.

"Mỗi năm hoa đào nở lại thấy ông đồ già"...

Thứ Sáu, 13/02/2015, 14:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Trời vào xuân. Ông đồ già ngồi giữa cơ man “mực tàu, giấy đỏ”. Dưới nét bút uyển chuyển của ông, thời gian tưởng chừng như lắng lại, chỉ còn nét xưa đậm chất hồn dân tộc phảng phất đâu đó giữa nhịp sống gấp gáp, vội vã. Cho đến cuối cuộc đời “múa bút nên tranh” của mình, ông đồ Hoàng Gia Hy vẫn ấm áp bởi “còn nhiều lắm những người yêu vốn cổ”.

Ngày còn đi học, tôi cứ ám ảnh mãi hình tượng ông đồ trong bài thơ cùng tên của Vũ Đình Liên với một nỗi niềm hoài cổ và nhớ tiếc về “những người muôn năm cũ”.  Để rồi đến khi gặp ông đồ già Hoàng Gia Hy trong căn nhà đượm màu xưa cũ, mới hiểu rằng có những giá trị cổ, dẫu qua bao dâu bể vẫn đủ sức bền chặt cùng thời gian. Một đời đeo đẳng nghiệp bút nghiên, ở tuổi bát tuần, ông mang một nỗi niềm sâu thẳm gửi gắm trong từng nét bút. Ông cụ không giống như trong trí tưởng tượng của nhiều người về hình ảnh của một thầy Nho già với râu tóc bạc trắng, nhưng nhìn vào ông vẫn thấy toát lên vẻ hiền triết và hồn hậu đến lạ. Ông mang trong mình chất uyên bác của con cháu dòng dõi Nho gia; nét tài tử, phá cách của con người tài hoa, cá tính. Làn da lấm tấm vết đồi mồi, đôi mắt trầm đục bao giờ cũng ngân ngấn nước. Trò chuyện cùng ông, đôi lần thấy ông như đang trôi về một cõi xa lắm, như đang hoài nhớ về những ngày tháng đã xa.

Ở tuổi bát tuần, ông mang một nỗi niềm sâu thẳm gửi gắm trong từng nét bút
Ở tuổi bát tuần, ông mang một nỗi niềm sâu thẳm gửi gắm trong từng nét bút

Ông cụ kể, thân sinh của mình là thầy đồ dạy chữ Nho. Từ nhỏ, ông đã quen với mực tàu, giấy đỏ. Ngày ngày ngồi mài mực cho cha viết rồi cái chữ thâm trầm ấy cũng thấm vào đam mê, vào máu thịt mình từ lúc nào chẳng rõ. Thế rồi nắn nót tập viết cùng cha. Ngày tháng trôi, nét chữ ngày một mềm mại và rồi suốt cuộc đời, cụ đeo đẳng với chữ nghĩa như một cái nghiệp. Nhiều người thường bảo ông cụ như sống trong một thế giới riêng, tự tạo niềm vui nỗi buồn và nhất là khi cầm bút, ông như tách mình ra khỏi những xô đẩy của thực tại, của những gấp gáp, bon chen. Gần chục năm nay, ông bắt đầu viết chữ và câu đối Tết. Cứ mỗi dịp Tết đến, người ta lại thấy ông ngồi giữa một góc phố khiêm nhường, lom khom giữa cơ man giấy đỏ, mực tàu. Có năm lại thấy ông ngồi bình lặng trong Chùa Phổ Minh (Đức Ninh Đông, Đồng Hới), tỉ mỉ với từng nét bút. Nhưng năm nào cũng thế, cái dáng người thương thương, cùng những nét chữ của ông vẫn luôn được nhiều người trân quý. Hai năm nay, sức khỏe giảm sút nhiều, những ngày Tết, ông cụ chỉ ở nhà, ai đến xin chữ lại bày giấy bút ra rồi say mê viết.

