.

Góc nhìn văn hóa: Nên xây dựng công viên tượng dọc bờ sông Nhật Lệ

Thứ Hai, 09/06/2014, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta nói chung và TP Đồng Hới nói riêng đang thực sự đổi thay từng ngày với hàng loạt công trình cầu, đường, khu đô thị mới; các chính sách thu hút đầu tư; các điểm du lịch thu hút khách thập phương... đã làm thay đổi bức tranh toàn cảnh từ miền xuôi cho đến miền ngược.

Trong đó, thành phố Đồng Hới được xem là trái tim giữ nhịp cho sự phát triển ấy. Trải qua thời gian, với sự thay đổi về chính sách quản lý, phát triển đô thị, bộ mặt của thành phố đã, đang và sẽ khởi sắc để xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội... của cả tỉnh.

Với vị trí địa lý hiện tại thành phố Đồng Hới là một trong những đô thị đẹp đầy quyến rũ đối với du khách trong và ngoài nước. Nhưng cũng giống như nhiều nơi khác, dù đã trải qua bao lần “lột xác”, mỗi lần đến với Đồng Hới, ta vẫn có cảm giác đô thị này đang thiếu một vài yếu tố để có thể trở thành điểm đến quan trọng vùng duyên hải miền Trung.

Công viên dọc bờ sông Nhật Lệ cần thêm nhiều bức tượng có giá trị về văn hóa và thẩm mỹ.
Công viên dọc bờ sông Nhật Lệ cần thêm nhiều bức tượng có giá trị về văn hóa và thẩm mỹ.

Đó là, Đồng Hới quá dư thừa quán nhậu, quán café nhưng lại thiếu không gian vui chơi giải trí công cộng, chưa có những nét riêng (trong đó có yếu tố con người-N.V) để trở thành “đặc sản” làm mê đắm con tim du khách. Ngoài những sản vật địa phương, sắp tới Đồng Hới sẽ đưa vào vận hành thử nghiệm xe điện trên một số tuyến đường, có lẽ nên mạnh dạn hoạch định xây dựng một công viên tượng dọc bờ sông Nhật Lệ-cạnh tuyến đường Quách Xuân Kỳ và Nguyễn Du-để tô điểm thêm vẻ đẹp cho thành phố và cũng là không gian văn hóa có ý nghĩa đối với mỗi người khi đặt chân đến miền đất này. Muốn thành công với ý tưởng công viên tượng, các cơ quan có thẩm quyền nên học tập kinh nghiệm của một số địa phương đã thực hiện, như TP. Huế chẳng hạn.

Ở miền cố đô, công viên tượng được xây dựng từ năm 1996, và qua nhiều cuộc thi hiện đã có hàng chục bức tượng do các nhà điêu khắc trong và ngoài nước sáng tác đặt dọc bờ sông Hương để tạo thành một không gian rất đẹp. Nếu mang ra so sánh thành giữa Đồng Hới và Huế có nét tương đồng, đó là hai thành phố đều có dòng sông chảy qua  trung tâm nên rất dễ để học những điều hay, có giá trị trong phát triển đô thị.

Tuy nhiên, TP. Đồng Hới là địa phương chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, do vậy để xây dựng công viên tượng cần chọn lựa những loại vật liệu có khả năng chống chọi với thời tiết, thiên tai.

Hiện dọc theo bờ sông Nhật Lệ đã có tượng đài Mẹ Suốt, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng làm trung tâm, chúng ta có thể phát triển thêm một chuỗi các tượng mang tính nghệ thuật với kích thước vừa phải nhưng phải đa dạng về chủ đề nhằm tránh sự nhàm chán.

Muốn vậy cần tổ chức một cuộc thi với sự tham gia của các điêu khắc gia tiếng tăm trong và người nước để chọn lựa những bức tượng có giá trị về văn hóa, thẩm mỹ... mang dáng dấp của vùng đất này để phục vụ nhu cầu của người dân và níu giữ bước chân lữ khách.

Minh Văn