.

Tiếng đàn Karong dưới chân dãy Giăng Màn

Chủ Nhật, 04/01/2015, 14:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Bên ô cửa nhỏ, già Hồ Khăm ngồi ôm cây đàn đã gắn bó với ông hơn 30 năm nay. Đôi mắt ông lim dim như đang thả hồn theo từng nhịp đàn réo rắt. Đôi bàn tay chai sạn, rắn chắc nhưng chuyển động mềm mại trên thân đàn. Thanh âm ma mị ấy có sức hút đến lạ kỳ, như lôi kéo bước chân người ghé lại bên nóc nhà sàn nằm cheo leo trên đỉnh đồi đầy lau lách.

Con đường 12A dẫn lên bản Pachoong, xã Trọng Hóa (Minh Hóa) mùa này bạt ngàn lau trắng. Cái nắng mùa đông ấm áp lấp lánh trong những đôi mắt nâu trong veo của những đứa trẻ người Khùa, trong nụ cười rạng rỡ của những cô gái trên nương. Cuốc bộ lên lưng chừng đồi, đã nghe hòa trong tiếng gió đâu đó có tiếng đàn réo rắt như thôi thúc bước chân người lữ khách. Người bạn đồng hành - chị Hồ Toàn, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trọng Hóa nói bằng chất giọng trầm trầm: “Tiếng đàn của Hồ Khăm đó, bà con ở đây đã quá quen với tiếng đàn của ông, mỗi khi trong bụng thấy vui, buồn chi ông cũng đưa đàn ra kéo”.

Già Hồ Khăm say mê bên cây đàn Karong tự chế
Già Hồ Khăm say mê bên cây đàn Karong tự chế

Và đúng như lời chị cán bộ phụ nữ, phía bên trong ngôi nhà sàn, già Hồ Khăm đang ôm cây đàn, đôi mắt lim dim, đôi bàn tay kéo nhẹ trên dây đàn. Một thứ âm thanh rất lạ thoát ra từ cây đàn hai dây đã bạc màu thời gian. Thoạt nhìn, cây đàn trông thô ráp, xù xì giống như một chiếc điếu cày đã cũ. Nhưng nhìn kỹ, nó lại có nét hao hao cây đàn T’rơbon truyền thống của đồng bào Chứt bên kia dãy Giăng Màn. Già Hồ Khăm gọi cây đàn trên tay mình là đàn Karong. Đó là cái tên ông tự đặt cách đây hơn 30 năm. Và cũng chừng ấy mùa rẫy, người đàn ông sống cheo leo trên đỉnh đồi ấy gắn bó với cây đàn Karong, cả những khi vui lẫn khi buồn. Từ nhỏ, cha mẹ mất sớm, lắm lúc, chàng thanh niên Hồ Khăm thấy mình lạc lõng như con thú bơ vơ giữa rừng hoang lạnh. Rồi Hồ Khăm nghĩ ra việc tự chế một cây đàn bằng những thứ nguyên liệu sẵn có để làm bạn tâm tình những lúc buồn vui.

Chỉ cần mất một buổi là Hồ Khăm đã có thể làm ra được một cây đàn hoàn chỉnh. Đàn Karong được làm bằng một ống nứa dài chừng 3 gang tay, hai đầu mắt và giữa thân được khoét lỗ để tạo ra âm thanh. Ngay mỗi đầu ống có gắn hai thanh nứa để làm chỗ buộc và điều chỉnh dây đàn. Ống nứa được bào càng mỏng thì âm thanh càng hay và càng trong. Điều đặc biệt, so với các loại đàn khác, dây đàn Karong được chế ra từ lõi của sợi phanh xe đạp. Thế nên, cây đàn cất lên một thứ thanh âm lạ lẫm, nghe thô ráp, nhưng lại có sức vang và chứa đầy vẻ hoang sơ, bí ẩn đúng như nét mộc mạc, dân dã của cây đàn. Vĩ kéo của nó được làm từ cật nứa, dẹt, chiều dài tương đương 2/3 thân đàn.

So với những loại đàn dây có vĩ kéo (violes), cây đàn Karong của già vừa có thể dùng vĩ kéo, vừa gẩy hoặc búng trên một đoạn nhạc dài có tiết tấu dồn dập. Do thân đàn là ống nứa dài và hai dây căng ngay trên bề mặt nên tạo được âm vang tối đa khi gẩy. Hồ Khăm cho hay, muốn có được âm thanh như ý thì có thể điều chỉnh độ căng của dây đàn nhờ vào hai thanh nứa buộc hai đầu kia.

