.

Người "say" với văn hóa tộc người bản địa

Thứ Hai, 05/01/2015, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Muốn tìm hiểu về văn hoá các tộc người bản địa ở huyện Minh Hoá nói riêng và miền núi phía tây Quảng Bình nói chung, cánh nhà báo thường tìm đến ông. Chỉ cần chạm vào mạch nguồn, tầng kiến thức về văn hoá dân gian nơi đây là có thể "khách" không dứt nổi để ra về vì sự say sưa của ông. Ông là Đinh Thanh Dự, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Nghiên cứu văn hoá dân gian là cơ duyên...

Dáng người nhỏ, gầy gò, làn da hơi xạm đen nhưng đôi mắt tinh anh, lanh lợi, sáng rực như có lửa, nhất là mỗi khi ông hào hứng nói về kho tàng di sản văn hoá dân gian vô giá của các tộc người bản địa ở huyện Minh Hoá. Lần nào cũng vậy, ông tiếp chuyện chúng tôi ở góc làm việc nhỏ, với ngổn ngang các tập bản thảo, công trình nghiên cứu...

Dù đã ở xưa nay hiếm, ông Đinh Thanh Dự vẫn miệt mài với việc nghiên cứu văn hoá dân gian.
Dù đã ở xưa nay hiếm, ông Đinh Thanh Dự vẫn miệt mài với việc nghiên cứu văn hoá dân gian.

Ông kể, hành trình đến với hoạt động nghiên cứu văn hoá dân gian của ông thật ngẫu nhiên. Xuất phát từ người làm trong ngành giáo dục, rồi chuyển sang công tác ở Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Minh Hoá, không nghĩ có ngày mình lại gắn bó với lĩnh vực này, dù trước đó ông vốn đã rất ham mê sưu tầm tư liệu văn hoá dân gian các tộc người ở đây. Một lần, cơ duyên khiến ông gặp gỡ TS. Võ Xuân Trang, rồi sau này là GS-TS. Trần Trí Dõi, TS. Nguyễn Phú Phong... Ông, lúc ấy với tư cách là người của địa phương, giúp các nhà khoa học sưu tầm, nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá các tộc người ở Minh Hoá. Trước sự am hiểu, say mê của ông Dự, các nhà khoa học đã khuyến khích ông đi sâu vào sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá dân gian các tộc người, đặc biệt là người Nguồn.

Rồi những công trình nghiên cứu liên tục ra đời. Từ những tác phẩm đầu tiên "Truyện cổ người Nguồn" (1993), "Thơ cổ dân gian Nguồn" (1994) viết cùng TS. Trần Trí Dõi, TS. Võ Xuân Trang và tác phẩm "Bảo tồn và phát huy vốn văn hoá người Nguồn" (1994) do ông biên tập, xuất bản được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng thưởng 2 giải ba, 1 giải khuyến khích, ông như được tiếp thêm "lửa", có động lực để tiếp tục sự nghiệp của mình. Sự kiện được kết nạp là hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (năm 1993), hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình (năm 1995) khiến ông càng cảm thấy có trách nhiệm hơn với hoạt động nghiên cứu văn hoá dân gian. Ông không ngừng tìm tòi, thực hiện các chuyến điền dã, cố công sưu tầm những nguồn tư liệu quý về ngôn ngữ, đặc điểm sinh hoạt văn hoá... của người Nguồn, Rục, Sách, Mày, Khùa,...

Để có được những tư liệu quý ấy, ròng rã trong suốt 20 năm trời, ông cùng chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm của miền núi phía tây Quảng Bình. Ngắn thì vài ba ngày, dài có khi cả tháng; lúc một mình, lúc cùng các nhà nghiên cứu văn hóa khác, ông có mặt hầu như ở những vùng sâu, vùng xa nhất, cùng ăn, cùng ở với bà con dân tộc. Và gần như toàn bộ kinh phí trang trải cho hoạt động nghiên cứu, ông đều tự bỏ ra. Ông cười bảo: Thời kỳ đó, may nhờ cơm vợ và dân nuôi mình, chứ đồng lương của mình đem “nuôi” các công trình nghiên cứu hết rồi. Rồi ông nuối tiếc: Giá như còn sức khỏe, tôi muốn tiếp tục thực hiện những chuyến điền dã, vẫn còn nhiều điều chưa khám phá hết trong kho tàng văn hóa dân gian.                                  

Vùng miền núi Quảng Bình với những nét văn hoá độc đáo luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian.
Vùng miền núi Quảng Bình với những nét văn hoá độc đáo luôn hấp dẫn các nhà nghiên cứu như ông Dự.

Nói về ông, nhà nghiên cứu văn hoá Văn Tăng- Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Quảng Bình nhận xét: Ông Đinh Thanh Dự là người tham gia tổ chức Hội văn nghệ dân gian từ rất sớm, có công lao trong việc nghiên cứu văn hoá dân tộc ở huyện Minh Hoá- vùng quê còn ít người biết đến. Ông là người rất giàu nhiệt huyết, làm nghiên cứu công phu, nghiêm túc và đã có nhiều công trình ra đời. Tiếc rằng, ông cũng như nhiều nhà nghiên cứu khác ở địa phương, do điều kiện nên chưa thể phổ biến rộng rãi các công trình của mình. Nhẽ ra, được đầu tư, ông sẽ xuất bản được nhiều công trình hơn.

