.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng: Tìm lại Tết xưa

Thứ Tư, 11/02/2015, 14:04 [GMT+7]
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng.

(QBĐT) - Trong mạch nguồn văn hóa dân gian, những lễ hội đón xuân, vui Tết đã từng ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều thế hệ con dân Việt. Thế mà, theo dòng chảy thời gian và những biến đổi của thời cuộc đã làm nết xưa điều còn điều mất. Quảng Bình, vùng đất giao thoa văn hóa hai miền Bắc-Nam cũng vậy. Trong tâm trạng "đón xuân này, nhớ xuân xưa", chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Văn Tăng về các sắc thái văn hóa dân gian đón xuân, vui Tết ở Quảng Bình.

- Theo ông, các lễ hội văn hóa dân gian ngày nay trong dịp xuân - Tết so với trước đây có gì khác?

- Trước đây, trong dịp xuân -Tết hầu như địa phương nào cũng tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa văn nghệ mang đậm chất dân gian. Bây giờ, không ít các hoạt động văn hóa văn nghệ dân gian đã bị mai một hoặc nếu nơi nào có còn giữ thì cũng không đậm màu sắc dân gian như trước đây. Sở dĩ có điều đó là do bây giờ có quá nhiều trò chơi hiện đại nên phần lớn thanh thiếu niên không còn mặn mà với các trò chơi, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian một thời rất phổ biến nữa mà mải mê với games online, phim ảnh, Facebook...

Mặt khác, những người am hiểu về các hoạt động văn hóa dân gian cũng ngày càng ít đi, việc lưu truyền, gìn giữ theo đó thiếu được chú trọng nên chất dân gian cứ ngày càng nhạt dần. Những sinh hoạt văn hóa dân gian bây giờ có chăng chỉ những người trung tuổi trở lên còn yêu thích. Tôi nghĩ, cần phải tìm lại Tết xưa với những sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian đặc sắc.

- Nét đặc sắc trong các sinh hoạt văn hóa dân gian dịp Tết của người Quảng Bình so với các vùng miền khác là ở đâu?

- Văn hóa dân gian của Quảng Bình là nơi tụ hội, tiếp biến, giao thoa của cả hai miền Bắc - Nam, vì thế các sinh hoạt văn hóa dân gian của miền Bắc, miền Nam đều có ở Quảng Bình, tạo nên sự phong phú, sinh động của vùng đất này. Ví dụ, trò chơi đánh đu, vật, lẫy Kiều...trong dịp đón xuân, vui Tết rất đậm ở miền Bắc thì ở Quảng Bình cũng có; hay bài chòi là hoạt động văn hóa ngày xuân phổ biến ở vùng nam Trung bộ cũng có ở Quảng Bình.

Tôi thấy ở tỉnh ta thì phía bắc sông Gianh và phía nam sông Gianh thể hiện khá rõ những nét văn hóa dân gian của hai miền Bắc-Nam đất nước. Như phía bắc sông Gianh thì có lẫy Kiều, ca trù mà không có hò khoan, còn phía nam sông Gianh thì ngược lại; phía bắc sông Gianh có đánh cờ người nhưng phía nam không có, ngược lại phía nam có trò chơi chạy hóa trang thì phía bắc không có...

- Xưa nói về Tết Nguyên đán của dân tộc có câu "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Pháo thì bây giờ không còn nữa vì lý do an toàn, tiết kiệm, còn cây nêu, câu đối hình như bây giờ cũng không còn mấy ai mặn mà, theo ông vì sao?

- Tôi lại nghĩ khác. Có thể trong chiến tranh cây nêu, câu đối vào dịp lễ, Tết có ít đi, còn bây giờ tôi thấy đang có sự phục hồi rất mạnh. Rất nhiều làng quê bây giờ đã dựng cây nêu trở lại vào dịp đón xuân; không ít gia đình, công sở cũng đã sử dụng câu đối trở lại để vui Tết. Những ngày tết bây giờ có khá nhiều người đi "xin chữ" và câu lạc bộ Hán Nôm Đồng Hới cũng đã tổ chức "cho chữ" vào dịp này. Điều đáng nói nữa là câu đối bây giờ không chỉ dùng vào dịp Tết mà còn dùng trong dịp vào nhà mới, khai trương...

