.

Đọc Âm vang một miền quê

Thứ Năm, 05/01/2017, 10:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Âm vang một miền quê là tập bút ký của Lê Trọng Duận, hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Bình (NXB Nghệ An, 2016). Cuốn sách gồm 32 bài viết, dày 220 trang in.

Bìa cuốn sách “Âm vang một miền quê”
Bìa cuốn sách “Âm vang một miền quê”

Lê Trọng Duận từng là giảng viên Ngữ văn Trường cao đẳng sư phạm, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, Chủ tịch Liên minh các HTX tại Quảng Bình. Thực tế cuộc sống phong phú kết hợp với vốn kiến thức được trang bị và tự nghiên cứu đã giúp ông có được nhiều tư liệu, trang viết giàu cảm xúc, đậm chất văn.

Không gian trong tác phẩm của ông không chỉ dừng lại ở một làng một xã nơi ông sinh thành mà mở rộng ra khắp huyện Quảng Ninh với thời gian đa chiều. Hiện lên từ các trang viết là vẻ đẹp tâm hồn từng con người, cảnh đẹp từng vùng đất gắn với lịch sử, truyền thống đấu tranh bất khuất.

Tự hào về làng Văn La - một trong bát danh hương Quảng Bình, ông viết:

Làng tôi, theo truyền thuyết và cũng từ thực tế của địa hình được coi là Long đáo địa (Rồng lên ở cạn)...  Với tôi, từ nhỏ qua lời kể của cha mẹ: Vì sao có những tên gọi theo địa danh của đồng đất, xóm chòm như vậy; vì sao lại có nhiều bánh trái (nhất là ngày tết cổ truyền) đến thế... đã ngầm thấm trong tôi về một mạch quê. Bao nhiêu nét đẹp tụ đọng ở một làng mà trước kia một thời được gọi là Cẩm La...” (Nét đẹp làng tôi).

Giới thiệu với mọi người từ tên đất, tên đồi, tên ruộng, tên sông, tên bàu... đến các loại cây cảnh có giá trị như: mai, mưng, xương rồng, mơ vườn, cây đa làng... Lê Trọng Duận làm sống lại những hoạt động văn hóa cư dân một thời, những phong trào lao động, sản xuất, chiến đấu hào hùng!

Hãy đọc một đoạn ông tả cảnh hội nơm cá Bàu Rồng quê ông:

Cá Bàu Rồng được giữ quanh năm cho một ngày, tập trung cho một giờ. Nhà nào cũng no cơm nước sớm hơn mọi ngày để tràn ra quanh Bàu. Ai có rớ dùng rớ, ai có lưới dùng lưới, ai có dũi dùng dũi, ai có nơm dùng nơm (chủ yếu là nơm), bằng không thì dùng tay mò bắt. Hồi hộp chờ đến giờ Ngọ. Tất thảy đăm đắm hướng tấn công, chờ lệnh cờ phất, phèng la, trống rung hồi, báo hiệu. Các vị chức sắc của làng trong thế dương oai của người điều hành có quyền phát lệnh. Hàng ngàn con người tràn xuống bàu, lan tỏa che kín mặt bàu làm náo động cả một vùng trời đất” (Văn La “Long đáo địa”).

Lê Trọng Duận tỏ ra rất am hiều phong tục tập quán vùng quê Quảng Ninh, thuộc tất cả nết đất tính người những chủ nhân đất này. Đây là nét văn hóa ẩm thực đặc sản hàu của mảnh đất Quán Hàu:

Con hàu đã đi vào ký ức tuổi thơ chúng tôi với ăm ắp kỷ niệm. Mùa hàu đến, mẹ đi chợ không quên mang theo cái tô để mua hàu. Hàu bao giờ cũng đi liền với nước được cạy ra từ con hàu; mua hàu phải có nước hàu kèm theo. Bầu, cà chua, cà dừa đầu mùa nấu canh hàu, thêm ít rau gia vị, càng nguội ăn càng ngọt, càng thơm... Trước và sau Tết Nguyên đán là mùa hàu. Ra giêng hai, hàu to mập, các nếp nhăn ít thấy, bột hàu căng tròn trông đến ngon mắt” (Mùa hàu).

Như trên đã nói: Tình yêu quê hương của Lê Trọng Duận không giới hạn trong phạm vi làng, xã của mình. Ông say mê giới thiệu với du khách thập phương danh thắng núi Thần Đinh, Chùa Non, Rào Đá, thác Tam Lu... là di sản thiên nhiên của huyện Quảng Ninh.

Trên đỉnh Thần Đinh.       Ảnh: T.H
Trên đỉnh Thần Đinh. Ảnh: T.H

Thần Đinh, Chùa Non trong bút ký của Lê Trọng Duận là nơi linh thiêng, đầy sức quyến rũ:

Chùa Non, Thần Đinh là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch kỳ thú, với thắng cảnh thiên nhiên tạo hóa ban tặng, với bao truyền thuyết ly kỳ giàu sức sống tâm linh đậm quyện làm cho biết bao con tim hướng đến, tìm về... Đến với Chùa Non, với Thần Đinh cùng nhiều nguồn cảm hứng, có nhiều động lực chi phối. Có người đi với sự tò mò, muốn được khám phá bao điều mới lạ; có người đi bằng cảm hứng sâu lắng bởi sự chi phối của chữ Tâm, chữ Đức, chữ Phúc, chữ Nhân...” (Lên Chùa Non).

Thông qua nhiều bài ký khác nhau, Lê Trọng Duận thể hiện tình cảm sâu nặng với những con người quê hương ông, trong đó có người cha, người mẹ, người anh “ba lần nhập ngũ” của ông. Mẹ mà ông quen gọi là mạ không chỉ nuôi dưỡng ông bằng bầu sữa ngọt lành theo nghĩa đen mà còn nuôi dưỡng tâm hồn ông theo nghĩa rộng: “Mạ sớm dạy cho con biết lẽ sống, đạo làm người. Chưa vào vỡ lòng trong con đã đọng lời mạ khi mạ kể về đời và cả lúc mạ bức xúc trong cuộc sống. Lời mạ là niềm tin là nghị lực mãi đến giờ với con... Mạ không biết chữ, mạ giỏi cày cấy, vậy mà ở mạ kết đọng hài hòa “tứ đức” của một phụ nữ nông dân Việt Nam. Mạ là niềm tự hào cho con về nếp sống có văn hóa” (Mạ!).

Đại văn hào Mắc xim – Goóc ki đã định nghĩa: “Văn học là nhân học”. Con người Lê Trọng Duận ngoài đời nhân hậu thì văn của ông cũng nhân văn. Người đọc dễ nhận ra một Lê Trọng Duận giàu tình cảm, luôn có ý thức hướng thiện, hướng mỹ qua từng trang bút ký.

Tôi đồng tình với nhận định của nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Đỗ Duy Văn ở lời giới thiệu cuốn sách:

Âm vang một miền quê âm thầm, nhẹ nhàng mà quyến rũ. Tác giả đã khéo chọn, biết cách đưa những chuyện làng, chuyện quê, việc đời, việc người đã gắn cùng sức sống làng quê, xứ sở đến với người đọc... Bằng lối viết súc tích, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc cùng sự quan sát tinh tế, sâu sắc; với vốn sống phong phú của người say mê tìm hiểu về mạch đất, con người, Lê Trọng Duận đã chuyển tải đến người đọc những âm hưởng giàu sức sống cộng đồng, được kết nối từ xa xưa đến hôm nay và vang vọng đến mai sau”.

Âm vang một miền quê là một cuốn sách quý.

Lý Hoài Xuân