.

Đại ngàn quyến rũ

Thứ Bảy, 03/01/2015, 06:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi chính thức lạc vào thế giới âm nhạc của người Vân Kiều cư trú tại các bản làng ở hai xã Trường Xuân, Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) vào năm 2008, khi theo những chuyên gia Đan Mạch thực hiện Dự án phục dựng vốn văn hoá dân tộc thiểu số Quảng Bình do Quỹ Regional and ethnic culture fund tài trợ. Ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân, tôi gặp ông - già Hồ Văn Thương, sử dụng cây sáo Sui ru mềm cả đại ngàn...
 

Đội văn nghệ mà các thành viên đều là người thân trong gia đình già Thương.
Đội văn nghệ mà các thành viên đều là người thân trong gia đình già Thương.

Tôi trở về bản, rũ hết bụi đường xa ngái, ngồi bệt xuống sàn nhà. Già Hồ Văn Thương cái bụng ưng lắm, thương lắm! Mế Hồ Thị Hy, vợ già Thương khe khẽ hát bài Hưn con (ru con). Ngày cuối năm miền sơn cước se se lạnh, hơi núi chùng xuống. Cảm giác con người bé nhỏ lại, co mình lại, xích gần nhau hơn. Và tôi thanh thản, nhẹ nhõm khi tìm thấy trong ngôi nhà sàn cổ nhất bản Khe Dây, vốn văn hóa bản địa của đồng bào Vân Kiều không mất đi mà được già Thương, mế Hy giấu thật kỹ, truyền dạy cho em út, con cháu...

Già Thương cười rổn rảng... tâm hồn ông còn trẻ lắm! Ché rượu cần uống thâu đêm chưa chắc đã say. Mà nếu có say thì cây Sui điệu lại hay hơn, “nói chuyện” duyên hơn với từng nốt nhạc đàn tín tùng... “Tao như cây cột cái trong ngôi nhà sàn này. Cột còn săn chắc, vốn văn hóa tao gìn giữ không bao giờ khô cạn được, con ạ!”. Ông bảo thế, tôi tin... khi thời gian dùng để chứng minh trôi qua gần 7 năm tròn.

Quỹ Regional and ethnic culture fund ngày đó phê duyệt các dự án văn hóa tại Quảng Bình gồm: “Truyền dạy âm nhạc dân gian cho đồng bào dân tộc Vân Kiều tại xã Trường Sơn”; “Tổ chức lớp truyền dạy hát các làn điệu ví giao duyên của người Nguồn huyện Minh Hoá”; “Trang bị nhạc cụ phục vụ lễ hội cho đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân”; “Tổ chức lớp truyền dạy sử dụng nhạc cụ phục vụ lễ hội cho đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Xuân” và “Tổ chức liên hoan văn nghệ đồng bào dân tộc Vân Kiều hai xã Trường Xuân, Trường Sơn”.

Rất nhiều làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Vân Kiều nhanh chóng khôi phục lại nhờ những người già lưu giữ, thuộc nằm lòng, hay hát và hát hay nhất bản. Trong những buổi lên nương, lên rẫy, hái củi, lấy măng... người Vân Kiều đều biết hát tờ tịa ptả xra (hát ru trên nương), t’oại dựt lai (hát đối đáp), hưn con (hát ru con), sơ ro tơ may (hát mừng lúa mới). Những nhạc cụ trong gia tài văn hoá của người Vân Kiều như khèn A man, kèn Pi, đàn Tíntùng, đàn Plựa, Sui và các loại trống như trống to, trống dài, trống nhỏ; thanh la lớn, thanh la nhỏ; chiêng Mông, chiêng Cuông... được các nghệ nhân cao tuổi người Vân Kiều sưu tầm, sử dụng trong những lần dạy nhạc khí cho con cháu.