Thế nhưng, không phải ai xin chữ, ông cụ cũng cho. Cụ bảo, giữa người viết và người đến xin phải có cái duyên. Người cho chữ phải hiểu chữ và hiểu cả người xin chữ nữa. “Xin chữ là việc của tâm linh. Lòng có thành thì đức mới sáng. Chữ nghĩa cho là để gánh vác, để bươn chải mà vươn lên cho thành đạt chứ không phải trò xổ số cầu may. Có rứa thì việc xin chữ và cho chữ mới thật sự ý nghĩa, có rứa thì người cho và người xin chữ mới xứng với hồn cốt của chữ”, ông cụ gật gù. Gương mặt hằn in vết thời gian, đồ Hy lại say sưa giảng giải cho người khách trẻ sự thâm thúy của chữ nghĩa. “Con có biết, với mỗi người, một trong những chữ quan trọng nhất là gì không? Là “Nhân Hòa”, nghĩa là phải giữ được hòa khí trong mọi mối quan hệ. Giữa người với người mà hòa thuận, vui vẻ thì cuộc sống mới an yên”. Nói đoạn, ông đồ khom lưng viết, đôi bàn tay run run nhẫn nại kéo từng nét bút. Ánh mắt ông trầm đục, đượm buồn tựa như một dấu lặng giữa nhịp sống gấp gáp, hối hả.

Vừa đưa đẩy từng nét chữ, thỉnh thoảng ông lại ngẩng đầu lên, trầm tư: “Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới”. Vậy nên, nhiều năm nay, Tết nào căn nhà nhỏ nép mình bên rì rào ruộng lúa của ông cũng đông kín người. Người già xin chữ “Thọ”. Người trẻ xin chữ “Tài”, “Lộc”, “Trí”... Mỗi người đều ấp ủ một ước vọng riêng nhưng ai cũng quý trọng cái đức của ông đồ già. Ông kể, vui nhất là những hôm cận Tết, trời mùa đông rét tái tê, vẫn có những bạn sinh viên đạp xe cả chục cây số đến nhà ông xin chữ. Người trọng ông bởi cái đức, ông quý người bởi sự nâng niu với chữ. Ông tự nhận mình là “người xưa cũ”. Và những “người xưa cũ” như ông đã nhiều lúc đau đáu buồn bởi những giá trị cổ đang dần bị lãng quên. Nhưng rồi ông ấm lòng, bởi giữa dòng chảy của cuộc sống hôm nay, vẫn còn nhiều lắm những người trân quý cái nét chữ thâm nho này.

Xin chữ ngày Tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt
Xin chữ ngày Tết là nét văn hóa truyền thống của người Việt

Ông bảo, luyện nét chữ cũng như rèn nết người và phải luôn rèn luyện đến suốt đời. Chữ càng uốn nắn, thì càng mềm mại. Rèn chữ cũng là rèn đức nhẫn nại  nên dù hôm nay sức đã yếu, đôi bàn tay đã run run nhưng ông vẫn rèn chữ từng ngày. Năm 2008 và 2009, ông đồ già Hoàng Gia Hy được giải khuyến khích về thể hiện tại Lễ hội “Câu đối, hoa và đồ uống tết” do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức. Từ đó đến nay, ông vẫn miệt mài rèn chữ và “nếu còn sức khỏe thì còn tham gia thi”, ông đồ già cười hiền hậu. Nhiều năm nay, ông nghiên cứu nhiều về Phật pháp và hiện là thư ký của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Và cũng như khi đắm mình trong từng nét chữ, học giáo lý nhà Phật, ông thấy lòng mình tĩnh lại, trầm mặc giữa cái vồn vã, xô bồ của cuộc sống.

Nhìn ông cụ, tôi nhớ đến lời dạy của thầy tôi rằng một khi mọi giá trị đều mất đi thì văn hóa của một dân tộc là điều duy nhất còn sót lại. Vẫn tin rằng, cuộc sống dẫu biến thiên, bộn bề lo toan thì mãi mãi, những phong tục đẹp của cha ông xưa cũng không dễ gì bị quên lãng. Điều gì thuộc về giá trị truyền thống sẽ mãi mãi trường tồn. Và “những người muôn năm cũ” sẽ lại về cùng con cháu mỗi mùa hoa mai, hoa đào nở, mang “lộc chữ” đến cho muôn nhà.

Ghi chép của Diệu Hương