.

Những chuyển biến trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

Thứ Tư, 15/06/2016, 08:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, nhờ chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn huyện Bố Trạch đã thực sự phát huy hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu. Qua đó đã góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Bám sát kế hoạch, hướng dẫn của ban chỉ đạo Trung ương, của tỉnh về việc triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Bố Trạch đã tham mưu cho Huyện ủy, HĐND huyện ban hành nghị quyết về mục tiêu phát triển phong trào.

Hằng năm, ban chỉ đạo tiến hành củng cố, kiện toàn tổ chức, phân công trách nhiệm cho từng thành viên; sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các mô hình tiên tiến, các nhân tố mới trong phong trào; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức văn hóa – xã hội, thành viên ban chỉ đạo các xã, thị trấn, trưởng các thôn, làng tham gia công tác chỉ đạo, điều hành phong trào cơ sở...

Để phong trào tạo được sự đồng thuận sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, Ủy ban MTTQVN huyện, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân huyện Bố Trạch ngày càng được nâng cao.
Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân huyện Bố Trạch ngày càng được nâng cao.

Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay như mô hình giúp nhau vốn tổ chức kinh doanh của phụ nữ thôn Thọ Lộc, xã Vạn Trạch; mô hình ống lợn tiết kiệm giúp chị em phụ nữ khó khăn có vốn để tổ chức sản xuất của các chi hội phụ nữ xã Nhân Trạch, Lý Trạch... Nhờ đó, đời sống kinh tế của các gia đình ngày càng ổn định và được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm đáng kể xuống còn 4,31% (năm 2015).

Điểm nổi bật là, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu dân cư văn hóa trên địa bàn huyện Bố Trạch được triển khai tới từng thôn, xóm với những tiêu chí cụ thể để nhân dân biết và thực hiện. Nhờ đó, phần lớn nhân dân, cán bộ đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa văn hóa làng, bản cũng như ý thức tự giác và vai trò tự quản của các khu dân cư trong việc xây dựng, giữ gìn và phát huy danh hiệu văn hóa.

Cụ thể, trong phong trào xây dựng làng văn hóa, hầu hết các thôn, bản, tiểu khu đều phấn đấu theo các tiêu chuẩn về đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường cảnh quan sạch đẹp; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng. Năm 2015, toàn huyện có 167/181 làng đạt danh hiệu làng văn hóa.

Cùng với việc xây dựng làng văn hóa ở các xã, thị trấn thì việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa cũng được chú trọng. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, tác phong làm việc công nghiệp, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong các cơ quan đơn vị luôn được quan tâm đúng mức. Đây chính là điều kiện thuận lợi để cán bộ, viên chức và học sinh trong các cơ quan, đơn vị và trường học thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Bên cạnh đó, việc bình xét các danh hiệu cuối năm luôn được gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng trong sạch, vững mạnh cũng chính là những tiêu chí cơ bản để xét danh hiệu đơn vị văn hóa. Nhờ đó những năm qua, số lượng và chất lượng các đơn vị văn hóa được tăng rõ rệt. Năm 2015, toàn huyện có 138/141 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa.

Cùng với đó, việc đăng ký, bình xét và đề nghị công nhận gia đình văn hóa được thực hiện công khai, dân chủ, đúng chuẩn nên số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên với 35.268 hộ của 29 xã, thị trấn đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Song song với đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí của phong trào, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, thông tin-thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao cơ sở, các thôn, bản đã có bước tiến bộ, nhất là đối với các làng văn hóa. Đến nay, toàn huyện có 264 nhà văn hoá/291 thôn, bản, tiểu khu. Các xã, thị trấn cũng đã quan tâm quy hoạch đất dành cho hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt có đơn vị đã dành quỹ đất lớn để tạo được thiết chế đồng bộ về văn hóa thông tin trong cộng đồng dân cư như xã Sơn Lộc, xã Vạn Trạch...

Các thiết chế văn hóa cơ bản đã phát huy tốt công năng sử dụng, là nơi sinh hoạt, hội họp của nhân dân, là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao, tạo không khí vui tươi, sôi nổi ở các làng quê, thu hút sự tham gia tích cực, tự giác của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Có thể nói, sau nhiều năm triển khai thực hiện, phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn huyện Bố Trạch đã thực sự tạo hiệu ứng văn hóa tốt trong toàn huyện. Những kết quả đạt được từ phong trào không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng tộc, các tôn giáo trong cộng đồng, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

P.V-Trần Hồng