.

Trăm năm làng biển văn vật

Thứ Hai, 11/09/2017, 07:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Có lịch sử hình thành từ 370 năm trước, làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) là một làng biển tiêu biểu về văn hóa và lịch sử. Là một trong bát danh hương của Quảng Bình, Cảnh Dương mang trong mình một giá trị văn hóa phong phú và độc đáo mà không phải làng biển nào cũng có được...

Bài 1: Cá voi - vị thần linh thiêng của làng biển

Những giá trị văn hóa tinh thần của người Cảnh Dương được sản sinh từ thực tế lao động đánh bắt trên biển đầy hiểm nguy và gian khổ. Thế nên, trong đời sống văn hóa của người dân Cảnh Dương, cá voi, loài cá luôn cứu nạn ngư dân trên biển, được họ tôn là “thần” và luôn hiện hữu trong cuộc sống của người dân làng biển...

Loài cá linh thiêng

Hàng trăm năm qua, bao thế hệ người Cảnh Dương vẫn lấy nghề đánh bắt trên biển làm nghiệp mưu sinh. Cuộc sống lênh đênh trên biển cả mênh mông, nhiều lần gặp phải giông  tố, bão bùng mà tai qua nạn khỏi một cách không ngờ tới, thế nên ngư dân Cảnh Dương càng tin vào một đấng thần linh chở che, phù hộ cho mình. Đấng linh thiêng mà ngư dân Cảnh Dương luôn tin tưởng và thờ phụng không ai khác chính là cá voi, loài cá đã luôn cứu giúp họ những lúc gặp nạn ngoài biển khơi. Hàng trăm năm qua, loài cá linh thiêng này được người dân Cảnh Dương tôn là “ngài” hay “đức ông, đức bà”.

Nghĩa trang cá voi, nơi có 17 ngôi mộ cá voi được người dân Cảnh Dương chôn cất và thờ phụng.
Nghĩa trang cá voi, nơi có 17 ngôi mộ cá voi được người dân Cảnh Dương chôn cất và thờ phụng.

Về làng biển Cảnh Dương, chúng tôi được nhiều ngư dân kể những câu chuyện ly kỳ về việc họ được cá voi nhiều lần cứu nguy trên biển. Anh Nguyễn Tuấn Anh, một ngư dân nhiều lần được “ngài” cứu giúp kể rằng: Năm 1998, trong một chuyến biển ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, tàu cá của anh không may gặp sự cố hỏng máy giữa biển khơi khi cơn bão mạnh đang đến gần. Các thành viên trên tàu phải căng mình đối phó với sự cố bất trắc, ai cũng căng thẳng, hoang mang.  Nếu tàu không được sửa chữa kịp thời, cơn bão ập đến thì chuyện sống chết chỉ còn trong gang tấc. Trong khi đó, chiếc tàu cá ngày càng lắc mạnh, nước đã tràn cả vào khoang. Đúng lúc chiếc tàu khó còn thể chịu đựng thêm nữa với những con sóng lớn đánh úp vào thì  “ngài” đột ngột xuất hiện. “Ngài” ghé lưng vào nâng đỡ chiếc tàu cho nó khỏi lung lay giữa lúc sóng biển ngày một lớn hơn. Thấy có cứu tinh, mọi người trên tàu ai cũng phấn chấn hẳn lên, tập trung được tinh thần để khắc phục sự cố. Và chiếc tàu cá của ngư dân Nguyễn Tuấn Anh đã được sửa chữa kịp thời, tai qua nạn khỏi khi cơn bão dữ đang đến gần. “Đó không phải là lần đầu tiên “ngài” đã cứu chúng tôi, nhiều lần khác nữa “ngài” cũng đã lấy tấm lưng thần giúp chúng tôi vượt qua những hiểm nguy một cách không ngờ tới” - ngư dân Nguyễn Tuấn Anh kể.

Nghĩa trang cá voi

Cũng chính cá voi thường cứu người trên biển như vậy nên ngư dân Cảnh Dương luôn tôn thờ, đối xử rất mực cung kính và chu đáo. Người dân làng biển Cảnh Dương gọi cá voi đực là “đức ông”, còn cá voi cái là “đức bà” một cách đầy kính trọng chứa đựng một niềm tin tâm linh đã ăn sâu thành máu thịt...

 “Khi “ngài” “lụy” về với cõi tiên, ngài đã chọn Cảnh Dương làm nơi an nghỉ cuối cùng nên việc lo hậu sự, an táng, thờ phụng “ngài” là trách nhiệm và vinh dự của người làng Cảnh Dương...” – Lão ngư Lê Xuân Đắng.

