.

Tộc người hào sảng!

Thứ Tư, 27/12/2017, 10:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Người Ma Coong có thể tặng bạn những thứ quý giá khi họ đã quý bạn, mặc dù những thứ đó bạn có hỏi mua và trả giá đắt bao nhiêu họ cũng không bao giờ bán. Có khách quý đến chơi cả bản cùng tiếp đãi và đói no thì cả bản cùng chịu... Đó là những nét văn hóa hào sảng riêng có  mà đến bây giờ người Ma Coong vẫn còn lưu giữ được.

Tôi đã nhiều lần được “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc" với người Ma Coong, một tộc người sống ở xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Thời gian đó vẫn chưa thể giúp tôi hiểu hết bản sắc văn hóa, những phong tục, tập quán của họ. Nhưng có một điều mà tôi đã khám phá được: Người Ma Coong là một tộc người rất hào sảng. Họ hào sảng trong cách sống, cách đối đãi với bạn bè, khách khứa và bản làng...

“Quý nhau thì tặng chơ không bán mô!”

Cuối mùa đông, đầu mùa xuân hàng năm cũng là thời điểm mà người Ma Coong thu hoạch lúa rẫy. Trên những ngọn đồi cao vút, những cánh đồng lúa rẫy của người Ma Coong ánh lên màu vàng óng ả. Không như người Kinh, người Ma Coong không dùng liềm bứt lúa mà dùng tay tuốt từng bông lúa cho vào gùi.

Trưởng bản Đinh Tươi đang gùi lúa về nhà, ông nói: “Quý nhau thì tặng một bao ăn chứ không bán mô!”
Trưởng bản Đinh Tươi đang gùi lúa về nhà, ông nói: “Quý nhau thì tặng một bao ăn chứ không bán mô!”

Lên thăm bà con đúng vào mùa thu hoạch lúa, khắp 18 bản làng của người Ma Coong, đi đâu chúng tôi cũng nhìn thấy niềm vui hiện rõ trên từng gương mặt. Trên các con đường vào bản,  những người đàn ông, phụ nữ đang gùi những bao lúa rẫy nặng trĩu trên vai xuống, chất thành từng đống lớn bên đường. Nghe bảo lúa rẫy ăn ngon, thơm, dẻo và đặc biệt là rất sạch, nên chúng tôi ghé lại định hỏi mua một ít. Nhưng có một điều lạ, dù lúa chất đống bên đường nhiều như vậy nhưng không một người Ma Coong nào bán khi chúng tôi hỏi mua. Hỏi bao nhiêu người cũng chỉ nhận được một câu trả lời: “Không bán mô!”...

Buổi chiều muộn, chúng tôi ghé thăm bản 51, nằm ở KM 51 con đường 20 Quyết Thắng huyền thoại. Hỏi thăm nhà trưởng bản, thì ra là người đàn ông Ma Coong mà lúc sáng chúng tôi ghé bên đường hỏi mua lúa. Ông tên là Đinh Tươi. Gặp lại chúng tôi, Đinh Tươi nở nụ cười thật tươi và vui vẻ mời chúng tôi vào nhà. Ngôi nhà sàn của ông khá khang trang nằm ở giữa bản, bên góc nhà đã chất đầy bao lúa. Trưởng bản đi lấy nước lá rừng, rồi rượu mời chúng tôi uống. Câu chuyện của chúng tôi ngày càng rôm rả, thân tình. Chúng tôi hỏi Đinh Tươi câu chuyện lúc sáng, tại sao khi chúng tôi hỏi mua lúa, không một người Ma Coong nào, kể cả trưởng bản cũng không chịu bán. Đinh Tươi nhìn chúng tôi tủm tỉm cười, ông nói: “Hạt thóc của người Ma Coong miềng làm để ăn chơ không bán mô. Người Ma Coong miềng quý nhau thì tặng nhau một vài bao ăn chơ không bán mô!” Chúng tôi gặng hỏi nguyên nhân nhưng Đinh Tươi chỉ cười mà không giải thích gì.

Một người lính biên phòng cắm bản cũng đã kể cho chúng tôi câu chuyện: Nhà của ông Đinh Huân ở bản Cờ Đỏ có một bụi lan rừng nở hoa rất đẹp. Cái giống lan nghênh xuân này đặc biệt cứ nở vào mùa xuân, hương thơm tỏa cả bản.

