Bậc thầy của nghệ thuật chèo, NGND Hoàng Kiều từ trần
NGND Hoàng Kiều, nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đã tạ thế sáng 10-8 tại Hà Nội.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, NGND Hoàng Kiều tên thật là Tạ Khắc Kế, sinh ngày 12-04-1925, quê ở Dốc Lã, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Ông tu nghiệp âm nhạc tại Vũ Hán (Trung Quốc) từ năm 1950 - 1953, sau đó về công tác tại Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương.
NGND Hoàng Kiều thời trẻ |
Năm 1956, ông phụ trách Ban Nghiên cứu Nhạc Múa Bộ Văn hóa, làm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Sân khấu Bộ Văn hóa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh kiêm Chủ nhiệm Khoa Kịch hát dân tộc cho đến khi nghỉ hưu (1989).
Nhà giáo nhân dân Hoàng Kiều là một tên tuổi lớn có đóng góp đáng kể cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, đặc biệt đối với nghệ thuật chèo.
Trong gia tài tác phẩm của mình, ông sáng tác nhạc cho hơn 20 vở chèo, trong đó có nhiều vở đạt đến trình độ mẫu mực của nghệ thuật chèo như Súy Vân, Từ Thức gặp tiên, Phan trần...
Ngoài ra, ông còn sáng tạo ở một số tác phẩm sân khấu kịch hát truyền thống về đề tài cách mạng như Máu chúng ta đã chảy (1963), Bố con người gác đèn (1969), Những cô gái mặt đường (1969), Cô hàng rau (1980)...
NGND Hoàng Kiều còn được biết đến là một tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận & phê bình sân khấu với nhiều công trình như: “Sử dụng làn điệu chèo” (1974), “Thanh điệu tiếng Việt và âm nhạc cổ truyền” (2001), “Tìm hiểu các làn điệu chèo cổ” 2001, “Tìm hiểu sân khấu chèo” (Hoàng Kiều - Trần Việt Ngữ), “Lịch sử sân khấu chèo và phát triển” (2009), “Các làn điệu chèo có âm nhạc” (Hoàng Kiều và Hoàng Hoa), “Điệu thức 5 âm và tính năng các cây đàn”...
Những công trình nghiên cứu ông đã công bố là cơ sở quan trọng được trích dẫn trong các nghiên cứu nghệ thuật sau này.
Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, chính nhà nghiên cứu Hoàng Kiều đã cung cấp rất nhiều tư liệu cho các nhà nghiên cứu âm nhạc thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và nhóm Xẩm Hà Thành.
Trong đó, những tư liệu của ông đã giúp cho nhóm xẩm có cơ sở để phục hồi nhiều điệu xẩm, bài xẩm đã vắng bắng như điệu Hò Bốn Mùa.
Trong cuộc đời lao động của mình, NGND Hoàng Kiều rất được các học trò và giới trong nghề, trí thức tôn trọng nên thường gọi ông là Giáo sư.
Trên thực tế, danh hiệu duy nhất hiện nay ông được Nhà nước phong tặng cho nhưng đóng góp của mình là Nhà giáo nhân dân vào năm 2008.
Gia đình nhạc sĩ có 4 người con, trong đó nhạc sĩ Giáng Son là con gái út. Ngay từ nhỏ nhạc sĩ Giáng Son cũng mê chèo đến mức tự học và tự hát được nhiều trích đoạn chèo.
Mong ước của chị lúc nhỏ cũng là được nối nghiệp bố mẹ, trở thành một diễn viên chèo chuyên nghiệp nhưng chính nhạc sĩ Hoàng Kiều lại hướng con gái đến cây đàn piano từ năm 5 tuổi. Từ đó, sự nghiệp âm nhạc của Giáng Son chuyển hướng sang sáng tác âm nhạc./.
Lễ viếng nhạc sĩ, NGND Hoàng Kiều từ 7h - 9h ngày 12-8-2017(tức 21-6 năm Đinh Dậu) tại Phòng tang lễ Cầu Giấy, phố Trần Vỹ, đường Lê Đức Thọ kéo dài. Hoả táng tại Văn Điển. An táng tại quê nhà thôn Cao, Bảo Khê, TP Hưng Yên. |
Theo An Yên/TTVH