.

Viết là niềm đam mê

Thứ Năm, 07/09/2017, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - "Càng viết, càng nghiên cứu, lại càng đam mê với công việc này. Mỗi lần đặt bút lại nảy sinh ra những điều mới mẻ thôi thúc tôi tìm kiếm, góp nhặt. Và có lẽ chính sự cần cù làm việc mỗi ngày đã cho tôi sức khỏe, niềm vui để quên rằng mình đã ở vào độ tuổi "xưa nay hiếm". Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Tăng đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Nói đến Văn Tăng, những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa ai cũng biết, cũng yêu mến và cảm phục cả về phong cách sống đến tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Khi hỏi ông về di sản, về văn hóa dân gian, ông có thể nói cả ngày bằng sự say mê, bởi lẽ hơn nửa đời người, ông dành cho việc nghiên cứu, tìm tòi phát hiện và lưu giữ những giá trị văn hóa cổ xưa, những nét đẹp rất đỗi đời thường để rồi chắt lọc lại tạo nên từng trang viết sống động mà theo ông là viết cho mình, viết cho niềm đam mê.

Từng là thầy giáo dạy văn, truyền cảm hứng văn chương cho bao thế hệ học trò, đến khi nghỉ hưu ông lại bắt tay vào công tác nghiên cứu văn hóa dân gian - lĩnh vực mà ông ấp ủ từ bao năm qua. Ông đọc nhiều sách về văn hóa, lịch sử địa phương và bị cuốn hút trong các trang viết về văn hóa truyền thống của quê hương. Đọc, ngẫm rồi thôi thúc ông tìm đến với mảng văn hóa - văn nghệ dân gian và bắt tay vào nghiên cứu. Trong câu chuyện của mình ông nhắc nhiều đến nhà thơ Văn Lợi. Với ông, Văn Lợi là người bạn lớn - người đã tiếp lửa niềm đam mê cho ông và đồng hành cùng ông trong công việc.

17 năm sau nghỉ hưu, người ta vẫn thấy một Văn Tăng ngày đi làm đúng giờ và có mặt trong nhiều chuyến đi cơ sở với cán bộ ngành Văn hóa, Đài PT-TH tỉnh. Bởi ông chưa từng nghỉ mà chỉ là bước chuyển từ dạy học sang làm công tác nghiên cứu. Ông đi nhiều, viết nhiều thể loại như thơ, bút ký, tản văn, phóng sự...

Một trong những dấu ấn với nghề viết của ông là bút ký "Miền xa xanh kỳ vọng" viết về miền sơn cước huyện Minh Hóa và phóng sự "Vịt mồng 5 - nghề hái ra tiền" viết về các mô hình nuôi vịt trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Chính hai tác phẩm này được đăng tải trên báo đã cho ông động lực để tiếp tục đi và viết.

Đến nay, ông đã có trong tay 12 bản thảo, 7 đầu sách và rất nhiều tác phẩm gồm các thể loại thơ, tản văn, bút ký được đăng tải trên các báo, tạp chí của Trung ương và địa phương. Ông viết nhiều về làng Quảng Xá - mảnh đất có bề dày về truyền thống văn hóa quê ông. Trong tập tản văn "Nếp đất hương quê", ông dành nhiều trang viết về quê mình bằng tất cả tình yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc. Làng Quảng Xá trong tác phẩm của ông được khai thác từ nhiều góc cạnh, là cái giếng làng, là những hoài niệm về làng quê một thuở hay những nét tinh hoa của dòng họ Nguyễn...

Ông còn góp phần đắc lực trong việc viết, biên soạn các tập sách rất có giá trị của Hội Di sản văn hóa Quảng Bình như: Quảng Bình ẩn tích thời gian (2 tập), Nghệ nhân dân gian Quảng Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình thời đất lửa...

Ngoài ra, ông còn viết nhạc dẫu chỉ viết cho riêng mình song để lại nhiều ấn tượng trong lòng người nghe, nhất là ca khúc "Hạt bụi thời gian". Với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng cộng với chất giọng mộc và ấm của ông những ca từ như "Bao kiếp người nằm trong đất/ Kiếp nào hạt bụi thành ta" cứ lắng đọng trong lòng người nghe bởi ca khúc được viết nên từ chính trải nghiệm của một con người chỉ muốn lặng thầm đóng góp và cảm thấy mình thanh thản, mỏng nhẹ như hạt bụi lẫn khuất giữa không gian.