Khi cá voi chết, xác trôi dạt vào bờ, cả làng Cảnh Dương tổ chức “đại tang” cho “ngài”. Dân làng Cảnh Dương, từ già đến trẻ ai cũng tỏ lòng tiếc thương vị cứu tinh của ngư dân; bởi khi “lụy” ngài đã chọn Cảnh Dương làm nơi an nghỉ cuối cùng nên việc lo hậu sự, an táng, thờ phụng “ngài” là tránh nhiệm và vinh dự của người làng Cảnh Dương. Mới đây nhất, vào năm 2009, một con cá voi có vẻ mệt mỏi trôi dạt vào bờ. Dân làng xúm lại chăm sóc rồi đưa “ngài” trở lại với biển cả nhưng mấy hôm sau “ngài” lại dạt vào bờ một lần nữa và chết. Cũng như những lần trước, người làng Cảnh Dương đã tổ chức lo hậu sự chu đáo cho “ngài” bằng tất cả tấm lòng thành kính nhất.

Không biết có phải vì tấm lòng người Cảnh Dương quá thành kính và tôn thờ mà hàng trăm năm qua, nhiều “đức ông” và “đức bà” đã chọn mảnh làng Cảnh Dương nơi đầu sóng làm nơi an nghỉ cuối cùng. Trải qua hàng trăm năm hình thành, đến hôm nay, làng biển Cảnh Dương đã có hẳn một nghĩa trang cá voi được xây dựng khang trang, tôn nghiêm và quanh năm được thờ phụng, khói hương nghi ngút.

Lão ngư Lê Xuân Đắng (71 tuổi) nhiệt tình dẫn chúng tôi đến thăm nghĩa trang cá voi nằm ở đầu làng.
Ông Đắng cho biết, nghĩa trang này đã tồn tại hàng trăm năm qua và hiện có 17 ngôi mộ cá voi, trong đó phần lớn đều được xây dựng kiên cố, bia mộ được làm bằng đá cẩm thạch rất hoành tráng và tôn nghiêm. Trên bia mộ, người làng khắc những cái tên rất tôn kính như: “Đức ông”, “Đức bà”, “Cậu út hiệp sỹ”, “Cô Tuyết nhi cơ”... cùng với ngày tạ thế là ngày mà cá voi dạt vào bờ biển của làng. Hết thảy các ngôi mộ nằm gọn trong một khuôn viên được bao bọc bằng tường xây. Chính giữa nghĩa trang là một ngôi miếu thờ chung. Tất cả đều được chăm sóc sạch sẽ, hương khói quanh năm...

Tiếng hát tri ân... cá voi!

Cá voi không chỉ có mặt trong đời sống tâm linh mà hàng trăm năm qua nó còn  hiện hữu rất rõ nét trong đời sống văn hóa hàng ngày của người dân làng biển Cảnh Dương. Theo người làng Cảnh Dương, hàng năm cứ đến ngày rằm tháng Giêng dân làng thường tổ chức lễ hội cầu ngư mà linh vật được tôn quý nhất vẫn là cá voi. Người làng sẽ có màn biểu diễn chèo cạn với những tiếng hát át cả tiếng gió, mặn mòi như muối biển khơi: “Làng ta mở hội cầu ngư/ Mừng ngày lễ hội đêm rằm tháng Giêng/Khấn trời lạy đất bốn phương/Mưa hòa gió thuận cầu mong “đức bà”/ “đức ông” trong cõi tâm linh/Thành tâm phụng sự cổ kim lưu truyền”...

Bờ biển Cảnh Dương đẹp yên bình, nơi 375 năm qua đã có 17 xác cá voi dạt vào.
Bờ biển Cảnh Dương đẹp yên bình, nơi 375 năm qua đã có 17 xác cá voi dạt vào.

Hầu như trong những lời bài hát chèo cạn của làng biển Cảnh Dương được lưu truyền hàng trăm năm qua bài nào cũng nhắc đến cá voi, loài cá hiệp nghĩa luôn cứu giúp ngư dân giữa trùng dương bão tố. “Vậy hôm nay là ngày vui trọng đại, bạn lái (bạn thuyền) đâu đó chỉnh tề, nắm chắc tay chèo ta rước con thuyền đức ông, đức bà về cõi tâm linh./ Đến năm Canh Tý thái bình/ Đức bà thượng thọ gặp dân rước về/ Hiển linh hộ kẻ làm nghề/ Cá dày, ruốc được mọi bề ấm no... Năm Mậu Thân đức ông vô (năm Mậu Thân 1968 một con cá voi đực lớn đã đã dạt vào bờ biển làng Cảnh Dương – NV)/ Thành tâm phụng sự ngài cho dân tình...”

Có thể nói rằng, lễ hội cầu ngư và làn điệu chèo cạn ở làng biển Cảnh Dương ngoài việc cầu cho mưa thuận gió hòa, biển yên sóng lặng, ngư dân làm làm ăn phát đạt, một năm cá tôm đầy tàu thì đây cũng là dịp người dân làng biển Cảnh Dương tưởng nhớ công ơn của người xưa, đặc biệt là tri ân loài cá linh thiêng đã hiệp nghĩa cứu họ lúc hoạn nạn ngoài biển khơi...

Phan Phương

Bài 2: Lời ru trên sóng biển