- Được biết ở làng biển Cảnh Dương (Quảng Trạch) vào giờ giao thừa có tục đi lấy lửa từ đình làng về và giữ để không bị tắt trong suốt ba ngày Tết. Tục này có ý nghĩa gì và hiện người Cảnh Dương có còn giữ?

- Đây là một tục lâu đời ở Cảnh Dương và đến nay vẫn còn lưu giữ. Người Cảnh Dương quan niệm ngọn lửa mang lại sự may mắn cho mọi nhà, vì thế, qua một năm, ngọn lửa cũ bỏ đi cùng với những rủi ro và họ đến đình làng - Thành hoàng làng xin ngọn lửa mới với hy vọng một năm may mắn, an lành. Cũng như ở Đại Phong (Lệ Thủy) lại có tục đi lấy nước ở đầu nguồn mang về nhà vào dịp Tết để gột rửa cho tâm hồn trong sạch, tinh anh vào năm mới...

- Trước đây, trong dịp Tết Nguyên đán có nhiều trò chơi dân gian và sinh hoạt văn nghệ rất hay như đánh đu, vật, cướp cù, cờ người, bài chòi, lẫy Kiều, ca trù... nhưng bây giờ nhiều nơi đã bỏ không tổ chức nữa, theo ông, đó là do những trò chơi, sinh hoạt văn nghệ này không còn hấp dẫn nữa hay vì lý do nào khác?

- Một phần lý do thì tôi đã nói ở trên, còn mặt khác, theo tôi, các hoạt động văn hóa dân gian đòi hỏi phải có người cầm chịch thật tốt thì mới hay, mới sinh động được. Ví dụ, trong bài chòi thì phải có người cầm cái hô thật hay, những câu dí dỏm, bóng bẩy... tạo sự thú vị cho người chơi.

Trong các hoạt động văn hóa dân gian khác cũng vậy, người cầm chịch rất quan trọng, nhưng bây giờ có vẻ thiếu đi điều đó. Nó cũng là hệ quả của việc thiếu quan tâm đầu tư lưu giữ các hoạt động văn hóa dân gian một thời gian khá dài. Tôi nghĩ không phải những trò chơi, sinh hoạt văn nghệ dân gian thiếu tính hấp dẫn, mà thiếu đi những người kích hoạt nó lên - những người hiểu rất sâu về các trò chơi, sinh hoạt văn nghệ dân gian đó và ngọn lửa nhiệt tình.

- Được biết chạy hóa trang là một trò chơi dân gian khá thú vị có từ rất lâu của làng Quảng Xá (Tân Ninh, Quảng Ninh) thường được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán nhưng bây giờ cũng dần mai một. Ông có thể nói đôi điều về ý nghĩa của trò chơi dân gian này và lý giải vì sao nó cũng dần mai một như vậy?

- Đây là một trò chơi trước đây thường tổ chức vào dịp Tết, nó thử thách sự nhanh nhẹn, khéo léo và cũng là mục đích gây cười, tạo sự vui vẻ cho mọi người. Trò chơi này bây giờ cũng đã mai một vì cũng thiếu đi người cầm chịch, sự quan tâm lưu giữ.

Cây nêu ngày tết. Ảnh: T.L
Cây nêu ngày tết. Ảnh: T.L

- Những ngày Tết Nguyên đán người Việt nói chung thường có tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trong đó mâm ngũ quả không thể nào thiếu. Vì sao lại là ngũ quả mà không là thất quả, bát quả...?

- Mâm ngũ quả nằm trong tục thờ cúng ông bà tổ tiên của người Việt chúng ta. Ở miền Bắc thường bày 5 loại quả có 5 màu sắc khác nhau theo Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), còn ở miền Nam ngũ quả trong mâm khi ghép lại trở thành những cái tên ý nghĩa, cầu mong sự thịnh vượng như là "cầu, dừa, đủ, xoài" đọc chệch thành "cầu vừa đủ xài" hoặc "cầu, dừa, đủ, sung" đọc chệch thành "cầu vừa đủ sung". Bây giờ thì vẫn gọi là mâm ngũ quả nhưng có thể là ngũ quả, lục quả, thất quả... và nó có ý nghĩa dâng cúng tổ tiên thể hiện lòng hiếu thảo, ước mong những điều tốt lành cho gia đình trong năm mới.

- Hoa là thứ không thể nào thiếu trong dịp tết. Trước đây, nhà nhà thường chưng cành đào, cành mai, sau này rất nhiều nhà chưng cây quất. Cây quất có ý nghĩa gì thưa ông?

