.

Nói "không" với linh vật ngoại lai

Thứ Sáu, 07/11/2014, 16:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Tháng 8-2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi các ban, bộ, ngành, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Và thực tế cho thấy, ngay tại nhiều cơ quan, đơn vị ở tỉnh ta, tình trạng sử dụng linh vật ngoại lai làm vật trang trí vẫn còn khá phổ biến.

Không hiểu nên... dùng bừa

Đi qua nhiều di tích, đền, chùa, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp... tại thành phố Đồng Hới, không khó để bắt gặp những con sư tử đá Trung Quốc cũng như các linh vật “lạ” được đặt ở những vị trí trang trọng, đặc biệt là ở các cổng vào. Không chỉ vậy, sư tử đá còn nghiễm nhiên xuất hiện, trấn giữ ở cổng các công trình đền, miếu, di tích lịch sử, thậm chí là được đặt lên ban thờ để cúng bái. Tại Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) cũng đặt hai con sư tử đá với tạo hình hung dữ ngay tại cổng đền. Những linh vật ngoại lai này cũng án ngữ ở trước một vài ngôi nhà riêng nằm rải rác trên khắp địa bàn thành phố Đồng Hới, Ba Đồn, Lệ Thủy...

Những tượng sư tử đá xuất xứ từ Trung Quốc xuất hiện trước cổng các cơ quan, đơn vị thường có thân hình to lớn, gân guốc, móng vuốt sắc nhọn, cặp mắt trợn trừng trông dữ tợn. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, tượng sư tử này được người Trung Quốc dùng đặt ở các lăng mộ để trấn an nơi yên nghỉ của người đã khuất, chống lại tà ma. Khi du nhập vào Việt Nam, do nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa của nó và cho rằng đây là biểu trưng cho sức mạnh, quyền lực, mang đến may mắn, tài lộc cho con người, nên tượng sư tử đá ngoại lai đã được nhiều người sử dụng làm đồ trang trí, thờ cúng và cầu may.

Tượng sư tử đá vẫn đang được đặt trước cổng của nhiều doanh nghiệp.
Tượng sư tử đá vẫn đang được đặt trước cổng của nhiều doanh nghiệp.

Theo TS Sử học Nguyễn Khắc Thái, người Việt Nam cũng có phong tục thờ sư tử đá, thế nhưng, sư tử đá của Việt Nam không có nét dữ dằn, hằm hè như sư tử đá Trung Quốc. Sư tử đời Lý của Việt Nam mang yếu tố hoa mỹ, bờm ép sát cơ thể, đuôi mềm mại uyển chuyển... Ngoài sư tử đá, người Việt có truyền thống thờ những con vật gần gũi, gắn với đời sống sinh hoạt hằng ngày nên những linh vật Việt Nam thường có tạo hình thân thiện, dễ gần, không ghê gớm, đáng sợ như những linh vật ngoại lai đang sừng sững tồn tại trước cổng nhiều cơ quan, doanh nghiệp và nhà riêng như hiện nay. Nhiều người sử dụng các linh vật ngoại lai nhưng lại không hiểu hết giá trị văn hóa của chúng, dùng mà không cần biết đến xuất xứ của những linh vật ấy vì họ nghĩ đơn giản, đó chỉ là một vật để trang trí. Cũng có thể, việc sử dụng những linh vật để thờ cúng, trang trí chỉ là xuất phát từ cái tâm, sự thành kính nhưng vì thiếu tìm hiểu dẫn đến sử dụng không đúng thì sẽ bị coi như sự tự xóa nhòa bản sắc, làm “lệch chuẩn văn hóa”.

Giữ lấy bản sắc

Sau khi công văn yêu cầu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch được gửi đi và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều cơ quan, đơn vị và nhà riêng đã tự nguyện di dời, phá bỏ các tượng linh vật ngoại lai. Thế nhưng, đến nay, trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn rất nhiều các đơn vị, doanh nghiệp đang trưng bày nhiều linh vật bằng đá, án ngữ ngay trước cổng ra vào.

Theo ông Nguyễn Phấn Đấu, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì trước thực trạng đó, Sở đã yêu cầu phòng văn hóa các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, thống kê những linh vật ngoại lai trên địa bàn, đồng thời đã có công văn tham mưu cho UBND tỉnh để tiến hành công tác vận động người dân di dời các linh vật ngoại lai này. Đến thời điểm này, hầu hết tượng sư tử đá Trung Quốc đã được dời ra khỏi trụ sở các cơ quan công quyền, di tích lịch sử, văn hóa. Riêng đối với một số doanh nghiệp, cơ sở buôn bán, kinh doanh, sư tử đá không chỉ đơn giản để trang trí mà còn mang ý nghĩa tâm linh, cầu may nên cần thời gian tuyên truyền, vận động để họ hiểu và di dời chúng theo yêu cầu. “Nếu sau một thời gian, họ vẫn không tự giác di dời, Sở sẽ có biện pháp xử lý”, ông Chánh Thanh tra Sở khẳng định.

Để thuận lợi cho việc nghiên cứu, tham khảo trong quá trình vận động, kiểm tra và xử lý vi phạm, Cục Mỹ thuật -  Nhiếp ảnh - Triển lãm cũng đã gửi công văn đến các địa phương giới thiệu những mẫu tượng linh vật truyền thống của Việt Nam để người dân lựa chọn sử dụng. Trong đó, tiêu biểu nhất là nghê, chó đá và những con vật gắn với đời sống sinh hoạt của người Việt, có tạo hình gần gũi, thân thiện với người thưởng lãm... Do đó, bên cạnh việc di dời các linh vật ngoại lai ra khỏi không gian di tích, sinh hoạt, cần song song phổ biến các linh vật thuần Việt để người dân hiểu được nét đẹp và những đặc trưng của văn hóa, mỹ thuật dân tộc truyền thống.

Một cựu giáo chức tại xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) thẳng thắn khẳng định: Việc đưa sư tử đá ngoại lai vào đền, các khu di tích - những nơi lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc ta là điều không thể chấp nhận, vì không khéo sẽ làm méo mó, xóa nhòa bản sắc văn hóa, khiến nhiều người lầm tưởng và hiểu sai lệch về nền văn hóa của dân tộc. Những thứ gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa của người Việt nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ thành phổ biến, trở thành thói quen không tốt trong văn hóa.

Trong thời đại nền kinh tế mở, việc tiếp thu các nền văn hóa là điều nên làm nhưng giữa chộn rộn những điều mới lạ, cần tiếp thu những cái hay, cái đẹp trên tinh thần học hỏi, loại bỏ những cái xấu, tiêu cực để giữ lấy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Diệu Hương