Âm vang bài ca về người lính
(QBĐT) - Hình tượng người lính – anh Bộ đội Cụ Hồ là mạch nguồn cảm xúc dạt dào, dường như vô tận đối với người cầm bút chân chính trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Điều đó thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, tự hào của dân tộc ta đối với Quân đội ta “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
“Cùng nhau đi hồng binh, đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hy sinh/Nào anh em nghèo đâu/Liều thân cho đời sống. Mong thế giới đại đồng, tiến lên không ngừng”. Những nốt nhạc trầm bổng, âm điệu hào hùng, mạnh mẽ, dứt khoát, ca khúc Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu được viết năm 1930 thể hiện tinh thần chiến đấu, không quản ngại hy sinh, gian khổ xả thân vì Tổ quốc, vì lý tưởng cao đẹp của những người lính “chân sắt, vai đồng”, đã trở thành âm điệu chủ đạo cho dòng ca khúc cách mạng viết về đề tài người chiến sĩ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Nếu như Cùng nhau đi hồng binh được xem như một trong những ca khúc đầu tiên viết về đề tài người lính của nền âm nhạc cách mạng, thì bài hát Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải - một sỹ quan chính trị say mê âm nhạc – đã thể hiện được lý tưởng hết sức cao đẹp của người lính, là chiến đấu tất cả “Vì nhân dân quên mình”. “Vì nhân dân quên mình vì nhân dân hy sinh/Anh em ơi vì nhân dân quên mình/Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra/Được dân mến được dân tin muôn phần”. Những giai điệu cất lên từ cuộc sống, được viết ở thể hai đoạn đơn, ngắn gọn, với 2 lời ca, nhịp 2/4 nhanh, mạnh mẽ, dứt khoát, bài hát từ khi ra đời cho đến nay đã làm cho nhiều thế hệ chiến sỹ và những ai yêu nhạc biết đến, đều thuộc “nằm lòng” từng câu, từng chữ.
Nhắc đến chùm ca khúc cách mạng viết về người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp, không thể không kể đến trường ca Du kích sông Thao với hình tượng người chiến sỹ du kích thể hiện bằng âm hưởng bi tráng, kiêu hùng, hay ca khúc Hành quân xa rất nổi tiếng của Đỗ Nhuận. “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...”. Lời bài hát cất lên âm vang, cuồn cuộn như từng đợt sóng dâng trào đã cổ vũ, khích lệ bộ đội và dân công vượt qua bao khó khăn, gian lao, thử thách, để đoàn kết một lòng, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”....
Người lính trên thao trường. Ảnh: HÀNH TIẾN |
Phẩm chất, ý chí, lý tưởng cách mạng rực cháy trong tim người chiến sỹ từ những ngày đầu cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp còn được thể hiện qua nhiều ca khúc đi cùng năm tháng, như Đoàn vệ quốc quân của Phan Huỳnh Điểu, Tiểu đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí và Nguyễn Bính, Cờ Việt Minh của Vương Gia Khương, Cảm tử quân của Hoàng Quý, Chiến binh ca vũ khúc của Nguyễn Ngọc Thới...
Cũng mang âm hưởng chủ đạo đó, lý tưởng của người lính cách mạng trong Hát mãi khúc quân hành của Diệp Minh Tuyền như một bước tiếp nối mạch cảm xúc hết sức tự nhiên về hình tượng cao đẹp của người chiến sỹ trong Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng/Kẻ thù buộc ta ôm cây sung/Ta yêu sao làng quê non nước mình,/Tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca... /Mãi mãi lòng chúng ta Ca bài ca người lính/Mãi mãi lòng chúng ta/Vẫn hát khúc quân hành ca/Hát mãi khúc quân hành”.
