.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Kỷ niệm lính văn công với bộ đội Trường Sơn

Thứ Hai, 08/12/2014, 07:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Mỗi lần nhắc đến tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trước mắt tôi như vẫn hiện lên cảnh núi rừng trùng điệp với những dốc đá cheo leo, thác nước tuôn trào, những đoàn xe, đoàn quân lá ngụy trang xanh mướt, những bước chân hối hả hành quân...

Giữa đại ngàn Trường Sơn năm nào, dư âm về tiếng hát, tiếng đàn của những người lính văn nghệ đang cùng đồng hành với chiến sĩ trên đường ra trận vẫn vọng về. Đó là chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sơn (Đoàn 559) của Đoàn văn công Tỉnh đội Quảng Bình. Đây cũng là một vinh dự và tự hào của chúng tôi - những người lính trên mặt trận văn hóa-văn nghệ.

Sau khi nhận lệnh của thủ trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, chúng tôi dành thời gian 15 ngày tập trung xây dựng một chương trình mang tính xung kích với phương châm: gọn, nhẹ nhưng chất lượng phù hợp với hoàn cảnh thực tế ở Trường Sơn. Một ngày giữa tháng 5 năm 1968, đoàn xuất phát từ nơi đóng quân thuộc xã Lý Ninh (nay là phương Nam Lý) Đồng Hới. Ban Hậu cần Tỉnh đội điều động 2 xe tải (loại 3 cầu) chở phông màn, nhạc cụ, ba lô, lương thực, thực phẩm và 17 diễn viên cả nam lẫn nữ. Để tránh máy bay, đoàn xuất phát lúc 3h sáng.

Theo đường chiến lược 15, khi đến phà Long Đại, tất cả đều xuống xe vào hầm ẩn nấp vì máy bay C130 vòng lượn thả pháo sáng cho F4H ném bom vùng phụ cận. Sau loạt bom, hai xe vượt qua phà an toàn chạy thẳng đến Vạn Ninh, rẽ phải vào ngã 3 Đường 10 - một nhánh phía đông của đường Trường Sơn. Làm sao tả hết cảm xúc của chúng tôi khi được đến với cảnh vật và những con người huyền thoại có trong những ca khúc "Bài ca cánh võng", "Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây", "Bài ca Trường Sơn"... mà chúng tôi từng biểu diễn ở vùng đồng bằng, vùng ven biển.

Xe càng vào sâu, rừng đại ngàn Trường Sơn càng rợp bóng che phủ. Con đường càng gập ghềnh uốn khúc. Có lúc xe chạy hàng trăm mét giữa dòng suối, nước ngập gần hết bánh xe, tôi những cú xốc mạnh như trời giáng làm cho các diễn viên nữ nôn thốc nôn tháo...

Một tiết mục đơn ca nữ của Thúy Liễu phục vụ tại trận địa cao xạ pháo 37 ly năm 1968.  (Ảnh tư liệu của Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình)
Một tiết mục đơn ca nữ của Thúy Liễu phục vụ tại trận địa cao xạ pháo 37 ly năm 1968. (Ảnh tư liệu của Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình)

11h30, xe đến trạm tiền tiêu của Binh trạm 9, đón chúng tôi là một tiểu đội chiến sĩ trẻ. Hóa ra, nhận được tin văn công về biểu diễn, lãnh đạo Binh trạm đã cử anh em ra trước để giúp mang vác, vận chuyển trang bị cho đoàn về nơi tập trung. Mặc dù mệt lữ sau chuyến hành quân, nhưng khi ăn bữa cơm "dã chiến" xong, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị cho buổi biểu diễn đầu tiên tại Trường Sơn.

Sân khấu dã chiến là một khoảnh đất tương đối phẳng khoảng 50m2 nằm dưới các gốc cây săng lẻ cổ thụ được bộ đội phát sạch lau lách, cỏ dại; gần như không có khoảng cách giữa diễn viên với khán giả.
Công việc chuẩn bị vừa xong thì chung quanh sân khấu cũng đã tập kết khá đông khán giả. Tiếng cười, tiếng nói chào hỏi rộn ràng, qua đó có thể biết được khán giả từ nhiều miền quê về đây: Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An... Họ là chiến sĩ lái xe, lính công binh, pháo binh và cũng có cả TNXP...

