.

Tổ quốc và người lính

Thứ Sáu, 22/01/2016, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm 1940 - 1944, nhân loại đang cháy trên lò sát sinh của thế chiến thứ 2. Ở Việt Nam, dân ta một cổ hai tròng, Pháp rồi Nhật giày xéo lên 25 triệu đồng bào trong cơn lửa nước. Vận mệnh dân tộc ngàn cân treo sợi tóc. Con đường giải phóng dân tộc, cứu nòi giống Việt Nam trên bước chông gai. Nhưng Bác Hồ kính yêu với tầm nhìn chiến lược đã nhận định: Phải chuẩn bị lực lượng, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Lực lượng ấy chính là bạo lực cách mạng để đập tan bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền khi thời cơ đến.

Ngày 22-12-1944 giữa đại ngàn Việt Bắc, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời. 34 chiến sỹ, mã tấu và súng kíp, áo vải, chân đất tuyên thề suốt đời chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Vâng! 34 con người trong 25 triệu người dù là nhỏ bé nhưng như Bác Hồ đã nói "Bây giờ tuy nhỏ nhưng tiền đồ rất vẻ vang". Vẻ vang vì sứ mệnh đem máu xương tô thắm lá cờ Tổ quốc. Vẻ vang vì là lực lượng tiên phong chống thực dân phát xít, lát những viên gạch đầu tiên cho đài tự do độc lập. Đằng sau 34 con người ấy là cả một dân tộc đang quằn quại rên xiết dưới gót sắt bọn phát xít. Số phận của giống nòi Việt Nam bị dồn tới đường cùng đang cần một lực lượng để giải phóng. Đó chính là những người con ưu tú của cách mạng thề hy sinh vì Tổ quốc. Vẻ vang thay lịch sử của quân đội cách mạng Việt Nam. Bước đường trường chinh lâu dài gian khổ thấm máu bao thế hệ chiến sỹ vì Tổ quốc độc lập, giang sơn thống nhất. Lớp cha trước, lớp con sau, đã thành đồng chí chung câu quân hành. Trải mấy gian lao trên bước đường cách mạng, từ kháng chiến toàn quốc 1946 với "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Những trận chợ Đồng Xuân, Bắc Bộ Phủ, lưỡi gươm chiến sỹ đỏ ngầu máu giặc. Chín năm theo Bác Hồ đánh giặc, bộ đội cụ Hồ làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Những nguyên thủ bên kia bờ Đại Tây Dương khi đến Điện Biên Phủ đều phải nghiêng mình trước tượng đài chiến thắng với lòng quả cảm vô song của quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Những Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Trần Can, Phan Đình Giót đã đem hình hài trả nợ non sông, viết lên khúc tráng ca bất tử về hình tượng những chiến binh lẫm liệt anh hùng. Họ hóa thành ánh chớp trong khoảnh khắc của trận đánh để khuất phục hoàn toàn đạo quân viễn chinh nhà nghề khiến chúng kéo cờ trắng đầu hàng.

Chiến công nối tiếp chiến công. Ròng rã hơn 30 năm lửa đạn, trên đường Trường Sơn ra trận, những Dốc Miếu, Cồn Tiên rồi Cổ Thành Quảng Trị, băng qua Mậu Thân 1968 đến Ất Mão 1975, khúc quân hành thành bài ca chiến thắng. Quân đội cách mạng đã đánh bại kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới và bè lũ tay sai, viết nên chiến công chói lọi chưa từng có trong lịch sử dân tộc để thống nhất Tổ quốc, độc lập non sông, cho nước Việt ca khúc khải hoàn. Vẻ vang thay bộ đội cụ Hồ, đứa con yêu trọn đời vì dân vì nước. Trong buổi thái hòa non nước thanh bình vẫn không ngừng nâng cao cảnh giác, tự mình trưởng thành chính quy hiện đại, bảo vệ vững chắc mỗi cành cây ngọn cỏ, mỗi bước sóng và hải đảo là thịt da Tổ quốc. Mỗi bước đi, mỗi bước trưởng thành để đội quân cách mạng ngẩng cao đầu hát vang bài ca người lính. Vang vọng tiếng trầm hùng dưới bóng quân kỳ thắm đỏ, chiến sỹ Việt Nam mãi mãi xứng danh là Quân đội Anh hùng.

Trương Ngọc Ánh