.

Phát huy thế mạnh cán bộ văn hóa cơ sở: Để tránh lãng phí "vốn quý"!

Thứ Sáu, 08/07/2016, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh cả nước đang hội nhập, tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đội ngũ những người làm công tác văn hóa cơ sở đóng một vai trò rất quan trọng. Họ vừa là hạt nhân góp phần kết nối, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, vừa là nhân tố khơi gợi, thúc đẩy những phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. Theo thống kê sơ bộ từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, năm 2014, đội ngũ cán bộ công chức văn hóa-xã hội xã, phường ở tỉnh ta là 200 người, cùng với đó là lực lượng cán bộ bán chuyên trách về văn hóa-xã hội. Quân số đông đảo như vậy, tuy nhiên, thực tế cho thấy để phát huy tối đa hiệu quả nguồn nhân lực “vốn quý” này vẫn còn rất nhiều khó khăn, tồn tại.

Chị Nguyễn Thị Trà My đảm nhận công việc là một công chức văn hóa-xã hội của xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới đã được 5 năm. Sinh năm 1987, tốt nghiệp chuyên ngành công tác xã hội, lại cư trú ở địa bàn khác, khi bắt đầu công việc với tuổi đời còn khá trẻ, chị chia sẻ mình gặp không ít bỡ ngỡ, lo lắng.

Đức Ninh là một xã giàu truyền thống với nhiều loại hình văn hóa-văn nghệ đặc sắc, như: bài chòi, dân ca, hát sắc bùa...; phong trào thể dục, thể thao cũng luôn là thế mạnh của xã. Đây là áp lực lớn cho chị Trà My khi vừa phải tiếp cận, tìm hiểu về nền văn hóa đặc sắc bản địa, vừa học cách để kết nối, nâng cao các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể thao địa phương, tạo điểm nhấn xuyên suốt và phải tích lũy kinh nghiệm cho quá trình làm việc. Không những vậy, bản thân chị hiện cũng phải “ôm đồm” khá nhiều công việc khác nhau bên cạnh “mảng” thông tin, tuyên truyền, thể thao, như: ma túy, mại dâm, lao động, việc làm, trẻ em, gia đình và một số việc không tên khác. Vẫn chưa hết, mặc dù xã đã có một nhân viên hợp đồng phụ trách máy móc, kỹ thuật truyền thanh, chị vẫn phải tham gia viết tin, bài, phát thanh.

Vượt qua những mặt hạn chế, chị Trà My luôn cố gắng hoàn thành công việc của mình với sự giúp sức của chính quyền và người dân địa phương. Không tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa, do đó, chị Trà My đề xuất, đối với các lớp đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ văn hóa cơ sở, ngoài các nội dung cập nhật văn bản, quy định mới về quản lý văn hóa, văn nghệ, rất cần đi vào các chuyên đề sâu hơn, cụ thể hơn, như: cách thức vận hành hiệu quả trung tâm văn hóa-thể thao xã, phường; duy trì phát huy vai trò các câu lạc bộ văn nghệ dân gian...

Các hoạt động văn hóa, thể thao rất cần sự nhiệt tình xông xáo, có kinh nghiệm của cán bộ văn hóa-xã hội cơ sở.
Các hoạt động văn hóa, thể thao rất cần sự nhiệt tình xông xáo, có kinh nghiệm của cán bộ văn hóa-xã hội cơ sở.

Bên cạnh những khó khăn về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, phông nền văn hóa..., một thực tế hiện nay cho thấy dường như vai trò của cán bộ chuyên trách văn hóa-xã hội cơ sở đang bị xem nhẹ. Họ hầu như phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc và vị trí cũng dễ dàng bị thay đổi, thiếu tính ổn định. Đáng chú ý, trong không ít vụ xâm hại các di tích văn hóa-lịch sử trên địa bàn, vai trò tham mưu, hỗ trợ chính quyền địa phương của cán bộ văn hóa-xã hội chưa được xem trọng. Hẳn chúng ta vẫn chưa thể quên việc xâm hại nghiêm trọng đối với di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh chùa Quan Âm Tự (Đức Trạch, Bố Trạch). Theo đó, mặc dù chưa có sự đồng ý của UBND tỉnh và Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nhưng UBND xã Đức Trạch vẫn cho phép xây dựng công trình vi phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Trong suốt quá trình xảy ra sự việc, hầu như vai trò tham mưu, hỗ trợ tích cực của cán bộ văn hóa địa phương còn khá mờ nhạt và không được nhắc đến.

Bà Trần Thị Lý, Trưởng Ban Quản lý di tích danh thắng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng, trách nhiệm quản lý di tích thuộc về chính quyền địa phương, do đó, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Theo ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, những vướng mắc trên chính là tồn tại chung của đội ngũ cán bộ văn hóa-xã hội tỉnh ta hiện nay. Theo thống kê, năm 2014, lực lượng này được đào tạo cơ bản, trên 70% tốt nghiệp các trường đại học chuyên ngành xã hội, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi chiếm 86%, có sự năng động, sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Tuy nhiên, nhiều người trong số đó vẫn chưa được đào tạo chuyên ngành, thiếu kinh nghiệm cũng như am hiểu sâu về văn hóa, đặc biệt là văn hóa địa phương, văn hóa vùng dân tộc thiểu số.

Tính đến 30-6-2014, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là 200 người. Ông Mai Xuân Thành, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết, số liệu cũ là do việc biến động quá thường xuyên nguồn nhân lực, khiến công tác cập nhật thông tin 3 năm trở lại đây hầu như không thể thực hiện được.

Ông Thành nhấn mạnh thêm, cán bộ văn hóa-xã hội cơ sở còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa kể đến việc biến động thường xuyên, luân chuyển công tác liên tục ở một số địa bàn. Chúng ta vẫn còn đang thiếu và yếu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và chính sách khuyến khích, hỗ trợ đội ngũ nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của công tác văn hóa-văn nghệ cơ sở.

Ông Mai Xuân Thành khẳng định, để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, việc cần làm ngay chính là ổn định, chuẩn hóa đội ngũ, tăng cường các lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Đồng thời, mỗi địa phương cần phải linh động có giải pháp riêng để phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ này, từ việc thường xuyên có sự giao lưu, kết nối văn hóa văn nghệ với các địa phương khác cho đến hỗ trợ cán bộ văn hóa vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa nâng cao nghiệp vụ...

Mai Nhân