.

Đọc sách Địa chí làng An Xá

Thứ Bảy, 13/05/2017, 15:54 [GMT+7]

(QBĐT) - An Xá - một làng quê được biết đến trong sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An từ thế kỷ XVI: “Xóm làng An Xá không có nha lại kêu cửa đập nhà... Người vợ góa làng An Xá đời khen tiết nghĩa...”.

Trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chùa làng An Xá là nơi tổ chức hội nghị cán bộ Đảng toàn tỉnh chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng. Đặc biệt, An Xá được cả nước và bạn bè quốc tế biết đến là vùng đất đã sinh ra vị tướng nhân dân - vị tướng huyền thoại của thế kỷ XX: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Vì thế, người đọc rất trân trọng khi đón nhận tác phẩm “Địa chí làng An Xá” để hiểu thêm vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Bìa cuốn sách “Địa chí làng An Xá”.
Bìa cuốn sách “Địa chí làng An Xá”.

Địa chí làng An Xá do nhóm tác giả Đặng Thị Kim Liên (chủ biên), Đỗ Duy Văn, Nguyễn Văn Tăng thực hiện theo đề tài khoa học của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình và được Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2016. Với hơn 500 trang tác giả, 10 chương và nhiều phụ lục sách đã trình bày một cách toàn diện về địa lý, lịch sử, truyền thống văn hóa và con người của vùng đất An Xá suốt hơn 600 năm qua.

Theo nhóm tác giả, tiền thân của làng An Xá là làng Kẻ Thá từ đời vua Trần Phế Đế cách đây hơn 600 năm: “... Làng An xá là một làng Việt cổ ở phía tây bắc Mũi Viết thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy... Xa xa là dãy Trường Sơn, với ngọn núi “Đầu Mâu vượng khí” mang hình ngọn bút hướng ra phá Hạc Hải như nghiên mực, cảnh quan hưng thịnh với “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sơn vi bản”...

Cũng giống như mọi làng quê, nếp sống gia đình, họ tộc, tình nghĩa xóm làng ở An Xá là những phong tục tập quán thuần Việt tốt đẹp mà các thế hệ dân làng gìn giữ từ buổi khai sinh lập đất đến nay.

Theo nhóm tác giả, An Xá có 12 dòng họ sinh sống cùng chung lưng đấu cật xây dựng nên làng xóm giàu đẹp như ngày nay. Theo các bậc cao niên cho biết, dòng họ tiền khai khẩn vùng đất An Xá họ Ngô, được coi là Thành hoàng làng là Ngô Quý Công hay Ngô Khai. Hậu khai canh có họ Trần Hữu, thủy tổ là Trần Quý Công từ Thanh Hóa vào An Xá Hạ từ 1680. Tiếp đến là những dòng họ Bùi Hữu, Võ Từ, họ Lê, họ Đào, họ Nguyễn... Đặc biệt, trong phái thứ hai của họ Võ Từ, sách cho biết thêm một số tư liệu về gia tộc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có Đại tư đồ Vũ Văn Dũng (Võ văn Dũng 1744 – 1813), một vị tướng tài của Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Các dòng họ ở làng An Xá đã tồn tại suốt mấy thế kỷ hình thành nhiều chi phái, nhiều thế hệ đã tạo nên sự cố kết cộng đồng dân cư cần cù lao động xây dựng quê hương trù phú và nhiều người đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An có nhắc đến ông Hoàng Hiền (Đổng Hiền), xã trưởng đánh giặc có công được trao chức Tĩnh Sơn Bá; ông Võ Tri Giám đỗ đầu thi Hương, thi Hội nhiều lần trúng Tam trường. Đời Mạc Mậu Hợp (1525) có ông Phạm Đại Kháng thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ làm quan giữ chức Giám sát ngự sử. Đời Lê Anh Tông (1565) có ông Lê Đa Năng thi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ làm quan cũng giữ chức Giám sát ngự sử. Trong thời hiện đại có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều cán bộ cách mạng có những đóng góp to lớn cho quê hương đất nước như các ông Võ Thuần Nho, Đào Viết Doãn, Võ Hồng Thanh, Bùi Xuân Các, Trần Bội, Trần Sự... Nối tiếp mạch nguồn truyền thống yêu nước và hiếu học, các thế hệ con cháu làng An Xá, nhiều vị tướng, tá trưởng thành trong quân đội, nhiều giáo sư, tiến sĩ có những công trình, sự nghiệp khoa học được Nhà nước tôn vinh.

