.

Quảng Trạch: Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Thứ Năm, 25/02/2016, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhờ chủ động, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện của các cấp, các ngành nên thời gian qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện Quảng Trạch ngày càng đi vào chiều sâu. Tính hiệu quả và sức lan tỏa của các nội dung trong phong trào đã góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Là huyện nằm ở phía bắc tỉnh, Quảng Trạch có dân số trên 104 nghìn người, được phân bố ở 18 xã, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với nguồn nhân lực dồi dào, chịu thương, chịu khó.

Đây cũng là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa truyền thống. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân nên phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng ở huyện Quảng Trạch.

Qua phong trào đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo, làm giàu chính đáng... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện đến cuối năm 2015 xuống còn 6,83%.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, địa phương huyện Quảng Trạch đã thực hiện công khai, dân chủ và bám sát các tiêu chuẩn đề ra để bình xét các danh hiệu "gia đình văn hóa", "làng văn hóa", khu dân cư tiên tiến", nhờ vậy chất lượng và số lượng cơ quan, đơn vị, gia đình văn hóa được nâng lên; 100% các khu dân cư đều xây dựng được quy ước, hương ước hoạt động.

Trong 5 năm từ 2011-2015, các cấp Mặt trận trong huyện đã vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp xây mới được 359 nhà đại đoàn kết, xây dựng và sửa chữa 1.572 nhà tạm, 525 nhà cho các gia đình chính sách với trị giá gần 30 tỷ đồng cùng nhiều nguồn hỗ trợ khác. Phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo được các cấp Mặt trận hưởng ứng tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nhà.

Lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương.
Lễ hội cầu ngư ở Cảnh Dương.

Ngoài việc vận động các tầng lớp nhân dân hưởng ứng phong trào, huyện Quảng Trạch còn chú trọng xây dựng các mô hình điểm về khu dân cư phòng chống tội phạm ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, về thực hiện dân số, kế hoạch hóa gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, khu dân cư bảo đảm an toàn giao thông...

Công tác quản lý văn hóa luôn được quan tâm, môi trường văn hóa bảo đảm lành mạnh, các giá trị văn hoá phi vật thể luôn được huyện đầu tư và phát triển nhằm giúp cho văn hoá làng xã không bị mai một như: hát ca trù ở làng Đông Dương (Quảng Phương), hát Kiều (Quảng Kim), hát chèo (Cảnh Dương)...

Đặc biệt, Quảng Trạch là một trong những địa phương có nét đẹp văn hóa truyền thống từ những lễ hội đầu xuân. Điển hình như lễ hội vật truyền thống ở xã Quảng Xuân. Vào các dịp đầu năm mới, người dân xã Quảng Xuân lại nô nức đi xem hội vật, với sự góp mặt của các đô vật là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh từ trong xã và các địa phương lân cận, đây là lễ hội có từ lâu, nhưng đến nay vẫn được lưu giữ, được tổ chức vào dịp đầu xuân.

Nhắc đến lễ hội ở Quảng Trạch cũng không thể thiếu lễ hội cầu ngư của người dân xã Cảnh Dương, hay lễ hội rằm tháng Giêng ở thôn Đông Dương, xã Quảng Phương, lễ hội thờ Thành hoàng làng Di Lộc, xã Quảng Tùng...

Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống cho nhân dân. Trong đó, hiệu quả rõ rệt nhất được thể hiện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm thực hiện, nhờ sự lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân nên huyện Quảng Trạch đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đến nay, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện được cải thiện đáng kể, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, bức tranh về một vùng quê theo chuẩn nông thôn mới đã và đang hình thành ở một số địa phương. Đến hết năm 2015, toàn huyện đã đạt được 231 tiêu chí nông thôn mới, tăng 201 tiêu chí so với trước khi bước vào thực hiện chương trình. Đặc biệt, huyện Quảng Trạch đã có 4 xã: Cảnh Dương, Quảng Xuân, Quảng Phú, Quảng Thanh đạt xã nông thôn mới.

Thời gian tới, để phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ, huyện Quảng Trạch tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung của phong trào gắn với các phong trào thi đua yêu nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...

Mặt khác, không ngừng nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận các cấp, phát huy tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, quyền làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng quê hương Quảng Trạch ngày càng giàu mạnh, văn minh.

P.V