.

Chuyện những người đi tìm quá khứ

Thứ Hai, 16/02/2015, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - “Có những lần mừng đến nỗi suốt đêm không thể ngủ, niềm xúc động cứ rưng rức trào dâng khi tìm được một hiện vật có giá trị, một tư liệu lịch sử quý giá...” - đó là tâm sự chung của những người làm công tác sưu tầm hiện vật, biên soạn sách lịch sử, những người mà chúng tôi gọi là tìm quá khứ khi nói về công việc của họ. Bằng tất cả trái tim và niềm đam mê vốn có họ đã đến với nghề như một cơ duyên, lặng lẽ góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc.

Làm không kể tuổi...

Chúng tôi tìm về nhà ông Trần Văn Chường (thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) vào một ngày cuối năm. Giữa cái ồn ào, tấp nập của dòng người hối hả ngược xuôi chuẩn bị đón mùa xuân mới, ngôi nhà khiêm nhường của ông như muốn ẩn mình sau sự sôi động của cuộc sống hiện đại. Bước chân qua cánh cổng sắt, trước mắt chúng tôi là cả một thế giới sách với hàng nghìn đầu sách, tài liệu-thành quả mà ông đã dành hơn 23 năm nghiên cứu, sưu tầm.

Dù đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Trần Văn Chường vẫn say sưa với công việc biên soạn sách lịch sử.
Dù đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Trần Văn Chường vẫn say sưa với công việc biên soạn sách lịch sử.

Vốn là “dân Văn” nhưng ông Trần Văn Chường lại rất mê lịch sử, việc biên soạn sách lịch sử vì thế cũng tìm đến với ông khá tự nhiên. Nguyên là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh, ngay khi còn làm việc, bao giờ ông cũng dành thêm khoảng thời gian ngoài giờ để mày mò sưu tầm tài liệu, gặp gỡ những nhân chứng sống để ghi chép, biên tập lại những trận đánh, địa danh. Công việc biên soạn lịch sử đòi hỏi người làm phải chịu đi, chịu nghe, kỹ tính và tỉ mỉ. Muốn viết được một trận đánh, một mốc lịch sử, người viết phải gặp gỡ nhiều nhân chứng, đến nhiều nơi, tìm hiểu nhiều sách. Thậm chí có những mốc lịch sử, người biên soạn phải “bám” tại nhà các cụ lão thành, các cán bộ tiền khởi để được nghe các cụ kể, rồi chép, rồi ghi. Cũng có khi, nhiều cụ tuổi cao, sức yếu, trí nhớ không còn được tốt nên cùng một sự kiện nhưng mỗi cụ lại kể theo một cách riêng. Do đó, người biên soạn lịch sử phải là người biết chắt lọc, phân tích và kiểm chứng thông tin.

Ông Trần Văn Chường chia sẻ: Công việc vất vả là vậy nhưng hễ mỗi lần tìm được những thông tin có giá trị lịch sử, văn hóa phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn là bao mệt mỏi bỗng dưng tan biến. Để rồi những câu chuyện về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với sức hấp dẫn đặc biệt lại thôi thúc những người viết lịch sử như ông lên đường tìm hiểu. Có lẽ cũng chính bởi vì thế mà năm nay, dù đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông Trần Văn Chường vẫn miệt mài với công việc biên soạn sách lịch sử. Tự nhận mình là người “nghiện” công việc đến “quên ngủ”, hơn 23 năm gắn bó, ông Trần Văn Chường đã cho xuất bản nhiều tập sách có giá trị như: Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Ninh (3 tập, viết chung), lịch sử Đảng bộ xã Võ Ninh và sắp tới sẽ tiếp tục cho xuất bản Lịch sử Đảng bộ xã Hiền Ninh, Lịch sử Đảng bộ xã Hải Ninh, Lịch sử Đảng bộ xã Vạn Ninh...

Phải có đam mê...

“Đặc thù công việc đòi hỏi chúng tôi phải đi nhiều. Những ngày đầu mới vào nghề, phương tiện đi lại khó khăn là thế nhưng hễ nghe thông tin nơi nào có tư liệu, hiện vật là chúng tôi lại lên đường. Khi thì xin xe ô tô đi nhờ từng đoạn, khi tự mình rong ruổi bằng xe đạp, xe gắn máy..., cứ thế chúng tôi tìm về tận các bản làng xa xôi hẻo lánh, nơi có đồng bào Rục, Mã Liềng, Ma Coong, Vân Kiều; cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt lễ hội với bà con để sưu tầm tư liệu liên quan đến văn hóa các dân tộc", chị Trần Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình chia sẻ.