Trong sách, làng An Xá hiện lên là một vùng đất đặc trưng của quê hương Lệ Thủy nơi có dòng Kiến Giang như một dải lụa đào trong “khuấy lên không đục, uống vào không biết chán” có phá “Hạc Hải mênh mông mấy dặm khơi”. Ký ức làng gắn với những con đò, bến nước chở nặng mùa vàng hay những chuyến đò ngang xe duyên chồng vợ: “Thuyền ai lơ lửng trên sông/ Phải duyên phải vợ phải chồng thì vô”. Đó là những hàng cây cổ thụ cừa sanh tỏa bóng mát xuống dòng sông xanh; cây khế trăm tuổi ở nhà Đại tướng; cây bún ở cánh đồng làng. Đó là cái chợ Đình, giếng nước, chùa làng đã một thời lưu ảnh trong hoài niệm của người già.

Trong phần Tôn giáo – Tín ngưỡng – Lễ tiết, nhóm tác giả giới thiệu khá chi tiết đời sống tinh thần của người dân An Xá suốt trong mấy trăm năm qua. Cũng giống như mọi miền quê khác, ở đây có Phật giáo, Nho giáo nhưng tín ngưỡng thờ cúng ông bà là đời sống tinh thần chủ đạo của người dân An xá. Mọi tập tục, nghi lễ truyền thống đều xuất phát từ đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn/ăn quả nhớ người trồng cây”.

Trong sách còn giới thiệu đến những “Lệ làng”, “Hương ước – Quy ước” và những nét “Văn hóa điền thổ” để người đọc hiểu thêm phong tục vùng đất Lệ Thủy. Là một vùng thuần nông sống nhờ cây lúa là chủ yếu sách giới thiệu khá kỹ quy trình canh tác lúa với các công đoạn làm đất truyền thống cày ốp, cày trở, bừa trau trên đồng ruộng phải cày hai trâu mà sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn từng nói đến. Bên cạnh nghề trồng lúa, trồng màu người An xá còn trồng cói, trồng đay để làm nên chiếu Kẻ Thá nổi tiếng xưa nay. Cuộc sống của người An Xá không chỉ có hạt lúa, củ khoai mà còn tôm cá, chim chóc. Nghề đánh bắt tôm cá trên đồng, trên sông cũng lắm kỹ nghệ. Bên cạnh canh tác lúa là chính người An Xá còn dệt chiếu, làm nghề rèn, làm gạch ngói, làm mộc, chăn nuôi vịt đàn... cần cù chịu khó góp công góp sức xây dựng một làng quê trù phú.

Trong chương Văn hóa - Văn nghệ dân gian sách giới thiệu cho người đọc nét đặc trưng lời ăn tiếng nói, ca dao tục ngữ, sự tích huyền thoại và đặc biệt là các loại hình văn nghệ dân gian khá nổi tiếng của An Xá và của vùng đất Lệ Thủy nói chung là hò khoan. Các câu hò khoan nhân nghĩa, hò khoan đối đáp được sưu tầm tuy chưa thật đầy đủ nhưng cũng đã nói được những tình cảm, đạo lý, cách ứng xử của người dân An Xá trong các mối quan hệ xã hội.

Ở chương 10 sách giới thiệu về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương của người dân An Xá. Lịch sử xây dựng quê hương An Xá cũng là lịch sử đấu tranh cách mạng với những phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX với  “Nhóm đọc sách” của người thanh niên Võ Giáp (Võ Nguyên Giáp), Trường Thành Chung, đến chùa An Xá thời kỳ Cách mạng Tháng Tám và kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ sau này. Trong phong trào cách mạng nhiều người con của An Xá trưởng thành có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà tiêu biểu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một làng nhỏ, đất không rộng, người không đông mà có hơn 60 liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước; có gần 30 cán bộ lão thành, tiền khởi, hàng chục sĩ quan từ cấp tá, cấp tướng... Đó là niềm tự hào không chỉ của An Xá mà còn của cả Lệ Thủy và Quảng Bình nói chung.

Khép lại hơn 500 trang sách, xin được cảm ơn nhóm tác giả đã cho người đọc hiểu thêm An Xá, một vùng đất rất đỗi tự hào, giàu lòng thương nhớ.  

Phan Viết Dũng