.

Xu hướng báo chí thế giới: Lượng phát hành báo in vẫn tăng

Thứ Tư, 11/06/2014, 10:16 [GMT+7]

Theo điều tra về các xu hướng báo chí thế giới hàng năm mới được Hiệp hội Báo chí và Các nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA) công bố ngày 9-6, việc kết hợp giữa bản in và bản điện tử đang làm gia tăng lượng người đọc báo trên khắp thế giới, tuy nhiên doanh thu từ báo điện tử lại không được như mong đợi.
 

Ảnh minh họa. (Nguồn: Themediabriefing.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Themediabriefing.com)

Bản điều tra này thu thập thông tin từ 1.000 hãng tin tức, tổng biên tập và các thành viên cấp cao của các tòa soạn báo.

Ông Larry Killman, Tổng Thư ký WAN-IFRA đã công bố kết quả điều tra nói trên tại Hội nghị báo chí thế giới lần thứ 66, Diễn đàn Biên tập viên thế giới lần thứ 21 và Diễn đàn quảng cáo thế giới lần thứ 24 tại Turin, Italy.

“Nếu các công ty báo chí không thể tạo ra lợi nhuận từ ấn bản điện tử, cũng như không thể đưa tới những lợi ích hấp dẫn và lâu dài cho người đọc và nhà quảng cáo, sản phẩm tin tức của họ chỉ là loại xoàng xĩnh, chẳng có gì khác biệt giữa hàng ngàn nguồn tin. Tìm ra mô hình kinh doanh bền vững cho thông tin điện tử không chỉ mang ý nghĩa quan trọng với doanh nghiệp mà còn cho tương lai của những tranh luận trong xã hội dân chủ," ông Larry Killman - Tổng Thư ký WAN-IFRA, nói.

Lượng phát hành báo in năm 2013 tăng 2%

Theo kết quả điều tra, số lượng báo in phát hành trên toàn cầu năm 2013 tăng 2% so với năm trước đó nhưng lại giảm 5% sau 5 năm. Khoảng 2,5 tỷ người trên thế giới đọc báo in và 800 triệu người đọc báo điện tử.

Số lượng báo in phát hành có xu hướng tiếp tục tăng ở những quốc gia mà tầng lớp trung lưu chiếm đa số và sự phổ biến của Internet băng thông rộng còn tương đối thấp; trong khi tại những thị trường phát triển, nơi người đọc chuyển dần từ báo in sang báo điện tử, con số này sẽ giảm xuống.

Lượng báo in phát hành ở châu Á năm 2013 tăng 1,45% và ở châu Mỹ Latinh tăng 2,56% so với năm trước đó. Lượng báo in giảm 5,29% ở Bắc Mỹ, ở Australia và châu Đại Dương giảm 9,94%, ở châu Âu giảm 5,2%, ở Trung Đông và châu Phi giảm 1%.

Trong 5 năm, lượng phát hành báo in ở châu Á tăng 6,67%, ở châu Mỹ Latinh tăng 6,26%, ở Trung Đông và châu Phi tăng 7,5%; trong khi ở Bắc Mỹ lại giảm 10,25%, ở Australia và châu Đại Dương giảm 19,59% và ở châu Âu giảm 23,02%.

Quảng cáo trên báo in giảm 6%

Cũng theo kết qua khảo sát, quảng cáo trên báo in toàn cầu giảm 6% trong năm 2013 so với năm trước đó và giảm 13% sau 5 năm. Quảng cáo trên các trang báo điện tử tăng 11% trong năm 2013 và 47% trong vòng 5 năm, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với quảng cáo trên mạng Internet. Đa phần lợi nhuận quảng cáo trên Internet chỉ rơi vào tay một số công ty, và công ty thu lợi lớn nhất từ quảng cáo là Google.

Quảng cáo trên báo in ở châu Mỹ Latinh tăng 3,9% trong năm 2013 so với năm trước đó nhưng ở các khu vực khác, quảng cáo đều giảm, cụ thể ở châu Á giảm 3,2%, ở Bắc Mỹ giảm 8,7%, ở châu Âu giảm 8,2%, ở Trung Đông và châu Phi giảm 1,8%.

