.

Phát huy bản sắc văn hoá Quảng Bình

Thứ Hai, 19/05/2014, 13:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", các địa phương, đơn vị đã quan tâm hơn đến hoạt động văn hoá với nhiều việc làm cụ thể thiết thực, góp phần bảo tồn, phát huy  bản sắc văn hóa vùng đất Quảng Bình.

Kết quả thực hiện Nghị quyết TW5, tỉnh ta đã thu được nhiều thành quả quan trọng. Đời sống văn hoá của đại bộ phận người dân ngày càng nâng cao, sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng phong phú. Việc bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống văn hóa đã được các địa phương coi trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân, làm tăng sức mạnh nội sinh, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tiến trình hội nhập và phát triển.

Thời gian qua cùng với việc thực hiện Nghị quyết TW5, gắn với việc tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã mang lại hiệu ứng tích cực không chỉ trên lĩnh vực văn hoá mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội.

Điển hình có thành phố Đồng Hới là đơn vị thực hiện có hiệu quả, làm được nhiều việc theo tinh thần Nghị quyết TW5. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Hoàng Nhật, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết, đặc thù của đô thị Đồng Hới là trẻ, dân cư từ các vùng miền trong tỉnh đến định cư rất đông nên việc xây dựng bản sắc văn hoá của vùng đất này hết sức khó khăn. Vì vậy Đồng Hới đã chọn điểm đột phá để thực hiện chương trình là, tập trung chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh, văn hoá đô thị. Từ kết quả đó sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động khác để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của một trung tâm tỉnh lỵ, vốn có bề dày truyền thống văn hoá. Thời gian 15 năm chưa dài, nhưng qua thực hiện Nghị quyết TW5, văn hoá thành phố đã có bước phát triển vượt bậc cả về chiều rộng và chiều sâu. 

Nhiều người khi trở lại Đồng Hới đều có chung cảm nhận đô thị Đồng Hới đang đổi thay khởi sắc qua từng ngày. Chỉ tính riêng trong 15 năm (2000- 2014), nhân dân thành phố đã đóng góp trên 12 tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở và huy động gần 15  tỷ đồng xây dựng được 150/155 nhà văn hóa tiểu khu với đầy đủ trang thiết bị cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục, thể thao. Các trò chơi dân gian truyền thống được thành phố bảo tồn và phát huy.

Trong các dịp lễ tết, ngày kỷ niệm các địa phương đều có hoạt động hưởng ứng, chào mừng như: hội cướp cù, chọi gà, bài chòi, cờ thẻ, cờ người, múa bông chèo cạn, lễ hội cầu ngư... và các lễ hội xuống đồng (xã Lộc Ninh), lễ hội rằm tháng giêng (phường Hải Đình), lễ hội cầu ngư (xã Bảo Ninh, phường Hải Thành). Các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật dân gian như: hội thi “làng vui chơi, làng ca hát”, hội thi đàn hát dân ca, Liên hoan giai điệu thành phố Hoa Hồng... Các công trình văn hóa có giá trị lịch sử được thành phố đầu tư trùng tu, tôn tạo, như: Quảng Bình Quan, thành Đồng Hới, Bến đò Mẹ Suốt, Di tích lưu niệm Hồ Chủ Tịch... Bộ mặt các tuyến phố dần dần được đổi thay khang trang sạch đẹp, làm say đắm lòng người.

Lễ hội đua thuyền Lệ Thuỷ, được bảo tồn hàng trăm năm nay
Lễ hội đua thuyền Lệ Thuỷ, được bảo tồn hàng trăm năm nay

Đặc biệt mới đây thông qua các hoạt động kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, khắp các địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT chào mừng. Tại thành phố Đồng Hới đã diễn ra chuỗi sự kiện quan trọng với các hoạt động mà trọng tâm là Tuần văn hoá du lịch thu hút hàng vạn người tham gia. Một lần nữa minh chứng cho sự phát triển mãnh liệt của văn hoá vùng đất Quảng Bình, mặc dầu trải qua biết bao thăng trầm, biến cố lịch sử hàng trăm năm nay, nhưng nét đẹp văn hoá tuyền thống ấy vẫn không gì thay đổi.

Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Di sản văn hóa phi vật thể gồm các loại hình văn hóa dân gian, văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, mỹ thuật, mỹ nghệ và các ngành nghề truyền thống, phong tục tập quán, lối sống, ứng xử... đã được gìn giữ phát huy.

Đặc biệt là những giá trị về văn hóa cổ (di chỉ văn hoá Bàu Tró), đã từng bước được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục. Trong các kỳ lễ hội, tuần lễ văn hoá Đồng Hới, đua thuyền Lệ Thuỷ, Rằm tháng ba Minh Hoá... đã khai thác các loại hình nghệ thuật dân gian, góp phần làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa Quảng Bình. Gần đây có lễ hội Phong Nha-Kẻ Bàng với sự khám phá hang động kỳ vĩ thực sự  đã tạo được dấu ấn đặc trưng sâu đậm cho vùng đất Quảng Bình.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm. Dân tộc Vân Kiều đang còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc thiểu số này. Người Vân Kiều có nghề dệt zèng (dệt vải thổ cẩm) đang được truyền bá từ đời này qua đời khác trong các bản làng dân tộc. Một số lễ hội dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào Vân Kiều đang được quan tâm phục hồi và phát huy như: lễ cúng giàng, cúng cơm mới, các làn điệu dân ca đàn lá, đàn môi, hát mừng đón cô dâu...Tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, nhiều địa phương đã khôi phục lại bản sắc văn hoá của vùng đất địa phương mình.

Thí dụ một việc làm tuy nhỏ nhưng rất ý nghĩa của dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông Quảng Bình. Dự án này đã phối hợp với UBND xã Trường Sơn và Công ty TNHH truyền thông Cát Vàng khai giảng lớp truyền dạy âm nhạc truyền thống Bru-Vân Kiều cho các em học sinh Trường Dân tộc nội trú-THCS Trường Sơn và 5 nghệ nhân người dân tộc Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn. Từ đó tạo hạt nhân phát triển rộng ra cả tộc người Bru-Vân Kiều trên dãyTrường Sơn. Hoặc như gần đây Hội Di sản Văn hoá Việt Nam tỉnh tổ chức tọa đàm giới thiệu kế hoạch, phương thức tiến hành cuộc thi sáng tác thơ Đường luật và thơ lục bát truyền thống với chủ đề "Quảng Bình-Khúc ca nguồn cội" (2013-2014).

Lễ hội đua thuyền truyền thống của người dân huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh vùng đất "nhất Đồng Nai, nhì hai huyện" vẫn còn lưu giữ và ngày một phát huy cả về quy mô và chiều sâu nội dung. Như đã trở thành nét văn hoá truyền thống, vào dịp Quốc khánh 2-9 hàng năm người dân hai huyện Lệ Thuỷ và Quảng Ninh tổ chức đua thuyền mừng Tết Độc lập thu hút con em khắp mọi miền đất nước về dự lễ.

Huyện Lệ Thuỷ được xem là địa phương đi đầu trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Trong những năm qua, dù chịu tác động thăng trầm của nền kinh tế, nhưng Lệ Thủy vẫn quan tâm công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Toàn huyện hiện có 43 di tích (trong đó có 13 di tích văn hóa cấp Quốc gia, 4 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và 26 di tích đang được đề nghị xếp hạng). Đặc biệt với phương châm xã hội hoá, các địa phương trong huyện vẫn duy trì được 228 đội văn nghệ, 35 câu lạc bộ văn hóa, hoạt động thường xuyên, nội dung phong phú, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân.

Có thể nói rằng Nghị quyết TW5, thực sự là luồng gió mới đã khơi dậy nét đẹp văn hoá tuyền thống trên vùng đất Quảng Bình, nó là tiền đề quan trọng để đưa lại thắng lợi trong thực hiện đường lối đổi mới quê hương.

Trọng Thái