khuya, có đứa không thức nổi lăn ra chõng ngủ khoèo. Cha tôi gọi từng đứa, lớn bé đều được ăn canh chua cá tươi, món không dễ gì kiếm được ở nông thôn thời đó.

Cứ thế, lâu ngày trở thành thói quen. Vào những buổi tối, mẹ liền tay với rau ria bèo cám, tiếp đến xay giã dần sàng... Anh em chúng tôi chung một chiếc đèn dầu, chúi đầu trên chõng học bài và cố thức để đợi cha. Chỉ cần tiếng động nhẹ ngoài ngõ chúng tôi cũng thấp thỏm ngỡ cha về. Dù đã có ý thức nhưng không hề biết tham của là gì, nên chưa bao giờ chúng tôi mong cha mang về thật nhiều cá, chỉ nghĩ đến lúc ông về là đủ thích thú, nghĩ đến cái mùi khói thuốc lá “sâu kèn” quen thuộc mà ông phả ra là đã thấy chộn rộn yêu thương... Mặc dù điều kiện lúc bấy giờ khá thiếu thốn nhưng nhờ được chăm sóc, nuôi dạy tốt, anh em chúng tôi đều khỏe mạnh... Chúng tôi bảo nhau đi đâu, làm gì, thành đạt đến đâu nhưng những kỷ niệm về năm tháng tuổi thơ, nhất là những đêm thức đợi cha về thì không thể nào mờ phai trong ký ức sâu thẳm...

Mấy chục năm đã trôi qua, tấm gương nhẫn nại, chịu khó chịu thương và tình cảm của cha là những bài học giúp chúng tôi nhắc nhở, dạy bảo con cháu hôm nay. Nhất là trong các dịp con cháu có điều kiện hội tụ, vui Tết đón xuân, những hoài niệm yêu dấu về các cụ là đề tài rôm rả, làm cho bữa cơm gia đình thêm hương vị, không khí đón tết thêm ấm cúng. Quả thật, không tấm gương nào soi chiếu cho con cháu bằng tấm gương của ông bà, cha mẹ, bởi nó luôn mang chứa trĩu những tình cảm yêu thương và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nguyễn Tiến Nên

,