- Cây quất thể hiện sự sum suê, đầy đủ. Chưng cây quất trong nhà dịp xuân - Tết là người ta cầu mong một năm mới làm ăn phát đạt, đặc biệt cây quất có cả lộc non, hoa, quả xanh, quả chín vàng thì càng tốt vì về hình thức nó nhiều màu (màu xanh của lá, lộc, màu trắng của hoa, màu vàng của quả chín) tạo nên vẻ đẹp; còn về ý nghĩa, nó thể hiện thành quả của một quá trình lao động trong năm đạt được, từ gieo trồng, nhú lộc, đơm hoa, kết trái và cuối cùng chín vàng sum suê, viên mãn.

Có lẽ vì ước vọng làm ăn phát đạt, con cháu sum vầy như hình tượng cây quất nên bây giờ nhiều người chưng quất vào dịp Tết là vì thế.

- Sau đón giao thừa, bây giờ rất nhiều người đi hái lộc. Ý nghĩa của việc hái lộc thì chắc ai cũng biết, nhưng nếu ai cũng hái lộc theo kiểu bây giờ thì cây xanh chắc sẽ bị vặt trụi (bởi có người còn bẻ cả cành cây lớn mang về gọi là hái lộc), theo ông, tục này có mang nét văn hóa không và liệu có nên duy trì?

- Thực ra việc đi hái lộc cũng là một nét đẹp về phong tục nhưng bây giờ đã bị lạm dụng. Từ một nét đẹp thể hiện ước nguyện tâm linh đã bị nhiều người đẩy thành nạn phá hoại cây xanh trong đêm giao thừa. Hái lộc đơn giản như chỉ ra vườn ngắt một nụ lộc nhỏ mang vào nhà, nó mang ý nghĩa tượng trưng chứ không phải đi ra chốn công cộng (nhiều người đến khuôn viên các ngân hàng - ý là nơi có nhiều tiền) bẻ cả cành cây lớn mang về. Nghĩa là bản thân tục hái lộc đêm giao thừa không có gì xấu, vấn đề là con người hiểu và thực hiện như thế nào. Và rõ ràng tốt thì nên duy trì, còn xấu thì bỏ đi.

- Thành ngữ Việt có câu "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy", vì sao lại có thứ tự này và nó nói lên điều gì, thưa ông?

- Cha mẹ sinh con cái, dày công nuôi dưỡng, còn thầy thì dạy chữ, dạy đạo làm người, vì thế cha mẹ và thầy là những người có công lao trời biển bất kỳ ai cũng phải luôn khắc ghi và Tết là dịp để mỗi người báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn những đấng sinh thành, dưỡng dục. Còn trật tự ấy tôi nghĩ đó là sự đúc kết thành câu nói thuận miệng.

Có thể xưa ông cha cũng có ý nào đó về chế độ phụ hệ, nam (nội) trước, nữ (ngoại) sau chăng? Còn bây giờ thì sắp xếp thế nào cho thuận thôi, điều quan trọng là có tấm lòng thành với cha mẹ, thầy cô.

- Theo ông, phải làm gì để bảo tồn, giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc nói chung và nét văn hóa Tết cổ truyền của Quảng Bình nói riêng?

- Giữ gìn những nét văn hóa truyền thống nói chung và văn hóa Tết cổ truyền nói riêng là trách nhiệm chung của tất cả mọi người, nhưng theo tôi trước hết phải có những người quan tâm nghiên cứu để phục hồi, lưu giữ trên văn bản, có trên văn bản thì dễ có trên thực tế, còn nếu không còn trên văn bản thì sẽ mất vĩnh viễn.

Thường những người đam mê nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian thì đã lớn tuổi, có độ dày về tuổi đời, về kiến thức, về trải nghiệm cuộc sống... nhưng họ lại nằm trong nhóm thu nhập thấp nên rất khó có điều kiện để thực hiện các công trình nghiên cứu của mình và để in thành sách. Vì thế, để bảo tồn, giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc nói chung và nét văn hóa Tết cổ truyền của Quảng Bình nói riêng thì cần sự quan tâm của các cấp ngành chức năng, của cả cộng đồng xã hội.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ cùng chúng tôi và bạn đọc. Chúc ông đón xuân, vui Tết ấm cúng, hạnh phúc cùng gia đình và tiếp tục có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân gian của quê hương Quảng Bình trong thời gian tới.

Hữu Thái (thực hiện)