Đọc, ngẫm và viết luôn là niềm say mê của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng.
Đọc, ngẫm và viết luôn là niềm say mê của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng.

Với văn nghệ dân gian, ông dành phần lớn thời gian để đi, nghiên cứu, khảo sát và góp phần không nhỏ trong việc đánh thức những thanh âm vốn là một phần trong đời sống văn hóa của người dân các làng quê. Ông xem những chuyến đi và khi thể hiện qua từng trang viết là mỗi lần được tìm về nguồn cội với những giá trị đích thực giàu bản sắc văn hóa trên mỗi vùng đất. Sau những lần đi thực tế, ông lại cặm cụi ghi chép, chỉnh sửa, bổ sung để rồi lưu giữ tư liệu phục vụ cho việc nghiên cứu của mình.

Ông nói: Thật là tuyệt vời vì trên mỗi làng quê, vùng miền đều có những làn điệu dân ca, dân vũ hết sức độc đáo để rồi càng tìm hiểu, nghiên cứu lại càng thấy nhiều cái hay, cái mới. Với các nghệ nhân dân gian, ông luôn giữ mối quan hệ mật thiết. Mỗi lần nghe họ đàn, hát, nhìn họ diễn tuồng... ông lại thấy say, thấy cuộc sống thật đẹp. Ông thuộc lòng tên, địa chỉ, hoàn cảnh của nhiều nghệ nhân dân gian ở khắp các vùng miền trên địa bàn tỉnh. Mỗi dịp đi cơ sở, ông đều dành nhiều thời gian cho việc tìm gặp các hạt nhân văn nghệ truyền thống để tìm hiểu, ghi nhận những đóng góp của họ trong việc bảo tồn các giá trị của di sản và tham mưu với các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian cho họ.

Với những người dân quê, ông luôn là bạn quý, nên đi đến đâu cũng nhận được sự đón chào nồng nhiệt, chân tình. Ông hát cùng họ, say cùng họ trong nhiều làn điệu dân ca như hò biển, hò khoan Lệ Thủy, ca trù, tuồng bội... nhưng hay nhất là ca Huế - làn điệu dân ca tồn tại và phát triển ở làng Quảng Xá quê ông.

Để khuyên răn con cháu, ông thường ngân nga những câu hát nằm lòng của người dân Quảng Xá rằng "Sinh ra đạo làm trai, chăm lo học cho đặng nên người, để đua trí, đua tài kịp người ta, cùng tiến xa...". Và bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi, ông chọn cách giải trí bằng các làn điệu dân ca.

Có người nói, ông là người nặng lòng với di sản bởi mỗi lần đi cơ sở ông lại đau đáu nỗi lo khi chứng kiến một số di tích văn hóa lịch sử xuống cấp chưa được trùng tu, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, nghề truyền thống ở các làng quê đã và đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Với ông, di sản vật thể và phi vật thể là tinh hoa văn hóa không chỉ của một làng quê mà là của cả dân tộc tạo nên bản sắc riêng của mỗi tên đất, tên làng. Điều ông lo lắng nhất là những "nghệ nhân làng" đều là người cao tuổi, chủ yếu đã qua độ tuổi "thất thập cổ lai hy" trong khi việc truyền dạy cho thế hệ kế cận lại hết sức khó khăn. "Tiếc lắm nếu không gìn giữ được" - giọng ông chùng xuống khi nói về những nguy cơ mai một các giá trị văn hóa cổ xưa rất độc đáo trong các cộng đồng dân cư.

Ông cho hay, thời gian tới ông sẽ toàn tâm, toàn lực để hoàn thành cuốn "Nhân vật chí làng Quảng Xá" - nơi ghi nhận, tôn vinh những con người "đặc biệt" của quê hương ông. Đó là các anh hùng có công giữ nước và cả những con người bình thường... song họ là số một trên các lĩnh vực như thợ chạm, thợ nề giỏi nhất, hát ca Huế hay nhất... và tiếp tục nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm mới - nơi lưu giữ những tư liệu cổ, phục vụ cho công tác nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa dân gian.

Văn Tăng "nhiều trong một" - nhà văn Nguyễn Thế Tường đã nói về ông như thế. Và trong suy nghĩ của nhiều người, ông là người nặng lòng với di sản bởi lúc nào ông cũng muốn đóng góp công sức của mình dù "nhỏ bé" để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương. “Bởi viết là niềm đam mê của cuộc đời”, ông nói.

Nhật Văn