.

Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình: Những chuyến lưu diễn ấn tượng

Thứ Năm, 09/02/2017, 10:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiền thân là Đoàn Nghệ thuật tổng hợp, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình được đổi tên từ năm 2006. Từ đó đến nay, đơn vị đã phát huy truyền thống vinh quang một thời “Tiếng hát át tiếng bom” trên quê hương “Hai giỏi”, tiếp tục mang lời ca tiếng hát phục vụ sự nghiệp đổi mới.

Hàng năm, đơn vị xây dựng chương trình phục vụ với chỉ tiêu trên 110 buổi biểu diễn. Đơn vị đã để lại dấu ấn tại các kỳ hội diễn toàn quốc. Lần gần đây nhất là năm 2015 tại Vũng Tàu, đơn vị giành 1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc.

Nghệ sĩ Quách Sĩ Dũng, Trưởng đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cho biết: “Với sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao và các cấp, các ngành... Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đã liên tục nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đoàn có tổng số 55 CBCNV, trong đó có 3 NSUT, 13 ca sĩ, 17 nghệ sĩ múa, 10 nhạc công”.

Tiếng hát điệu múa mang bản sắc văn hóa quê hương Quảng Bình từ những chuyến xuất ngoại của đoàn đã bay cao bay xa đến với khán giả nhiều nơi trong và ngoài nước. Ấn tượng nhất vẫn là thời gian được mang lời ca tiếng hát từ quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến với các chiến sĩ Quân chủng Hải quân tại Trường Sa năm 2013. Các nghệ sĩ của đoàn đã đi được 10 đảo, 2 giàn khoan. Dư âm còn mãi là những bài hát: “Trên biển quê hương”, “Quảng Bình trong câu hát”; “Tổ quốc gọi tên mình”, “Sức sống Trường Sa”, “Lính đảo đợi mưa”.

Các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật truyền thống đang tập luyện.
Các nghệ sĩ Đoàn Nghệ thuật truyền thống đang tập luyện.

Có chuyến biểu diễn tại Thái Lan, bà con Việt Kiều đã yêu cầu nghệ sĩ đoàn hát lại nhiều lần những bài hát về Bác Hồ kính yêu. Tại Na khon pha nôm, nơi có làng Bác Hồ, các nghệ sĩ của đoàn đã biểu diễn cho bà con Việt kiều những bài hát đi cùng năm tháng như: “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”, “Quảng Bình quê ta ơi”. Những bài hát về truyền thống cách mạng, ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đi sâu vào lòng bà con Việt kiều. Sự mến mộ háo hức của khán giả đối với những bài hát ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh, ca ngợi quê hương Quảng Bình giàu đẹp đã tạo cho những nghệ sĩ của đoàn niềm hưng phấn khó phai mờ. Sức sống mãnh liệt của ca khúc viết về Bác Hồ, Tổ quốc Việt Nam đã được các nghệ sĩ của đoàn thể hiện thành công qua những chuyến xuất ngoại. Thì ra, gu thẩm mỹ của lớp khán giả giàu tinh thần dân tộc và lòng yêu Tổ quốc nơi nào cũng giống nhau, họ đều rất yêu thích những bài ca cách mạng. Có nhiều bà con Việt kiều, ở xa nơi đoàn biểu diễn hàng trăm km, nghe tin đoàn đến, đã không quản đường xa tìm mọi cách để đến thưởng thức. một bà mẹ xa quê lâu năm đã yêu cầu các nghệ sĩ hát bài: “Tấm áo mẹ vá năm xưa”. Ngoài những khúc dân ca Nghệ Tĩnh, những lời ca quan họ Bắc Ninh, họ còn đặc biệt say mê hò khoan Lệ Thủy, điệu ru con Cảnh Dương, điệu hò thuốc Minh Hóa...

Ngoài những chuyến xuất ngoại biểu diễn cho bà con Việt kiều, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình cũng đã dành nhiều thời gian để hát cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Đó là những cái địa danh khá quen thuộc như Cà Roòng (Thượng Trạch, Bố Trạch); Trường Sơn (huyện Quảng Ninh); Kim Thủy, Văn Thủy (huyện Lệ Thủy); Quảng Hợp, Quảng Đông (huyện Quảng Trạch); Trọng Hóa, Dân Hóa, Trung Hóa, Sơn Hóa, Tân Hóa (huyện Minh Hóa); Lâm Hóa, Phong Hóa, Châu Hóa, Văn Hóa, Lê Hóa... (huyện Tuyên Hóa). Đoàn cũng đã từng có nhiều chuyến lưu diễn phục vụ các hội đồng hương thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Nguyên. Đem những bài hát mang âm hưởng dân ca quê hương Quảng Bình đến với bà con quê hương xa xứ, các nghệ sĩ của đoàn đã chuyển đi thông điệp về tình yêu quê hương xứ sở đến với những khán giả đang háo hức chờ đón.

Qua những chuyến lưu diễn và những đợt xuất ngoại đã khẳng định thương hiệu của một đoàn nghệ thuật truyền thống có nhiều thành công trên bước đường xây dựng và trưởng thành. Đoàn đã có bước tiến vững chắc, có hướng đi đúng khi đề cao nghệ thuật truyền thống. Ngoài những tác phẩm tân nhạc, đoàn đã chú trọng khai thác bản sắc văn hóa của quê hương Quảng Bình để phục vụ khán giả. Điều đáng ghi nhận là những nghệ sĩ của đoàn đã có ý thức trau dồi tài năng nghệ thuật, luôn tâm huyết với nghề và xây dựng đoàn ngày càng vững mạnh xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân trong tỉnh. Nhiều nghệ sĩ được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT, giành được nhiều giải thưởng cao, nhiều huy chương tại các kỳ hội diễn toàn quốc. Họ đã vượt lên mọi khó khăn, trau dồi nghề nghiệp, luôn được khán giả yêu quý ngưỡng mộ.

Trăn trở của các nhà quản lý là đoàn chưa có nơi tập luyện xứng đáng, một số nghệ sĩ trẻ có năng khiếu, tài năng được đoàn cho đi tu nghiệp đã không trở lại với đoàn; một số chính sách thu hút nhân tài chưa đủ sức hấp dẫn những tài năng trẻ về với đoàn...

Năm 2017 là thời gian đoàn đang có nhiều hoạt động tập luyện để hướng đến tham gia hội diễn toàn quốc 2018, đồng thời phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh. Theo dự kiến, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình sẽ biểu diễn tại Thủ đô Hà Nội trong chương trình “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”. Các nghệ sĩ của đoàn sẽ có điều kiện mang những tiết mục văn nghệ từ quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp giới thiệu với khán giả thủ đô và cả nước. Hy vọng những chuyến lưu diễn trong năm 2017 sẽ đưa đến cho Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình nhiều thành công mới.

Phan Hòa