.
Trăm năm làng biển văn vật - Bài 2:

Lời ru trên sóng biển

Thứ Hai, 11/09/2017, 08:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Người làng Cảnh Dương hát ru không đơn thuần là mẹ ru con, bà ru cháu mà còn ru cả chính mình. Những người đàn ông đi biển hát ru cho nhau nghe trên con sóng bạc; trong khi những người phụ nữ ở nhà nhớ chồng, nhớ người yêu ở khơi xa cũng gửi vào sóng biển những lời ru da diết...

>> Trăm năm làng biển văn vật- Bài 1
 
Đàn ông hát ru

Theo các bậc cao niên ở làng biển Cảnh Dương, hát  ru ở đây đã có từ ngày thành lập làng đến nay, nghĩa là đã trải qua hơn 300 năm lịch sử. Từ khi làng biển mới chỉ có vài mươi nóc nhà đã có lời ru để hình thành nên làn điệu trữ tình và mặn mòi mang âm hưởng đặc biệt chỉ có ở làng quê miền biển. Hàng trăm năm qua, điệu hát ru đã đi vào tâm thức bao thế hệ người làng Cảnh Dương mà nhiều người dẫu đi xa, thoát li không còn làm nghề biển nữa thì họ vẫn nhớ như in bởi nó có giai điệu và lời ru rất riêng biệt...

Theo ông Lê Thành Lộc, Chủ nhiệm CLB dân ca “Hát ru, chèo cạn” xã Cảnh Dương, hát ru ở làng biển Cảnh Dương không chỉ đơn thuần là mẹ ru con, bà ru cháu mà nét đặc sắc nhất của hát ru Cảnh Dương là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em... và ru chính mình.

Cố nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức (mất năm 2016) được người dân làng biển Cảnh Dương đánh giá là người đàn ông hát ru hay nhất làng.
Cố nghệ nhân ưu tú Phạm Ngọc Thức (mất năm 2016) được người dân làng biển Cảnh Dương đánh giá là người đàn ông hát ru hay nhất làng.

Lý giải điều này, ông Lộc cho rằng, những bài hát lời ru ở Cảnh Dương đều xuất phát từ thực tế lao động sản xuất của ngư dân làng biển. Tại sao cha ru con mà không phải là mẹ ru con? “Ví  dụ, 2 vợ chồng mới cưới nhau, ra ở riêng và có một đứa con thơ. Người chồng đi biển về có mớ cá thì ai đi chợ bán. Người vợ đi chợ bán cá rồi thì người chồng tất nhiên phải ở nhà ru con rồi”,  ông Lộc giải thích.

Cũng theo ông Lộc, do lao động nghề biển nên quanh năm người đàn ông ở Cảnh Dương lênh đênh trên biển. Những lúc như vậy họ nhớ người yêu, nhớ vợ con, nhớ quê hương đất liền và họ hát ru như một cách để vơi đi nỗi nhớ, thêm yêu nghề biển. Lời ru lúc này họ hát cho bạn thuyền nghe, cũng là hát cho tâm trạng của chính mình giữa trùng khơi biển cả. Những câu hát ru lúc này không còn những giai điệu à ơi, ru hỡi hời ru ngọt ngào, đầm ấm như thường lệ mà lại có một giai điệu rất riêng: Bôồng bôổng bôồng bôồng hò hẻ hò he...

“Ra đi thì khổ mình ta/ ở nhà thì khổ cả bà liền con.., bôồng bôổng bôông bôông. Trông ra ngoài biển lu mù/ Thấy anh câu đục câu đù em thương/ Hò hẻ hò hè bôồng bôổng bôông bôông/ Đêm qua anh gối tay nàng/ Ngày nay ra biển, anh gối đàng giây neo/ Hò hẻ hò hè, bôồng bôổng bôông bôông...”.
 
“Lời ru cổ hủ mà giá trị”

“Hát ru ở  Cảnh Dương  không chỉ đơn thuần là mẹ ru con, bà ru cháu mà nét đặc sắc nhất của hát ru Cảnh Dương  là ông ru cháu, cha ru con, anh ru em... và những người ngư phủ ru chính mình trên biển cả bao la.” - ông Lê Đình Lộc, Chủ nhiệm CLB dân ca “Hát ru - chèo cạn” xã cảnh Dương giải thích.

Nói về sự khác biệt giữa hát ru Cảnh Dương và hát ru ở nhiều nơi khác, ông Lộc cho rằng, lời ru của làng biển Cảnh Dương nghe có vẻ cổ hủ nhưng mà giá trị vô cùng. Trong câu hát ru của người Cảnh Dương có nhiều triết lý rất đời và vô cùng sâu sắc.