Đinh Huân quý bụi lan lắm, bao nhiêu người dưới xuôi lên chơi, thấy bụi lan rừng đến gạ ông bán với giá ngang cả một con lợn béo, nhưng chẳng ai gạ được cả. Thế mà vào một ngày, thấy anh lính biên phòng mê mẩn ngắm bụi phong lan, Đinh Huân gọi lên nhà sàn nói: “Mày thích thì bố cho mày đấy!” Anh lính biên phòng sửng sốt, bởi anh biết bụi lan này Đinh Huân trồng đã lâu và có nhiều người hỏi mua mà ông đâu có bán. Thấy anh lính bối rối, Đinh Huân nói: “Bấy lâu về đây ở với bà con, mày giúp bà con nhiều việc tốt. Tao quý mày nên mới tặng nó cho mày đó...”

No cùng no, đói cùng đói

Hôm nay nhà trưởng bản Đinh Tươi có khách là những cán bộ nhà báo dưới xuôi lên công tác. Đinh Tươi làm bữa cơm đạm bạc mừng lúa mới. Cơm được nấu từ những hạt thóc mới vừa bứt từ rẫy về và những món canh nấu từ rau rừng. Nhiều nhà khác trong bản cũng đến chung vui với khách. Dân bản mang đến nhà trưởng bản những sản vật mà nhà mình đang có như rượu cần, thịt khô... góp vào để mời những người khác miền xuôi. Giữa bản có nhà bắt được mớ cá khe cũng đưa đến chung vui đãi khách, rồi hỏi han bao chuyện cuộc sống miền xuôi, miền ngược.

 Người Ma Coong thu hoạch lúa rẫy trên nương.
Người Ma Coong thu hoạch lúa rẫy trên nương.

Ông Nguyễn Diều, một người Kinh làm cán bộ ở xã Thượng Trạch lâu năm kể rằng: Đồng bào Ma Coong có một đức tính rất quý, biết nương tựa lẫn nhau mà sống, bởi vậy khi đói no họ đều chia sẻ với nhau. Trong bản làng người Ma Coong, khi một nhà thiếu gạo ăn, nhà khác sẽ giúp, họ giúp nhau cho đến khi cả bản không còn gạo thì thôi. Những năm được mùa, nhà nhiều được vài chục bao lúa, nhà ít chỉ có vài bao, nhưng khi một nhà nào đó hết gạo thì những nhà khác sẵn sàng san sẻ. Người Ma Coong luôn tâm niệm, hôm nay mình giúp người khác qua lúc khó khăn, ngày sau đến lượt mình khốn khó sẽ có người khác giúp lại. Tình người Ma Coong là vậy, đói no cùng hưởng, ngọt bùi cùng chia...

Buổi sáng thức dậy, chia tay với bà con người Ma Coong ở bản 51 để về xuôi, chúng tôi thấy sau yên xe máy của mình có một bao lúa rẫy đã được buộc chặt từ bao giờ. Vậy là Đinh Tươi và những người Ma Coong ở bản đã coi chúng tôi là những người bạn mà họ rất quý rồi. Còn chúng tôi, một lần được làm khách của người Ma Coong, chúng tôi nhận ra sự hào sảng trong con người của họ. Sự hào sảng đó toát ra từ cách sống sẻ chia với cộng đồng và khách đường xa. Có lẽ đây là một nét văn hóa đặc sắc mà ít nơi  còn lưu giữ được...

“Người Ma Coong đang tồn lưu những gì thuộc về công xã nguyên thủy, mọi thứ thuộc về mưu sống họ đều chia sẻ, kể cả với khách phương xa. Cuộc sống của họ vốn gần với núi rừng, những va chạm và tiếp xúc với văn minh quá ít nên chưa thể bào mòn ý thức xưa cũ. Người phụ nữ Ma Coong vào rừng vẫn nhanh nhẹn với tài hái lượm, đàn ông Ma Coong vẫn dẻo dai với săn bắn thì ý thức công sản của ngày nguyên thủy vẫn đeo bám tâm trí họ. Trên một chừng mực nào đó, đó là những đức tính rất quý. Tuy nhiên, với xã hội hiện nay họ sẽ khó có những bước phát triển mới nếu trong cộng đồng tồn tại những con người có tính ỷ lại, lười lao động mà trông chờ vào sự chia sẻ của cộng đồng...” – Ông Trần Tiến Sỹ - Phó Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, một người có nhiều năm công tác, gắn bó với người Ma Coong cho hay.

Phan Phương