Những tiết mục văn nghệ dân gian thuộc Dự án phục dựng vốn văn hoá dân tộc thiểu số Quảng Bình do Quỹ Regional and ethnic culture fund hỗ trợ.
Những tiết mục văn nghệ dân gian thuộc Dự án phục dựng vốn văn hoá dân tộc thiểu số Quảng Bình do Quỹ Regional and ethnic culture fund hỗ trợ.

Nhắc đến câu chuyện về Quỹ Regional and ethnic culture fund dày công giúp đỡ, già Hồ Văn Thương tiếc ngùi ngùi: “Phục hồi, phục dựng đó rồi, nhưng không ai lưu giữ. Những già làng uy tín tiếc lắm, bàn nhau họp con cháu lại nhắn nhủ cố gắng nhớ, đừng có quên. Tất cả là bản sắc riêng có của mình. Yêu bản sắc văn hóa Vân Kiều, loại bỏ hủ tục, lạc hậu, lai căng. Bản làng Khe Dây, Khe Ngang ai cũng ưng cái bụng. Vậy mà giữ được đó”.

Già Hồ Văn Thương với tay lấy cây sáo Sui đưa lên miệng, không gian tràn ngập âm thanh réo rắt, tươi vui, mời gọi. Điệu Sui chưa dứt, dưới chân cầu thang rục rịch tiếng người. Đầu tiên là vợ chồng trưởng bản Khe Dây Hồ Vân, kế tiếp vợ chồng Hồ Trung đều em trai, em dâu già Thương. Tiếp nữa là vợ chồng con trai Hồ Vừa; vợ chồng hai thằng cháu nội Hồ Hơn, Hồ Vê... Mế Hồ Thị Hy ngồi bên già Thương, mắt lấp lánh niềm vui “Đó, cả đại gia đình mình thành một đội văn nghệ rồi đó! Âm nhạc truyền cho nhau đến ba đời rồi các con nhé. Và sẽ còn chảy tràn mãi mãi!”. Cây Sui của già Thương da diết, nỉ non; đàn Tín tùng Hồ Trung sử dụng buông từng nốt trầm trầm, âm ấm; Hồ Vê dùng đàn Plựa hoạ theo, tiếng vang trong trẻo, hiền hoà. Gác cây Sui sang một bên, già Thương cất tiếng hát, ông hát say sưa, âm nhạc quyện theo tiếng hát. Mế Hy hát theo, lời tựa theo chồng. Cả một không gian cô đọng lại trong men rượu, trong âm nhạc, trong chuếnh choáng...

Mấy năm đi xa, cái tình người Vân Kiều Trường Xuân không đổi. Với vợ chồng Hồ Vân, Hồ Vừa, Hồ Trung, tôi không là người lạ. Thằng Hồ Vê, Hồ Hơn ngày tôi đến bản mới là “chồi non”, quần cọc, tấm áo mong manh đang theo học cái chữ Bác Hồ, hồn nhiên như cây cỏ. Bây giờ chúng được dựng vợ, gả chồng. Già Thương, mế Hy lên chức cố nội, cố ngoại. Già Thương níu tay đứa cháu dâu mới Hồ Thị Nhung, vợ thằng Hồ Hơn giới thiệu với tôi. Bun (thiếu nữ) Hồ Thị Nhung học xong lớp 12 ở tỉnh về, nhà tận bản Km14, xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy), gương mặt thanh thoát, đẹp như trăng rằm, thằng Hồ Hơn tài hơn trai bản Ngân Thủy “cướp” được Nhung về làm vợ. Đại gia đình qua bốn đời cố kết đón tôi - đứa con trai xa về, ăm ắp tình...

Tiếng Sui vẫn tự sự, điệu Tín tùng lâng lâng, đàn Plựa da diết... Câu hát Vân Kiều dung dị, chân tình mãi vang xa, mãi ngân nga, neo giữ chân tôi - người lữ khách thôi khoan vội xuống núi.

Ngô Thanh Long