Ca khúc đã làm toát lên phẩm chất cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ. Họ chiến đấu vì lý tưởng của cách mạng, vì sự trường tồn, vĩnh hằng của Tổ quốc, của quê hương. Người lính cách mạng là con em của nhân dân, từ nhân dân mà ra, họ trân trọng cuộc sống hòa bình, độc lập; khi Tổ quốc cần, mỗi người đều sẵn sàng hy sinh... tất cả các quân chủng, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt nam đều trở thành đề tài để âm nhạc khai thác. Về bộ binh có Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao, Mỗi bước ta đi của Thuận Yến....Về pháo binh có Hò kéo pháo và Bài ca pháo kích của Hoàng Vân; về vận tải có Tôi người lái xe của An Chung, Bài hát người lái xe của Nguyễn Đức Toàn; về công binh có Nhịp cầu nối những bờ vui của Văn An, Bắc cầu của Quốc Anh và Chính Hữu....Về phòng không, không quân có Phi đội ta xuất kích của Tường Vi, Tên lửa về bên sông Đà của Hoàng Tạo... Về hải quân có Lướt sóng ra khơi của Thế Dương, Nếu em tới thăm đảo của Trọng Loan, Gần lắm Trường Sa của Huỳnh Phước Long...Về xe tăng thiết giáp có Năm anh em trên một chiếc xe tăng của Doãn Nho và Hữu Thỉnh, Xe tăng qua miền quan họ của An Thuyên và Nguyễn Ngọc Phú...
Tình cảm đồng chí, đồng đội cũng là một trong những đề tài đã làm xuất hiện nhiều ca khúc hết sức cảm động, khắc họa phẩm chất cao đẹp của người lính cách mạng trong các hoàn cảnh khác nhau, như Tình đồng chí của Chính Hữu và Minh Quốc, Đồng đội của Hoàng Hiệp, Con cua đá của Ngọc Cừ và Phan Ngạn, Mưa Trường Sa của Xuân An,...
Tình cảm quân dân - cá nước, tình cảm gắn bó giữa tiền tuyến và hậu phương cũng đã được nhiều ca khúc đề cập, như Tình quân dân một lòng của Lê Lôi, Qua sông của Phạm Minh Tuấn, Bài ca may áo của Xuân Hồng, Gửi anh đi đầu quân của Nguyễn Đình Phúc, Khâu áo gửi người chiến sĩ của Nguyễn Đức Toàn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa của Nguyễn Văn Tý, Gửi em ở cuối sông Hồng của Thuận Yến,...
Đất nước hòa bình, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ vẫn hiện ra khá đậm nét trong các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai, bão lụt, để lại nhiều ấn tượng hết sức cao đẹp trong lòng nhân dân. Điều đó đã được thể hiện trong nhiều ca khúc và chiếm được cảm xúc của người yêu nhạc, như Hàng dừa xanh của Huy Du, Mời anh đến thăm quê tôi của Nguyễn Đức Toàn, Trên đường ta đi của Bửu Huyền,... cùng nhiều ca khúc có giá trị khác.
Một đề tài nữa không thể không nhắc đến về người lính cách mạng, đó chính là nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, giúp cho các nước bạn anh em xây dựng phong trào chiến tranh nhân dân trước đây và xây dựng cuộc sống mới ngày hôm nay, được thể hiện trong một số ca khúc, như Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn của Hoàng Hà, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp của Trần Tiến, Người lính tình nguyện và điệu múa Ápsara của Minh Quang...
Rồi hình ảnh những người lính đã xuất ngũ trở về với cuộc sống đời thường và tiếp tục tham gia mặt trận mới ở hậu phương, trong đó, có những người lính đã từng bỏ lại một phần thân thể mình ở chiến trường để cho đất nước nở hoa chiến thắng, cũng đã được thể hiện trong những ca khúc, như: Vết chân tròn trên cát của Trần Tiến, Anh thương binh rèn dao của Đỗ Nhuận, Đàn bò của tôi của Trần Kiết Tường, Người chiến sĩ trung kiên của Huy Du và Tạ Hữu Yên, Hàng cây anh trồng của Nguyễn Thành,... đã khắc họa đầy đủ, trọn vẹn thêm vẻ đẹp của người lính cách mạng.
Những bài ca về anh Bộ đội Cụ Hồ mãi âm vang, đi cùng năm tháng và sống mãi trong lòng người Việt Nam.
Trương Văn Hà