.

Trở lại làng văn hóa Tả Phan

Thứ Sáu, 13/05/2016, 10:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Trở lại Tả Phan (Duy Ninh, Quảng Ninh) hôm nay mới cảm nhận được đổi thay rõ rệt của làng quê trước đây vốn rất nghèo này. Màu xanh mướt của cánh đồng lúa, những tuyến đường bê tông phẳng lỳ, cổng chào từng ngõ xóm, nhà cửa kiên cố, sạch đẹp... toát lên hình ảnh của một nông thôn đang đổi mới.

Trưởng thôn Trần Xuân Hợi cho biết: Toàn thôn hiện có trên 350 hộ với hơn 1.500 khẩu. Tổng diện tích tự nhiên của thôn 144,2 ha; trong đó diện tích nông nghiệp chiếm 106,2 ha, diện tích lúa 2 vụ chiếm 90 ha; đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa và một số ngành nghề dịch vụ nhỏ lẻ.

Tả Phan vốn là một vùng đất tử địa, cuộc sống của người dân trước nay phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiên nhiên, nắng hạn kéo dài, mưa lụt thường xảy ra hàng năm. Vì vậy, kinh tế kém phát triển, còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu. Thời gian đầu khi triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, làng vấp phải nhiều khó khăn. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương, cán bộ, nhân dân Tả Phan đã đồng lòng, chung sức, cùng góp công, góp của, xây dựng làng quê ngày càng khang trang, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trước hết, để khắc phục khó khăn trong sản xuất, chi bộ, ban cán sự thôn đã tập trung vận động bà con tận dụng hết diện tích canh tác, đưa các giống kỹ thuật có năng suất, chất lượng phù hợp với chân đất địa phương vào sản xuất; đồng thời tăng cường chăm bón, phòng trừ các dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi... Vì vậy, kinh tế-xã hội của thôn trong mấy năm qua phát triển khá; năng suất lúa năm sau cao hơn năm trước: nếu như năm 2013 năng suất 54 tạ/ha, tổng sản lượng 486 tấn, thì đến năm 2015 năng suất tăng lên 59,3 tạ/ha tổng sản lượng 609 tấn. Đặc biệt, thôn đã vận động một số hộ dân chuyển đổi cây trồng đất cao với diện tích 1,2 ha sang trồng dưa hấu, cho thu nhập trên 80 triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ dân trong thôn chú trọng phát triển các loại rau, cây ăn quả cho thu nhập đáng kể. Cùng với phát triển ngành nghề nông thôn, các dịch vụ tiểu thương nhỏ lẻ cũng được chú trọng, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Tả Phan trong ngày đón bằng công nhận làng văn hóa.
Tả Phan trong ngày đón bằng công nhận làng văn hóa.

Chính vì thế, đời sống của nhân dân trong thôn qua 3 năm có sự chuyển biến rõ rệt, năm 2015 tăng hơn 2 năm trước 25%, mức thu nhập bình quân đầu người từ 550.000 đ/tháng đến 700.000 đ/tháng; hộ nghèo giảm 15% qua hàng năm. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ khá và giàu chiếm trên 56%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%; 100% số hộ trong toàn thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao của thôn luôn được cấp ủy, chính quyền thôn quan tâm. Trong đó, các hoạt động vui chơi nhân các ngày lễ hội, tết cổ truyền được tổ chức đều đặn; Lễ hội đua thuyền truyền thống hàng năm trên sông Rào Bạc vào dịp Quốc khánh 2-9 được duy trì. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được người dân ý thức chấp hành thực hiện tốt. Phong trào khuyến học khuyến tài được chú trọng, toàn thôn hiện không có em nào bỏ học. Mặt khác, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động  trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình nên trong 3 năm qua, Tả Phan không có người vi phạm chính sách dân số về sinh con thứ 3.  

Hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân Tả Phan tích cực hiến đất, hiến cây, hiến tài sản trên đất... để làm đường giao thông. Toàn thôn đã bê tông hóa được 6.000m đường giao thông nông thôn; mở rộng, nâng cấp và làm mới gần 2.000m đường giao thông nội đồng; tu bổ, làm mới hệ thống điện thắp sáng đường quê...

Trước nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của người dân và để góp phần thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư, Tả Phan đã vận động nhân dân trên địa bàn và con em xa quê xây dựng, đưa vào sử dụng nhà văn hóa mới trên diện tích 200m2, đầy đủ tiện nghi, với tổng trị giá 980 triệu đồng.

Công tác giữ gìn an ninh và vệ sinh môi trường ở Tả Phan luôn được chú trọng và bảo đảm. Tất cả các việc trong thôn được bàn bạc dân chủ. Đặc biệt thôn đã chọn lọc xây dựng một bản hương ước quy định cụ thể các mặt sinh hoạt đời sống cộng đồng, người dân luôn lấy hương ước làm tiêu chí để thực hiện. Các phong trào thi đua của các đoàn thể Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... trong thôn luôn được đẩy mạnh.

Đạt được những kết quả đó, bài học thành công đầu tiên của Tả Phan là vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, chi bộ tạo được sức mạnh tổng hợp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra. Trong mọi hoạt động, cán bộ, đảng viên luôn là những người gương mẫu, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tạo được sự đồng thuận và tin tưởng của người dân.

“Với quyết tâm của chi bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, sự đoàn kết bà con trong thôn cùng với sự hậu thuẫn góp sức của con em xa quê, các thiết chế văn hoá, công trình dân sinh tiếp tục được tu bổ, dựng xây, chắc chắn Tả Phan giữ vững danh hiệu làng văn hoá và sẽ ngày càng tiến bộ...”. - ông trưởng thôn khẳng định.

H.TR