Do có sự chuẩn bị trước nên chương trình biểu diễn của đoàn tuy mang tính xung kích nhưng cũng đa dạng phong phú, chiếm được tình cảm và cổ vũ của khán giả như: Tốp ca nữ "Gái giỏi quê ta", "Ngư Thủy anh hùng" sáng tác của Mạnh Đạt - người trực tiếp đánh đàn Accrcoodeol cho tốp nữ; đơn cá nữ Thúy Liễu với "Tiếng đàn ta lư", đơn ca nam Công Bằng với "Bài ca Trường Sơn", tốp cá nam "Chào em cô gái Lam Hồng", ngâm thơ "Gửi Huế - Trị Thiên" của Thanh Ngự, độc tấu đàn bầu "Vì miền Nam" của Sĩ Nhiếp,vv...

Còn nhớ một "sự cố" trong khi biểu diễn: Tiết mục hò khoan vấn đáp "Gái Đại Phong đẹp lòng trai chiến sĩ" (Công Bằng và Minh Lý thực hiện), khi đang ở độ cao trào, bỗng nhiên một con vắt rừng to như đầu đũa từ ve áo ngo ngoeo di chuyển lên má của Minh Lý đang say sưa diễn xuất! Tình huống quá bất ngờ làm cho Công Bằng không thể nén được nữa nên phì cười giữa sân khấu. Ngay cả khán giả do ngồi sát sân khấu cũng mục sở thị tình cảnh đó và... cùng đồng loạt cười ồ lên trong khi Minh Lý phát hiện, hốt hoảng phủi tay lia lịa gạt con vắt rơi xuống đất.

Sau trận cười, chương trình lại tiếp tục. Suốt 90 phút biểu diễn không khí cả một góc cánh rừng Trường Sơn như nóng lên bởi âm thanh của đàn, sáo, tiếng hát, những tràng vỗ tay động viên liên tục của bộ đội dành tặng cho văn công.

Theo kế hoạch, ngoài hai buổi biểu diễn tại cơ quan Binh trạm bộ, đoàn đã về đến tận nơi các kho hàng, các chốt trọng điểm khác của Binh trạm để phục vụ chiến sĩ. Có điểm phải hành quân hơn 10 km đường rừng mới đến nơi. Có ngày đoàn biểu diễn 3 suất đề ưu tiên cho những đồng chí đi công tác xã, hoặc trực chiến mới vê. Có những nơi không thể diễn ngày, đoàn đã phục vụ ban đêm dưới ánh sáng của đèn bão, đèn pin hoặc dưới ánh lửa bập bùng của ngọn đuốc cà boong, với số lượng khán giả có khi chỉ ngang, thậm chí ít hơn số lượng diễn viên của đoàn.

Tại một điểm chốt nơi đoàn đến phục vụ, do quá khó khăn trong quá trình vận chuyển thực phẩm hậu cần nên sau buổi biểu diễn, đơn vị không có gì bồi dưỡng cho văn công, thế là anh nuôi mới nảy ra sáng kiến: Lấy lương khô cho vào mũ sắt, giã vụn ra nấu chè chiêu đãi văn công. Một món ẩm thực độc nhất vô nhị: Chè lương khô - vừa mặn, vừa ngọt lại vừa béo. Thế mà cả chủ lẫn khách vẫn vô tư thưởng thức một cách ngon lành cho đến tận bát cuối cùng. Thật cảm động, những ngày ở Trường Sơn mới thấy được tình cảm đồng chí, đồng đội của chiến sĩ Trường Sơn với lính văn nghệ.

15 ngày trong chuyến biểu diễn phục vụ Binh trạm 9 - Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn chỉ là một quãng thời gian ngắn nhưng đã để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm khó quên. Từ tuyến đường, nhịp cầu dã chiến, mái lán nhà kho bên vách núi, hình ảnh người chiến sĩ mũ tai bèo súng khoác vai mồ hôi nhễ nhại theo bom nổ chậm mở đường nổi bật giữa màu xanh của đại ngàn Trường Sơn.

Những hình ảnh đó, kỷ niệm đó đã theo mãi với chúng tôi, những người lính văn nghệ và các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn - một tình cảm không bao giờ phai nhạt, như nhà thơ Tố Hữu đã nói:

"... Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa đến đó như chưa hiểu mình...".

Đoàn Thị
(Trưởng ban liên lạc CCB Đoàn Văn công Tỉnh đội Quảng Bình)