Hơn 34 năm gắn bó với công tác nghiên cứu, sưu tầm hiện vật bảo tàng, với chị Diệu Hồng, ngoài tri thức khoa học chuyên ngành, điều quan trọng nhất để những người làm công tác sưu tầm hiện vật ở bảo tàng có thể gắn kết với công việc của mình ấy chính là niềm đam mê. Chỉ khi thực sự có đam mê, người làm công tác sưu tầm hiện vật mới có thể vượt qua khó khăn, bám dân, bám địa bàn để làm công tác sưu tầm; mới có đủ sự kiên nhẫn và khôn khéo để thuyết phục người dân hiến tặng những hiện vật khi chúng vừa có giá trị văn hóa lịch sử, vừa có giá trị tâm linh với riêng gia đình. Chị kể thêm: Kỷ niệm về sưu tầm cổ vật thì nhiều, nhưng nhớ nhất là chuyến sưu tầm hiện vật khảo cổ học vào năm 2013 tại xã Phú Định, huyện Bố Trạch. Tại đây, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ hết sức quý báu của những cộng tác viên như thầy Tường, giáo viên dạy môn lịch sử Trường THCS Phú Định khi thầy tự nguyện hiến tặng 28 hiện vật quý gồm rìu đá, cuốc đá, bôn đá có niên đại cách đây khoảng trên 3.000 năm. Hoặc trong chuyến sưu tầm cổ vật tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, đoàn công tác đã phát hiện cổ vật gốm sứ thời kỳ Lý, Trần; hay phát hiện về hiện vật của nền văn hóa Chăm Pa trong chuyến sưu tầm tại vùng Mỹ Đức... Những hiện vật tư liệu quý cùng với sự cộng tác nhiệt tình của người dân, đó chính là động lực để những cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật như chúng tôi thêm yêu và gắn kết với nghề.

Đằng sau mỗi hiện vật là một câu chuyện về lịch sử, văn hóa.
Đằng sau mỗi hiện vật là một câu chuyện về lịch sử, văn hóa.

Hiện vật là linh hồn của bảo tàng, bởi đằng sau mỗi hiện vật đều gắn với một câu chuyện lịch sử, văn hóa của địa phương. Thế nên mỗi chuyến đi sưu tầm chính là một bài học kinh nghiệm, một quá trình cọ xát để giúp bản thân thấu hiểu được giá trị to lớn của từng hiện vật, ông Phan Đức Hòa (Đồng Phú, Đồng Hới), Chủ tịch CLB UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Quảng Bình khẳng định. Trải qua nhiều thời gian gắn bó với công việc sưu tầm, hiện ông và các đồng nghiệp đang lưu giữ bộ sưu tập với trên 1.000 hiện vật, trong đó có những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa như: rìu đá Bàu Tró, bàn, ghế, tủ chẹ thời Hoàng Kế Viêm, đồ sứ thời Lý Trần... Ấp ủ dự định về một cuộc trưng bày hiện vật với quy mô lớn, với ông Phan Đức Hòa và các thành viên trong CLB UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Quảng Bình, khi những gì sưu tầm được có thể phục vụ nhu cầu khám phá của người dân thì đó cũng là lúc những người làm công tác sưu tầm lại càng cảm thấy trách nhiệm của mình thật lớn lao.

Yêu lịch sử, thích tìm kiếm những cái cổ, muốn lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc..., đó là lý do để những người đi tìm quá khứ đến với nghề. Tuy nhiên, những người làm công tác này cũng lắm trăn trở bởi đối với việc biên soạn lịch sử, nhân chứng sống ngày một già yếu, không nhớ nhiều về lịch sử trong khi đó việc ghi chép lại lịch sử địa phương để lưu lại cho con cháu khi muốn tìm hiểu sau này đang rất cấp thiết. Cùng với đó, việc sưu tầm hiện vật, tài liệu hiện nay rất khó bởi nạn “chảy máu cổ vật”; những quy định về kinh phí đang khiến cán bộ bảo tàng “chậm chân” trong việc mua những hiện vật trôi nổi ngoài thị trường... Thiết nghĩ, để tiếp sức cho những người làm công tác sưu tầm hiện vật, biên soạn sách lịch sử trong quá trình lưu giữ những giá trị truyền thống của dân tộc vẫn rất cần cơ chế khuyến khích cùng với một chiến lược đầu tư bài bản, xứng tầm.

Xuân mới đang về trong sự bình yên, ấm áp. Và đâu đó trên những nẻo đường quê, những bản làng xa ngái, những người làm công tác bảo tàng, biên soạn lịch sử vẫn lặng thầm làm “sống” lại những hiện vật, di tích, góp phần lưu giữ cho muôn đời sau những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc.

Thanh Hải