"Nghe hết, biết rõ, hiểu đúng"

Cụm từ ấy được nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đinh Thanh Dự nhắc đi nhắc lại trong mỗi câu chuyện. Sự cẩn trọng khi tìm hiểu và viết bài về văn hoá các tộc người ở Minh Hoá là điều mà ông luôn muốn chúng tôi hướng tới. Ông tâm niệm: làm nghiên cứu văn hoá phải đến nơi đến chốn, chưa biết rõ, hiểu đúng thì chưa nói, chưa viết. Những luận điểm đưa ra phải phù hợp với lý luận và thực tiễn văn hoá của tộc người đó, địa phương đó.

Xuất phát từ sự đam mê không có nghĩa chỉ làm việc theo cảm tính, ông Dự bảo: để bước vào lĩnh vực nghiên cứu văn hoá, ông phải trang bị cho mình phương pháp luận cơ bản. Ngoài vốn kiến thức về lý luận văn hoá, dân tộc học từng được học ở khoa Văn (Đại học Vinh), Trường Nguyễn Ái Quốc 1 Hải Dương (1974-1976), ông phải tự mày mò, học hỏi qua sách, báo chuyên ngành mà ông phải nhờ sinh viên mua hộ và học hỏi từ chính các đồng nghiệp của mình. Ông cho rằng: có phương pháp luận thì khi nghiên cứu mới có cái nhìn tổng thể và khoa học về các vấn đề trong văn hoá dân gian. Chẳng hạn, những tục lệ bí ẩn của tộc người Rục (thuật hấp hơi, thư phép...) hay tục "vén pìa" (phát quang đường giữa nương rẫy với rừng khi đốt nương làm rẫy) của người Nguồn... ngoài việc bảo đảm đời sống cho con người, nó còn phản ánh nét độc đáo về nhân sinh quan: sống yên ổn với rừng, giữ rừng. Đó chính là văn hoá sinh thái tự nhiên mà hiện nay chúng ta thường nhắc tới- ông Dự khẳng định.

Đến nay, ông Đinh Thanh Dự đã có "gia tài" với 40 công trình nghiên cứu riêng và viết chung với các tác giả khác. Trong đó, có những công trình được đánh giá cao, như: Văn hoá dân gian của người Nguồn ở Việt Nam (2011), Truyện dân gian Chứt - Nguồn ở Quảng Bình tập I (1994), Văn hoá dân gian Bru Vân Kiều-Chứt ở Quảng Bình tập I (2010),...

Ông cũng đã biên tập nhiều công trình có giá trị khác, như: Địa chí huyện Minh Hoá, Văn hoá phi vật thể của người Khùa ở Quảng Bình, Các tài liệu chữ Hán trong dân gian nói về con người và vùng đất Cơ Sa- Kim Linh,...

Nhiều công trình của ông đã được sinh viên, nghiên cứu sinh sử dụng, khai thác làm khoá luận tốt nghiệp cử nhân, luận văn thạc sỹ, luận án tiến sĩ; được phổ biến rộng rãi trong các sinh hoạt văn hoá văn nghệ tại địa phương.

Với sự cống hiến của mình, ông đã nhiều lần được UBND tỉnh tặng bằng khen, và năm 2013, được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 5 Trung ương Đảng khoá VIII, về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (1998-2013). Song có lẽ, chẳng có niềm vui nào lớn lao hơn khi "những đứa con tinh thần" của ông được ghi nhận: 1 giải nhì, 5 giải ba, 3 giải khuyến khích, 2 giải tặng phẩm do Hội Văn nghệ dân gian tặng thưởng; 2 giải C giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lưu Trọng Lư do UBND tỉnh tặng thưởng... là kết quả cả quá trình ông đam mê, dốc tâm sưu tầm, nghiên cứu về văn hoá dân gian.

Ông vẫn luôn đau đáu: "Mong muốn của những người làm việc sưu tầm và nghiên cứu các giá trị văn hoá dân gian ở huyện Minh Hoá là các giá trị văn hoá dân gian các tộc người bản địa ở Minh Hoá, ở Quảng Bình và ở Việt Nam được hết sức coi trọng sưu tầm, bảo tồn, phát huy đúng nó là nó; xin đừng nghiên cứu, nói và viết nó là "dị biệt" của tộc người khác, của cái khác mà đau lòng cho đồng bào tộc người bản địa đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt sáng tạo, lưu truyền lại các giá trị văn hoá dân gian vô giá của mình". Một niềm mong mỏi nữa của ông đó là: những công trình nghiên cứu đã được nghiệm thu sẽ được đầu tư, xuất bản để giới thiệu rộng rãi....

Ông tâm sự: Kho tàng văn hoá dân gian của các tộc người bản địa ở huyện Minh Hoá nói riêng, Quảng Bình nói chung có nhiều nét đặc sắc và đang đứng trước nguy cơ mai một. Nếu "chậm chân" trong việc sưu tầm, nghiên cứu, rất có thể sau này khó có thể tìm lại được. Đó chính là lý do khiến ông vẫn còn miệt mài với công việc sưu tầm, nghiên cứu dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm.

Trần Hương Lê