.

Khám phá "kho vàng" di sản

Thứ Tư, 23/11/2016, 11:11 [GMT+7]

(QBĐT) - “Quảng Bình có một kho vàng thư tịch cổ, nếu không biết khai thác, phát huy những giá trị đó, thì quá lãng phí và là có tội với tiền nhân”, ông Trương Quang Phúc, Chủ tịch Hội Hán Nôm tỉnh đã nhận xét như thế sau khi bắt tay thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và dịch một số tư liệu Hán Nôm quan trọng có liên quan đến tỉnh Quảng Bình”. Đến nay, đề tài đã đi được một nửa chặng đường và hứa hẹn sẽ góp phần “đánh thức” kho vàng di sản tưởng chừng đã “ngủ quên”.

Trong nhiều lần tiếp xúc, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh luôn khẳng định với chúng tôi rằng Quảng Bình là vùng đất có bề dày truyền thống, các tài liệu, thư tịch cổ rất phong phú, quý giá. Hiện nhiều thư tịch chưa được nghiên cứu đánh giá, phân loại, dịch thuật, phổ biến rộng rãi để phát huy giá trị. Sau nhiều năm ấp ủ, tháng 7-2016, đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và dịch một số tư liệu Hán Nôm quan trọng có liên quan đến tỉnh Quảng Bình” đã được triển khai. Đây là đề tài do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chủ trì, ông Trương Quang Phúc, Chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh làm chủ nhiệm. Theo ông Tuấn, công tác sưu tầm không tiến hành tràn lan mà chỉ tập trung vào các thư tịch cổ quan trọng có liên quan đến 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình. Bởi hiện tại, ngoài các văn bản viết về Quảng Bình được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh chỉ mới lưu trữ gần 60 cuốn sách cổ quý hiếm, còn phần lớn các tư liệu cổ vẫn còn tản mát trong dân gian.

Mục tiêu của đề tài là tiến hành nghiên cứu, sưu tầm và dịch thuật các nguồn tư liệu Hán Nôm quan trọng liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của vùng đất, con người trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Nhóm thực hiện đề tài đã đi về tận khắp các làng quê, đến các nhà thờ họ, đền, chùa... để thu thập các tư liệu cũ. Với những tư liệu không có điều kiện mang về, đoàn tiến hành scan, số hóa, dịch, nghiên cứu, xác định niên đại, giá trị lịch sử, văn hóa.

7 sắc phong quý đang được nhân dân làng Vĩnh Lộc (Ba Đồn) giữ gìn cẩn thận.
7 sắc phong quý đang được nhân dân làng Vĩnh Lộc (Ba Đồn) giữ gìn cẩn thận.

Sau hơn 4 tháng, nhóm thực hiện đề tài đã thu thập, số hóa được 800 trang tài liệu, thuộc 32 thể loại như gia phả, sắc phong, chiếu chỉ, văn bia... Ông Trương Quang Phúc khẳng định: “Qua những ngày về tận nơi tiến hành sưu tầm, chúng tôi nhận thấy kho tàng tư liệu Hán Nôm hiện có trên địa bàn tỉnh rất đa dạng và phong phú, từ những kho tư liệu khoa học – hành chính đến những văn bản được ghi chép trên giấy tồn tại trong dân gian. Đặc biệt nhất phải kể đến thời Hậu Lê – Lê Trung Hưng; gia phả các danh gia vọng tộc; các văn bản về khế ước, đơn từ... Tất cả các tư liệu quý giá đó thể hiện rõ nét nhất về nguồn cội và danh xưng Quảng Bình, về quê hương đất nước, về phong tục tập quán và đời sống văn hóa của con người Quảng Bình. Đó có thể coi là những “kho vàng” trong dân gian, cần được khám phá. Nếu thế hệ sau không được tiếp cận thì quá là đáng tiếc”.

Đến thời điểm này, theo ông Phúc, nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành dịch được 537 trang tư liệu cổ. Từ đó, khám phá ra được những lát cắt đa chiều về đời sống văn hóa của cha ông, tổ tiên xưa. Đằng sau những câu chữ Hán Nôm là cả tiếng lòng của tổ tiên ngàn xưa vọng lại, nhắc nhở con cháu về gốc gác, nguồn cội và là nền tảng vững chắc để phát triển tương lai. Thế nhưng, cái khó khăn nhất mà những người thực hiện đề tài gặp phải là sự hư hại nghiêm trọng của các tài liệu cổ. Do không được bảo quản đúng cách nên phần nhiều các tư liệu này đã hoen ố, một số khác bị mối mọt, những nét chữ đã mờ nhạt. Việc dịch, nghiên cứu vì thế cũng mất thời gian hơn. Ông Phúc cho biết thêm, trong quá trình thực hiện đề tài, khi chưa có điều kiện mang về trưng bày tại Bảo tàng thì nhóm cũng sẽ hướng dẫn người dân cách bảo quản hợp lý, khoa học, tránh hư hỏng.

Sưu tầm, dịch nghĩa rồi khóa kín cửa, lưu giữ cẩn thận thì những di sản ấy chỉ đơn giản là những tài liệu khô cứng. Và gìn giữ, bảo tồn để các thư tịch cổ trường tồn mãi với hậu thế mới chỉ thực hiện một nửa sứ mệnh mà lịch sử đã khoác lên vai các di sản quý giá này. Đánh thức giá trị và phát huy những giá trị của di sản trong chính đời sống hôm nay mới là cái đích trọn vẹn mà cả di sản và chủ nhân của di sản muốn chạm đến. Chính bởi thế, công tác bảo quản mà đề tài hướng đến là bảo tồn tư liệu dưới dạng hiện đại, số hóa tất cả tài liệu, đồng thời đưa lên mạng internet các tài liệu và công trình nghiên cứu để nhiều người có thể cùng truy nhập và các học giả có thể cùng nghiên cứu. “Đây sẽ là nguồn tư liệu quý để quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Quảng Bình đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đánh thức giá trị, tiềm năng của di sản, đó mới là mục tiêu mà những người thực hiện đề án như chúng tôi muốn hướng đến”, ông Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết thêm.

Diệu Hương