.

Nghệ sĩ Lê Đức Thành và niềm say mê nhiếp ảnh

Thứ Năm, 17/11/2016, 09:19 [GMT+7]

(QBĐT) - So với nhiều đồng nghiệp ở Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh  Việt Nam tỉnh Quảng Bình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Đức Thành còn khá trẻ, anh vừa mới được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam năm 2015.

Lê Đức Thành đến với nghệ thuật nhiếp ảnh cũng rất tình cờ. Quê ở tỉnh Phú Thọ, lập gia đình và gắn bó với quê hương Quảng Bình từ năm 1985. Anh vốn là cán bộ của Tổng công ty XDCTGT 4 thuộc Bộ GTVT.

Từ khi được Tổng công ty giao nhiệm vụ làm công tác thi đua, anh kiêm luôn cả chức năng làm “phó nháy” bất đắc dĩ của đơn vị. Buổi ban đầu cầm máy ảnh chỉ để chụp ảnh làm tư liệu như bao người khác. Với chức trách của một cán bộ làm công tác thi đua, anh luôn bận bịu với công việc tổng kết, khen thưởng. Máy ảnh như người bạn đồng hành giúp anh ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ, những sự kiện lịch sử của ngành và nhiếp ảnh đã mê hoặc anh lúc nào không biết.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức cuộc thi ảnh về đề tài ca ngợi tình hữu nghị Việt - Nhật. Lê Đức Thành kể: “Tháng 6 năm đó, khi hoa mua nở rực trên vùng đồi Vĩnh Tuy, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, có những đoàn tàu xuyên Việt đi qua, tôi quyết định lựa chọn lúc  6h sáng để bấm máy.

Rất may mắn cho tôi, trong thời gian tôi bấm máy ở phía xa chân trời xuất hiện cầu vồng”. Cái đẹp của bức ảnh chính là tư liệu quý lưu giữ khoảnh khắc của đoàn tàu đi qua vùng đồi với nhiều hoa mua hoang dã, phía đằng xa chân trời có sắc cầu vồng.

Bức ảnh sau đó được Đức Thành gửi tham gia cuộc thi. Anh vinh dự nhận giải nhất cuộc thi cùng với phần thưởng là một máy ảnh PENTAX. Đây thực sự là nguồn động viên anh rất lớn nhất là về mặt tinh thần. Giải thưởng cuộc thi đã xóa bỏ sự tự ti của người làm nhiếp ảnh nghiệp dư, mở ra cho anh chân trời rộng mở của ảnh nghệ thuật.

Tác phẩm “Sắc màu” của Lê Đức Thành đạt giải nhất tại cuộc thi ảnh do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức năm 2013.
Tác phẩm “Sắc màu” của Lê Đức Thành đạt giải nhất tại cuộc thi ảnh do Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức năm 2013.

Năm 2014,  Lê Đức Thành chính thức bước vào lĩnh vực ảnh nghệ thuật. Trong những năm tháng này, anh như cánh chim không mỏi bay đến phương trời xa, tìm kiếm hình ảnh đẹp, có khi ở giữa đại ngàn Trường Sơn, có khi ở nơi biển đảo xa xôi, lại có khi ở ngay giữa thành phố Đồng Hới.

Với chiếc máy ảnh cùng với sự đam mê, anh không ngừng học trong sách báo, học hỏi ở đồng nghiệp. Ngoài tầm sư học đạo, thực tiễn sinh động luôn cuốn hút anh. May mắn cho anh là người vợ của anh luôn động viên tạo mọi điều kiện cho anh say nghề nhiếp ảnh. Với chiếc máy ảnh bên người, lắm khi anh xa nhà hàng tháng trời, để cùng đồng nghiệp lặn lội đến vùng sâu vùng xa.

Điều tâm niệm của Đức Thành là máy ảnh hiện đại không thể thay thế cảm xúc và trí tuệ con người, máy ảnh chỉ là phương tiện biểu đạt ý tưởng con người. Anh tâm sự: “Trong sáng tác ảnh, điều khó nhất của người nghệ sĩ là tìm ra góc nhìn mới. Đằng sau mỗi bức ảnh người nghệ sĩ phải truyền cho người xem thông điệp mới về cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp thuần Việt, cái đẹp của truyền thống dân tộc...”

Tất nhiên để không bị xơ cứng và không dẫm lên lối mòn của những tác giả đi trước, người nghệ sĩ nhiếp ảnh của ngày hôm nay phải cố gắng vượt lên chính mình, chịu khó tìm đề tài mới. Điều này đồng nghĩa với việc người nghệ sĩ nhiếp ảnh phải lặn lội gian khổ.

Với bức ảnh: “Âm vang giữa đại ngàn Trường Sơn”, Lê Đức Thành đã đến với bản Pơchoong, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa để chụp được cảnh ông Hồ Khăm, dân tộc Khùa biểu diễn đàn Trơbon- một loại đàn truyền thống của người dân tộc thiểu số làm bằng ống nứa và dây phanh xe đạp. Khoảnh khắc bức ảnh chụp rất có hồn, nói lên tình yêu nhạc cụ truyền thống dân tộc, thể hiện rõ bản sắc văn hóa cội nguồn. Bức ảnh đã được triển lãm tại cuộc thi ảnh sắc màu các dân tộc Việt Nam tổ chức ở Văn Miếu Quốc tử giám, Hà Nội.

Với bộ ảnh “Làng gốm”, anh  Đức Thành vào tận Vĩnh Long để săn ảnh. Với bức ảnh “Khát vọng” thể hiện sự vươn lên muốn thoát khỏi kiếp sống lênh đênh trên thuyền chài của hai chị em ở Quảng Trị, Lê Đức Thành đã vào ra tỉnh Quảng Trị rất nhiều lần để có được tấm hình như ý và chính tác phẩm “Khát vọng” đã được chọn vào triển lãm VN15 và đạt giải khuyến khích Liên hoan ảnh nghệ thuật ảnh Bắc Trung bộ 2015.

Giờ đây, trong hành trang của nghệ sĩ Lê Đức Thành đã có bộ sưu tập những giải thưởng có giá trị, tiêu biểu như: giải nhất cuộc thi ảnh về đề tài tình cảm hữu nghị Việt –Nhật; 6 tác phẩm được triển lãm cấp quốc gia; 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng, 1 giải khuyến khích và nhiều tác phẩm được triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật Bắc Trung bộ. Lê Đức Thành từng thử sức ở một số cuộc thi ảnh quốc tế và anh cũng đã có 1 huy chương bạc cùng nhiều giải thưởng có giá trị khác.

Điều dễ nhận ra ở nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Đức Thành là sự khiêm tốn, chí tiến thủ cao. Chưa bao giờ anh tự bằng lòng với chính mình. Anh tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học hỏi nâng cao trình độ chụp ảnh. Anh đang say mê xây dựng cho mình một hành trình tìm kiếm sáng tạo những tác phẩm nhiếp ảnh giá trị, góp phần cùng các nhà nhiếp ảnh Quảng Bình vươn lên tầm cao mới trên bản đồ nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam.

Với niềm say mê nghệ thuật nhiếp ảnh, cùng với những thành công đã đạt được, hy vọng nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Đức Thành sẽ giành được những thành công mới trong thời gian tới.

Phan Hòa