.

Tìm người "giữ lửa" cho hát sắc bùa

Thứ Ba, 08/09/2015, 08:39 [GMT+7]

(QBĐT) - Mảnh đất Minh Hóa xưa nay được xem là vùng đất du nhập và gìn giữ nhiều làn điệu dân ca, trong đó có hát sắc bùa. Những làn điệu sắc bùa đã sống cùng người dân bao đời nay và là niềm tự hào của họ. Vậy mà giờ đây, hát sắc bùa đang dần mai một và các cụ cao niên vẫn đang đau đáu nỗi niềm tìm người thừa kế.

Một thời “vàng son”

Ông Đinh Xuân Huề ở thôn Cầu Lợi 1, xã Xuân Hóa (Minh Hóa) là một trong những cao niên trong vùng còn nhớ và hát được 24 điệu sắc bùa. Theo ông, sắc bùa thường mở đầu bằng điệu hát dạo ngõ vào dịp năm mới, ông Huề hát: “Ngọ này là ngọ kén khách vãng lai/ Đằng trong lớp ngoài, then gài chốt đóng/ Xin ông mở ngõ cho chúng tôi vào/ Đầu xuân tôi mới bước vào/ Trước mừng mặt ông bà/ Sau xin hầu tổ tiên”... Các tài liệu cho rằng, hát sắc bùa của người Nguồn ở Minh Hóa có từ thời Hậu Lê (1427- 1789), thường được hát trong cung đình để phục vụ cho tầng lớp vua chúa. Sau đó, nhiều người dân biết hát và truyền ra ngoài. Mỗi nơi, sắc bùa lại có một dị bản riêng phù hợp với vùng miền, con người, phong tục tập quán. Một nét riêng biệt của hát sắc bùa ở huyện Minh Hóa là chỉ có các cụ ông hát chứ không có cụ bà hát.

Hát sắc bùa tại hội Rằm tháng 3 Minh Hóa.
Hát sắc bùa tại hội Rằm tháng 3 Minh Hóa.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài xoay quanh những câu hát cổ. Rồi ông Huề giải thích ý nghĩa của từng điệu hát, kể về cái duyên đưa ông tới với sắc bùa, đến bây giờ là cả một quãng thời gian dài hơn 60 năm gắn bó. Ở xã Xuân Hóa còn rất nhiều cụ cao niên biết hát sắc bùa. Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về hay các dịp lễ họ thường ngồi lại với nhau để hát.

Nhắc đến sắc bùa, ông Đinh Minh Hà (81 tuổi), ở xã Xuân Hóa phấn chấn hẳn lên. Ông kể: “Tôi biết sắc bùa từ khi mới 12 tuổi. Hồi đó, nghe những người cao niên hát rồi hát theo, đến khi sắc bùa ăn sâu vào máu thịt lúc nào cũng không biết nữa”. Ngày xưa, đoàn hát sắc bùa thường có 10 đến 15 người. Hát sắc bùa không cần nhiều nhạc cụ, nhưng phải có trống cái và trống cơm. Vì hai thứ này là cái “cốt” của sắc bùa, nó được gắn liền với những câu hát: “Trống này từ thuở nhà Lê/ Đi chơi vườn hoa được da kì đà/ Lên rừng lấy gỗ, lấy đục xoi lòng/ Lấy da kì đà bưng hai mặt bên/ Bên tả tôi vỗ nó kêu tằm tằm/ Bên hữu tôi vỗ nó kêu tằm vong”. Hát xong, ông Hà vào buồng bê ra hai chiếc trống, một trống cái, một trống cơm. Ông ngồi xuống chiếu nhấp chén nước trà rồi hai tay đánh trống và say sưa với từng làn điệu sắc bùa.

Hát sắc bùa ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây, những câu hát đã diễn tả lại cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, phong tục, tập quán của cộng đồng người Nguồn ở Minh Hóa. Đặc biệt, sắc bùa không thể thiếu trong những dịp lễ Tết Nguyên đán, hát mừng nhà mới, hát kể tháng, hay đơn giản là hát để giải trí, khích lệ nhau sau những giờ lao động mệt nhọc. Có bài hát nhằm mục đích xua đuổi tà ma, cầu mong sức khỏe cho con người và vật nuôi. Lời trong bài hát “Chúc gia đình ông bà” như sau: “Thơ thơ dạ dạ, năm cũ đã hết, năm mới bước sang/ Chúng tôi chúc ông bà một câu trò này nữa/ Sang năm làm mùa, làm màng luôn tốt/ Trước mùa lúa, sau làm mùa ngô/ Dơi bọ không phá, bốn mùa được cả/ Ruộng đất mênh mông, đá mềm đất tốt/ Đến vụ cày cấy, làm cho kịp thời/ Đến mùa trổ bông, mưa thuận gió hòa/ Đến mùa thu hoạch, gùi gánh nặng vai/ Lúa chất đầy nhà, hàng hóa vô số... Sinh con ra, nam cũng như nữ/ Được trên thuận dưới hòa/ Ngày Tết vào ra, sum họp đầy đủ...”.