Nhìn đôi bàn tay đen sạm, thô ráp của Hồ Khăm, không ai nghĩ, một khi đôi bàn tay ấy tấu lên một bản nhạc quen thuộc nào đó thì thứ thanh âm ấy ma mị và có sức hút đến lạ. Tiếng đàn ấy vừa hoang sơ, bí ẩn như những cánh rừng đại ngàn sâu thẳm, vừa dung dị, mộc mạc như nụ cười tỏa nắng của những cô gái Khùa trên nương. Hay không cần nghe tiếng nhạc, chỉ cần nhìn vào người đàn ông đang say sưa, ngả nghiêng theo từng điệu đàn ấy cũng đủ hiểu già là một người có máu nghệ sỹ nhất cái bản xa xôi, nghèo khó dưới dãy Giăng Màn này. Đôi mắt mơ màng như đang trôi theo tiếng đàn, thỉnh thoảng khoe “nụ cười đen nhánh”, hoang dại. Đôi bàn tay trông sần sùi, thô ráp - dấu ấn của năm tháng bám núi, bám rừng kiếm sống, song cũng là yếu tố góp phần mang lại cho tiếng đàn của Hồ Khăm thêm độc đáo.

Ước muốn của già là có thể truyền dạy lại cách chơi đàn Karong cho con cháu người Khùa. (Trong ảnh: Già Hồ Khăm và con gái Hồ Thị Coòng trong tác phẩm “Trao truyền”).                                                                          Ảnh: Đức Thành
Ước muốn của già là có thể truyền dạy lại cách chơi đàn Karong cho con cháu người Khùa. (Trong ảnh: Già Hồ Khăm và con gái Hồ Thị Coòng trong tác phẩm “Trao truyền”). Ảnh: Đức Thành

Điều kỳ lạ là dù suốt mấy chục mùa rẫy qua, đôi bàn chân của già chưa một lần bước ra khỏi bản làng nghèo khó và cũng chưa từng biết đến một nốt nhạc hay nhạc cụ nào nhưng chỉ cần nghe qua một bài hát đôi, ba lần, già đã có thể chơi lại vanh vách bằng chính cây đàn Karong tự chế. Từ những bài hát về Bác Hồ, về cách mạng đến nhạc Lào, nhạc truyền thống của dân tộc Khùa, dù có khi chẳng thuộc hết lời nhưng Hồ Khăm vẫn có thể tự đánh và đệm đàn cho người khác hát. Già Hồ Khăm còn nhớ, thời còn trai trẻ, khi bản làng người Khùa chưa có ánh điện, những đêm trăng sáng, dân bản Pachoong lại tề tựu trên khoảnh sân nhỏ tràn ngập ánh trăng chỉ để nghe ông đàn. Và cũng chính tiếng đàn réo rắt ấy là cầu nối để chàng trai mồ côi Hồ Khăm nên duyên vợ chồng với người con gái cùng bản Hồ Thị Keo. Đã mấy chục mùa rẫy trôi qua, tiếng đàn Karong vẫn vang bên bếp lửa ấm cúng, trong căn nhà sàn cheo leo trên đỉnh đồi ấy. Đó là tiếng lòng của ông trong những lúc buồn đau, mệt mỏi hay mừng vui khi bản làng người Khùa đón mùa rẫy mới.

Trải qua bao mùa sương gió, rồi cũng đến lúc đôi bàn tay chơi đàn của già rệu rã đi nhiều, giờ đây, già Hồ Khăm chỉ ước ao được dạy lại cách làm và sử dụng cây đàn độc đáo này cho con cháu và đồng bào Khùa quê ông. “Ở bản ni, có Hồ Phoong, Hồ Xăng là vừa làm, vừa đánh được cây đàn ni nhưng tụi hắn không mê như miềng nên tụi hắn ít chơi lắm”, già Hồ Khăm cất giọng buồn buồn. Tiếng lòng ấy cũng tựa như nỗi niềm trăn trở của già làng Hồ Nhâm - người am hiểu sâu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Khùa: “Hồ Khăm là người làm và chơi cây đàn Karong giỏi nhất ở những bản làng người Khùa này. Sợ đến lúc thế hệ những người như Hồ Khăm mất đi, sẽ không còn ai biết đến và giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Khùa nữa”.

Đằng đẵng bao mùa mưa nắng, già Hồ Khăm vẫn đau đáu một nỗi niềm, liệu mai này có còn ai nhớ cây đàn này để tiếng đàn của nó và cả những điệu đàn, lời hát truyền thống của đồng bào Khùa mãi ngân vang mãi giữa đại ngàn mênh mang này? Nhưng vẫn tin rằng, còn có những người nặng lòng như già Hồ Khăm, Hồ Nhâm... thì những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khùa sẽ còn gắn bó, thiết thân với chính cuộc sống của họ. Và trước thần linh, tiên tổ, những người con của núi rừng ấy vẫn sẽ nguyện một lòng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha mình, như đỉnh Giăng Màn kia vẫn muôn đời thủy chung, son sắt.

Diệu Hương