“Một người con trai có hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh ta ưng một cô gái, muốn lấy làm vợ nên hát: “Một mình anh cả chống liền chèo, lấy ai tát nước sang chèo cho anh”, có nghĩa là anh chưa có vợ, chưa lập gia đình, muốn lấy em về làm vợ để cùng em chèo chống gia đình, xây dựng cuộc sống. Người con gái đáp lại bằng lời ru: “Muốn cho con Sủ 3 đòn. Con Sơn, con Ngản sông Roòn thiếu chi”, có nghĩa chưa thật ưng chàng trai lắm, vì chàng trai nghèo, anh muốn cưới em thì phải ra sông Roòn bắt cho được những loài cá quý để có cơ ngơi, tài sản...  Người con trai lại hát: “Sông cùng mà biển không cùng, trời cao có hãm anh hùng mãi đâu. Lấy em thấy đói đừng lo, tay anh tát nước, miệng anh hò kéo neo”, em có đừng thấy anh nghèo mà không ưng, anh tài, anh siêng năng rồi anh sẽ có tất cả. Nghe vậy cô gái đã ưng chàng trai rồi nhưng vẫn tiếp tục hát: “Cha mẹ em muốn ăn cá khiêng cho nên anh phải đóng thuyền ra khơi”, anh lấy em rồi thì anh phải yêu một mình em thôi, không yêu người phụ nữ khác và phải yêu cả ông bà, cha mẹ của em như cha mẹ anh, nay cha mẹ em muốn ăn cá khiêng (một loài cá ngon) thì anh phải đóng thuyền mà ra khơi...

Ông Lộc kể một câu chuyện huyền tích về một lời ru cổ: Ngày xưa có hai anh em trai, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Chắt chiu mãi, 35 tuổi người anh mới lấy được vợ. Ngày ngày họ cùng ra biển kiếm sống. Từ ngày lấy vợ, người anh thêm siêng năng, cần cù nên tôm cá dồi dào. Trái lại, người em lười nhác, chỉ quanh quẩn gần bờ nên quanh năm đói rách... Từ đó anh em sinh lòng đố kỵ. Chị dâu thương em chồng, muốn mách cho em biết ngư trường của anh nhưng lại sợ chồng mắng. Chị liền nghĩ ra bài hát ru con để ngầm mách cho em chồng. Lời ru rằng: “Lối la... ba hỡi... Lối la./Đã mất giấc ngủ lại xa đường chèo./Không bằng cật xước, làng leo/ Đã nhẹ đường chèo được gạo con ăn”... Người em nghe chị dâu hát, biết anh trai đang đánh bắt cá ở lối la (vùng biển phía ngoài đảo La) cũng dong thuyền ra đó. Anh em đánh bắt gần nhau ngoài biển cả bao la nên rất cần sự hỗ trợ cho nhau, những hiềm khích từ đó cũng được gỡ bỏ, họ lại thuận hòa như xưa, cùng nhau đánh bắt cá tôm, xây dựng cuộc sống gia đình.

 Tuổi đã cao nhưng buổi chiều nhiều lão ngư của làng biển Cảnh Dương vẫn ra biển đánh bắt ruốc, cá ven bờ và hát ru cho nguôi nỗi nhớ biển.
Tuổi đã cao nhưng buổi chiều nhiều lão ngư của làng biển Cảnh Dương vẫn ra biển đánh bắt ruốc, cá ven bờ và hát ru cho nguôi nỗi nhớ biển.

Chính vì những ý nghĩa hết sức sâu sắc và giá trị như thế, lời hát ru ở Cảnh Dương khi cất lên ai ai nghe cũng đều thấy hình bóng của mình trong đó...

Trải qua gần 400 năm hình thành, làng biển Cảnh Dương hôm nay cũng đã trở thành một làng biển rất trù phú. Đội tàu cá hàng trăm chiếc với công suất lớn của làng đủ sức vươn tới những vùng biển xa dài ngày như Trường Sa, Hoàng Sa. Và trên những con tàu vươn khơi đó những làn điệu hát ru của làng vẫn được những người ngư phủ Cảnh Dương ngân vang giữa đại dương bao la để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, thêm yêu nghề biển... Còn ở đất liền quê hương, những lời ru ngày lại ngày vẫn cứ cất lên không chỉ có những đêm văn nghệ, những ngày hội làng mà trong những nếp nhà làng biển. Những lời ru như bản nhạc du dương hòa quyện với cái mùi mặn mòi của biển thấm vào máu của mỗi người con làng biển từ khi mới lọt lòng. Cứ thế lời những bài hát ru của làng biển Cảnh Dương “trăm năm văn vật” được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không có lấy một trang sách ghi về cách thức hát và sáng tác cho thể loại này...

Phan Phương