Trong vòng 5 năm, quảng cáo trên báo in ở châu Á-Thái Bình Dương tăng 3,3%, ở châu Mỹ Latinhinh tăng 49,9%, ở Bắc Mỹ giảm 29,6%, ở châu Âu giảm 17,9%, ở Trung Đông và châu Phi giảm 21,1%.

Quảng cáo trên báo điện tử tiếp tục phát triển nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ tổng doanh thu từ báo chí. Trên toàn cầu, 93% doanh thu của báo chí tới từ báo in.

Tổng doanh thu từ báo in toàn cầu tăng đều qua các năm và đạt 163 tỷ USD năm 2013, tuy nhiên con số này thấp hơn so với doanh thu 187 tỷ USD năm 2008.

Báo điện tử có thu phí tăng 60% năm 2013 và tăng hơn 200% trong 5 năm, bất chấp xuất phát điểm tương đối thấp.

Ông Killman cho rằng: “Mọi người đều hiểu "tiền nào của nấy" và người đọc sẵn sàng bỏ tiền để đọc những thông tin trên báo điện tử. Mặc dù có rất nhiều nguồn tin miễn phí, người đọc vẫn sẵn sàng chi tiền cho những thông tin được trình bày và biên tập một cách chuyên nghiệp, độc lập, có tính giải trí và hấp dẫn."

Báo chí nỗ lực hút người đọc

Điều tra về xu hướng báo chí thế giới thu thập dữ liệu từ hơn 70 quốc gia, chiếm hơn 90% giá trị xuất bản toàn cầu. Các dữ liệu được chiếu theo khối lượng hoạt động công việc khổng lồ của hàng loạt các tờ báo và các tổ chức thông tin và truyền thông của các quốc gia, cùng như từ những nguồn cung cấp thông tin toàn cầu như Zenith Optimedia, IPSOS, ComScore, RAM và ITU.

Trong khi báo chí vẫn chiếm một lượng người đọc lớn trên mạng Internet, thách thức lớn nhất với các nhà xuất bản vẫn là làm thế nào để giữ người đọc lại với phiên bản điện tử. Mặc dù 46% dân số thế giới truy cập vào các trang báo điện tử, báo chí vẫn chỉ là một mảng thông tin nhỏ với người dùng Internet, chỉ chiếm 6% tổng lượng người truy cập, chiếm 0,8% lượng trang web được truy cập và 1,1% tổng thời gian người dùng sử dụng trên Internet.

Điều tra nói trên chỉ ra rằng, báo chí đã và đang tìm cách tăng lượng người đọc qua nhiều cách như sau:

+ Tăng cường kết nối với người đọc qua truyền thông xã hội, qua đó xây dựng thương hiệu.

+ Sử dụng chiến lược marketing để quảng cáo thông tin mới và cung cấp cho người đọc những ưu đãi.

+ Cải tiến thiết kế trang báo và chuyển hướng giữa các trang tin dựa trên ý thích của người đọc để khuyến khích lượng người đọc.

+ Tăng cường hiểu biết về người đọc dựa trên những lần truy cập trước đó để tăng cường trải nghiệm và thời gian người đọc truy cập.

Bản điều tra còn cho thấy tivi chiếm thị phần quảng cáo lớn nhất trong tổng doanh thu từ quảng cáo toàn cầu với 40,1%, theo sau đó là Internet với 20,7%, báo in với 16,9%, tạp chí với 7,9%, quảng cáo ngoài trời với 7%, quảng cáo trên radio với 6,9% và quảng cáo tại các rạp chiếu phim với 0,5%.

Giá trị của ngành công nghiệp báo chí hàng năm thu về từ bán các ấn phẩm và quảng cáo là 163 tỷ USD, của công nghiệp phát hành sách là 102 tỷ USD, của công nghiệp phim ảnh là 87 tỷ USD, của công nghiệp âm nhạc là 50 tỷ USD.

Giá trị thị trường của báo chí ở châu Á là 36%, ở châu Âu là 34%, ở Bắc Mỹ là 21% và ở châu Mỹ Latinh là 9%.

Trong khi doanh số từ bán lẻ báo chí giảm 26% từ năm 2008, doanh thu từ đặt mua dài hạn chỉ giảm 8%, cho thấy lượng người đọc trung thành tăng lên.

Theo Mai Nguyễn (Vietnam+)