.

Hát Kiều ở Lâm Lang

Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Hát Kiều, một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo đã gắn liền với con người và mảnh đất Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa từ hơn thế kỷ nay. Trải qua những biến thiên của lịch sử cùng với sự lấn át của âm nhạc đương đại, hát Kiều vẫn được người dân nơi đây nâng niu, gìn giữ, để rồi cứ mỗi khi xuân về tết đến, những dịp làng có lễ hội, tiếng hát Kiều lại rộn rã vang lên trong sự náo nức của lòng người.

Thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa là một vùng quê trù phú nằm bên bờ nam sông Gianh với cảnh núi non, sơn thủy hữu tình. Người dân nơi đây sống hiền hòa, mộc mạc, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Đây cũng là chiếc nôi của phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, mà trong đó, hát Kiều là loại hình nghệ thuật truyền thống luôn được người làng yêu thích, gìn giữ.

Cụ bà Cao Thị Thịnh năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng trống Kiều vang lên là cụ lại chống gậy ra đình để xem và hướng dẫn cho chị em trong Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang tập luyện. Cụ cho biết, hát Kiều ở Lâm Lang đã tồn tại cách đây gần hai trăm năm. Thế hệ của cụ đã là thế hệ thứ ba, thứ tư ở làng được truyền dạy và biết hát Kiều. Cụ tham gia vào đội hát Kiều của làng từ năm 15 tuổi. Ngày trước, cứ mỗi lần đội Kiều biểu diễn là bà con từ làng trên xóm dưới, bất kể gái trai, giàu nghèo đều háo hức đến xem, đông vui lắm.

Do một thời gian dài hát Kiều bị lắng xuống, nay tuổi cũng đã cao nên cụ Thịnh không còn nhớ hết lời hát. Đến xem chị em trong câu lạc bộ tập luyện phần là để góp ý cho chị em nhưng một phần cũng là để ôn lại cho đỡ nhớ- cụ Thịnh tâm sự.

Ra mắt câu lạc bộ kiều cổ ở thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Ra mắt câu lạc bộ kiều cổ ở thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Hát Kiều còn được gọi là trò Kiều bởi khi hát, người diễn viên vừa hát vừa diễn trò. Trong hát Kiều, thường phải tập hợp, xây dựng một đội Kiều gồm vài chục người, mỗi người đóng một vai theo các nhân vật trong Truyện Kiều, hoặc cũng có thể một người đóng nhiều vai tùy theo khả năng diễn xuất của từng người. Lời hát được pha trộn bởi nhiều làn điệu như: Tuồng, chèo, ngâm kiều, lẫy Kiều, dân ca Nghệ Tĩnh, ca Huế.v.v. Mỗi trường đoạn, mỗi nhân vật sẽ ứng với các làn điệu cụ thể. Người hát luôn chuyển động bằng những bước chân ngắn theo tuyến đi hình tròn hoặc qua lại giữa hai người hát; tay cầm quạt làm nhiều động tác rất mềm dẻo, điêu luyện và đẹp mắt tựa như động tác của người hát chèo nên có nơi còn gọi là chèo Kiều.

Bà Trương Thị Phương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang cho biết: Hát Kiều du nhập vào vùng đất Lâm Lang, xã Châu Hóa những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Người có công sưu tầm, nghiên cứu và giàn dựng làn điệu hát Kiều ở vùng đất Lâm Lang xưa là cụ Cao Điền, tiếp đến là cụ Hoàng Lược rồi truyền lại cho các thế hệ sau này. Ngày trước, mỗi khi làng có hội vui là tiếng hát Kiều lại rộn rã vang lên. Đội hát Kiều của làng cũng từng đi biểu diễn nhiều nơi như Quảng Trạch, Minh Hóa, có khi ra đến Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đội hát Kiều thôn Lâm Lang được sáp nhập vào đội văn nghệ tuyên truyền của xã thường xuyên biểu diễn phục vụ bà con, phục vụ kháng chiến cho đến năm 1975. Từ đó đến nay, hát Kiều bị lắng xuống do nhiều nguyên nhân khách quan nhưng âm hưởng của nó vẫn đọng lại, nung nấu trong lòng mỗi người dân “làng Kiều”.

Là người say mê hát Kiều từ nhỏ, cô giáo Trương Thị Phương luôn nung nấu ý định khôi phục lại đội hát Kiều của làng. Trong suốt thời gian công tác, dù bận rộn với công việc tập thể nhưng bà Phương vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn kịch bản để rồi khi về nghỉ hưu bà đã dành hết thời gian cho việc tập luyện, vận động thành lập Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang.

Câu lạc bộ Kiều cổ lâm Lang hiện tại có 25 thành viên, trong đó thành viên già nhất năm nay đã 82 tuổi, người trẻ nhất 11 tuổi. Những người nông dân chân lấm tay bùn luôn bận bịu với công việc đồng áng, chăn nuôi, có người làm nghề phụ hồ nhưng đêm đến vẫn say mê luyện tập, hóa thân vào những vai diễn một cách hoàn hảo. Hiện tại, Câu lạc bộ đã triển khai luyện tập và có thể biểu diễn được 15 cảnh với 21 vai diễn phỏng theo từng phần trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Mặc dù được thành lập theo quyết định của UBND xã nhưng kinh phí hoạt động chủ yếu vẫn do các thành viên trong Câu lạc bộ tự đóng góp. Do khó khăn về kinh phí nên hiện tại Câu lạc bộ vẫn chưa mua sắm đủ trang phục, đạo cụ, nhạc cụ. Lúc biểu diễn, một số vai còn phải mặc chung trang phục, trống đệm còn phải đi mượn, bà Phương tâm sự.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho biết hiện nay trên địa bàn xã có ba câu lạc bộ đang hoạt động đó là Câu lạc bộ ca trù Phong Châu, Câu lạc bộ thơ Châu Hóa và Câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang. Các câu lạc bộ này đều do UBND xã ra quyết định thành lập và triển khai hoạt động có hiệu quả góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Hàng năm UBND xã cũng đã trích một phần ngân sách để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ, tuy nhiên do điều kiện địa phương còn khó khăn nên mức hỗ trợ chưa tương xứng, chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các câu lạc bộ. Đặc biệt là câu lạc bộ Kiều cổ Lâm Lang mới được thành lập nên kinh phí đầu tư cho tập luyện, mua sắm trang phục, đạo cụ là tương đối lớn, vì thế, câu lạc bộ, chính quyền địa phương mong muốn UBND huyện và các tổ chức, cá nhân quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ thêm.

Hát Kiều là loại hình nghệ thuật độc đáo, gắn bó, tác động sâu sắc tới đời sống văn hóa tinh thần của người dân Lâm Lang. Việc bảo tồn và phát triển hát Kiều không chỉ đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người dân mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của bà Phương và các thành viên trong câu lạc bộ, các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để môn nghệ thuật cổ này bén rễ và ngày càng lan tỏa trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi đây.

Văn Tư