Ông Hà bộc bạch: “Ngày xưa, nhiều người trong làng, trong xã hay trong huyện mê sắc bùa đến quên ăn quên ngủ. Hễ có dịp là chúng tôi hội họp lại, rộn ràng cả một vùng quê”. Hết thế hệ này đến thế hệ khác, tiếng hát sắc bùa trên đất Minh Hóa cứ được lưu truyền, cổ vũ tinh thần cho người dân nơi đây lao động, sản xuất, chiến đấu...

Còn những nỗi trăn trở

Sắc bùa ở Minh Hóa đã có những năm tháng “vàng son” là thế, nhưng giờ đây nó đã dần mai một. Và bây giờ, các cụ cao niên trong vùng vẫn mang một nỗi đau đáu không biết lấy ai để truyền lửa nữa. "Bây giờ muốn hát thì cũng chỉ biết hát một mình, hoặc vài cụ thôi, lớp trẻ bây giờ nhạc tây, nhạc tầu thì thuộc nhanh lắm, nhưng nói đến sắc bùa thì chả đứa nào hát được". Cũng nhiều lần các ông có ý kiến lên chính quyền địa phương về việc tôn tạo và gìn giữ nét văn hóa này nhưng vẫn chưa ăn thua, ông Hà nói với vẻ mặt đượm buồn. Dành trọn tâm huyết cả đời cho sắc bùa, đến nay ông Hà vẫn còn biết những điệu “sắc” in sâu trong tâm trí và một bộ trang phục biểu diễn đã ngả màu, những nhạc cụ hư hỏng gần hết vẫn được ông cất giữ cẩn thận và xem như báu vật.

Làn điệu sắc bùa “Dạo ngõ” được hát trong dịp Tết ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa.
Làn điệu sắc bùa “Dạo ngõ” được hát trong dịp Tết ở thôn Ba Nương, xã Xuân Hóa.

Những bài sắc bùa cũng dần bị người đời lãng quên hết, không có một tài liệu nào còn ghi chép đầy đủ về những bài sắc bùa. Trong thể loại này, người ta khuyến khích sáng tác những câu hát mới nhưng phải giữ nguyên điệu, vậy mà bây giờ các điệu phần nhiều không còn nguyên bản nữa, nhạc cụ cũng bị biến tấu, sai lệch nhiều so với trước đây. Ông Hà tâm sự: “Tôi chỉ mong lớp trẻ sau này ngoài việc học văn hóa thì nên học hát sắc bùa. Các cấp chính quyền cần quan tâm và tạo điều kiện để cho con cháu đời sau vẫn còn biết đến sắc bùa".

Khi nhắc đến sắc bùa, anh Đinh Xuân Tình, một người dân ở Xuân Hóa nói: “Nghe sắc bùa hay lắm, tôi cũng được nghe từ nhỏ rồi. Ông tôi, cha tôi cũng biết hát. Ngày xưa nghe nói có hát sắc bùa là bọn trẻ chúng tôi vui lắm, háo hức chạy đi xem. Nhưng sắc bùa bây giờ khác xưa rồi, các điệu hát bị thay đổi nhiều lắm”. Anh Tình cũng thừa nhận, thích thì thích vậy thôi chứ không biết hát. Trước thực trạng mai một của sắc bùa, ngành Giáo dục tỉnh ta nói chung và Minh Hóa nói riêng đã từng bước đưa các làn điệu dân ca vào giảng dạy tại trường học, trong đó có cả hát sắc bùa. Tuy nhiên, các loại hình dân ca đã được biến tấu, thay lời ảnh hưởng nhiều đến giá trị nguyên bản.

Trở lại với sắc bùa ở Minh Hóa, hiện cả huyện chỉ còn vài chục cụ cao niên nhớ được, hát được đầy đủ các điệu sắc bùa. Ông Đinh Ngọc Tọa, Trưởng phòng Văn hóa huyện Minh Hóa cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện cũng đã có một câu lạc bộ đàn hát dân ca. Các xã trong huyện cũng từng bước hình thành các câu lạc bộ nhỏ nhằm sưu tầm, sáng tác các làn điệu dân ca của người Nguồn, trong đó có hát sắc bùa. Tuy nhiên, các câu lạc bộ chỉ thu hút được những người cao tuổi, còn người trẻ thì chẳng mấy ai mặn mà”. Có thể khẳng định rằng, sắc bùa ở Minh Hóa đã từng có những thời “vàng son” trong suốt chiều dài lịch sử. Nhưng giờ đây, những làn điệu sắc bùa đang dần mai một và có thể mất đi nếu không được các cấp chính quyền và toàn xã hội quan tâm giữ gìn...

Đức Long