.

Thơ Nguyễn Thế Nhân

Thứ Ba, 20/05/2014, 13:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Đọc bốn mươi lăm bài thơ trong “Khát chiều” của Nguyễn Thế Nhân, cảm nhận đầu tiên là ngoài đôi ba bài tả thực “Thu Ba Đình”, “Tháng sáu”... thi pháp thơ của tác giả vẫn ổn định và vững.

Thơ là nghệ thuật của tâm trạng, là tiếng nói của cảm xúc mà ta quen gọi là “tiếng lòng”. “Khát chiều” đã chạm được tới nỗi đời, nỗi người thông qua cách trình diện những nỗi niềm riêng tư. “Hát cho chiều”, “Gia tài”, “Mối tình câm”, “Người đàn bà”... đều là những khúc ca dìu dặt mà ám ảnh về thân phận con người sau chiến tranh.

Một người thương binh vừa cụt tay vừa mù lòa gảy đàn bằng khúc cẳng tay trên sân ga mỗi ngày: “Nốt nhạc cất/ như người leo núi/...Cỏ non thành cổ một thời”. Một người đàn bà chờ ba mươi năm “Đón người đàn ông về trên vai đồng đội... Ba mươi năm đất dày lá rụng/ Ba mươi năm trời lau khói súng”, “Người đàn bà đẩy xe lăn/ Dìu chồng đi nhặt nắng/ Gom nụ cười sau bánh xe thầm lặng”- những dòng thơ ma mị, ám ảnh, càng đọc kỹ càng đau.

Không giống nhiều cây bút khác thường miêu tả trực diện hình hài hoặc trạng huống đau khổ chông chênh của “Phận người”, Nguyễn Thế Nhân gắng hiểu để mổ xẻ tâm trạng của “đối tác”, chia sẻ và chuyển tải bằng bút pháp siêu thực gây được hiệu ứng đa chiều, cấp số nhân. “Đi tìm núi” là bài thơ có giá trị cao trong tứ thơ và thủ pháp nghệ thuật. Xin trình làng sau đây hai đoạn thơ giống nhau về thi tứ nhưng cách mổ xẻ, cấp độ xử lý và bút pháp khác nhau nên hiệu ứng cảm xúc cũng không giống nhau.

Cách nay chừng mươi năm, trong tập “Hoa bất tử” của một tác giả nữ có hai câu về nỗi đau hậu chiến khá ấn tượng: “Chiến tranh rùng mình nhang khói/ Chị tìm chồng ven núi mây bay”. Một câu thơ có ảo ảnh nhưng vẫn là tả thực. Cũng vẽ chân dung và hoàn cảnh  tìm chồng sau cuộc chiến nhưng Nguyễn Thế Nhân nâng lên một tầm vóc và ngữ nghĩa cao hơn và... sâu hơn: “Người đàn bà ngược dòng tìm núi/ Trường sơn xanh rung bản vĩ cầm/ Tiếng súng chết con đường đã nguội/ Lối mòn xưa lau lách tích trầm”- Ngược dòng! Ký ức? Thời gian? Địa hình? Gió? Nước? Sự lãng quên, vô cảm?... Có lẽ là tất cả, khiến chân dung và nội lực chủ thể lớn lao và mạnh mẽ hơn.

Người đàn bà của triệu người đàn bà, chờ chồng hết chiến tranh, cất bước đi tìm “núi”- những người đàn ông vắng mặt trong hàng vạn đêm dài khao khát, hay tìm lại chính mình thuở ngan ngát phù sa chờ nảy mầm hạt giống. Hình tượng thơ bỗng siêu thực, và lớn, và gây hiệu ứng cảm nhận, cảm xúc dữ dội, đau sâu tận cõi lòng.

“Khát chiều” không chỉ nhăm nhăm “lội” về miền ký ức. Trái tim người con của làng thúc giục nhà thơ cao giọng cảnh báo về sự xâm thực của mặt trái thương trường, công nghiệp, sự bào mòn văn hóa, xáo trộn giá trị đạo đức, cảnh báo về sự mất mát nhãn tiền những giá trị vĩnh hằng: “Nén nhang cong vẽ khổ lên trời/ Gửi thác thiêng người đi đất ở/ Tiếng máy âm âm tan tác cánh cò”(Làng ơi!), “Mẹ ở đâu? Em ở đâu?/ Câu ca dao cũng trôi luôn về biển”...

Nguyễn Thế Nhân cũng không quên dành một “khoảnh” thơ cho thiếu nhi. Chạm địa hạt này, giọng thơ anh dịu hẳn lại, hồn nhiên tươi tắn sáng trong: “Mặt trời nho nhỏ/ Mải làm quên chơi/ Lấy muối biển khơi/ Đội lên cục lửa” (Mặt trời của bé). Với mùa thu: “Vầng trăng bước ra cửa/ Dắt mùa thu rong chơi” là: “Đêm rằm vương trong gió/ Hương cốm dạo quanh làng”. Những câu thơ vừa dẫn trên đây không xa lạ với tuổi thơ nhưng tạo được cảm xúc thẩm mỹ, có tác dụng hấp dẫn các em vào thế giới của cái đẹp, và mộng, và hư ảo, cổ tích...

Có vẻ như “ Khát chiều” là bản tổng phổ nhiều gam màu nóng lạnh, sáng tối, nhiều cung bậc trạng thái ái- ố-nộ-hỷ... được biểu đạt trên nền cảm xúc chân thực, được chắt lọc tinh túy, thăng hoa vừa phải, những tứ thơ, ý thơ được làm mới, nhiều ý nhiều câu khá bất ngờ. Đọc “Khát chiều”, cảm nhận được nội lực thi ca trong hồn thơ và thái độ lao động nghệ thuật của Thế Nhân. Cảm giác như viết mỗi câu mỗi chữ tác giả đều nhớ trách nhiệm thi sĩ.

Cũng có lúc tác giả tung tẩy điệu đàng hai câu hơi sáo: “Anh cầm súng bởi yêu em từ đấy/ Nên bao giờ cũng thấy đang trai”. Câu thơ nhẹ, sắp nổi lên như rều rác, như bọt xốp bỗng chững lại được nhờ hai câu nặng ký của khổ sau: “Anh xin gửi lại mùa thu trước/ Câu thơ thương viết thuở hẹn hò”. Dễ thương biết bao là chữ: “câu thơ thương” (chứ không là “câu thơ yêu”).

Không phải chỉ với “Khát chiều”, hình như thơ Nguyễn Thế Nhân luôn sẵn sàng đứng về phía thua thiệt, chia sẻ bao dung- Chỉ thế mới có nhiều độc giả nghiêng về “phe” ông.

Nguyễn Thế Tường

------------------------------------------------------------------------

* Đọc “Khát chiều"- Nhà xuất bản Thuận Hóa 4-2014